THỰC TRẠNG THỰC HIỆN PHÁP LUẬT TRONG VIỆC KHAI SINH TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN THANH TRÌ

Một phần của tài liệu Quyền khai sinh, khai tử theo quy định của pháp luật dân sự Việt Nam và thực tiễn áp dụng quyền khai sinh khai tử trên địa bàn huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội (Trang 69)

TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN THANH TRÌ

Như phần trên đã nêu về vị trí địa lý của huyện Thanh Trì nằm ở trung tâm của Thành phố Hà Nội tuy nhiên trình độ dân trí chưa cao, không đồng đều, dân số đông và tăng nhanh chủ yếu do biến động cơ học, vì vậy việc thực

hiện quyền khai sinh, khai tử trên địa bàn huyện không tránh khỏi những nhiều khó khăn, phức tạp. Hơn nữa hệ thống văn bản pháp luật mới ban hành ở nước ta đang phân cấp thêm thẩm quyền về cơ sở, tính chất, công việc phức tạp mà văn bản quy phạm pháp luật quy định về đăng ký và quản lý khai sinh, khai tử chưa đồng bộ nên việc thực hiện quyền của công dân nói chung và quyền khai sinh, khai tử còn có nhiều hạn chế.

Tình trạng đăng ký khai sinh quá hạn vẫn còn khá phổ biến trong nhân dân. Nguyên nhân là do người dân chưa nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của việc đăng ký khai sinh và việc tuyên truyền phổ biến pháp luật cũng như công tác vận động từ phía các cơ quan nhà nước thực hiện chưa tốt. Theo số lượng thống kê của phòng tư pháp huyện Thanh Trì năm 2011 số khai sinh, khai tử quá hạn tuy đã giảm nhưng vẫn còn tương đối nhiều một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đăng ký khai sinh quá hạn là việc một số công dân ở tỉnh ngoài nhận quyền sử dụng đất và nhà ở trên địa bàn huyện nhưng chưa nhập hộ khẩu về hoặc lấy chồng là công dân của huyện Thanh Trì nhưng chưa nhập hộ khẩu về sau khi sinh con lại đợi chuyển hộ khẩu thường trú rối mới làm thủ tục đăng ký khai sinh cho con nên dẫn đến việc đăng ký khai sinh quá hạn.

Xuất phát từ việc coi trọng yếu tố quản lý hành chính mà chưa quan tâm đúng mức đến yếu tố phục vụ công dân mà một bộ phận cán bộ thực hiện nhiệm vụ đăng ký hộ tịch thiếu ý thức trách nhiệm, còn xảy ra tiêu cực.

Thực hiện Nghị định 158/2005/NĐ-CP về đăng ký hộ tịch trong đó có khai sinh hiện vẫn còn hạn chế chủ yếu là nằm trong việc đăng ký quá hạn, đăng ký lại việc sinh và những vấn đề có liên quan đến quyền khai sinh. Theo quy định của Nghị định, về nguyên tắc, sau khi được cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định cho phép thay đổi hộ tịch, thì các cơ quan nhà nước khác đang quản lý các hồ sơ, giấy tờ của công dân phải căn cứ vào quyết định cho phép thay đổi, cải chính hộ tịch và căn cứ vào giấy khai sinh đã được ghi chú việc thay đổi, cải chính hộ tịch để điều chỉnh lại hồ sơ, giấy tờ cá nhân của

công dân cho phù hợp với giấy khai sinh, nhưng thực tế, quy định về việc điều chỉnh này không phải cơ quan nào cũng thực hiện, trong đó đặc biệt là việc điều chỉnh trong các văn bản là văn bằng, chứng chỉ, học bạ của học sinh. Đã có trường hợp do không được điều chỉnh kịp thời trong các văn bằng, chứng chỉ hoặc giấy tờ tùy thân của học sinh(do đã được thay đổi, cải chính hộ tịch) nên có học sinh đã phải bỏ cả kỳ thi đại học, ảnh hưởng không nhỏ tới tương lai các cháu.

