- Đối tượng khen thưởng: Cũng giống như đối tượng thi đua, đối tượng khen thưởng rất rộng bao gồm: Công dân Việt Nam, các cơ quan nhà
2.2.1.2. Các quy định về khen thưởng
- Về đối tượng khen thưởng: Theo quy định tại khoản 3, Điều 20 và khoản 2, Điều 21 Nghị định 42/2010/NĐ-CP, Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh để tặng cho các tập thể có quy mô lớn, gồm có: Bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cấp quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, tổng cục thuộc bộ, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước (và tương đương), do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập hoặc tập thể có chức năng nhiệm vụ đặc biệt.
Việc quy định cụ thể các đối tượng được tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, xuất phát từ tính chất cao quý của các loại Huân chương trên, nhằm thu hẹp phạm vi những tập thể được tặng thưởng. Tuy nhiên, quy định này không phù hợp với quy định về đối tượng áp dụng quy định tại điều 2, Luật Thi đua, Khen thưởng đó là "cá nhân, tập thể người Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài và cá nhân, tập thể người nước ngoài", cũng như đối tượng áp dụng quy định tại Điều 2, Nghị định 42/2010/NĐ-CP gồm: Công dân Việt Nam, các cơ quan nhà nước, tổ chức
chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, nghề nghiệp, tổ chức kinh tế thuộc các thành phần kinh tế, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, người Việt Nam ở nước ngoài; người nước ngoài, cơ quan tổ chức nước ngoài và các tổ chức quốc tế ở Việt Nam. Việc xác định loại đối tượng cụ thể như trong Nghị định cũng dễ dẫn đến tình trạng không bao quát hết các đối tượng trên thực tế đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định xét tặng. Bên cạnh đó, về bản chất, nội dung này cũng không phù hợp, đồng bộ nội dung quy định về tiêu chuẩn của Luật Thi đua, Khen thưởng.
- Quy định về tiêu chuẩn khen thưởng tại Nghị định quy định chi tiết thi hành trái với quy định tại Luật Thi đua, Khen thưởng:
+ Khoản 3, Điều 34 Luật Thi đua, Khen thưởng quy định:
Huân chương Sao vàng để tặng cho tập thể đạt các tiêu chuẩn sau: Lập được thành tích xuất sắc liên tục từ 10 năm trở lên trước thời điểm đề nghị; nội bộ đoàn kết, tổ chức đảng, đoàn thể trong sạch, vững mạnh. Có quá trình xây dựng và phát triển từ 50 năm trở lên, trường hợp đã được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh phải có quá trình xây dựng và phát triển từ 45 năm trở lên [21]. Theo quy định trên, việc tập thể đã được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh không phải là một trong những tiêu chuẩn "cứng" để được tặng Huân chương Sao vàng. Bởi vì, chỉ những tập thể có quá trình xây dựng và phát triển từ 45 năm đến dưới 50 năm mới cần tiêu chuẩn "đã được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh", đối với những tập thể đã có quá trình xây dựng và phát triển từ 50 năm trở lên thì không cần có tiêu chuẩn này. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 3, Điều 20 Nghị định số 42/2010/NĐ-CP thì một trong những tiêu chuẩn để tập thể được xét tặng Huân chương Sao vàng là "đã được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh từ 10 năm trở lên". Quy định tại này không phù hợp với khoản 3, Điều 34 Luật Thi đua, Khen
thưởng và gây ra sự không thống nhất trong việc áp dụng pháp luật về thi đua, khen thưởng.
+ Tương tự như quy định đối với Huân chương Sao vàng, khoản 2, Điều 21, Nghị định số 42/2010/NĐ-CP quy định một trong những tiêu chuẩn để tập thể được xét tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh được là "đã được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất hoặc Huân chương Quân công hạng nhất từ năm năm trở lên" và quy định này cũng trái với quy định tại khoản 2, Điều 35 Luật Thi đua, Khen thưởng (nếu tập thể có quá trình xây dựng và phát triển từ 40 năm trở lên thì không cần tiêu chuẩn đã được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất hoặc Huân chương Quân công hạng nhất).
- Một số tiêu chuẩn xét tặng các danh hiệu vinh dự nhà nước quy định tại các văn bản pháp luật chưa hợp lý, vô hình chung tạo ra các ưu đãi nhất định cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, mà chưa thực sự chú trọng đến những người trực tiếp thực thi nhiệm vụ, người trực tiếp lao động, công tác.
