Căn cứ tiến hành thủ tục giám đốc thẩm theo pháp luật tố tụng dân sự của các nước theo truyền thống luật lục địa (luật dân sự)

Một phần của tài liệu Căn cứ tiến hành thủ tục giám đốc thẩm trong tố tụng dân sự Việt Nam và vai trò, trách nhiệm của Viện Kiểm sát trong thủ tục giám đốc thẩm vụ việc dân sự (Trang 28)

tụng dân sự của các nước theo truyền thống luật lục địa (luật dân sự)

Các nước theo truyền thống luật lục địa đều quy định căn cứ tiến hành thủ tục giám đốc thẩm trên cơ sở quan niệm rằng tính chất của giám đốc thẩm là xem xét vấn đề áp dụng pháp luật chứ không xem xét việc đánh giá chứng cứ.

Theo BLTTDS của Cộng hòa Pháp, căn cứ tiến hành thủ tục phá án là kháng cáo, kháng nghị phá án của các bên đương sự và Viện công tố. Về căn cứ kháng cáo, kháng nghị, BLTTDS Pháp không đưa ra một giới hạn chặt chẽ mà chỉ quy định một cách chung chung là "Tòa Phá án có thể giám đốc bản án chung thẩm bị kháng cáo, kháng nghị vì đã xét xử không đúng pháp luật" (Điều 604 Bộ luật). Do đó, quyền tùy nghi của Tòa Phá án trong việc chấp nhận hoặc bác kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phá án là rất lớn: Tòa Phá án có thể bác kháng cáo, kháng nghị vì đơn không có đầy đủ căn cứ pháp luật, có thể bác kháng cáo, kháng nghị vì căn cứ trong đơn đưa ra không thỏa đáng, hoặc thậm chí cũng có thể chấp nhận kháng cáo, kháng nghị căn cứ vào một lý lẽ pháp lý thuần túy do Tòa Phá án tự nêu ra (Điều 620 Bộ luật). Mặc dù không có quy định chặt chẽ về căn cứ kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phá án nhưng trong tố tụng dân sự Pháp lại có những cơ chế khác để hạn chế kháng cáo, kháng nghị phá án tràn lan, thiếu căn cứ, ví dụ như cơ chế chỉ tiến hành xem xét kháng cáo phá án nếu vụ án bị kháng cáo có giá ngạch cao, hoặc cơ chế phạt tiền đối với những trường hợp lạm dụng kháng cáo phá án không có căn cứ nhằm mục đích kéo dài vụ án…

BLTTDS Liên bang Nga ghi nhận quyền kháng cáo giám đốc thẩm của những người tham gia tố tụng và những người khác khi quyền và lợi ích hợp pháp của họ bị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án xâm phạm, đồng thời, quyền kháng nghị giám đốc thẩm được trao cho một số Kiểm sát viên có chức vụ của VKS. Kháng cáo, kháng nghị giám đốc thẩm phải trải qua thủ tục xem xét trước khi Thẩm phán quyết định có chuyển vụ

Nga không quy định căn cứ kháng cáo, kháng nghị giám đốc thẩm mà chỉ quy định căn cứ để hủy bỏ hoặc thay đổi bản án, quyết định của Tòa án theo thủ tục giám đốc thẩm (Điều 387). Theo quy định này, căn cứ để hủy bỏ hoặc thay đổi bản án, quyết định của Tòa án theo thủ tục giám đốc thẩm là:

- Bản án, quyết định có vi phạm nghiêm trọng trong áp dụng pháp luật nội dung;

- Có vi phạm nghiêm trọng trong áp dụng pháp luật tố tụng.

Ngoài ra, theo Điều 378 và Điều 389 Bộ luật này thì sự vi phạm tính thống nhất của thực tiễn xét xử trong các bản án, quyết định của Tòa án cũng là căn cứ để hủy bỏ hoặc thay đổi bản án, quyết định của Tòa án theo thủ tục giám đốc thẩm.

