Giải pháp cho việc nâng cao chất lượng hàngnông sản xuất khẩu

Một phần của tài liệu Giải pháp phát triển thương mại mặt hàng nông sản xuất khẩu của công ty cổ phần xuất nhập khẩu tổng hợp I Việt Nam (Trang 36)

a) Xây dựng thương hiệu và đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu, từng bước chuyển từ xuất khẩu sản phẩm thô sang sản phẩm đã qua chế biến nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu

Hiện nay, nông sản là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của không chỉ Công ty nói riêng mà còn của Việt Nam nói chung, tuy nhiên sự hạn chế lớn nhất của mặt hàng nông sản này đó là được xuất khẩu dưới dạng thô là chủ yếu, hoặc chỉ qua sơ chế cơ bản, và hàm lượng chế biến còn thấp, điều này dẫn đến chất lượng của hàng nông sản của Việt Nam còn thiếu sự ổn định theo thời gian, nên giá cả của hàng nông sản thường thấp, bị ép giá do kém chất lượng và không đáp ứng được với lượng cầu tăng thường xuyên và liên tục tại các thị trường nhập khẩu. Trong những năm gần đây, thị trường nông sản thế giới diễn ra sự cạnh tranh khốc liệt giữa các quốc gia có thế mạnh về xuất khẩu nông sản. Việc thiếu vắng một thương hiệu đã làm cho hàng nông sản Việt Nam nói chung và của Công ty nói riêng mất đi lợi thế so với đối thủ cạnh tranh trong việc quyết định sự lựa chọn mua hàng của người tiêu dùng cũng như giá cả của lô hàng xuất khẩu do chịu sự chi phối của giá cả trên thị trường thế giới.

Vì vậy, xây dựng thương hiệu cho hàng nông sản của Việt Nam là một bước đi quan trọng đối với các doanh nghiệp Việt Nam nếu muốn đạt được hiệu quả kinh doanh tương xứng với tiềm năng của doanh nghiệp.

Việc xây dựng thương hiệu cho mặt hàng nông sản đòi hỏi một chiến lược cụ thể với các hoạt động đầu tư, quảng bá thương hiệu, giới thiệu và tuyên truyền thông qua các hội chợ hay các hoạt động thương mại giữa các quốc gia để thương hiệu hàng nông sản của Công ty đến được với người tiêu dùng, được người tiêu dùng quyết định lựa chọn trong vô vàn những thương hiệu hàng nông sản đến từ các quốc gia khác. Để thực hiện được chiến lược này, điều đầu tiên mà Công ty cần đạt được là sự ổn định về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, tạo dựng uy tín cho các bạn hàng về chất lượng của sản phẩm bằng các biện pháp như sau :

- Trong giai đoạn đầu, Công ty sẽ tiến hành đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, xây dựng máy móc nhà xưởng chế biến…để tiến hành từng bước chuyển các sản phẩm thô sang sản phẩm đã qua chế biến có chất lượng cao.

- Công ty cần tiến hành nghiên cứu để tạo ra các sản phẩm xuất khẩu mới khác bên cạnh các mặt hàng truyền thống, từng bước xây dựng và nhanh chóng đi vào hoạt động các nhà máy chế biến những sản phẩm này để tạo ra được các danh mục hàng nông sản xuất khẩu phong phú, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường quốc tế.

- Khi công tác chế biến được coi trọng và các sản phẩm xuất khẩu chế biến có chất lượng cao chiếm một tỉ trọng lớn thì trong tương lai, xây dựng khu chế biến là một trong những biện pháp mà Công ty nên làm và cần hướng tới. Vì vậy, thực hiện được giải pháp này đồng nghĩa với các mặt hàng xuất khẩu của công ty đã được nâng lên một tầm cao

mới về chất lượng, giá trị xuất khẩu, và hoạt động xuất khẩu của Công ty sẽ đạt được hiệu quả tương xứng với tiềm năng thực sự của Công ty.

b) Nhanh chóng đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với mặt hàng nông sản

Mặt hàng nông sản muốn có được đầu ra ổn định, giá cao trên thị trường trong nước cũng như quốc tế đòi hỏi phải đạt được những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như chất lượng mẫu mã. Vì vậy, công ty phải nâng cao ý thức và chủ động trong việc áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh tiên tiến nhất bằng cách:

- Xây dựng và đào tạo một đội ngũ cán bộ chuyên môn hiểu rõ về các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm, để kiểm tra và giám sát đối với các mặt hàng nông sản mà công ty đang kinh doanh.

