Giải pháp đối với công tác nghiệp vụ xuất khẩu

Một phần của tài liệu Giải pháp phát triển thương mại mặt hàng nông sản xuất khẩu của công ty cổ phần xuất nhập khẩu tổng hợp I Việt Nam (Trang 38)

a) Đẩy mạnh công tác nghiên cứu và phát triển thị trường xuất khẩu

Tuy là một doanh nghiệp có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực xuất khẩu hàng nông sản nhưng công tác nghiên cứu thị trường ở Công ty còn nhiều hạn chế. Nguồn thông tin mà Công ty có được chủ yếu là thông qua các báo cáo của Bộ Công Thương, của các tổ chức kinh tế có uy tín trên thế giới. Các báo cáo này thường mang tính chung chung, chưa cụ thể và thật sự phù hợp với điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp. Do vậy, khi thị trường có những thay đổi bất thường thì Công ty thường không có được những dự báo chính xác, để điều chỉnh hoạt động kinh doanh một cách nhanh nhất nên đôi khi vẫn phải gánh chịu những thiệt hại do sự yếu kém trong khâu dự báo. Đây là điều mà Công ty cần phải thay đổi ngay khi mà quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế thế giới đang trở thành xu hướng của thế giới, đồng nghĩa với việc Công ty sẽ phải chịu áp lực cạnh tranh rất lớn đến từ tất cả các quốc gia trên thị trường.

Vì vậy, để hoạt động kinh doanh của Công ty đạt được hiệu quả cao, Công ty cần phải chú trọng đầu tư cho công tác nghiên cứu thị trường, thu thập, xử lí thông tin tìm ra những thị trường tiềm năng trong tương lai, và dự báo được những thay đổi của thị trường thông qua việc thành lập phòng marketing riêng biệt với các chức năng riêng biệt sau:

- Nghiên cứu nhu cầu và xu hướng tiêu dùng của thị trường, xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp nhu cầu của thị trường, và của doanh nghiệp để giúp doanh nghiệp thâm nhập vào các thị trường mới hiệu quả

- Phân đoạn và lựa chọn thị trường

- Phối hợp nhịp nhàng với các phòng kinh doanh để thực hiện tốt các hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu

- Thu thập xử lí thông tin, đưa ra những dự báo để hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tránh được những rủi ro do sự biến động phức tạp của thị trường nông sản thế giới, đồng thời điều tra, phân tích những phản hồi từ các bạn hàng, đối tác kinh doanh

Thị trường là đích hướng đến của mọi doanh nghiệp, chiếm lĩnh thị trường, cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có lợi thế trong kinh doanh về mặt hàng nào đó so với các doanh nghiệp cạnh tranh khác. Vì vậy, trong điều kiện gay gắt như hiện nay, khi mà thị phần của doanh nghiệp ở các thị trường có xu hướng giảm do có sự tham gia của nhiều đối thủ cạnh tranh thì đa dạng hóa thị trường xuất khẩu chính là chiến lược được các doanh nghiệp quan tâm và hướng tới. Chiến lược này đảm bảo cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tránh được rủi ro khi thị trường thay đổi, giúp cho doanh nghiệp thoát khỏi sự bị động khi phải phụ thuộc vào một lượng khách hàng nhất định tại một thị trường nhất định.

Để thực hiện chiến lược này, Công ty cần xác định rõ những thị trường mà cho hoạt động xuất khẩu nông sản vào thị trường nào có tiềm năng, giúp Công ty mở rộng được thị trường kinh doanh và tăng được lợi nhuận. EU, Mỹ, ASEAN… là những thị trường xuất khẩu nông sản chủ lực của Công ty. Đây là những thị trường có mối quan hệ hợp tác kinh doanh lâu năm với Công ty, vì vậy duy trì mối quan hệ ổn định, bền chặt với các bạn hàng cùng các kênh phân phối tại các thị trường này là điều cần thiết với các Công ty. Thị trường Châu Phi và một số nước ở châu Mĩ latin như Braxin, Chile,…là những thị trường tiềm năng hứa hẹn đối với mặt hàng nông sản xuất khẩu của Công ty trong những năm tới. Vì vậy, nghiên cứu và xâm nhập vào những thị trường này là giải pháp mà Công ty cần triển khai, và tổ chức thực hiện một cách tốt nhất trong thời gian tới.

Một phần của tài liệu Giải pháp phát triển thương mại mặt hàng nông sản xuất khẩu của công ty cổ phần xuất nhập khẩu tổng hợp I Việt Nam (Trang 38)