thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân trong thời gian vừa qua để xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật đảm bảo sự phù hợp và tính khả thi thực hiện hiệu quả trên thực tế.
3.2. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
3.2.1. Xây dựng và hoàn thiện thể chế cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phổ biến, giáo dục pháp luật
Yêu cầu đặt ra đối với các nhà làm luật là sớm kiện toàn nội dung dự thảo của Luật phổ biến giáo dục pháp luật để trình Chính phủ và Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt và ban hành. Đồng thời cũng phải kịp thời ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật để tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình áp dụng luật.
Luật phổ biến giáo dục pháp luật phải đề cập tới các nội dung cơ bản của hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật một cách chung nhất, thống nhất áp dụng trong cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng phải chi tiết hóa, cụ thể về các chương trình, hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật phụ thuộc vào đặc điểm địa bàn địa phương, đối tượng được tuyên truyền, nội dung tuyên truyền, hình thức tuyên truyền...
Để góp phần xây dựng và hoàn thiện thể chế hoạt động của hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật chúng ta cần khẩn trương ban hành Luật phổ biến giáo dục pháp luật áp dụng thống nhất trong toàn quốc. Dự thảo Luật phổ biến giáo dục pháp luật vẫn đang được Ban soạn thảo và tổ dự án Luật trao đổi, lấy ý kiến đóng góp. Chúng ta nên xây dựng theo hướng như sau:
* Phân biệt các khái niệm liên quan như tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; thông tin pháp luật và phổ biến giáo dục pháp luật
Khái niệm hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật là khái niệm mang tính chất bao quát, tổng hợp. Nhưng ý nghĩa của mỗi cụm từ tuyên truyền, phổ biến và giáo dục lại khác nhau về bản chất. Do đó chúng ta phải nghiên cứu, tìm hiểu và làm rõ nội hàm của từng khái niệm để có những vận dụng phù hợp.
Tuyên truyền pháp luật: là hoạt động giới thiệu nội dung pháp luật cần tuyên truyền đến người dân mạng tính chất bề rộng không chú trọng đến chiều sâu. Trọng tâm của hoạt động này nhằm vào việc phổ biến rộng rãi nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Qua đó người được tuyên truyền mới nắm bắt được tinh thần chủ đạo của văn bản pháp luật đó chứ chưa hiểu sâu về nội dung chi tiết của các quy định pháp luật. Theo ý kiến của ông Đinh Ngọc Vượng, Viện nhà nước và pháp luật trong phiên họp đầu tiên (ngày 18/02/2009) của ban soạn thảo Luật phổ biến giáo dục pháp luật cho rằng: "80% dân số Việt Nam sinh sống ở khu vực nông thôn nên việc đưa Luật thuế thu nhập cá nhân về phổ biến cho họ là không cần thiết mà chỉ cần tuyên truyền cho họ biết là được rồi" [8].
Phổ biến pháp luật: là hoạt động phổ biến từng quy định cụ thể của một văn bản pháp luật, từ đó người được phổ biến sẽ tiếp thu được thông tin pháp luật cần thiết nhất định để họ có nhận thức đúng đắn và xử sự phù hợp với quy định của pháp luật. Qua hoạt động này họ hiểu được yêu cầu của pháp luật đặt ra đối với họ như thế nào khi rơi vào hoàn cảnh, tình huống mà pháp luật đã dự trù trước.
Giáo dục pháp luật: là sự tác động có hệ thống và thường xuyên, liên tục tới ý thức của con người nhằm trang bị cho họ những kiến thức pháp luật nhất định không bị giới hạn bởi các chương trình đào tạo tại các trường
chuyên hoặc không chuyên luật mà còn thông qua nhiều hình thức khác nhau của hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật.
Ngoài ra, chúng ta cần phân biệt rõ khái niệm "thông tin pháp luật" và phổ biến giáo dục pháp luật: bởi lẽ thông tin pháp luật không đơn thuần là phổ biến các văn bản pháp luật mà nó còn bao gồm việc phổ biến thực thi pháp luật, chấp hành pháp luật, đời sống pháp luật, những dư luận, phản hồi của nhân dân… Nhưng trên thực tế hàng năm các bộ, ngành các cấp ban hành rất nhiều văn bản pháp luật cũng như văn bản trả lời đơn từ của nhân dân nếu mang tất cả ra để phổ biến lại cho nhân dân thì quá nhiều không thể thực hiện được.
