quyền của Viện kiểm sát trong thủ tục giám đốc thẩm dân sự
Tuy còn nhiều khó khăn nhưng công tác giải quyết đơn khiếu nại, đề nghị giám đốc thẩm các vụ việc dân sự của VKS cũng đã có nhiều tiến bộ, chất lượng giải quyết đơn được nâng lên, không để xảy ra sai sót, vi phạm lớn, thể hiện rõ trong tỷ lệ số vụ kháng nghị giám đốc thẩm của VKS được Hội đồng xét xử chấp nhận ngày một tăng theo từng năm. Kết quả giải quyết của nhiều vụ án được các bên đương sự chấp nhận, không còn tiếp tục khiếu nại. Việc quản lý và giải quyết đơn từng bước đi vào nề nếp, bước đầu đã tháo gỡ những ách tắc về khối lượng công việc. Những đơn khiếu nại giám đốc thẩm nhiều lần, bức xúc, kéo dài đã có sự quản lý chặt chẽ, phối hợp xử lý kịp thời, đặc biệt là đối với những đơn do các cơ quan Trung ương của Đảng, Chính phủ, đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Quốc hội, ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình chuyển đến qua con đường công văn kèm theo văn bản kiến nghị yêu cầu VKSNDTC giải quyết. Thông qua công tác quản lý và giải quyết đơn khiếu nại giám đốc thẩm các vụ án dân sự, VKS góp phần đáng kể cùng Tòa án giải quyết yêu cầu, khiếu nại của nhân dân, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, phát
hiện và khắc phục kịp thời những sai lầm, thiếu sót trong hoạt động xét xử, tăng cường pháp chế XHCN.
Để quyết định việc kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án theo thủ tục giám đốc thẩm, người có thẩm quyền kháng nghị có được sự trợ giúp rất lớn của đơn vị nghiệp vụ làm công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự. Trên cơ sở báo cáo đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm của VKSND các cấp, đơn đề nghị của đương sự hoặc kiến nghị của các cơ quan, tổ chức hoặc thông qua kiểm tra nghiệp vụ phát hiện bản án, quyết định có vi phạm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật, Kiểm sát viên của bộ phận nghiệp vụ này có quyền yêu cầu Tòa án đã ra bản án, quyết định chuyển hồ sơ vụ án cho VKS nghiên cứu, giải quyết. Đối với mỗi hồ sơ nghiên cứu, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên đều phải lập hồ sơ kiểm sát. Kiểm sát viên có quyền yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp hồ sơ, tài liệu, vật chứng (bằng văn bản hoặc mời trực tiếp) theo quy định tại khoản 3 Điều 85 BLTTDS để bảo đảm thực hiện việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Nếu có căn cứ xác định bản án, quyết định có vi phạm pháp luật nghiêm trọng thì Kiểm sát viên đề xuất với lãnh đạo đơn vị mình báo cáo người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.
Ở đây, người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm đã gặp phải mâu thuẫn lớn giữa nghĩa vụ phải thực hiện quy định của pháp luật và khả năng thực tế để thực hiện nghĩa vụ đó. Xét trên phương diện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng VKSNDTC trong hoạt động quản lý hành chính và trong hoạt động chỉ đạo nghiệp vụ, tổ chức công tác đối với toàn ngành kiểm sát thì việc quy định tập trung quyền kháng nghị giám đốc thẩm cho chức danh này là không mấy khả thi. Thực tế cho thấy, do khối lượng công việc quá lớn nên Viện trưởng vẫn phải thường xuyên ủy quyền cho cấp phó thực hiện quyền kháng nghị giám đốc thẩm. Quy định này còn đang tạo ra sự bất cập giữa nhu cầu giải quyết thực trạng khiếu nại giám đốc
thẩm bức xúc hiện nay với yêu cầu nâng cao chất lượng kháng nghị, với yêu cầu đề cao trách nhiệm của những người tiến hành tố tụng theo hướng tăng quyền và trách nhiệm cho Kiểm sát viên để họ chủ động, độc lập trong việc thực hiện những quyền hạn, nhiệm vụ cụ thể và phải chịu trách nhiệm về hành vi và quyết định tố tụng của mình trước pháp luật.
Đối với bản án, quyết định do Chánh án Tòa án kháng nghị, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên nghiên cứu hồ sơ, kiểm tra bản án, quyết định và kháng nghị của Chánh án, đề xuất quan điểm nhất trí hoặc không nhất trí với kháng nghị.
Từ khi thực hiện nhiệm vụ mới theo BLTTDS, các VKS địa phương đã nỗ lực rất lớn trong công tác kiểm sát, bản án quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Hội nghị sơ kết hai năm công tác kiểm sát bản án, quyết định giải quyết các vụ, việc dân sự của Tòa án theo BLTTDS 2004 trong toàn ngành Kiểm sát đã ghi nhận thành tích của các VKS tỉnh An Giang, Cần Thơ, Đà Nẵng, Trà Vinh, Hải Phòng, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Phúc về phát hiện vi phạm, đề nghị VKSNDTC kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm và các VKS tỉnh Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Trà Vinh, Đồng Tháp, Gia Lai, Nghệ An, Hải Dương, Sóc Trăng, Kiên Giang về chất lượng kháng nghị giám đốc thẩm. ở VKSNDTC, tỷ lệ kháng nghị được bảo vệ tại phiên tòa giám đốc thẩm được Hội đồng xét xử của TANDTC chấp nhận luôn đạt trên 98%. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2005-2008, số lượng kháng nghị giám đốc thẩm trong toàn ngành nhìn chung còn thấp so với số vụ Tòa án đã xét xử (khoảng 38,4%), chất lượng kháng nghị giám đốc thẩm chưa cao, số vụ Tòa án chấp nhận kháng nghị của VKS chỉ đạt khoảng 92% (xem Bảng 2.2).
Bảng 2.2. Tình hình kháng nghị giám đốc thẩm của ngành Kiểm sát
Năm 2005 2006 2007 2008
Số vụ VKS kháng nghị 144 285 325 326 Số vụ Tòa án chấp nhận kháng nghị
của VKS
134 275 298 286
Nguồn: Báo cáo tổng kết công tác ngành Kiểm sát nhân dân các năm 2006, 2007, 2008.
Kiểm sát viên, chứ không phải người đã kháng nghị, sẽ tham gia phiên tòa giám đốc thẩm của Tòa án cùng cấp. Ở VKSNDTC, từ khi BLTTDS có hiệu lực cho đến nay luôn đảm bảo tỷ lệ 100% các phiên tòa giám đốc thẩm có Kiểm sát viên tham gia. Tỷ lệ tham gia phiên tòa giám đốc thẩm trong toàn ngành Kiểm sát các năm 2005-2007 đạt 99,5% (xem Bảng 2.3).
Bảng 2.3. Tình hình tham gia phiên tòa giám đốc thẩm của VKSND
Năm Số vụ Tòa án đã xét xử Số vụ VKS tham gia phiên tòa
2005 455 450
2006 681 681
2007 776 774
Nguồn: Báo cáo tổng kết công tác ngành Kiểm sát nhân dân các năm 2006, 2007.
Trước khi tham gia phiên tòa, Kiểm sát viên chuẩn bị dự thảo bài phát biểu ý kiến của VKS, thể hiện quan điểm của VKS và dự kiến những vấn đề có thể phát sinh tại phiên tòa. Khi tham gia phiên tòa, Kiểm sát viên có nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án cấp giám đốc thẩm về thời hạn xét xử, thành phần Hội đồng xét xử, trình tự, thủ tục phiên tòa, việc biểu quyết của Hội đồng xét xử; ghi chép đầy đủ diễn biến phiên tòa, quá trình thảo luận và kết quả phiên tòa.
Trong trường hợp Viện trưởng VKS kháng nghị thì căn cứ vào những chứng cứ trong hồ sơ đã được thẩm tra, xem xét tại phiên tòa, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án, đánh giá tính có căn cứ và hợp pháp
nghiêm trọng của bản án, quyết định; đề nghị hướng giải quyết cụ thể đối với bản án, quyết định bị kháng nghị. Tuy nhiên, việc trình bày một số nội dung lặp lại nội dung của kháng nghị khiến phiên tòa bị kéo dài không cần thiết. Hơn nữa, tại phiên tòa, nếu phát sinh tài liệu, tình tiết mới có thể dẫn tới việc thay đổi, bổ sung hoặc rút kháng nghị thì trong mọi trường hợp, Kiểm sát viên phải đề nghị hoãn phiên tòa để báo cáo Viện trưởng xem xét, quyết định cũng gây ra những trở ngại nhất định bởi thủ tục tổ chức phiên tòa giám đốc thẩm tương đối phức tạp.
Trong trường hợp có kháng nghị của Chánh án Tòa án, Kiểm sát viên nêu rõ lý do nhất trí hoặc không nhất trí với kháng nghị. Trong trường hợp có những tài liệu mới phát sinh tại phiên tòa có thể làm thay đổi quan điểm giải quyết vụ án đã được Viện trưởng VKS cho ý kiến thì Kiểm sát viên quyết định hướng xử lý vụ án và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Sau phiên tòa, Kiểm sát viên có trách nhiệm báo cáo ngay với Lãnh đạo Viện.