Mức bồi thường được hiểu là một khoản tiền cụ thể do pháp luật quy định buộc người có hành vi xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm và uy tín của người khác phải bồi thường. Về nguyên tắc chung, việc bồi thường trước hết là do các bên tự nguyện thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường và phương thức bồi thường. Pháp luật khuyến khích việc các bên tự nguyện thỏa thuận với nhau, không bên nào được cưỡng ép hoặc dụ dỗ, mua chuộc bên nào. Nếu sự thỏa thuận của các bên không trái pháp luật và đạo đức xã hội thì sự thỏa thuận đó được pháp luật bảo vệ. Sở dĩ pháp luật khuyến khích các bên thỏa thuận với nhau vì việc bồi thường vừa là quyền lợi và cũng là trách nhiệm của các bên liên quan. Bồi thường các thiệt hại nói chung được khuyến khích thỏa thuận thì bồi thường tổn thất về tinh thần lại càng phải được khuyến khích thỏa thuận, bởi lẽ mục đích của bồi thường tổn thất về tinh thần chính là nhằm bù đắp thiệt hại về tinh thần, chia sẻ nỗi đau, làm xoa dịu đau thương mất mát mà người bị thiệt hại phải gánh chịu. Nếu không thỏa thuận được thì mục đích của việc bồi thường tổn thất về tinh thần coi như chưa đạt được.
Đánh giá thiệt hại về tinh thần là một hoạt động khó khăn. Thực tế thiệt hại về sức khỏe sẽ khác với thiệt hại về tính mạng, danh dự, nhân phẩm và uy tín nên mức độ tổn thất về tinh thần của trường hợp sức khỏe bị xâm phạm sẽ khác so với mức độ tổn thất về tinh thần trong trường hợp tính mạng, danh dự, nhân phẩm và uy tín bị xâm phạm. Để tránh sự tùy tiện trong việc áp dụng mức bồi thường, pháp luật đã quy định cho từng trường hợp cụ thể: