Căn cứ tiến hành thủ tục giám đốc thẩm theo Bộ luật Tố tụng dân sự Việt Nam năm

Một phần của tài liệu Căn cứ tiến hành thủ tục giám đốc thẩm trong tố tụng dân sự Việt Nam và vai trò, trách nhiệm của Viện Kiểm sát trong thủ tục giám đốc thẩm vụ việc dân sự (Trang 57)

tụng dân sự Việt Nam năm 2004

Trong phần khái quát về thủ tục giám đốc thẩm trong tố tụng dân sự, luận văn đã giới thiệu đôi nét về căn cứ tiến hành thủ tục giám đốc thẩm theo quy định của BLTTDS Việt Nam hiện hành. Khác với hầu hết các quốc gia trên thế giới, pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam từ trước đến nay chưa từng thừa nhận quyền kháng cáo giám đốc thẩm của đương sự. Chỉ có kháng nghị của những người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật mới là căn cứ để tiến hành thủ tục giám đốc thẩm. Theo Điều 285 BLTTDS, thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm được quy định như sau:

- Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án các cấp, trừ quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TANDTC;

- Chánh án TAND cấp tỉnh, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp huyện.

Kháng nghị giám đốc thẩm có hình thức vật chất là một quyết định bằng văn bản của những người có thẩm quyền nêu trên. Một trong số những

nội dung mà bất kỳ văn bản kháng nghị giám đốc thẩm nào cũng phải thể hiện được là căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm. Có thể nói những lập luận về căn cứ kháng nghị là nội dung chính yếu nhất của bản kháng nghị. Điều 287 BLTTDS tại các điểm 5 và 6 đã cụ thể hóa yêu cầu đặt ra đối với nội dung này, người kháng nghị phải "nhận xét, phân tích những vi phạm, sai lầm của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị", đồng thời phải chỉ rõ "căn cứ pháp luật để quyết định kháng nghị". Như vậy, căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm cần được làm rõ trong kháng nghị bao gồm cả căn cứ thực tế và căn cứ pháp luật.

Căn cứ thực tế là sự tồn tại thực của một bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật mà trong quá trình giải quyết vụ án để ra được bản án, quyết định đó có vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Bản án, quyết định là đối tượng của hoạt động kháng nghị bao gồm: Bản án, quyết định của tòa án cấp sơ thẩm đã hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị mà không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm; Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự; Bản án, quyết định của tòa án cấp phúc thẩm; Quyết định của tòa án giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

Quyền phát hiện và thông báo những bản án, quyết định của Tòa án có sai phạm thuộc về một phạm vi chủ thể không giới hạn. Đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức không phải là đương sự trong vụ án đều có quyền này. Tuy nhiên, đối với các cơ quan VKS và Tòa án, pháp luật không quy định quyền mà đặt ra trách nhiệm phát hiện và thông báo bản án, quyết định có sai phạm (Điều 284 BLTTDS). VKS, xuất phát từ chức năng kiểm sát hoạt động xét xử của Tòa án, và Tòa án, thông qua hoạt động giám đốc việc xét xử của Tòa án cấp trên đối với Tòa án cấp dưới và thông qua việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân, kiến nghị của các cơ quan, tổ chức, khi phát hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có sai phạm phải thông báo bằng văn bản

Cũng như căn cứ thực tế, căn cứ pháp luật cũng có thể được phát hiện bởi bất kỳ chủ thể nào, có hay không liên quan đến việc giải quyết vụ án. Tuy nhiên, nhận thức đúng các căn cứ pháp luật không phải là điều dễ dàng đối với tất cả mọi người nên pháp luật không bắt buộc các chủ thể phát hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có vi phạm pháp luật phải chỉ ra được căn cứ pháp luật của trường hợp mình phát hiện được. Trách nhiệm này thuộc về người có thẩm quyền kháng nghị. Người có thẩm quyền kháng nghị sẽ quyết định việc kháng nghị dựa trên nhận định về việc có hay không có căn cứ thực tế như đơn yêu cầu đã mô tả và căn cứ pháp luật đã đúng và đủ cho việc mở thủ tục giám đốc thẩm hay chưa. Thẩm quyền quyết định kháng nghị giám đốc thẩm thuộc về những người có chức danh cao nhất của các cơ quan Tòa án, VKS là sự bảo đảm cao nhất cho tính hợp pháp và tính có căn cứ của bản kháng nghị nên mọi kháng nghị ở Việt Nam đều đương nhiên dẫn đến việc mở phiên tòa giám đốc thẩm mà không cần trải qua bất cứ thủ tục mang tính kiểm tra nào.