Khó khăn phát sinh từ thực tiễn chưa được pháp luật quy định do đây là lĩnh vực phức tạp, thường xuyên nảy sinh những vấn đề mới mà pháp luật chưa dự liệu hết. Chính vì vậy, trong quá trình giải quyết đã gây nhiều lúng túng cho cán bộ thực hiện. Nghị định 158/CP quy định cá nhân có quyền và nghĩa vụ đăng ký hộ tịch. Tuy nhiên, Nghị định 158/2005/NĐ-CP không quy định cụ thể cá nhân đó phải bảo đảm độ tuổi là bao nhiêu. Do vậy, vấn đề đặt ra là những trường hợp người mẹ, người bố chưa đủ tuổi thành niên đi đăng ký khai sinh cho con có được giải quyết không? Theo quy định công dân nam từ 20 tuổi trở lên, nữ từ 18 tuổi trở lên mới được đăng ký kết hôn nhưng chưa đủ độ tuổi để đăng ký kết hôn họ đã sinh con và muốn đăng ký khai sinh cho con thì giải quyết như thế nào vẫn chưa có văn bản hướng dẫn. Năm 2009 trên địa bàn xã Tứ Hiệp huyện Thanh Trì phát sinh trường hợp: Đó là trường hợp của chị Nguyễn Thị Trà My, sinh năm 10/ 1994 đến Ủy ban nhân dân xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì đăng ký khai sinh cho con sinh ngày 15/7/2009. Như vậy, lúc sinh con chị My mới 15 tuổi, đến cuối năm 2009 Chị My đi đăng ký khai sinh cho con. Trường hợp người chưa thành niên không có quyền đăng ký kết hôn, nhưng chưa đủ độ tuổi đó chị My đã sinh con và muốn đăng ký khai sinh cho con thì giải quyết như thế nào? Trường hợp của chị My không có trong các văn bản quy phạm pháp luật nào hướng dẫn, khiến cán bộ hộ tịch rất lúng túng. Cuối cùng, để bảo đảm cháu bé có quyền có khai sinh cán bộ Tư pháp - Hộ tịch vẫn phải cho Chị My đăng ký khai sinh cho con, nhưng với điều kiện bà ngoại là người yêu cầu đăng ký.

Cũng tương tự, trường hợp Nguyễn Văn Lạc, sinh năm 1994 sống chung với chị Nguyễn Thị Lan như vợ chồng. Tháng 02.2009 chị Lan sinh con rồi bỏ đi, để lại đứa con cho anh Lạc nuôi. Tháng 12.2009 khi anh Lạc đến Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì đăng ký khai sinh cho con thì gặp vướng mắc. Lý do, Thông tư 01 hướng dẫn: trong trường hợp cha, mẹ của trẻ chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn, người mẹ để con lại cho người cha và bỏ đi không xác định được địa chỉ, thì khi người cha làm thủ tục nhận con, không cần phải có ý kiến của người mẹ. Khi đăng ký khai sinh, phần ghi về người mẹ trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh được ghi theo Giấy chứng sinh. Trường hợp không có Giấy chứng sinh, thì ghi theo lời khai của người cha; nếu người cha không khai về người mẹ, thì để trống (Tiết a, Điểm 4, Mục II, Thông tư 01). Tuy nhiên, trường hợp anh Lạc mới chỉ 15 tuổi thì có quyền được làm thủ tục cha nhận con và đăng ký khai sinh cho con được hay không? Vấn đề này Nghị định 158 và Thông tư 01 còn bỏ ngỏ: Cha mẹ vị thành niên có đăng ký khai sinh cho con được không?

Trên thực tế, những trường hợp như đã nêu không hiếm, nhưng pháp luật về hộ tịch chưa điều chỉnh, khiến cán bộ hộ tịch là người trực tiếp thực hiện việc đăng ký gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết yêu cầu của người dân. Giải pháp là phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về đăng ký và quản lý khai sinh để điều chỉnh những tình huống nảy sinh trong cuộc sống.

Một phần của tài liệu Quyền khai sinh, khai tử theo quy định của pháp luật dân sự Việt Nam và thực tiễn áp dụng quyền khai sinh khai tử trên địa bàn huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội (Trang 69)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(86 trang)