Khác với phần lớn các nước, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa lại có quan niệm rất khác về thủ tục giám đốc thẩm. Giám đốc thẩm không phải là thủ tục để Tòa án cấp trên xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án cấp dưới có vi phạm pháp luật mà là thủ tục mà Tòa án cấp trên hoặc chính Tòa án đã ra bản án có vi phạm đó xét xử lại vụ án. Quan niệm này của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về thủ tục giám đốc thẩm tương tự như quy định của nước ta tại Nghị định số 381-TTg ngày 20 tháng 10 năm 1959 của Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân tối cao: Tòa án nhân dân tối cao có quyền "xử lại hoặc chỉ thị cho Tòa án cấp dưới xử lại những vụ án đã có hiệu lực pháp luật nếu phát hiện có sai lầm". Thủ tục giám đốc thẩm trong tố tụng dân sự Trung Quốc còn được hiểu bao gồm cả thủ tục tái thẩm. Điều này thể hiện ở chỗ thủ tục giám đốc thẩm không chỉ áp dụng trong trường hợp phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc xử lý vụ án mà còn được áp dụng cả trong trường hợp có những tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung phán quyết của Tòa án mà Tòa án không biết được khi ra phán quyết đó. Xuất phát từ lý do đó, Luật tố tụng dân sự Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã không có sự phân biệt giữa căn cứ tiến hành thủ tục giám đốc thẩm và thủ tục tái thẩm. Theo Điều 179 Luật tố tụng

dân sự, kháng cáo của đương sự có một trong những căn cứ sau đây thì TAND phải giám đốc thẩm:

- Có chứng cứ mới đủ để lật lại bản án, quyết định cũ;

- Những chứng cứ chủ yếu mà bản án, quyết định cũ dùng để nhận định sự thực của vụ án không đầy đủ hoặc không đúng;

- Bản án, quyết định cũ áp dụng luật thực sự có sai lầm;

- Tòa án nhân dân vi phạm trình tự luật định có thể ảnh hưởng đến sự đúng đắn của bản án, quyết định về vụ án;

- Khi giải quyết vụ án đó, thẩm phán có hành vi tham ô, nhận hối lộ hoặc do động cơ cá nhân mà gian lận, ra bản án, quyết định trái pháp luật.

Điều 180 còn quy định thêm trường hợp đương sự có thể kháng cáo giám đốc thẩm biên bản hòa giải đã có hiệu lực nếu có chứng cứ chứng minh việc hòa giải đó trái với nguyên tắc tự nguyện hoặc nội dung của bản thỏa thuận hòa giải trái với pháp luật.

VKSND có quyền kháng nghị. VKSNDTC kháng nghị bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của TAND các cấp, VKSND cấp trên kháng nghị bản án, quyết định có hiệu lực của TAND cấp dưới. Do tính chất của quan hệ dân sự chi phối, thẩm quyền kháng nghị của VKS có phần bị hạn chế. VKS chỉ được kháng nghị khi có một trong những căn cứ quy định tại Điều 185, cụ thể là:

- Những chứng cứ chủ yếu mà bản án, quyết định cũ dùng để nhận định sự thực của vụ án không đầy đủ hoặc không đúng;

- Bản án, quyết định cũ áp dụng luật thực sự có sai lầm;

- Tòa án nhân dân vi phạm trình tự luật định có thể ảnh hưởng đến sự đúng đắn của bản án, quyết định về vụ án;

- Khi giải quyết vụ án đó, thẩm phán có hành vi tham ô, nhận hối lộ hoặc do động cơ cá nhân mà gian lận, ra bản án, quyết định trái pháp luật.

Theo Điều 177 Luật tố tụng dân sự Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, thủ tục giám đốc thẩm có thể được tiến hành trên cơ sở sai lầm của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật do Chánh án Tòa án đã ra bản án, quyết định đó hoặc TANDTC, TAND cấp trên phát hiện. Tuy nhiên, trong trường hợp này, pháp luật không quy định thủ tục kháng nghị mà Tòa án tự quyết định việc giám đốc thẩm. Căn cứ mở thủ tục giám đốc thẩm được quy định rất chung là bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật "thực sự có sai lầm".