Căn cứ pháp luật có thể hiểu đó là các vi phạm được BLTTDS quy định làm cơ sở cho việc kháng nghị giám đốc thẩm và trực tiếp dẫn đến việc mở phiên tòa giám đốc thẩm. Khác với thủ tục phúc thẩm, thủ tục giám đốc thẩm có tính chất là một thủ tục đặc biệt nên các vi phạm là căn cứ để kháng nghị theo thủ tục này phải là "vi phạm pháp luật nghiêm trọng" (Điều 282 BLTTDS). Các vi phạm này được quy định khái quát thành các dạng căn cứ tại Điều 283 BLTTDS, bao gồm:

- Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án;

- Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng;

- Sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.

So với PLTTGQCVADS, văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên, trực tiếp điều chỉnh các quan hệ tố tụng dân sự thì BLTTDS hiện hành đã bỏ đi

căn cứ "việc điều tra không đầy đủ". Điều này xuất phát từ quan niệm mới của BLTTDS về nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh của đương sự trong tố tụng dân sự. Theo các điều 6, 58, 85, 94… của BLTTDS, việc cung cấp chứng cứ cho Tòa án và chứng minh yêu cầu đã đưa ra là có căn cứ và hợp pháp là quyền và nghĩa vụ của đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện, yêu cầu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Tòa án không đương nhiên có trách nhiệm điều tra các vụ án dân sự nữa mà chỉ giải quyết vụ án trên cơ sở tài liệu, chứng cứ đương sự đã cung cấp và trong phạm vi yêu cầu của đương sự. Tòa án chỉ xác minh, thu thập chứng cứ khi đương sự đã thực hiện đầy đủ các biện pháp cần thiết theo khả năng của mình mà không thu thập được (chứng cứ do đương sự khác hoặc người thứ ba nắm giữ…) và có văn bản yêu cầu Tòa án thu thập. Tòa án chỉ thu thập những chứng cứ đương sự yêu cầu. Vì vậy, các đương sự phải gánh chịu hậu quả bất lợi khi không chứng minh được yêu cầu của mình, bản án không thể bị hủy do lỗi không "điều tra đầy đủ" của các bên đương sự. Thêm vào đó, VKS, một cơ quan tiến hành tố tụng khác trong tố tụng dân sự, cũng không có quyền tự mình tiến hành điều tra, thu thập chứng cứ khi thấy cần thiết như quy định pháp luật trước đây nữa. Chính vì vậy, "việc điều tra không đầy đủ" dưới góc độ là một sai lầm của cơ quan tiến hành tố tụng không có cơ sở để tiếp tục được ghi nhận và việc bỏ căn cứ này là hoàn toàn phù hợp.

Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nhưng việc kháng nghị không dựa trên những căn cứ được quy định tại Điều 283. Là sự công nhận của pháp luật về kết quả hòa giải thành giữa các đương sự, trên cơ sở tôn trọng tuyệt đối ý chí của họ, quyết định này có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và chỉ bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nếu có căn cứ cho rằng thỏa thuận đạt được là do một hoặc các bên đương sự bị nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa hoặc kết quả thỏa thuận trái pháp luật, trái đạo đức xã hội (Điều 188 BLTTDS).

