Thời hạn hiệu lực hợp đồng nhượng quyền thương mại có yếu tố nước ngoà

Một phần của tài liệu Pháp luật về Hợp đồng nhượng quyền thương mại có yếu tố nước ngoài dưới giác độ pháp luật Việt Nam và tương quan so sánh với pháp luật một số nước trên thế giới (Trang 71)

tố nước ngoài

Là một trong những căn cứ làm cơ sở để các bên chấm dứt hoặc gia hạn hợp đồng, điều khoản thời hạn hợp đồng có giá trị quan trọng đối với hợp đồng nhượng quyền thương mại có yếu tố nước ngoài. Tùy thuộc vào cách nhìn nhận của pháp luật từng quốc gia mà thời hạn hiệu lực của hợp đồng được ấn định cụ thể trong văn bản quy phạm pháp luật hoặc đề cao ý chí thỏa thuận của các bên, nhưng tựu chung lại đều hướng đến quyền lợi cao nhất của các bên trong hợp đồng. Phần lớn thời hạn nhượng quyền nằm trong khoảng từ năm đến mười năm, nhưng đôi khi Bên nhượng quyền áp đặt những khoảng thời hạn ngắn hơn để có thể đánh giá doanh nghiệp trên cơ sở tiến triển hàng ngày. Việc kinh doanh thay đổi, công nghệ thay đổi và đôi lúc Bên nhận nhượng quyền ban đầu không còn phù hợp đối với lĩnh vực kinh doanh nữa. Đó là lý do tại sao nhiều chủ thương hiệu nhượng quyền thích ký hợp đồng có thời hạn năm (5) năm hơn là một hợp đồng có thời hạn mười (10), mười lăm (15) năm hay lâu hơn.

Điều 13, Nghị định số 35/2006/NĐ-CP ngày 31/3/2006 quy định chi tiết Luật thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại Việt Nam, có quy định:

Thời hạn của hợp đồng nhượng quyền thương mại

1. Thời hạn hợp đồng nhượng quyền thương mại do các bên thoả thuận.

2. Hợp đồng nhượng quyền thương mại có thể chấm dứt trước thời hạn thoả thuận trong các trường hợp quy định tại Điều 16 của Nghị định này”.

Như vậy, pháp luật nhượng quyền của Việt Nam không ấn định một khoảng thời hạn cố định nào mà hoàn toàn do các bên tự thỏa thuận và ghi nhận trong hợp đồng. Là một quốc gia trẻ trong lĩnh vực hoạt động nhượng quyền, việc pháp luật Việt Nam đề cao ý chí thỏa thuận của các bên là một quy định gợi mở, thông thoáng, tôn trọng quyền tự do kinh doanh của các bên; góp phần kích thích gia tăng sự gia nhập của các thương nhân đối với lĩnh vực kinh doanh nhượng quyền. Tuy nhiên, việc quy định mở của pháp luật cũng đặt ra nhiều cơ hội và thách thức cho các thương nhân Việt Nam khi đặt chân vào lĩnh vực kinh doanh nhượng quyền. Các thương nhân nhượng quyền hoặc nhận quyền tại Việt Nam sẽ cần phải chú trọng hơn khi thỏa thuận nhượng quyền bao lâu để đảm bảo sẽ thu hồi được phần vốn đã bỏ ra và phần lãi đạt được khi kinh doanh nhượng quyền. Điều này không hoàn toàn dễ dàng, bởi việc thỏa thuận thời hạn nhượng quyền còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan như chính sách, thị hiếu, nền văn hóa… của quốc gia nơi dự định sẽ nhượng quyền và các yếu tố chủ quan như khả năng kinh doanh, thực lực kinh tế, giá trị thương hiệu… của bên nhận quyền và nhượng quyền.

