a) Các hộ nông dân cần có sự kết hợp với nhau thành nhóm hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã để tôt chức sản xuất tập trung, chuyên canh theo lợi thế và theo vùng.
Hiện nay có thể nói việc sản xuất nông sản ở Việt Nam đã hình thành các hợp tác xã nhưng nhìn chung còn nhỏ lẻ, chưa có tính tập trung cao, sản xuất chưa có kế hoạch trong khi các hợp đồng thu mua của các doanh nghiệp thường mua với sản lượng lớn. Vì vậy để đảm bảo, đáp ứng được sản lượng, chất lượng hàng đồng đều cung cấp cho doanh nghiệp theo hợp đồng thì các địa phương sản xuất nông sản cần phải liên kết chặt chẽ với nhau, xây dựng vùng chuyên canh theo lợi thế, lập kế hoạch sản xuất cụ thể cho từng mùa vụ. Các hộ nông dân cần có sự trao đổi thông tin, học hỏi hỗ trỡ lẫn nhau trong công tác sản xuất.
b) Thực hiện đúng hợp đồng với các doanh nghiệp thu mua sản phẩm.
Có thể nói giữa doanh nghiệp xuất khẩu nông sản và nhà nông đã có sự liên kết thông qua hợp đồng. Hợp đồng là văn bản về mặt pháp lý thể hiện sự ràng buộc giữa doanh nghiệp và đối tác kinh doanh về các điều kiện mua bán. Hợp đồng được ký kết quy định quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của hai bên. Tuy nhiên do nhận thức của nhiều người dân còn kém, thấy cái lợi trước mắt mà không thấy lợi ích lâu dài nên có thể họ phá bỏ hợp đồng với doanh nghiệp, bán sản phẩm cho các nhà buôn tư nhân với giá cao hơn, điều này khiến doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu hàng, gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Vì vậy người nông dân cần phải nâng cao nhận thức để thực hiện đúng hợp đồng với doanh nghiệp, trong hợp đồng cần phải có những điều khoản cam kết rõ ràng trách nhiệm của hai bên nhằm đảm bảo lợi ích cho cả hai.
c) Đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao chất lượng bảo quản và chế biến nông sản
Bảo quản là một khâu vô cùng quan trọng đối với mặt hàng nông sản. Điều kiện thới tiết như nhiệt độ, độ ẩm đều ảnh hưởng lớn đến chất lượng hàng nông sản, có thể làm cho nông sản bị sâu bệnh, mối mọt, nấm mốc…vì vậy sau khi thu hoạch nông sản cần có các kho dự trữ đảm bảo bảo quản tốt. Các hợp tác xã cần kết hợp với doanh nghiệp đầu tư xây dựng hệ thống kho chứa hàng để cất giữ, bảo quản hàng sau khi thu hoạch và trong quá trình sơ chế.
Các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu dưới dạng thô, mới chỉ qua sơ chế nên các địa phương cần đầu tư xây dựng, nâng cao công nghệ chế biến nhằm nâng cao chất lượng nông sản, giúp nâng cao giá trị xuất khẩu. Nguồn vốn đầu tư vào xây dựng, đổi mới công nghệ chế biến có thể rất lớn vì vậy các địa phương có thể liên kết với các doanh nghiệp thu mua nông sản nhằm yêu cầu sự hỗ trợ vốn, vay vốn của chính sách của nhà nước. Liên kết với các nhà khoa học để tiếp thu cách thức chế biến nông sản hiệu quả, biết cách sử dụng các máy móc công nghệ chế biến được an toàn, sạch sẽ…