nhiệm của Viện kiểm sát trong thủ tục giám đốc thẩm dân sự
Việc hoàn thiện các quy định của BLTTDS về vai trò, trách nhiệm của VKS trong thủ tục giám đốc thẩm đòi hỏi phải được tiến hành dựa trên và đồng bộ với việc đổi mới vị trí, vai trò của VKS và hoàn thiện thủ tục giám đốc thẩm trong tố tụng dân sự theo yêu cầu cải cách tư pháp. Chỉ có vậy, thì những kiến nghị đưa ra để hoàn thiện vấn đề chính của luận văn mới có tính khả thi và giá trị lâu dài. Tuy nhiên, nếu đi sâu phân tích và đưa ra những kiến giải cho việc đổi mới vị trí, vai trò của VKS và thủ tục giám đốc thẩm trong tố tụng dân sự để làm cơ sở cho việc hoàn thiện quy định của BLTTDS về vai trò, trách nhiệm của VKS trong thủ tục giám đốc thẩm thì vượt quá phạm vi nghiên cứu và dung lượng cho phép của luận văn. Vì vậy, người viết sẽ xuất phát từ những nội dung còn thiếu cụ thể, bất hợp lý trong các quy định của BLTTDS về thẩm quyền của VKS trong thủ tục giám đốc thẩm đã được phân tích ở trên để đưa ra một số kiến nghị khắc phục. Trong quá trình làm rõ nội dung từng kiến nghị, những vấn đề có liên quan sẽ được đề cập đến một cách khái quát nhất để bảo đảm tính hệ thống và tính có căn cứ của mỗi kiến nghị được đưa ra.
Trên tinh thần đó, việc hoàn thiện các quy định về vai trò, trách nhiệm của VKS trong thủ tục giám đốc thẩm dân sự cần tập trung vào một số nội dung cụ thể dưới đây:
Một là, cần xác định rõ vị trí của VKS trong việc kháng nghị giám đốc thẩm dân sự.
Vị trí của VKS trong việc kháng nghị giám đốc thẩm dân sự bị quyết định bởi vai trò, vị trí của VKS trong tố tụng dân sự. Theo quy định của BLTTDS hiện hành, VKS có vị trí là cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự, thực hiện quyền kháng nghị nhằm mục đích bảo đảm cho pháp luật được thi hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Tuy nhiên, các quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của VKS trong Bộ luật này đã bộc lộ những hạn chế lớn, vừa không có cơ sở khoa học rõ ràng, đúng đắn, vừa trái với các nguyên tắc đặc thù của tố tụng dân sự, vừa không đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống, vừa lạc hậu và xa lạ với thế giới. Trên cơ sở kế thừa và phát huy những thành tựu của công tác kiểm sát dân sự của VKS Việt Nam hơn 60 năm qua, trên cơ sở tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm nước ngoài, nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, vai trò của VKS trong tố tụng dân sự cần được đổi mới theo hướng quy định rõ VKS vừa là cơ quan bảo vệ luật pháp, vừa đại diện cho lợi ích Nhà nước và lợi ích công cộng với các vị trí cụ thể như sau:
Thứ nhất, VKS đại diện cho Nhà nước, Chính phủ Việt Nam trong các vụ việc dân sự được khởi kiện bởi Nhà nước, Chính phủ Việt Nam hoặc chống lại các chủ thể này. Trong các trường hợp này, VKS tham gia tố tụng với tư cách là nguyên đơn hoặc bị đơn, do đó, phạm vi thẩm quyền của VKS tương tự như quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn và bị đơn dân sự. VKS sẽ thực hiện quyền kháng nghị giám đốc thẩm với tư cách là một bên đương sự trong tố tụng.
Thứ hai, VKS đứng đơn khởi kiện vụ việc dân sự nhân danh lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng, lợi ích của những cá nhân không có khả năng tự thực hiện quyền dân sự và/hoặc không thể tự bảo vệ mình (những vụ việc dân sự xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của số đông người hoặc của tập hợp người không xác định như ô nhiễm môi trường trên diện rộng hay vi phạm quyền lợi của số lượng nhiều người tiêu dùng…; việc kết hôn trái pháp luật và những vụ việc dân sự xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi của người chưa thành niên hoặc người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần). Trong những trường hợp này, vị trí tố tụng của VKS tương tự như nguyên đơn dân sự, thực hiện quyền kháng nghị giám đốc thẩm với tư cách là nguyên đơn.