Với một số lượng không nhiều các quy định về căn cứ tiến hành thủ tục giám đốc thẩm trong BLTTDS cũng như không có một văn bản quy phạm dưới luật mang tính chất hướng dẫn thi hành luật nào từ trước đến nay làm rõ hơn, cụ thể hơn vấn đề này, tuy nhiên, so sánh với quy định của một số quốc gia trên thế giới, các quy định về căn cứ tiến hành thủ tục giám đốc thẩm trong BLTTDS Việt Nam chứa đựng những bất cập, mâu thuẫn lớn cần được xem xét lại.

Một là, việc BLTTDS không quy định quyền kháng cáo giám đốc thẩm của đương sự mà chỉ ghi nhận thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm của những người có thẩm quyền làm phát sinh những vấn đề cần phải xem xét cả trên góc độ lý luận và thực tiễn:

Thứ nhất, kháng cáo giám đốc thẩm, trước hết đó phải là quyền và khả năng tự định đoạt của đương sự - những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tới vụ án. Vì thế, bên cạnh quyền kháng nghị giám đốc thẩm của VKS (Viện công tố), pháp luật các nước đều có quy định về quyền kháng cáo giám đốc thẩm của đương sự. BLTTDS chỉ cho phép đương sự được gửi đơn đề nghị, yêu cầu kháng nghị giám đốc thẩm đến những người có thẩm quyền kháng nghị khi phát hiện có vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, còn người có thẩm quyền kháng nghị có toàn quyền quyết định kháng nghị hay không kháng nghị không phụ thuộc vào việc có đơn đề nghị, yêu cầu kháng nghị của đương sự hay không, không phụ thuộc vào phạm vi các đương sự yêu cầu là không bảo đảm quyền tự định đoạt của đương sự, tước mất của họ quyền phản đối đối với bản án, quyết định khi mà chính họ chứ không phải người có thẩm quyền kháng nghị có quyền và lợi ích bị ảnh hưởng bởi bản án, quyết định đó.

Thứ hai, trong trường hợp không kháng nghị giám đốc thẩm, người có thẩm quyền không phải ra quyết định mà có trách nhiệm trả lời đơn cho người thông báo (những người phát hiện bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật cần xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm) biết lý do. Nếu không

đồng ý với nội dung trả lời, đương sự cũng không có quyền và không có cơ chế đề nghị xem xét lại nên họ thường "cầu may" bằng cách gửi đơn nhiều lần hoặc gửi đơn đến các cơ quan khác của Đảng và Nhà nước để tạo sức ép cho những người có thẩm quyền kháng nghị.

Ở khía cạnh khác, có thể thấy rằng, việc BLTTDS không hạn chế quyền phát hiện, quyền thông báo của mọi công dân, tổ chức đối với vi phạm pháp luật trong các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có ý nghĩa to lớn trong việc phát huy quyền dân chủ, thể hiện sự giám sát công khai của toàn xã hội đối với hoạt động xét xử của Tòa án. Tuy nhiên, quyền phát hiện, thông báo với trách nhiệm trả lời là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Quyền phát hiện, thông báo là vấn đề mang nhiều tính chất của phản biện xã hội, nên cần có cơ chế xem xét, giải quyết khác với cơ chế thông thường. Nếu ràng buộc trách nhiệm trả lời như Bộ luật quy định, một mặt, chưa thực sự bảo đảm tôn trọng tính độc lập của quyền tư pháp trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, mặt khác, điều đó cũng có nghĩa là các phát hiện, thông báo (trong đó có khiếu nại hoặc đề nghị xem xét giám đốc thẩm) gửi tới người có quyền kháng nghị phải được giải quyết theo như trình tự giải quyết đơn khiếu nại thông thường, nhận đơn nào phải giải quyết đơn đó. Như thế, vô hình chung đã quan niệm thủ tục giám đốc thẩm cũng giống như thủ tục thông thường, giám đốc thẩm được coi như là "một cấp xét xử thứ ba".

