Hiện nay, trong quyết định 4275/QĐ-VP của Tổng Giám đốc NHĐT&PT Việt Nam đã có những hướng dẫn về các phương pháp thẩm định dự án đầu tư được áp dụng cho toàn hệ thống, tuy nhiên đó chỉ là những hướng dẫn mang tính định hướng, tổng quát, việc cán bộ tín dụng sẽ lựa chọn phương pháp nào và sử dụng phương pháp đó trong thẩm định dự án ra sao còn tùy thuộc vào tính chất của dự án và trình độ của cán bộ làm thẩm định.
- Về thẩm định sự cần thiết phải đầu tư: Thông thường việc đánh giá sự cần thiết phải đầu tư cũng cần phải tuỳ thuộc vào tính chất, mục tiêu đầu tư dự án. Đối với các dự án đầu tư mới, căn cứ vào chiến lược/quy hoạch phát triển ngành, phát triển của địa phương, chiến lược đầu tư của Công ty và cân đối cung - cầu, năng lực, kinh nghiệm kinh doanh của Chủ đầu tư, cơ hội/thời điểm đầu tư, sản phẩm của dự án… để quyết định việc đầu tư. Tuy nhiên, đối với các dự án đầu tư mở rộng, nâng cao năng lực sản xuất, chuyển đổi công nghệ… ngoài những căn cứ trên ngân hàng cần dựa vào các thông tin, căn cứ về: tình hình SXKD, khả năng hoạt động, tình hình vay và trả nợ vay với các tổ chức tín dụng, tình hình tiêu thụ sản phẩm, hiệu quả hoạt động của dây chuyền hiện tại để đánh giá.
- Khi thẩm định phương diện thị trường của dự án, cán bộ thẩm định cần đánh giá được một cách tổng quát về nhu cầu sản phẩm của dự án, mức cung sản phẩm hiện tại, dự báo cung – cầu sản phẩm trong tương lai. Muốn đánh giá được những nội dung này cán bộ thẩm định cần dựa vào quy hoạch phát triển ngành trên toàn quốc hoặc từng khu vực, địa bàn và các số liệu, thông tin dự báo về tình hình sản xuất kinh doanh, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước thu thập được từ các kênh thông tin.
Trên cơ sở đánh giá tổng quan về quan hệ cung cầu sản phẩm của dự án, cán bộ thẩm định cần tiếp tục xem xét, đánh giá về các thị trường mục tiêu của sản phẩm, dịch vụ đầu tư của dự án thay thế hàng nhập khẩu, xuất khẩu hay chiếm lĩnh thị trường nội địa của các nhà sản xuất khác. Việc định hướng thị trường này có hợp lý hay không?
- Thẩm định khả năng cung cấp nguyên vật liệu đầu vào: Trên cơ sở hồ sơ dự án (Báo cáo đánh giá chất lượng, trữ lượng tài nguyên, Giấy phép khai thác tài nguyên, nguồn thu mua bên ngoài, nhập khẩu,…) và đặc biệt tính kỹ thuật của dây chuyền công nghệ, cán bộ thẩm định đánh giá khả năng đáp ứng/ cung cấp nguyên vật liệu đầu vào cho dự án. Việc đánh giá khả năng cung cấp nguyên liệu đầu vào cho dự án phải thỏa mãn đưa ra được kết luận đối với hai vấn đề: dự án có chủ động được nguồn nguyên vật liệu đầu vào được hay không? và những thuận lợi, khó khăn đi kèm với việc để có thể chủ động được nguyên vật liệu đầu vào là gì?
- Khi tiến hành thẩm định phương diện kỹ thuật với những dự án phức tạp vượt ra ngoài khả năng của cán bộ đầu tư, ngân hàng nên thuê chuyên gia, tránh tình trạng chấp nhận ngay những kết quả kỹ thuật doanh nghiệp đưa đến. Đồng thời bản thân cán bộ thẩm định cũng phải nghiên cứu, tìm hiểu về những ngành nghề, sản phẩm của dự án do mình phụ trách.
- Thẩm định vốn đầu tư của dự án: Đây là vấn đề mà ngân hàng thường không xác định kỹ, việc thẩm định đòi hỏi các cán bộ thẩm định phải thẩm định chính xác vốn đầu tư và các chi phí liên quan, tránh tình trạng chủ đầu tư có thể tính toán mức vốn quá cao để tranh thủ vốn, gây lãng phí, ứ đọng vốn làm giảm hiệu quả đầu tư; hay chủ đầu tư lập dự án tính mức vốn quá thấp để tăng hiệu quả đầu tư giả tạo dẫn đến quyết định đầu tư sai lệch. Việc xác định tổng vốn đầu tư sát với thực tế là cơ sở để tính toán hiệu quả tài chính và dự kiến khả năng trả nợ của dự án.