Một vấn đề đặt ra, nếu các bên trong hợp đồng không thỏa thuận về thời hạn thì liệu có xảy ra trường hợp hợp đồng nhượng quyền vô thời hạn hay không ? Nghị định 35/2006 ngày 31/3/2006 quy định chi tiết Luật thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại đã có quy định về trường hợp hợp đồng có thể chấm dứt trước thời hạn thoả thuận nếu xảy ra các trường hợp được quy định tại Điều 16 của Nghị định này. Cụ thể:

“1. Bên nhận quyền có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhượng quyền thương mại trong trường hợp Bên nhượng quyền vi phạm nghĩa vụ quy định tại Điều 287 của Luật Thương mại.

2. Bên nhượng quyền có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhượng quyền thương mại trong các trường hợp sau đây:

a) Bên nhận quyền không còn Giấy phép kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương mà theo quy định của pháp luật Bên nhận quyền phải có để tiến hành công việc kinh doanh theo phương thức nhượng quyền thương mại.

b) Bên nhận quyền bị giải thể hoặc bị phá sản theo quy định của pháp luật Việt Nam.

c) Bên nhận quyền vi phạm pháp luật nghiêm trọng có khả năng gây thiệt hại lớn cho uy tín của hệ thống nhượng quyền thương mại.

d) Bên nhận quyền không khắc phục những vi phạm không cơ bản trong hợp đồng nhượng quyền thương mại trong một thời gian hợp lý, mặc dù đã nhận được thông báo bằng văn bản yêu cầu khắc phục vi phạm đó từ Bên nhượng quyền.”

Quy định này phần nào cũng hạn chế được các rủi ro cho các bên trong trường hợp một trong các bên kinh doanh kém hiệu quả, hoặc không còn đủ năng lực, điều kiện cần thiết, có nguy cơ làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và tồn tại của cả hệ thống nhượng quyền, thì bên còn lại có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.

Pháp luật một số quốc gia quy định cụ thể về thời hạn của hợp đồng nhượng quyền thương mại có yếu tố nước ngoài, nhưng hầu hết chỉ quy định về thời hạn tối thiểu của hợp đồng phải có khi các bên giao kết mà không ấn định về thời hạn tối đa. Đây là quy định hết sức linh động cho các bên khi tham gia vào quan hệ nhượng quyền. Pháp luật nhượng quyền thương mại

Trung Quốc quy định thời hạn tối thiểu của hợp đồng phải là ba năm còn luật nhượng quyền Malaysia quy định không được ít hơn năm năm.

Điều 15, Các biện pháp điều chỉnh hoạt động nhượng quyền thương mại của Trung Quốc (2005) quy định:“Thời hạn của hợp đồng nhượng quyền ít nhất phải 3 năm”.

Mục 25, Đạo luật Nhượng quyền thương mại của Malaysia (1998), sửa đổi năm 2006, quy định“ Thời hạn của một hợp đồng nhượng quyền thương mại sẽ không được thấp hơn 5 năm.”

Việc ấn định rõ thời hạn tối thiểu của hợp đồng nhượng quyền thương mại có yếu tố nước ngoài trong luật của một số quốc gia sẽ góp phần hạn chế rủi ro cho các bên trong trường hợp một trong các bên kinh doanh kém hiệu quả hoặc gây ảnh hưởng đến hệ thống nhượng quyền. Mặt khác, thời hạn này thường là tương đương với khoảng thời gian mà cả bên nhượng quyền và bên nhận quyền có thể thu hồi cả vốn lẫn lãi. Khả năng mà hợp đồng nhượng quyền thương mại có yếu tố nước ngoài vô thời hạn hay không quy định thời hạn không được pháp luật cho phép cũng như không được pháp luật công nhận trong thực tiễn hoạt động nhượng quyền thương mại. Điều này không phải là ngẫu nhiên, bởi vì trong hoạt động nhượng quyền phải có sự tính toán mức độ rủi ro, thiệt hơn cho các bên và cho sự tồn tại phát triển của cả hệ thống nhượng quyền.