Ví dụ: Theo quy định tại Thông tư số 22/2008/TT-BGDĐT ngày 23/4/2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hướng dẫn về quy trình, thủ tục và hồ sơ xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, một trong những tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân là:
Đối với giảng viên các trường cao đẳng, đại học, các trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang: là chủ biên nhiều giáo trình, chủ trì đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, hoặc chủ trì nhánh đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước được ứng dụng có hiệu quả trong giảng dạy, được Hội đồng khoa học cấp Bộ, cấp Nhà nước đánh giá và xếp loại tốt; đào tạo được nhiều tiến sĩ [6].
Việc quy định chủ trì viết giáo trình, chủ trì nghiên cứu đề tài đề tài nghiên cứu khoa học… sẽ tạo lợi thế cho cán bộ làm công tác quản lý, đồng
thời gây khó khăn cho người trực tiếp giảng dạy, trực tiếp nghiên cứu. Bởi lẽ, trên thực tế việc chủ trì các đề tài khoa học cấp Nhà nước hoặc cấp Bộ thường do cán bộ lãnh đạo, quản lý thực hiện.
- Một số quy định về tiêu chuẩn xét tặng các hình thức khen thưởng còn mang tính định tính, chưa cụ thể, nhất là đối với danh hiệu Anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân được quy định tại Điều 60, 61 Luật Thi đua, Khen thưởng và Điều 43, 44 Nghị định 42/2010/NĐ-CP. Theo quy định, đây là danh hiệu rất cao quý được tặng cho các tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc; quy trình thủ tục xét tặng cũng được quy định rất chặt chẽ (trên cơ sở tờ trình của các bộ, ngành, địa phương, ý kiến của các cơ quan chức năng và báo cáo thành tích của tập thể, cá nhân, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương họp, thảo luận, bỏ phiếu kín đối với từng trường hợp, các trường hợp có số phiếu đồng ý của 90% thành viên hội đồng trở lên, Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương mới trình Thủ tướng Chính phủ). Tuy nhiên, hiện nay tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Anh hùng theo quy định của Luật và Nghị định còn chung chung, thành tích của tập thể, cá nhân không được xem xét dưới các tiêu chí cụ thể, gây khó khăn cho Hội đồng khi thảo luận và bỏ phiếu.
Ví dụ: Điều 44, Nghị định số 42/2010/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho cá nhân như sau:
a) Có tinh thần dám nghĩ, dám làm, lao động sáng tạo, đạt năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả công tác cao nhất tỉnh, thành phố hoặc ngành (có cùng tính chất công việc và cùng ngành nghề), đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đơn vị, địa phương, ngành và đất nước; b) Có nhiều thành tích trong công tác nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới; có sáng kiến cải tiến hoặc giải pháp có giá trị, có sản phẩm, công trình khoa học hoặc có tác phẩm sáng tạo văn học, nghệ thuật nổi
tiếng, có giá trị đặc biệt, được ứng dụng trong sản xuất, công tác, đem lại hiệu quả cao về kinh tế, xã hội; c) Có bản lĩnh chính trị vững vàng, có công lớn trong việc bồi dưỡng, đào tạo cho đồng nghiệp và thế hệ trẻ hoặc trong việc hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh cho địa phương, cho ngành; d) Có tinh thần trách nhiệm cao, nỗ lực, vượt khó, tận tụy với công việc, cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư; chấp hành nghiêm chỉnh các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; nêu cao tinh thần hợp tác, tương trợ; là hạt nhân xây dựng sự đoàn kết, thống nhất, là tấm gương sáng xây dựng cuộc sống văn hóa trong đơn vị và gia đình [12].
Việc quy định tiêu chuẩn không cụ thể cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng một số trường hợp đã được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng nhưng thành tích chưa thực sự nổi bật, không tạo được sự đồng thuận cao của xã hội, làm giảm tính cao quý của các danh hiệu.