Thứ ba, quy định về thẩm quyền kháng nghị của những người đứng đầu cơ quan Tòa án (Chánh án TAND cấp tỉnh, Chánh án TANDTC) cũng là điểm đặc thù của chế định thủ tục giám đốc thẩm trong tố tụng dân sự nước ta so với các nước trên thế giới. Quy định này xuất phát từ nguyên tắc giám đốc việc xét xử giữa Tòa án cấp trên với Tòa án cấp dưới, giữa TANDTC với Tòa án các cấp để "bảo đảm việc áp dụng pháp luật được nghiêm chỉnh và thống nhất" (Điều 18 BLTTDS). Tuy nhiên, việc Tòa án vừa là cơ quan xét xử, vừa là cơ quan đưa ra yêu cầu xét xử sẽ khó bảo đảm tính khách quan, đặc biệt trong trường hợp

này lại tham gia Hội đồng giám đốc thẩm tại Ủy ban thẩm phán TAND cấp tỉnh, Hội đồng thẩm phán TANDTC để giải quyết kháng nghị của chính mình.

Hai là, khác với nhiều quốc gia khác, BLTTDS Việt Nam đồng thời quy định căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm và căn cứ hủy bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, trong nội dung các điều luật còn có sự chưa nhất quán. Như đã khẳng định ở trên, việc BLTTDS bỏ căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm "việc điều tra không đầy đủ" là đúng đắn nhưng quy định về căn cứ hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị để xét xử sơ thẩm lại hoặc xét xử phúc thẩm lại (Điều 299 BLTTDS) lại chưa thể hiện được điểm tiến bộ này. Ngoài những căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm tại Điều 283 đồng thời là căn cứ hủy bản án, quyết định theo Điều 299, còn có thêm một căn cứ nữa là "Việc thu thập chứng cứ và chứng minh chưa thực hiện đầy đủ hoặc không theo đúng quy định tại Chương VII của Bộ luật này". Bởi nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh đã thuộc về đương sự và đương sự chịu bất lợi về việc không chứng minh được yêu cầu của mình nên Tòa án giám đốc thẩm không thể hủy bản án, quyết định vì lý do việc thu thập chứng cứ và chứng minh chưa thực hiện đầy đủ. Còn nếu việc thu thập chứng cứ và chứng minh không theo đúng quy định của Bộ luật thì đã thuộc trường hợp có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng tại Khoản 3 Điều 299.

Riêng đối với trường hợp Tòa án thu thập chứng cứ theo yêu cầu của đương sự mà việc thu thập chưa được thực hiện đầy đủ thì có thể coi đây là căn cứ hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên để có thể áp dụng được thì cần bổ sung căn cứ này vào Điều 283 vì nếu không có căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm thì Tòa án giám đốc thẩm không thể viện dẫn căn cứ này để hủy bản án, quyết định được vì như vậy sẽ trái với phạm vi giám đốc thẩm quy định tại Điều 296 BLTTDS.

Ba là, nếu thủ tục giám đốc thẩm ở đa số các nước chỉ xem xét vấn đề áp dụng pháp luật và giải thích pháp luật, hầu như không xem xét lại các tình

tiết thực tế của vụ án thì Việt Nam lại xem xét cả vấn đề đánh giá chứng cứ. Việc triệt để áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 283 BLTTDS về căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm "Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án", hay nói cách khác, nếu áp dụng triệt để thẩm quyền giám đốc thẩm trong việc xem xét vấn đề đánh giá chứng cứ của vụ án như hiện nay thì sẽ dẫn đến thủ tục giám đốc thẩm được thực hiện không còn nguyên nghĩa là thủ tục đặc biệt nữa mà gần giống với thủ tục thông thường - một cấp xét xử phúc thẩm lần thứ hai hay một cấp xét xử thứ ba. Đây là lý do chính để quyết định giám đốc thẩm ở Việt Nam không được coi là án lệ, không có giá trị khuôn mẫu, hướng dẫn hoạt động xét xử.

Một phần của tài liệu Căn cứ tiến hành thủ tục giám đốc thẩm trong tố tụng dân sự Việt Nam và vai trò, trách nhiệm của Viện Kiểm sát trong thủ tục giám đốc thẩm vụ việc dân sự (Trang 57)