a) Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu tiếp cận với thị trường nước ngoài dễ dàng
Có thể nói hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam còn thiếu thông tin về thị trường, về các quy định, rào cản thương mại, thiếu thông tin về các đối tác nước ngoài. Vì vậy để thu thập được thông tin cần thiết các doanh nghiệp cần sự trợ giúp từ phía chính phủ, đặc biệt là các Đại sứ quán của Việt Nam ở nước ngoài.Các đại sứ quán của Việt Nam ở nước ngoài có thể giúp các doanh nghiệp tiếp cận thị trường dễ dàng hơn như cung cấp cho doanh nghiệp đầy đủ các thông tin về tình hình kinh tế, chính trị, pháp luật, xã hội của đất nước đó, thông tin về doanh nghiệp nước ngoài. Các đại sứ quán cần
khuyến khích và giúp đỡ các doanh nghiệp thành lập hiệp hội ở nước ngoài để có sự hợp tác trao đổi thông tin giữa các doanh nghiệp với nhau và giữa đại sứ quán với các doanh nghiệp được dễ dàng. Đặc biệt, Đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài có thể ký hợp đồng với một công ty chuyên cung cấp dịch vụ thông tin về các doanh nghiệp ở nước đó, xây dựng trang web để các doanh nghiệp Việt Nam có thể truy cập tìm kiếm thông tin của đối tác.
b) Hoàn thiện khung pháp lý và cải cách thủ tục hành chính
Pháp luật đóng vai trò rất quan trọng trong thương mại quốc tế vì vậy nhà nước ta cần hoàn thiện các bộ luật liên quan đến hoạt động kinh doanh nói chung và kinh doanh xuất nhập khẩu nói riêng cho phù hợp với các quy tắc chung của quốc tế, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính.
Các thủ tục hành chính của Việt Nam từ khi gia nhập WTO đã được cắt giảm nhiều tuy nhiên vẫn còn rườm rà gây khó khăn cho doanh nghiệp, tốn thời gian nhất là thủ tục trong hoạt động xuất khẩu nông sản cần phải thông qua các cơ quan kiểm dịch chất lượng, cơ quan hải quan, xin các loại giấy tờ chứng nhận có thể dẫn đến tình trạng hàng bị ứ đọng hư hỏng, thời gian giao hàng bị chậm trễ gây nhiều thiệt hại cho công ty. Vì vậy công cuộc cải cách hành chính theo cơ chế một cửa chính phủ cần tiến hành nhanh chóng, khẩn trương và nhất quán, áp dụng các công nghệ hiện đại vào công việc kiểm tra các thủ tục hành chính nhằm giảm thiểu thời gian kiểm tra.
c) Xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam
Việt Nam xuất phát từ một đất nước nông nghiệp, xuất khẩu rất nhiều mặt hàng nông sản tuy nhiên các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu dưới dạng thô nên hầu như chưa có thương hiệu, điều này dẫn đến một nghịch lý, các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đứng nhất, nhì trên thế giới nhưng lại chịu sự điều tiết giá của thị trường vì vậy việc xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam là việc rất cần thiết, nó mang tầm chiến lược quốc gia, đòi hỏi chính phủ phải có những chính sách cụ thể cho các bên liên quan như ngành nông nghiệp, chính sách cho các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu nông sản và chính sách cho các cơ quan kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm… đặc biệt chính sách đẩy mạnh mối liên kết bốn nhà gồm nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nước cần phải thực hiện tích cực, nhanh chóng và thiết thực hơn nhằm xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản.
Muốn có thương hiệu thì điều đầu tiên nông sản phải có chất lượng tốt, điều này đòi hỏi sự kết hợp giữa nhà nước hỗ trợ vốn cho các nhà khoa học nghiên cứu các giống cây trồng mới, đổi mới các quy trình gieo trồng chăm sóc, chế biến khoa học hơn, hướng dẫn cho người dân thực hiện tốt các quy trình này và các doanh nghiệp phải hoạch định chiến lược phát triển thương hiệu ngay từ khâu nghiên cứu thị trường xuất khẩu, cải tiến chất lượng sản phẩm từ khâu quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung, giống, chăm sóc, vận chuyển bảo quản, chế biến…tất cả các khâu cần phải theo một quy trình chuẩn và nếu đảm bảo quy trình đó nông phẩm mới được mang thương hiệu.
Hơn nữa, chính phủ cần có các biện pháp tuyên truyền quảng bá mạnh mẽ hoạt động xây dựng thương hiệu nông sản Việt trong cả nước, phát động các phong trào cả nước ý thức được việc xây dựng thương hiệu nông sản.