* Các hình thức, phương tiện tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật:
Bên cạnh các hình thức truyền thống như tuyên truyền miệng, tuyên truyền qua mạng lưới truyền thanh cơ sở, hòa giải cơ sở, trợ giúp pháp lý… thì trong bối cảnh hiện nay cùng với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ thông tin các hình thức tuyên truyền mới ngày càng được phát huy như qua báo chí (đặc biệt là báo điện tử), mạng lưới internet…
Do chưa có văn bản pháp luật quy định cụ thể nên việc thực hiện hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật được áp dụng gần như không thống nhất, mặc dù có tính đến yếu tố linh hoạt với từng đối tượng và địa phương. Vì vậy, chúng ta nên quy định một số hình thức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật chính giữ vai trò chủ đạo trong hệ thống các hình thức hiện nay đang áp dụng (chủ yếu là những hình thức tuyên truyền truyền thống và một số hình thức hiện đại có sự ứng dụng của khoa học công nghệ hiện đại). Bên cạnh đó nên có quy định mở hướng dẫn về sự vận dụng linh hoạt, phối kết hợp giữa các hình thức này với nhau để đạt hiệu quả cao nhất.
Thực tế cho thấy là hầu hết các hình thức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật được thực hiện đan xen nhau, lồng ghép với nhau và hiệu quả là rất cao. Theo tôi việc liệt kê một cách dàn trải quá nhiều hình thức tuyên
truyền phổ biến giáo dục pháp luật trong văn bản Luật phổ biến giáo dục pháp luật là không cần thiết.
* Nội dung pháp luật được tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật
Hàng năm hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, các bộ được ban hành rất nhiều chưa kể đến các văn bản hướng dẫn thi hành cũng như các văn bản của địa phương để hướng dẫn thực hiện trên thực tế. Nếu như tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đến người dân tất cả những văn bản trên thì đó là điều không thực hiện được cả về phía người tuyên truyền lẫn người được tuyên truyền. Đó là việc làm đôi khi là lãng phí và không cần thiết. Vì chúng không đạt được mục đích cuối cùng của phổ biến giáo dục pháp luật là nâng cao ý thức pháp luật cho nhân dân.
Trên cơ sở hệ thống các văn bản pháp luật đó cần lựa chọn nội dung pháp luật phù hợp đối với từng đối tượng, đặc điểm tình hình của vùng, miền cụ thể. Hay có thể lấy đó làm các tiêu chí để làm căn cứ xác định nội dung pháp luật cần tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, nhân dân. Theo tôi không nên liệt kê các nội dung pháp luật cần tuyên truyền trong văn bản Luật vì sẽ rất nhiều không dự trù được hết những sự thay đổi của hệ thống pháp luật Việt Nam. Nên chăng chúng ta sẽ quy định thành hai mảng nội dung: luật chung và luật chuyên ngành. Từ đó Chính phủ, các Bộ, các ngành cũng như các địa phương trên cơ sở luật quy định sẽ khoanh vùng và xác định được những nội dung pháp luật nào cần tuyên truyền phổ biến cho cán bộ, nhân dân.
Ví dụ: đối với đồng bào người dân tộc miền núi ở vùng sâu vùng xa thì họ cần được tuyên truyền về nội dung liên như giống cây trồng, đất đai, trồng và bảo vệ rừng, biên giới quốc gia trong các Luật trồng và bảo vệ rừng, Luật biên giới quốc gia... chứ không thể đưa luật biển, hàng hải để phổ biến cho họ; đối với người sử dụng lao động và người lao động cần phổ biến cho họ những văn bản liên quan đến quyền, nghĩa vụ như thỏa ước lao động tập
thể, hợp đồng lao động…). Tức là chúng ta phải xác định được và tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật những gì mà người dân cần.
Thực tế, trong thời gian qua cho thấy mặc dù hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật được thực hiện rất sôi nổi và đạt được nhiều thành tựu nhưng mà mới chỉ tập trung tuyên truyền phổ biến hệ thống văn bản pháp luật trong nước còn các điều ước, văn bản quốc tế khác hầu như là không có. Như vậy, để đáp ứng yêu cầu trong tình hình hiện nay đặc biệt từ khi nước ta gia nhập WTO thì việc tuyên truyền phổ biến các công ước, điều ước quốc tế trong khu vực và trên thế giới là điều không thể thiếu được.