Thứ ba, VKS là người bảo vệ luật pháp và vì lợi ích của luật. Trong trường hợp này, VKS tham gia tố tụng với tư cách là cơ quan tiến hành tố tụng nhưng vai trò của VKS không phải là nhân tố chính bảo đảm pháp chế thống nhất mà chỉ là nhân tố " góp phần bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất" (Điều 137 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi)). Cùng với việc thừa nhận quyền kháng cáo giám đốc thẩm của đương sự, VKS không kháng nghị giám đốc thẩm về những vấn đề liên quan đến lợi ích của đương sự nữa mà chỉ kháng nghị về những vấn đề liên quan đến lợi ích của luật như những vi phạm nghiêm trọng pháp luật tố tụng, vi phạm nguyên tắc thống nhất, công bằng trong hoạt động xét xử của Tòa án…
Nếu vị trí, vai trò của VKS trong tố tụng dân sự vẫn được giữ nguyên như quy định của BLTTDS hiện hành thì thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm của VKS cần có sự thay đổi theo hướng VKS sẽ thực hiện quyền kháng nghị giám đốc thẩm với tư cách người bảo vệ luật pháp và vì lợi ích của luật như đã nêu ở trên. Đồng thời, có quyền kháng nghị với tư cách người bảo vệ lợi ích Nhà nước và lợi ích công cộng.
Hai là, để khắc phục những bất cập trong thực tiễn thực hiện quyền kháng nghị giám đốc thẩm của Viện trưởng VKSNDTC, BLTTDS có thể sửa đổi quy định về thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm theo các phương án sau:
Thứ nhất, quy định giao cho VKS có quyền kháng nghị giám đốc thẩm như pháp luật các nước. Chủ thể trực tiếp thực hiện thẩm quyền này có thể là Viện trưởng VKS hoặc Phó Viện trưởng VKS theo sự phân công của Viện trưởng.
Thứ hai, khôi phục lại cơ chế phân quyền kháng nghị giám đốc thẩm giữa cấp trưởng và cấp phó như trước đây, cụ thể là quy định bổ sung thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm của Phó Viện trưởng VKSNDTC, Phó Chánh án TANDTC (nếu BLTTDS vẫn giữ thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm của Chánh án Tòa án). Tham khảo kinh nghiệm nước ngoài cho thấy, pháp luật một số nước rất đề cao trách nhiệm của các chức danh pháp lý này trong hoạt động kháng nghị.
Thứ ba, tiếp tục quy định thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm của Viện trưởng VKS như hiện nay, đồng thời, quy định rõ Viện trưởng VKS được ủy quyền cho cấp dưới thực hiện thẩm quyền này.
Ba là, quy định cho phép Kiểm sát viên tham dự phiên tòa giám đốc thẩm có quyền thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị tại phiên tòa và chịu trách nhiệm về quyết định của mình, tránh tình trạng phải hoãn phiên tòa để xin ý kiến của người có thẩm quyền kháng nghị như hiện nay. Đồng thời, nghiên cứu bổ sung các quy định có liên quan như điều kiện, thủ tục, hậu quả pháp lý... của việc thay đổi, bổ sung, rút quyết định kháng nghị tại phiên tòa.
Bốn là, quy định rõ ràng, cụ thể về thủ tục trong các trường hợp VKS tham gia phiên tòa giám đốc thẩm:
Trường hợp thứ nhất, phiên tòa giám đốc thẩm được mở trên cơ sở kháng nghị giám đốc thẩm của VKS. Trong trường hợp này, VKS tham gia
phiên tòa chủ yếu là để bảo vệ kháng nghị. Kiểm sát viên tham gia phiên tòa phải đưa ra các chứng cứ và lý lẽ, thậm chí tranh tụng với các bên khác để bảo vệ kháng nghị đó. Khi Hội đồng giám đốc thẩm nêu câu hỏi hoặc yêu cầu làm rõ chứng cứ có trong hồ sơ thì Kiểm sát viên có trách nhiệm trả lời, giải thích với Hội đồng giám đốc thẩm. Đối với các vụ án do VKS kháng nghị, Tòa án vẫn có thể làm bản thuyết trình để tham mưu cho Hội đồng giám đốc thẩm nhưng không phải trả lời các câu hỏi của Hội đồng giám đốc thẩm mà nghĩa vụ thuyết trình, trả lời thuộc về đại diện VKS đã kháng nghị giám đốc thẩm.
Trường hợp thứ hai, phiên tòa giám đốc thẩm được tiến hành trên cơ sở kháng cáo giám đốc thẩm của đương sự hoặc kháng nghị giám đốc thẩm của Tòa án (nếu BLTTDS vẫn quy định thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm như hiện nay). Trong trường hợp này, đại diện VKS sẽ phát biểu quan điểm của VKS về kháng cáo, kháng nghị, có thể nêu câu hỏi, yêu cầu làm rõ chứng cứ… đối với người đã kháng cáo, kháng nghị hoặc những người khác tham gia phiên tòa (những người có quyền, lợi ích liên quan đến kháng cáo, kháng nghị). Đại diện VKS sẽ phát biểu quan điểm của VKS về việc giải quyết vụ án trước khi Hội đồng giám đốc thẩm nghị án.