Trong thời điểm hiện tại việc pháp luật nhượng quyền thương mại Việt Nam không quy định thời hạn nhượng quyền sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho xu hướng của loại hình kinh doanh này được phát triển và mở rộng. Tuy nhiên về lâu dài khi bước qua giai đoạn giao thời trên; theo ý kiến của tác giả, pháp luật nhượng quyền Việt Nam nên có quy định cụ thể về thời hạn tối thiểu của hợp đồng nhượng quyền. Sau khoảng thời gian luật định, việc gia hạn hay chấm dứt hợp đồng sẽ do các bên tự thỏa thuận căn cứ vào nhu cầu và hoạt

động kinh doanh thực tế của các bên. Điều này cũng được hầu hết pháp luật các quốc gia ghi nhận, luật nhượng quyền Việt Nam cũng không nằm ngoài quy định trên.

Luật nhượng quyền thương mại Việt Nam không có quy định chi tiết về nội dung gia hạn hợp đồng nhượng quyền mà chỉ gợi mở là một trong những nội dung mà các bên nên thỏa thuận và ghi nhận trong hợp đồng. So với quy định của pháp luật nhượng quyền Việt Nam, pháp luật các nước cũng không can thiệp quá sâu vào nội dung điều khoản gia hạn trong hợp đồng nhượng quyền, mà chỉ dừng lại ở mức yêu cầu các bên thỏa thuận trên cơ sở nguyên tắc công bằng và hợp lý.

Mục 34, Đạo luật Nhượng quyền thương mại của Malaysia (1998), sửa đổi năm 2006, quy định:

“ (1) Bất cứ lúc nào trước khi hết thời hạn nhượng quyền thương mại, Bên được nhượng quyền tùy theo lựa chọn của mình có trách nhiệm cung cấp cho bên nhượng quyền một thông báo bằng văn bản về việc gia hạn hợp đồng nhượng quyền thương mại.

(2) Ngoại trừ Bên được nhượng quyền đã vi phạm các điều khoản của hợp đồng nhượng quyền thương mại, Bên nhượng quyền kéo dài thời hạn nhượng quyền thương mại một thời hạn nếu Bên nhận quyền đã áp dụng cho phần mở rộng hạn theo tiểu mục (1).

(3) Một hợp đồng nhượng quyền có thời hạn nhượng quyền đã được gia hạn phải có các điều kiện tương tự hoặc không kém thuận lợi hơn các điều kiện trong hợp đồng nhượng quyền trước đó.”

Điều 15, Các biện pháp điều chỉnh hoạt động nhượng quyền thương mại của Trung Quốc (2005) quy định: “… Vào thời điểm hết hạn của hợp đồng nhượng quyền, bên nhượng quyền và bên nhận quyền có thể thỏa thuận về thời hạn gia hạn của hợp đồng nhượng quyền thương mại trên nguyên tắc giao dịch bình đẳng và hợp lý.”

Luật nhượng quyền thương mại Malaysia quy định việc gia hạn hợp đồng cần phải có thông báo trước bằng văn bản của Bên nhận nhượng quyền và nội dung trong hợp đồng được gia hạn phải tương tự hoặc không được kém thuận lợi hơn các nội dung được ghi nhận trong hợp đồng nhượng quyền trước đó. Là một quốc gia có nền kinh tế đang phát triển, sự sôi động của loại hình kinh doanh theo mô hình nhượng quyền tại Việt Nam và Malaysia có nhiều điểm tương đồng nhau. Theo tác giả, Việt Nam có thể tham khảo thêm quy định này, nhằm góp phần bảo vệ quyền lợi cho thương nhân Việt Nam khi tham gia ký kết hợp đồng nhượng quyền thương mại có yếu tố nước ngoài.

Một phần của tài liệu Pháp luật về Hợp đồng nhượng quyền thương mại có yếu tố nước ngoài dưới giác độ pháp luật Việt Nam và tương quan so sánh với pháp luật một số nước trên thế giới (Trang 71)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)