KẾT LUẬN CHƯƠNG

Một phần của tài liệu Quyền khai sinh, khai tử theo quy định của pháp luật dân sự Việt Nam và thực tiễn áp dụng quyền khai sinh khai tử trên địa bàn huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội (Trang 39 - 41)

Quyền khai sinh, khai tử là một quyền nhân thân của cá nhân và là một quyền dân sự, do đó khi nghiên cứu về quyền khai sinh, khai tử chúng tôi nghiên cứu quyền này trong mối tương quan với quyền nhân thân của cá nhân. Quyền nhân thân có nguồn gốc lịch sử lâu dài và phát triển cùng với sự phát triển của lịch sử nhân loại. Trong Chương 1, chúng tôi phân tích một cách khái quát quá trình phát triển của quyền nhân thân, đây chính là nền tảng cơ bản để luận văn phân tích rõ hơn mối quan hệ giữa quyền khai sinh, khai tử trong tổng thể các quyền nhân thân của cá nhân.

Bất cứ một quyền dân sự nào cũng được xây dựng dựa trên những cơ sở lý luận và thực tiễn nhất định. Khi nghiên cứu về quyền nhân thân cần phải xác định rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của quyền này, đây chính là lý do mà một phần trong nội dung Chương 1 chúng tôi đã phân tích làm rõ cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn của việc quy định các quyền nhân thân.

Để có thể phân biệt được với các quyền dân sự khác cũng như có cơ chế riêng trong việc bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân cần xác định được các đặc điểm của quyền nhân thân. Xuất phát từ lý do này, luận văn đã xác định các đặc điểm của quyền nhân thân đó là: Quyền nhân thân là một quyền dân sự đặc biệt, có tính chất phi tài sản, luôn gắn liền với chủ thể không thể chuyển giao, các cá nhân bình đẳng trong việc hưởng quyền nhân thân.

Ghi nhận quyền nhân thân trong các văn bản pháp luật của Nhà nước ta, đặc biệt là trong Bộ luật Dân sự cùng với quá trình hoàn thiện các quy định về quyền nhân thân cho thấy quyền nhân thân có vai trò to lớn đối với đời sống xã hội của mỗi cá nhân cũng như của Nhà nước và của toàn xã hội.

Bộ luật Dân sự quy định nhiều quyền nhân thân khác nhau. Trong các quyền nhân thân đó, cần phân chia thành các nhóm quyền cụ thể để thấy được sự khác biệt giữa các nhóm quyền này cũng như sự tác động, ảnh hưởng của quyền khai sinh, khai tử với các quyền đó và ngược lại. Trên cơ sở đó, luận

văn đã xác định các nhóm quyền nhân thân trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, các quyền nhân thân liên quan đến việc xác định giá trị của cá nhân trong xã hội, các quyền nhân thân liên quan đến thân thể của con người, các quyền nhân thân liên quan đến sự tự do của cá nhân và các quyền nhân thân liên quan đến hoạt động lao động, hoạt động sáng tạo của con người. Việc phân chia các quyền nhân thân thành những nhóm quyền khác nhau chỉ có ý nghĩa tương đối bởi có quyền nhân thân ở nhóm này nhưng lại có tác động qua lại, ảnh hưởng đến các quyền nhân thân ở nhóm khác. Trong hệ thống các quyền nhân thân do Nhà nước ghi nhận, quyền khai sinh, khai tử có ảnh hưởng (mối liên hệ tác động qua lại) với nhiều các quyền nhân thân khác. Trong một số trường hợp, việc thực hiện nội dung của các quyền nhân thân lại là sự khẳng định quyền khai sinh, khai tử.

Chương 2

QUYỀN KHAI SINH, KHAI TỬ THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT

Một phần của tài liệu Quyền khai sinh, khai tử theo quy định của pháp luật dân sự Việt Nam và thực tiễn áp dụng quyền khai sinh khai tử trên địa bàn huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội (Trang 39 - 41)