Giới giác độ pháp luật Việt Nam, khi văn bản pháp luật chuyên ngành không điều chỉnh hoặc không có quy định rõ ràng về một nội dung cụ thể liên quan đến lĩnh vực dân sự, thương mại, lao động và hôn nhân gia đình thì Bộ luật Dân sự năm 2005 trở thành đạo luật gốc điều chỉnh các quan hệ trên. Hợp đồng nhượng quyền thương mại có yếu tố nước ngoài là một dạng quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Bởi vậy có thể hiểu, ngoài sự điều chỉnh của pháp luật chuyên ngành, thì hợp đồng nhượng quyền thương mại có yếu tố nước ngoài còn phải đáp ứng các quy định về “yếu tố nước ngoài” tại Phần thứ 7 của Bộ luật Dân sự Việt Nam 2005. Khác với nhiều quốc gia, Việt Nam sử dụng luật riêng về nhượng quyền thương mại không chỉ để điều chỉnh mà còn là công cụ để khuyến khích sự phát triển của phương thức kinh doanh này. Cùng với Bản giới thiệu về nhượng quyền thương mại, Hợp đồng nhượng quyền thương mại có yếu tố nước ngoài được coi là những công cụ trọng yếu quy định về nhượng quyền thương mại trong pháp luật Việt Nam. Đặt trong bối cảnh sự hứa hẹn phát triển nhanh chóng của lĩnh vực nhượng quyền, nhu cầu hoàn thiện hơn nữa pháp luật để khuyến khích và đảm bảo an toàn cho hoạt động nhượng quyền thương mại càng trở nên bức thiết.
Pháp luật ở các quốc gia cũng rất coi trọng và có các quy định, yêu cầu bắt buộc đối với về Hợp đồng nhượng quyền thương mại có yếu tố nước ngoài. Trên nền quy định chung và quy định chuyên ngành của pháp luật Việt Nam về Hợp đồng nhượng quyền thương mại có yếu tố nước ngoài; luận văn sẽ đi sâu phân tích đồng thời có sự tương quan so sánh với pháp luật của một
số quốc gia. Từ đó làm sáng tỏ các quy định của pháp luật trong nước cũng như đúc rút những mặt tích cực của pháp luật nước ngoài, góp phần hoàn thiện, nâng cao hiệu quả điều chỉnh của pháp luật về hợp đồng nhượng quyền thương mại tại Việt Nam.