Muốn vậy, các cán bộ thẩm định phải tích cực tìm hiểu thị trường, căn cứ vào các định mức kinh tế kỹ thuật của các ngành, các đơn giá của nhà nước hay qua viện nghiên cứu mức độ hiện đại của công nghệ, tình hình giá cả ở thị trường trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, cần tích cực tìm hiểu, lưu trữ các thông tin của các dự án điển hình trong cả nước làm cơ sở cho việc kiểm tra, thẩm định tổng mức vốn đầu tư, trong một số trường hợp có thể thuê cơ quan tư vấn nếu cần thiết.
Đối với các dự án xây dựng, đặc biệt là các dự án xây dựng có nhiều hạng mục công trình, kéo dài trong nhiều năm, ngoài việc tính các chi phí liên quan còn phải tính đến các yếu tố lạm phát, tỷ giá (nếu dự án mua máy móc từ bên ngoài) được áp dụng của dự án. Đã có không ít những dự án gặp phải khó khăn về tiến độ thi công do giá vật liệu tăng mà trước đó khi thẩm định không được tính toán đến. Việc xác định, đánh giá và tính toán trước những yếu tố trên sẽ giúp chủ đầu tư có thể phản ứng nhanh hơn trước những biến đổi bất lợi của thị trường.
- Khi lập dự toán về doanh thu và chi phí của dự án, ngân hàng cần chú trọng kiểm tra tính hợp lý và đầy đủ về các khoản chi phí đầu tư dựa trên cơ sở tham khảo những dự án tương tự điển hình. Các loại chi phí như: quản lý doanh nghiệp, lãi vay vốn lưu động, chi phí thuê đất, thuê chuyên gia… ngân hàng không nên chấp nhận mặc nhiên theo cách tính toán của doanh nghiệp hay tuỳ tiện nâng lên để an toàn hơn. Đối với các dự án mở rộng hoặc dự án mới của doanh nghiệp đã hoạt động trong ngành đó, cán bộ có thể lấy các chỉ tiêu cũ làm cơ sở. Nếu là các dự án và doanh nghiệp mới hoàn toàn, các chỉ tiêu của các doanh nghiệp tương tự cũng là những yếu tố tham khảo tốt cho công tác thẩm định. Đồng thời, ngân hàng cũng cần chú trọng đến giá bán sản phẩm dự kiến, tham khảo giá bán trên thị trường trong nước và thị trường thế giới, dự tính sự biến động giá trong những năm tiếp theo.
- Khi tính toán dòng tiền của dự án, cán bộ thẩm định mới chỉ dừng lại ở năm dự án trả hết nợ ngân hàng. Như vậy chưa thể đánh giá được chính xác hiệu quả của dự án. Cán bộ thẩm định nên xây dựng hai bảng luồng tiền. Một bảng để xác định cho cả đời dự án và một bảng tính đến năm dự án trả được hết nợ. Có như vậy mới đánh giá được dự án một cách chính xác, từ đó ngân hàng có thể có những tư vấn cho khách hàng trong việc nâng cao hiệu quả của dự án.
- Ngân hàng nên coi việc tính toán các chỉ tiêu NPV, IRR, PP, DSCR là bắt buộc khi thẩm định tài chính dự án đầu tư.
Đối với phương pháp phân tích độ nhạy, ngân hàng cần đánh giá sự thay đổi của các chỉ tiêu hiệu quả tài chính công suất, giá bán sản phẩm, chi phí thay đổi. Quá trình phân tích độ nhạy của dự án cần được tiến hành qua các bước :
• Chọn biến số không an toàn.
• Cho các biến số thay đổi từ 5%-20%.
• Tính lại các chỉ tiêu hiệu quả tài chính của dự án.
Điều quan trọng trong phân tích độ nhạy được xu thế và mức độ thay đổi của các yếu tố ảnh hưởng. Nếu dự đoán chính xác ngân hàng có thể xác định được độ an toàn của dự án đối với những rủi ro có thể xảy ra và điều chỉnh rủi ro trong suốt quá trình thực hiện và vận hành của dự án.