Trường hợp được giảm trách nhiệm bồi thường thiệt hạ

Một phần của tài liệu Bồi thường tổn thất tinh thần do sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm (Trang 93)

Khoản 2 Điều 605 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: "Người gây

thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại

quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình" [23].

Như vậy, theo quy định của pháp luật dân sự, người gây thiệt hại sẽ được giảm mức bồi thường khi đáp ứng đầy đủ hai điều kiện:

Một là: Do lỗi vô ý mà gây thiệt hại. Nếu người gây thiệt hại mà do

lỗi cố ý thì không được áp dụng nguyên tắc này. Người có hành vi xâm phạm đã cố ý thực hiện hành vi gây thiệt hại, tức là họ nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm, có thể gây thiệt hại cho sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm và uy tín của người khác, nhưng vẫn thực hiện và mong muốn hậu quả thiệt hại đó xảy ra hoặc không mong muốn nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra. Do vậy, người thực hiện hành vi gây thiệt hại với lỗi cố ý phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra là hoàn toàn phù

hợp. Nếu hậu quả thiệt hại xảy ra do lỗi hỗn hợp thì theo quy đinh: "Khi

người bị thiệt hại cũng có lỗi trong việc gây thiệt hại thì người gây thiệt hại chỉ phải bồi thường phần thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình..."

(Điều 617 Bộ luật dân sự năm 2005).

Hai là: Thiệt hại xảy ra quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và

lâu dài. Nếu như coi lỗi vô ý là điều kiện cần thì thiệt hại xảy ra quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài là điều kiện đủ để người gây thiệt hại

được giảm mức bồi thường. Chỉ khi nào chủ thể có hành vi gây thiệt hại đáp ứng cả hai điều kiện nêu trên thì mới đặt ra vấn đề giảm trách nhiệm bồi thường.

Thực tế xét xử các vụ án về bồi thường thiệt hại do có hành vi xâm phạm sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm và uy tín thì việc xác định

thế nào là "thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài"

của người gây thiệt hại không phải dễ dàng. Hiện nay, chưa có văn bản hướng dẫn thi hành của cấp có thẩm quyền nên việc áp dụng quy định này gặp nhiều khó khăn. Theo tác giả, khi xét xử Tòa án cần căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, có thể lấy mức chuẩn nghèo của địa phương, nơi người đó đang sinh sống do cơ quan có thẩm quyền cung cấp làm căn cứ quyết định giảm mức bồi thường. Ví dụ: Nguyễn Văn Hùng có hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn, là gia đình thuộc diện nghèo của địa phương, làm nghề lái xe ôm, vợ mất sớm, phải nuôi một mẹ già và hai con nhỏ, hơn nữa bản thân bị bệnh hiểm nghèo. Ngày 07 tháng 7 năm 2007, Hùng điều khiển xe mô tô, do không làm chủ được tốc độ nên đã va chạm với Đào Đình Hưng đang đi bộ. Hậu quả, Hưng bị chấn thương, được cấp cứu tại bệnh viện, tổng chi phí hết 82.000.000,đồng. Hưng yêu cầu Hùng phải bồi thường toàn bộ các chi phí. Trong trường hợp này, khi giải quyết vụ án, Tòa phải coi thiệt hại của Hưng là quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của Hùng. Việc cho Hùng được áp dụng Khoản 2 Điều 605 Bộ luật dân sự năm 2005 là thỏa đáng. Việc xác định thiệt hại xảy ra quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài phải được hiểu đó là trường hợp người gây ra thiệt hại có hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn, việc thực hiện toàn bộ nghĩa vụ bồi thường sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người đó. Tuy nhiên, khi xem xét vấn đề này cũng cần đặt trong mối tương quan giữa hoàn cảnh kinh tế của người gây thiệt hại với người bị thiệt hại.

Tóm lại, người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài

của mình. Việc xem xét, quyết định giảm mức bồi thường thuộc thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng trên cơ sở phải đáp ứng đầy đủ cả hai tiêu chí trên. Nếu người gây thiệt hại thiếu một trong hai tiêu chí đó thì không được giảm trách nhiệm bồi thường. Pháp luật quy định như vậy là để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại và cũng là tạo điều kiện cho người gây ra thiệt hại có điều kiện duy trì cuộc sống.

Chương 3

Thực trạng áp dụng pháp luật trong bồi thường tổn thất về tinh thần và hướng hoàn thiện pháp luật

Một phần của tài liệu Bồi thường tổn thất tinh thần do sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm (Trang 93)