* Đối tượng được tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật
Đối tượng cần được tuyên truyền phổ biến pháp luật là tất cả những người Việt Nam đang sinh sống ở trong nước và nước ngoài; đồng thời còn có người nước ngoài ở Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn phải tiếp tục dành sự quan tâm cho các nhóm đối tượng ưu tiên là: nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ; cán bộ, công, chức; thanh thiếu niên; người lao động người quản lý; cán bộ công đoàn và lực lượng vũ trang nhân dân.
Trong Luật phổ biến giáo dục pháp luật cũng phải quy định giống như trong Chương trình phổ biến giáo dục giai đoạn 2008 - 2012 đã bổ sung thêm hai nhóm đối tượng là: người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài ở Việt Nam.
Bên cạnh đó một vấn đề cần phải xem xét là, đối tượng được tuyên truyền phổ biến pháp luật không đơn thuần chỉ là cá nhân mà nên quy định thêm là tổ chức, doanh nghiệp. Vì trên thực tế trong hoạt động tổ chức, quản lý, sản xuất, kinh doanh họ rất cần được tuyên truyền phổ biến pháp luật chung hoặc theo yêu cầu riêng phục vụ cho hoạt động của mình.
* Chủ thể thực hiện việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật
Hiện nay, chủ thể thực hiện công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật bao gồm: đội ngũ cán bộ làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật
thuộc hệ thống các cơ quan tư pháp từ trung ương xuống địa phương (Bộ Tư pháp, Phòng tư pháp huyện, Ban tư pháp của xã); tổ chức Pháp chế trong các Bộ, cơ quan ngang Bộ; cán bộ, công chức các cơ quan thực thi pháp luật.... Ngoài ra, còn có đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, phóng viên, biên tập viên pháp luật trong các cơ quan báo chí, xuất bản, giáo viên giảng dạy môn giáo dục công dân, pháp luật.
Song song với các chủ thể có nhiệm vụ thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật thì cần huy động sự ủng hộ, hỗ trợ cần thiết của tất cả các chủ thể khác để công tác phổ biến giáo dục pháp luật đạt hiệu quả mong muốn.
Đối với người dân nông thôn, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo thì trình độ dân trí còn hạn chế và vẫn quen sống theo thói quen phong tục, tập quán là chủ yếu. Theo ý kiến của bà Phương Hoa - Vụ trưởng Vụ pháp chế, Ủy ban dân tộc thì nên bổ sung thêm đối tượng thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật là già làng, trưởng bản thì mới đạt hiệu quả của công tác phổ biến giáo dục pháp luật vì cho rằng: cán Bộ Tư pháp không hiểu phong tục, tập quán so với họ. Nhưng theo tôi không nhất thiết phải đưa đối tượng này vào thành phần những người thực hiện việc phổ biến giáo dục pháp luật. Tuy rằng họ là người am hiểu về phong tục, tập quán và có tiếng nói với đồng bào, dân tộc nhưng kiến thức về pháp luật của họ rất hạn chế, nếu sử dụng là người thực hiện phổ biến giáo dục pháp luật chúng ta lại phải đào tạo không những về tri thức pháp luật mà cả phương thức thực hiện.
Hơn nữa, từ trước đến nay trong đội ngũ cán bộ làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật vẫn duy trì những cán bộ là người biết tiếng dân tộc, tiếng địa phương. Bản thân các cán Bộ Tư pháp trong khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình họ cũng đã phải tiếp xúc, tìm hiểu phong tục, tập quán của người dân địa phương. Hơn nữa, các hình thức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho người nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số đã được thực hiện
bằng nhiều hình thức thiết thực như các chuyên trang phát sóng trên ti vi bằng tiếng dân tộc, hay các ấn phẩm, tờ rơi cũng được xuất bản bằng tiếng dân tộc. Theo tôi thì chúng ta nên sử dụng các già làng, trưởng bản theo hướng: với tư cách là người hỗ trợ, giúp đỡ công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong những trường hợp cần thiết để có thể giúp cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật của đội ngũ cán Bộ Tư pháp đạt kết quả cao nhất.