Nâng cao chất lượng thông tin

Một phần của tài liệu Giải pháp hoàn thiện công tác thẩm định tài chính dự án đầu tư tại ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh Văn Lâm (Trang 76)

Khâu đầu tiên trong quá trình thẩm định tài chính dự án đầu tư đó là việc thu thập thông tin có liên quan đến dự án làm cơ sở cho việc phân tích và đưa ra kết luận cuối cùng. Thông tin chính là nguồn nguyên liệu chính để đánh giá tính khả thi và hiệu quả của dự án. Thông thường thông tin là do chủ đầu tư cung cấp, tuy nhiên do một số tác động chủ quan và khách quan (tính trung thực, khả năng thẩm định cũng như khả năng tìm kiếm thông tin của chủ đầu tư) mà các thông tin này thường chưa chính xác hoặc là đầy đủ. Do vậy cán bộ thẩm định phải nỗ lực tìm kiếm mọi nguồn thông tin liên quan đến khách hàng và dự án.

Thông tin từ phía khách hàng xin vay

Để việc đánh giá dự án được chính xác, cán bộ thẩm định cần xem xét kỹ các báo cáo mà khách hàng cung cấp, có thể tự xây dựng lại các báo cáo này hoặc yêu cầu chủ đầu tư cung cấp các báo cáo tài chính đã được kiểm toán tại một công ty kiểm toán do ngân hàng chỉ định. Ngoài những tài liệu đó, cán bộ thẩm định phải thường xuyên xuống cơ sở, trao đổi trực tiếp với cán bộ công nhân viên, khảo sát các thiết bị máy móc đang vận hành. Từ đó cán bộ thẩm định có cái nhìn toàn diện và kỹ lưỡng về tình hình sản xuất kinh doanh, khả năng quản lý, những tài sản hiện có cũng như đời sống của người lao động.

Nguồn thông tin từ nội bộ của ngân hàng

Đây là nguồn thông tin quan trọng và đáng tin cậy mà cán bộ tín dụng có thể thu thập được. Để sử dụng nguồn thông tin này có hiệu quả chi nhánh cần phải có

một bộ phận chuyên thu thập, phân loại, lưu trữ thông tin và chuyển những thông tin này lên mạng nội bộ. Nhờ vậy mà các phòng ban của chi nhánh có thể thu thập được thông tin một cách an toàn và tiện lợi.

Nguồn thông tin từ bên ngoài

Đây là nguồn thông tin rất đa dạng phong phú nhưng cũng khó chọn lọc vì tính chính xác không cao. Ngân hàng cần cân nhắc lựa chọn để tập hợp những thông tin đáng tin cậy. Nguồn thông tin này bao gồm:

+ Thông tin từ khách hàng mà doanh nghiệp có quan hệ. Thông qua những khách hàng của mình mà đặc biệt là những khách hàng cùng kinh doanh trên lĩnh vực mà dự án sẽ hoạt động, cán bộ tín dụng có thể thu thập được những thông tin cần thiết như: thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra, thị trường nguyên vật liệu đầu vào, giá thành sản phẩm và các đối thủ cạnh tranh..

+ Thông tin của những đối tác của khách hàng xin vay vốn. Thông qua đối tượng này cán bộ tín dụng có thể biết được tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong quá khứ và hiện tại, biết được uy tín và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

+ Thông tin từ các chuyên gia kỹ thuật. Đây là những thông tin rất khó kiểm chứng của các cán bộ tín dụng. Họ cần phải tham khảo ý kiến của các chuyên gia kỹ thuật để có được thông tin chính xác nhất về tính hợp lý, khả thi cũng như mức độ chính xác, an toàn của các máy móc trang thiết bị liên quan đến dự án đầu tư.

+ Thông tin từ các công ty kiểm toán. Đây là nguồn thông tin rất đáng tin cậy vì có mức độ chính xác cao. Tuy nhiên hiện nay các doanh nghiệp được kiểm toán chưa nhiều và công tác kiểm toán chưa trở nên phổ biến, nhưng trong tương lai không xa, đây sẽ là nguồn thông tin chính xác, đáng tin cậy về khách hàng xin vay và các báo cáo tài chính liên quan.

+ Ngoài ra cán bộ tín dụng còn có thể tìm kiếm thông tin trên mạng Internet, trên truyền hình, sách báo và những văn bản có liên quan và đặc biệt là thông tin từ trung tâm rủi ro tín dụng của ngân hàng nhà nước. Đây là nguồn thông tin tổng quát về khách hàng xin vay vốn cũng như diễn biến chung của nền kinh tế tác động đến dự án đầu tư. Bên cạnh đó, chi nhánh cũng cần tăng cường quan hệ hợp tác với các ngân hàng thương mại, các bộ, ngành, các cơ quan, tổ chức khác để khai thác tận dụng thông tin.

Một phần của tài liệu Giải pháp hoàn thiện công tác thẩm định tài chính dự án đầu tư tại ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh Văn Lâm (Trang 76)