kinh phí phục vụ công tác phổ biến giáo dục pháp luật
Có thể nhận thấy rằng kinh phí, cơ sở vật chất và các phương tiện tiến hành công tác phổ biến giáo dục pháp luật có tác động quyết định đến hiệu quả của việc triển khai thực hiện chương trình tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật. Trong giai đoạn trước đây vấn đề này được coi là một nguyên nhân gây khó khăn cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Vì vậy, trong thời gian tiếp theo đòi hỏi phải có sự đầu tư thỏa đáng về cơ sở vật chất cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, người đứng đầu tổ chức phải có trách nhiệm cụ thể về đầu tư cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong phạm vi khả năng cho phép của mình.
Trong thời gian 5 năm trở lại đây công tác này đã được quan tâm nhiều hơn, Bộ tài chính đã ban hành Thông tư số 63/2005/TT-BTC ngày
05/08/2005 hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Tuy nhiên, trên thực tế thực hiện giữa các địa phương, các bộ, các ngành công tác này đã không được thực hiện đồng đều và thống nhất. Do nhiều địa phương còn nghèo, khó khăn mà kinh phí do ngân sách nhà nước cấp hàng năm còn hạn chế không đáp ứng được yêu cầu của hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật. Hơn nữa có thể xảy ra tình trạng một số phương thức tuyên truyền pháp luật như thông qua hòa giải cơ sở,… lại có quy định là do địa phương tự bố trí, sắp xếp dẫn đến tình trạng công tác phổ biến giáo dục pháp luật đã không được quan tâm thỏa đáng ở một số địa phương, đơn vị.
Vì vậy, trong Luật phổ biến giáo dục pháp luật phải xây dựng quy định về cơ chế kinh phí đảm bảo cho hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật. Đảng và Nhà nước đã xác định hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật là sự nghiệp chung của toàn đảng, toàn dân và nhà nước giữ vai trò nòng cốt. Nguồn kinh phí phục vụ cho công tác này là chính sách của nhà nước. Hàng năm các địa phương, các bộ, ngành sẽ phối hợp với cơ quan tài chính cùng cấp để lập dự toán kinh phí chi ngân sách cho hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật hàng năm đã được duyệt.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cũng phải được thực hiện thông qua hợp tác quốc tế. Hơn nữa, công tác này ngày càng được xã hội hóa sâu rộng nên bên cạnh nguồn kinh phí ngân sách nhà nước thì nên vận dụng nguồn hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trong và ngoài nước có điều kiện.
Đồng thời, để khắc phục ngay các vướng mắc về thể chế thì đòi hỏi Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật của Chính phủ và Bộ tài chính cần sớm nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định về quản lý, sử dụng nguồn kinh phí phổ biến giáo dục pháp luật, bảo
đảm triển khai thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật thuận lợi hơn. Các quy định phải xây dựng tiêu chí rõ ràng về việc cấp nguồn kinh phí thực hiện chương trình phổ biến giáo dục pháp luật cụ thể, đảm bảo sự phân bổ kinh phí phổ biến giáo dục pháp luật thống nhất đối với từng địa phương, các Bộ, các ngành. Ngoài ra cần quan tâm đến việc nghiên cứu, xây dựng chế độ hỗ trợ cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Bên cạnh việc đầu tư cho cơ sở vật chất thì cần phải nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật, phương tiện hiện đại để nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Việc sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư cho hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật phải đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, thiết thực. Hơn nữa, để không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật trong bối cảnh mới hiện nay cần phải mở rộng phạm vi xã hội hóa một số hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật, huy động sự tham gia, đóng góp tự nguyện của của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước cho hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật.
Chế độ hỗ trợ, bồi dưỡng cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật cũng cần phải có cơ chế đầu tư cho phù hợp. Từ đó tạo động lực khuyến khích.
KẾT LUẬN
Vai trò của hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đối với việc xây dựng, nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đặc biệt trong giai đoạn xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong tình hình mới. Công tác phổ biến giáo dục pháp luật ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò của mình và được coi là bộ phận trung tâm trong hệ thống giáo dục chính trị, tư tưởng đặt dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam. Với nhiều chính sách, chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng và nhà nước cũng như sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp, các ngành từ trung ương xuống địa phương công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật ngày càng phát triển mạnh mẽ đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ.
Những kết quả mà công tác phổ biến giáo dục pháp luật đạt được đã tạo ra sự chuyển biến rõ rệt đối với ý thức pháp luật của cán bộ, nhân dân : hiểu biết về tri thức pháp luật, thái độ tôn trọng và tuân thủ pháp luật ngày càng cao. Tỷ lệ vi phạm pháp luật trong nhiều lĩnh vực đời sống xã hội giảm đáng kể.
Tuy nhiên, để tiếp tục phát huy vai trò này thì chúng ta phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp chủ yếu để đẩy mạnh, nâng cao chất lượng của công tác phổ biến giáo dục pháp luật từ đó nhằm hoàn thiện, nâng cao ý thức pháp luật cho nhân dân đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới hiện nay.