- Tính bất hợp lý trong quy định về khen thưởng quá trình cống hiến: Thông tư số 01/2007/TT-VPCP quy định:
Việc khen thưởng cho các đối tượng giữ chức vụ, quản lý, lãnh đạo… có quá trình cống hiến lâu dài trong các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trước hết triển khai cho các đối tượng đã từ trần, đã nghỉ hưu mà chưa được khen thưởng và các trường hợp có quyết định thông báo nghỉ chế độ; các đối tượng khác chỉ xét và đề nghị khen thưởng khi cán bộ đó sắp đến tuổi nghỉ chế độ mà không còn đủ số năm công tác tiếp theo để được đề nghị khen thưởng ở mức cao hơn [27].
Việc xét và đề nghị khen thưởng cho các cá nhân sắp đến tuổi nghỉ chế độ như trên không phù hợp với các tiêu chuẩn chung về khen thưởng quá trình cống hiến. Bởi vì việc khen thưởng quá trình cống hiến căn cứ vào
thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý của cá nhân trong các cơ quan, tổ chức và trong thời gian công tác phải lập được thành tích xuất sắc, không phạm khuyết điểm lớn. Nếu việc xét khen thưởng cho các đối tượng này được thực hiện khi cá nhân "sắp đến tuổi nghỉ chế độ…", thì trong thời gian từ khi được khen thưởng đến khi nghỉ chế độ theo quy đinh người đó vẫn có thể vi phạm pháp luật, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự, dẫn đến việc phải thu hồi quyết định khen thưởng, trong khi Luật Thi đua, Khen thưởng mới chỉ đề cập đến vấn đề tước danh hiệu mà chưa quy định về việc thu hồi quyết định khen thưởng do có vi phạm sau khi được khen thưởng.
- Sự thiếu thống nhất và không đầy đủ trong quy định về thẩm quyền khen thưởng:
+ Đối với Huy hiệu, Kỷ niệm chương, Điều 69 Luật Thi đua, Khen thưởng quy định: "Kỷ niệm chương hoặc Huy hiệu để tặng cho cá nhân có đóng góp vào quá trình phát triển của bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội"; các cơ quan này quy định cụ thể về tên, đối tượng, tiêu chuẩn được tặng kỷ niệm chương và đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng ở trung ương. Tuy nhiên hiện nay tại điều 69 Luật Thi đua, Khen thưởng mới chỉ quy định thẩm quyền ban hành Huy hiệu, Kỷ niệm chương đối với bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội mà chưa quy định thẩm quyền này đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Việc ban hành Huy hiệu, Kỷ niệm chương để tặng cho nhân dân và cán bộ có thành tích đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển của tỉnh, thành phố là nguyện vọng chính đáng, thời gian gần đây một số tỉnh, thành phố và cử tri đã có đề nghị về vấn đề này. Vì vậy, cần quy định thẩm quyền ban hành Huy hiệu, Kỷ niệm chương cho cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
+ Đối với Bằng khen, khoản 2, Điều 70, Luật Thi đua, Khen thưởng quy định có hai loại Bằng khen là: "Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ" và
"Bằng khen cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương". Việc tập thể, cá nhân được tặng Bằng khen cũng là một trong những cơ sở, căn cứ quan trọng để xét tặng thưởng các hình thức khen thưởng cao hơn. Tuy nhiên, tại Điều 73, Luật Thi đua, Khen thưởng lại quy định "Việc Khen thưởng bằng hình thức bằng khen của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội do cơ quan trung ương của các tổ chức này quy định".
Như vậy, quy định về hình thức khen thưởng Bằng khen giữa Điều 70 và điều 73 Luật Thi đua, Khen thưởng có sự không thống nhất với nhau. Điều 70 quy định các loại bằng khen, Điều 73 lại mở rộng các loại bằng khen khác không thuộc các loại bằng khen đã quy định tại điều 70. Việc mở rộng hình thức Bằng khen đối với hệ thống các cơ quan thuộc tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội vừa không phù hợp với Điều 70, vừa tạo ra sự không thống nhất trong mặt bằng khen thưởng ở các Bộ, ban, ngành và các địa phương. Trên thực tiễn hiện nay một số tổ chức chính trị - xã hội (như Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh), đã ban hành các loại bằng khen trong hệ thống cơ quan của mình, dẫn đến ở cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ngoài Bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố theo quy định, còn có Bằng khen của các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh theo quy định của cơ quan trung ương các tổ chức này, gây khó khăn trong việc xác định thứ bậc các loại bằng khen và tạo ra sự không tương quan đối với thẩm quyền quyết định khen thưởng bằng hình thức giấy khen của các sở, ban, ngành thuộc tỉnh.