KẾT LUẬN
1. Sau khi vụ án dân sự được Tòa án xét xử lần đầu, pháp luật các nước đều mở ra khả năng xem xét lại bản án, quyết định giải quyết vụ án đó theo những thủ tục nhất định. Giám đốc thẩm là một loại thủ tục tố tụng Tòa án đặc biệt, thường được quy định trong pháp luật các nước áp dụng nguyên tắc hai cấp xét xử như các nước theo truyền thống luật châu Âu lục địa, các nước theo truyền thống luật XHCN. Đó là việc Tòa án có thẩm quyền (thường là Tòa án tối cao, Tòa phá án…) xét lại bản án, quyết định của Tòa sơ thẩm hoặc phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị theo những căn cứ do pháp luật quy định, nhằm mục đích khắc phục những sai lầm hoặc vi phạm pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án. Khái niệm giám đốc thẩm không có trong pháp luật các nước theo truyền thống thông luật và một số nước khác như Nhật Bản, tuy nhiên, pháp luật các nước này cũng có những quy định tương tự và được gọi chung là thủ tục phúc thẩm.
Ở Việt Nam, cho đến BLTTDS năm 2004, tức là sau gần nửa thế kỷ từ thời điểm xuất hiện các quy định đầu tiên về xét lại bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, chúng ta mới có được một quan niệm tương đối đúng đắn, tương đồng với pháp luật các nước về giám đốc thẩm. Tuy vậy, chế định thủ tục giám đốc thẩm trong BLTTDS Việt Nam hiện hành còn chứa đựng nhiều yếu tố mâu thuẫn, bất hợp lý và thiếu cụ thể.
2. Căn cứ tiến hành thủ tục giám đốc thẩm trong tố tụng dân sự là kháng cáo giám đốc thẩm của đương sự và/hoặc kháng nghị giám đốc thẩm của Viện công tố/ VKS. Tuy nhiên, chỉ kháng cáo, kháng nghị có căn cứ theo luật định mới dẫn đến việc mở thủ tục giám đốc thẩm. Các nước thường có cơ chế kiểm tra, xem xét việc kháng cáo giám đốc thẩm có căn cứ hay không trước khi tiến hành thủ tục giám đốc thẩm. BLTTDS Việt Nam không thừa nhận quyền kháng cáo giám đốc thẩm của đương sự và cho phép mở
thủ tục giám đốc thẩm ngay sau khi có kháng nghị giám đốc thẩm của người có thẩm quyền.
3. Căn cứ kháng cáo, kháng nghị giám đốc thẩm bao gồm căn cứ thực tế và căn cứ pháp luật. Căn cứ thực tế về cơ bản là giống nhau giữa các nước. Căn cứ pháp luật có sự khác biệt nhất định nhưng tựu trung lại chỉ tập trung xem xét vấn đề áp dụng pháp luật, không xem xét việc đánh giá chứng cứ và đặc biệt là không xem xét chứng cứ mới. Chính vì vậy, dù pháp luật các nước không quy định cụ thể, chi tiết từng căn cứ kháng cáo, kháng nghị giám đốc thẩm dân sự nhưng họ có nguồn án lệ dồi dào từ chính các phán quyết của Tòa án giám đốc thẩm hoặc Tòa phá án lại được bổ sung liên tục từ thực tiễn giám đốc thẩm, làm căn cứ cho việc kháng cáo, kháng nghị. Việt Nam là một nước không công nhận án lệ nhưng lại không quy định cụ thể các căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm, dẫn đến tình trạng "kháng nghị tràn lan, thiếu căn cứ".
4. Vai trò, trách nhiệm của Viện công tố/ VKS trong thủ tục giám đốc thẩm dân sự được quy định khá thống nhất giữa các nước. Đó là thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm và tham gia phiên tòa giám đốc thẩm. Ở các nước, Viện công tố/ VKS có thể kháng nghị và tham gia phiên tòa giám đốc thẩm với tư cách là một bên đương sự bảo vệ lợi ích của Nhà nước hoặc trật tự công hoặc vì lợi ích của pháp luật. Ở Việt Nam, VKS không có thẩm quyền khởi kiện hay đại diện cho Nhà nước trong các vụ kiện mà Nhà nước là một bên đương sự, VKS kháng nghị và tham gia phiên tòa giám đốc thẩm với tư cách là cơ quan tiến hành tố tụng, thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự, có nhiệm vụ bảo đảm việc giải quyết vụ việc dân sự đúng pháp luật.
5. Mặc dù các quy định về căn cứ tiến hành thủ tục giám đốc thẩm, vai trò, trách nhiệm của VKS trong thủ tục giám đốc thẩm trong BLTTDS đã tạo
và giải quyết kháng nghị giám đốc thẩm, khắc phục những sai lầm, vi phạm trong việc giải quyết vụ án của Tòa án. Tuy nhiên, các quy định này chưa được quy định cụ thể, rõ ràng, đầy đủ, phù hợp với lý luận và thực tiễn, thậm chí có quy định còn mâu thuẫn… Để khắc phục được những hạn chế này, việc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về căn cứ tiến hành thủ tục giám đốc thẩm, vai trò, trách nhiệm của VKS trong thủ tục giám đốc thẩm phải được tiến hành đồng bộ với việc hoàn thiện các quy định về thủ tục giám đốc thẩm và đổi mới vị trí, vai trò của VKS trong tố tụng dân sự nói chung, trên cơ sở chủ trương, đường lối về cải cách tư pháp của Đảng, phù hợp với các nguyên tắc đặc thù của tố tụng dân sự và tương đồng với pháp luật các nước trên thế giới.