Tại Ngân hàng công tác thẩm định được giao cho bộ phận kinh doanh. Điều này giúp cho phía ngân hàng đánh giá một cách khách quan hơn khi tiến hành thẩm định, do CBTĐ cũng là cán bộ phòng kinh doanh được tiếp xúc trực tiếp với dự án, gặp gỡ khách hàng, thẩm tra thực tế dự án. Các cán bộ thẩm định khi tiếp xúc với dự án ngay từ đầu nên nắm rõ được tính chất của dự án, từ đó thuận tiện trong việc tiến hành xem xét, đánh giá các khía cạnh của dự án nhằm đưa ra được các quyết định chính xác nhất. Tuy nhiên, đây cũng chính là một nhược điểm. Bởi khi một dự án được tiến hành sẽ có rất nhiều khâu và cũng liên quan đến nhiều lĩnh vực nên nhiều khi cán bộ thẩm định phải đảm nhiệm tất cả các công việc đó dẫn đến thời gian bị kéo dài, các đánh giá sẽ mang tính một chiều. Mỗi loại dự án có nét đặc thù riêng, vì vậy việc áp dụng một quy trình thẩm định chung cho mọi dự án sẽ không thực sự đạt hiệu quả. Giải pháp cho vấn đề này là CBTĐ phải linh hoạt trong việc vận dụng quy trình, khi cần thiết có thể huy động thêm nguồn lực để phục vụ cho công tác thẩm định như thu thập thông tin, tiếp xúc khách hàng. Về lâu dài, ngân hàng nên nghiên cứu và có hướng dẫn cụ thể chi tiết cho từng loại dự án đặc thù, như vậy sẽ dễ dàng cho CBTĐ áp dụng và tham khảo khi cần. Không chỉ có quy trình thẩm định chung, mà cần soạn thảo và phê duyệt các hướng dẫn về quy trình thẩm định thuộc các dự án, các lĩnh vực khác nhau. Đối với mỗi dự án có quy mô, tính chất khác nhau thì quy trình thẩm định cần quy định rõ ràng, chi tiết đối với từng lĩnh vực khác nhau của dự án để tạo điều kiện cho CBTĐ khi tiến hành thẩm định. Hiện giờ chi nhánh cũng áp dụng hướng dẫn thẩm định đối với các dự án có quy mô dưới 2 tỷ, 5 tỷ, 10 tỷ… Đối với dự án trên 5 tỷ, những cán bộ khác của phòng kinh doanh sẽ cùng nhau thẩm định rồi sau đó mới đưa đến kết quả cuối cùng. Còn đối với những dự án với quy mô vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng, sau khi chi nhánh thẩm định sẽ gửi lên phòng thẩm định của hội sở thẩm định lại sau đó mới ra quyết định cho vay hay không. Trong thời gian tới chi nhánh cần tiếp tục lập các văn bản hướng dẫn cụ thể hơn đối với từng ngành nghề, lĩnh vực bởi vì có những dự án quy mô vốn không lớn nhưng mang tính chất kỹ thuật cao, đặc thù ngành nên
cần có những hướng dẫn cụ thể phục vụ cho công tác thẩm định.
Đối với công tác tổ chức thẩm định, để thuận tiện cho CBTĐ trong công tác này phía ngân hàng cũng cần phân công rõ ràng hơn, cụ thể không chỉ giao cho riêng bộ phận kinh doanh mà cần phân cấp tới các bộ phận có liên quan. Trong việc tiếp xúc hoặc gặp gỡ khách hàng có thể giao cho bộ phận hỗ trợ khách hàng phụ trách, sau đó chuyển thông tin thu thập được tới bộ phận thẩm định. Khi tiến hành thẩm định tại hiện trường, thẩm định công nghệ kỹ thuật cần có sự giúp đỡ của các nhân viên kỹ thuật, kiến trúc, các chuyên viên am hiểu lĩnh vực địa chất, khảo sát thực địa. Về vấn đề thẩm định, đánh giá tài sản đảm bảo được cần được tiến hành một cách kỹ lưỡng hơn. Trong phân công thẩm định tránh chồng chéo, nhiều người thực hiện cùng một việc như vậy sẽ dẫn đến kết quả thiếu đồng nhất và khó quy trách nhiệm cho một cá nhân cụ thể. Đồng thời cũng nên tránh làm việc cá nhân, một người phải đảm nhận nhiều khâu của quá trình gây mất thời gian và có thể dẫn đến các kết luận thiếu chính xác hoặc đánh giá mang tính chủ quan.
Bên cạnh đó phía chi nhánh cũng nên sắp xếp lại đội ngũ nhân viên thẩm định, khi tiến hành thẩm định có những lúc cần đến những quyết định của người có kinh nghiệm, cũng có giai đoạn cần đến sự nhanh nhạy, linh động của các cán bộ trẻ. Do đó khi phân cấp thẩm định cần phải phân công những nhân viên thẩm định sao cho phù hợp với đặc điểm của mỗi dự án, và những yêu cần đòi hỏi của từng bước để công tác thẩm định tận dụng được tối đa năng lực của mỗi CBTĐ