Thẩm định tài chính dự án đầu tư với tư cách là một hoạt động có khâu tổ chức điều hành, quy trình riêng cũng như đội ngũ cán bộ thực hiện nên trước khi đưa ra các giải pháp hoàn thiện cũng cần phải có định hướng rõ ràng. Dưới giác độ ngân hàng (cụ thể là Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn) nhằm phát huy tối đa các lợi thế tiềm năng của ngân hàng, đạt được mục tiêu đề ra trong hoạt động đầu tư tín dụng
cũng như chiến lược phát triển chung đã có những định hướng sau:
- Thẩm định tài chính dự án đầu tư phải đứng trên quan điểm của người cho vay để xem xét tính khả thi, hiệu quả dự án, nhận thức rõ lợi ích của ngân hàng gắn bó chặt chẽ với lợi ích của dự án.
- Phát huy từ tình hình thực tiễn trong ngành và phục vụ cho hoạt động cho vay của ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn trong từng giai đoạn.
- Công tác thẩm định dự án đầu tư phải được quán triệt trong toàn hệ thống không chỉ các cán bộ trực tiếp thực hiện thẩm định mà cần có cả các bộ phận khác tham gia với những mức độ yêu cầu cho công việc khác nhau.
- Thẩm định dự án phải được tiến hành thường xuyên liên tục với tất cả các dự án xin vay với cả ba giai đoạn trước, trong và sau khi cho vay.
Không ngừng đổi mới tìm tòi, khai thác thế mạnh của mình, song dù đã rất cố gắng chi nhánh Agribank Văn Lâm cũng không thể không có những yếu điểm. Qua phân tích đánh giá trên, chúng ta càng nhận ra công tác thẩm định có một vai trò quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển của Ngân hàng. Để tránh tình trạng vốn đóng băng hoặc sử dụng vốn không hiệu quả thì việc nâng cao chất lượng công tác thẩm định lại càng cần có những giải pháp hữu hiệu hơn. Những hạn chế trong công tác thẩm định tại chi nhánh Agribank Văn Lâm vẫn còn tồn tại, nhưng đó là cả một sự cố gắng của tập thể cán bộ, nhân viên tại chi nhánh. Để khắc phục những tồn tại trên tôi xin đưa ra một số giải pháp để hoàn thiện công tác thẩm định tài chính dự án đầu tư tại chi nhánh.