Qua nghiên cứu các quy định về căn cứ tiến hành thủ tục giám đốc thẩm của một số quốc gia theo truyền thống luật Châu Âu lục địa, có thể rút ra một số nhận xét chung như sau:

Thứ nhất, pháp luật các nước này đều ghi nhận cả kháng cáo giám đốc thẩm của đương sự trong vụ án dân sự và kháng nghị của Viện công tố (VKS) là cơ sở để xem xét mở thủ tục giám đốc thẩm. Tuy nhiên, do sự chi phối của nguyên tắc quyền tự định đoạt của đương sự, nguyên tắc đặc thù của hệ tố tụng dân sự các nước này thì thẩm quyền kháng nghị của Viện công tố (VKS) không được quy định một cách rộng rãi như quyền kháng cáo của các bên đương sự trong vụ án. Ở Pháp, Viện trưởng Viện Công tố bên cạnh Tòa phá án chỉ có quyền kháng nghị giám đốc thẩm trước Tòa phá án vì lợi ích của pháp luật (Điều 618-1 BLTTDS); VKS Nga chỉ có quyền đề nghị giám đốc thẩm trong những trường hợp có sự tham gia của Kiểm sát viên trong quá trình giải quyết vụ án (Điều 376 khoản 3 BLTTDS); Quyền kháng nghị của VKSND Cộng hòa nhân dân Trung Hoa bị giới hạn bởi phạm vi căn cứ kháng nghị hẹp hơn so với căn cứ kháng cáo (Điều 185). Chỉ có ở Liên bang Nga, Chánh án, Phó Chánh án Tòa án tối cao có quyền đề nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án tối cao xét lại bản án, quyết định của Tòa án theo thủ tục giám đốc thẩm nhưng chỉ trong trường hợp nhằm mục đích bảo đảm tính thống nhất của thực tiễn xét xử và bảo vệ pháp chế (Điều 389 BLTTDS).

Thứ hai, các quốc gia này đều áp dụng nguyên tắc hai cấp xét xử nên khác với kháng cáo phúc thẩm, kháng cáo giám đốc thẩm không đương nhiên dẫn đến việc mở thủ tục giám đốc thẩm (ở Pháp và Trung Quốc, kháng nghị giám đốc thẩm thường dẫn đến việc mở thủ tục giám đốc thẩm ngay). Để có thể tiến hành thủ tục giám đốc thẩm, kháng cáo giám đốc thẩm phải chỉ ra được những căn cứ do luật định để chứng minh phán quyết của Tòa án có hiệu lực pháp luật là sai lầm, cần phải được sửa đổi hoặc hủy bỏ để xét xử lại.

Thứ ba, căn cứ kháng cáo, kháng nghị giám đốc thẩm có thể được quy định dưới dạng căn cứ để Tòa án giám đốc thẩm hủy hoặc sửa bản án. Các căn cứ này thường liên quan đến vấn đề áp dụng pháp luật, giải thích pháp luật, hầu như không xem xét đến việc đánh giá chứng cứ, tình tiết của vụ án đã khiến cho việc quyết định mở thủ tục giám đốc thẩm, việc xem xét bản án, quyết định bị kháng nghị dễ dàng và nhanh chóng. Cùng với các quy định về việc phải nộp lệ phí (án phí) kháng cáo giám đốc thẩm cũng như quy trình thủ tục chấp nhận kháng cáo để tiến hành thủ tục giám đốc thẩm chặt chẽ, các căn cứ kháng cáo, kháng nghị giám đốc thẩm đã hạn chế đáng kể việc mở thủ tục giám đốc thẩm ở các quốc gia này.

Một phần của tài liệu Căn cứ tiến hành thủ tục giám đốc thẩm trong tố tụng dân sự Việt Nam và vai trò, trách nhiệm của Viện Kiểm sát trong thủ tục giám đốc thẩm vụ việc dân sự (Trang 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(117 trang)