Chủ động đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến áp dụng quy trình chế biến hàng nông sản theo tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với mặt hàngnông sản

- Đối với mỗi mặt hàng, xây dựng một chương trình kiểm tra an toàn thực phẩm xuyên suốt, bắt đầu từ khâu trồng trọt, canh tác, thu hoạch, thu mua, dự trữ và chế biến.

c) Nâng cao chất lượng của khâu bảo quản, dự trữ hàng nông sản

Chất lượng của hàng nông sản chịu ảnh hưởng rất lớn của điều kiện thời tiết, chỉ cần một thay đổi nhỏ của thời tiết cũng làm cho chất lượng của hàng nông sản bị giảm sút đáng kể do sự tấn công của nấm mốc, sâu bệnh. Vì vậy, hoạt động bảo quản, dự trữ là hoạt động quan trọng quyết định đến chất lượng của hàng nông sản. Để làm tốt được công tác này, Công ty phải chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nhà xưởng, kho bãi theo đúng tiêu chuẩn quốc tế để đảm bảo cho công tác bảo quản được tiến hành một cách thuận lợi. Dự trữ bảo quản tốt có nghĩa là nguồn hàng xuất khẩu của Công ty được đảm bảo với chất lượng ổn định. Điểu này mang lại hiệu quả cao trong kinh doanh xuất khẩu cho công ty khi mà Công ty đáp ứng được những yêu cầu ngày càng cao của các thị trường trên thế giới trong đó có thị trường EU và thị trường Mỹ vốn là hai thị trường xuất khẩu hàng nông sản chủ lực của Công ty.

d) Hoàn thiện công tác tạo nguồn hàng xuất khẩu

Nông sản là sản phẩm của nông nghiệp, vì vậy đây là mặt hàng chịu tác động trực tiếp của yếu tố tự nhiên và mang tính chất mùa vụ. Hoạt động thu mua của Công ty phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ cán bộ chuyên đi thu mua trực tiếp, hoặc thông qua trung gian trong khi đó đội ngũ kiểm tra chất lượng hàng nông sản thu mua còn chưa đảm bảo kiểm tra chất lượng hàng theo đúng tiêu chuẩn. Do vậy, hàng nông sản thu mua được tuy có lớn về số lượng nhưng chất lượng lại chưa cao. Bên cạnh đó, hiện nay Công ty cũng chưa thiết lập được kênh thu mua tại các địa phương do đó nguồn hàng của Công ty còn chưa ổn định và nhiều khi rơi vào tình trạng khan hiếm khi trái vụ, Công ty dễ bị ép giá và phải thu mua với giá trị cao hơn để đảm bảo được hợp đồng đã kí.

Để giải quyết tình trạng này, Công ty cần xây dựng mối quan hệ chặt chẽ, lâu dài và ổn định với các chủ vườn, các địa phương. Mối quan hệ này phải được xây dựng dựa trên sự có lợi cho cả hai bên: doanh nghiệp và địa phương. Một doanh nghiệp muốn đạt được hiệu quả trong kinh doanh nghiệp thì cần phải làm tốt được điều này.

Muốn vậy, điều đầu tiên mà doanh nghiệp cần nghiên cứu tình hình thực tế tại các địa phương cung ứng nguồn hàng, lựa chọn và kí kết những hợp đồng thu mua nông sản đối với các chủ vườn, trong đó ghi rõ trách nhiệm và quyền hạn của các bên tham gia, các điều khoản xử lí rõ ràng, khi có những trường hợp phát sinh do biến động của thị trường cũng như mừa vụ bởi đây là đặc điểm của mặt hàng nông sản.

Bên cạnh đó, khi xác định những địa phương để kí kết hợp đồng thu mua, để đảm bảo cho công tác thu mua được tiến hành một cách thuận lợi, tiết kiệm chi phí cho cả doanh nghiệp và người nông dân, doanh nghiệp có thể thuê một số đại lí thu mua ngay tại địa phương đó, đầu tư cơ sở vật chất, khuyến khích họ gom hàng, thu mua hàng cho Công ty, biến họ thành kênh trung gian cung cấp hàng cho Công ty.

Ngoài ra, doanh nghiệp và người nông dân còn có thể hợp tác cùng sản xuất, thông qua các hoạt động như doanh nghiệp hỗ trợ vốn cho người nông dân để người nông dân mua giống tốt, phân bón …tiến hành gieo trồng, sau khi họ thu hoạch doanh nghiệp lại tiến hành thu mua lại, tạo ra đầu ra ổn định cho sản phẩm mà người nông dân tạo ra.

Một phần của tài liệu Giải pháp phát triển thương mại mặt hàng nông sản xuất khẩu của công ty cổ phần xuất nhập khẩu tổng hợp I Việt Nam (Trang 36)