7. Phương pháp nghiên cứu
1.2.2.2. Khái niệm BĐG
BĐG là một khái niệm hàm chứa ý nghĩa xã hội to lớn. Lịch sử phát triển xã hội cũng cho thấy không thể có tiến bộ xã hội thật sự nếu vẫn còn một bộ phận nào đó trong xã hội bị đối xử bất công hoặc bị loại trừ. Bởi vậy, một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá trình độ phát triển toàn diện của một quốc gia là thực trạng BĐG ở quốc gia đó.
Có rất nhiều quan điểm khác nhau về BĐG:
BĐG là phụ nữ và nam giới cùng có những điều kiện như nhau để phát huy hết năng lực tiềm tàng của mình, cùng có cơ hội để tham gia, đóng góp và hưởng thụ bình đẳng các kết quả phát triển của quốc gia trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội. Điều quan trọng nhất là BĐG đem lại kết quả ngang nhau cho cả phụ nữ và nam giới. [25].
BĐG là sự thừa nhận và coi trọng như nhau các đặc điểm giống và khác nhau giữa phụ nữ và nam giới. Nam giới và phụ nữ cũng có vị thế bình đẳng và được tôn trọng như nhau. Phụ nữ và nam giới cùng: có điều kiện bình đẳng để phát huy hết khả năng và thực hiện mong muốn của mình; có cơ hội bình đẳng để tham gia, đóng góp và thụ hưởng từ các nguồn lực của xã hội và quá trình phát triển; được hưởng tự do và chất lượng cuộc sống bình đẳng; được hưởng thành quả bình đẳng trong tiếng nói.[12].
BĐG là sự bình đẳng về luật pháp, về cơ hội, bao gồm sự bình đẳng trong việc tiếp cận nguồn nhân lực, vốn và các nguồn lực sản xuất khác, bình đẳng trong thù lao cho công việc và bình đẳng trong tiếng nói.[7].
BĐG là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.[17].
Có thể nói, BĐG là sự thừa nhận và coi trọng như nhau các đặc điểm giống và khác nhau giữa phụ nữ và nam giới; là tình hình lý tưởng trong đó
phụ nữ và nam giới được hưởng vị trí như nhau, có các cơ hội bình đẳng để phát hiện đầy đủ tiềm năng của mình nhằm cống hiến cho sự phát triển chung và hưởng lợi bình đẳng từ các kết quả đó.[8,tr37].
Như vậy, BĐG trước hết được hiểu là sự đối xử như nhau giữa nam giới và phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống gia đình và xã hội. Tuy nhiên, cách hiểu như vậy vẫn chưa mang đủ nghĩa của BĐG. Khía cạnh thứ hai của BĐG là “đối xử đặc biệt” để đạt được kết quả bình đẳng. Nghĩa là căn cứ vào hoàn cảnh và điều kiện khác nhau giữa phụ nữ và nam giới, căn cứ vào thực tế xuất phát điểm của phụ nữ và nam giới hiện nay không ngang bằng thì đối xử như nhau chưa đủ, mà phụ nữ cần được đối xử đặc biệt để có thể đạt tới kết quả bình đẳng. Khía cạnh này được đề xuất bởi chúng ta cần xét đến vị trí bất lợi của phụ nữ hiện nay so với nam giới. Vị trí bất lợi này có nguồn gốc từ sự khác biệt giữa nam giới và phụ nữ, cả sự khác biệt giới tính va cả sự khác biệt giới.[8,tr39].
Từ những nghiên cứu khác nhau về BĐG, trong nghiên cứu của mình, chúng tôi dựa theo quan điểm của UBQGVSTBPN:
BĐG là sự thừa nhận và coi trọng như nhau các đặc điểm giống và khác nhau giữa phụ nữ và nam giới. Nam giới và phụ nữ cũng có vị thế bình đẳng và được tôn trọng như nhau. Phụ nữ và nam giới cùng: có điều kiện bình đẳng để phát huy hết khả năng và thực hiện mong muốn của mình; có cơ hội bình đẳng để tham gia, đóng góp và thụ hưởng từ các nguồn lực của xã hội và quá trình phát triển; được hưởng tự do và chất lượng cuộc sống bình đẳng; được hưởng thành quả bình đẳng trong tiếng nói. [12].
Cách tiếp cận từ góc độ giới tập trung so sánh mối quan hệ giữa phụ nữ và nam giới trong xã hội, đặc biệt quan tâm tới những tác động có liên quan đến quyền lợi, trách nhiệm và sự tham gia của phụ nữ. Qua đó chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiệt thòi của phụ nữ (nhất là nhóm phụ nữ nghèo, phụ nữ nông thôn, phụ nữ có trình độ học vấn thấp…) và chỉ ra những biện pháp xoá bỏ định kiến giới và phân biệt đối xử theo giới.
Về quan hệ giữa phụ nữ và nam giới, quan điểm giới nhìn nhận về phụ nữ hiện nay chưa có được sự bình đẳng với nam giới trong tiếp cận dịch vụ, nguồn lực, vị trí xã hội và quyền lực. Những tiếp cận này thường nam giới được ưu tiên hơn và được thể chế hoá trong luật pháp và trong phong tục, tập quán. Vì vậy, yếu tố then chốt để giải quyết tình trạng bất BĐG là nâng cao nhận thức giới và tạo quyền cho phụ nữ nhiều hơn. Tạo quyền cho phụ nữ không có nghĩa là hạn chế, tước đoạt quyền của đàn ông.[8,tr100].
Nhìn chung, mặc dù có khá nhiều nghiên cứu về vấn đề BĐG ở khía cạnh/trong phạm vi gia đình nhưng nội hàm khái niệm này lại chưa được làm rõ. Về mặt khái niệm, các nghiên cứu thường dừng lại ở khái niệm BĐG mà không đề cập tới khái niệm BĐG trong gia đình. Chúng tôi dựa vào nội hàm khái niệm BĐG (nam và nữ có quyền, cơ hội, nghĩa vụ, trách nhiệm như nhau; hưởng lợi từ các thành quả như nhau) và liên hệ với các lĩnh vực hoạt động sống, các khía cạnh BĐG trong gia đình để xây dựng tiêu chí đánh giá BĐG trong gia đình.
Điều 18, Luật BĐG quy định 5 lĩnh vực BĐG trong gia đình là:
- Lĩnh vực pháp luật: Bình đẳng trong quan hệ dân sự và các quan hệ khác liên quan đến hôn nhân và gia đình
- Lĩnh vực về quyền quyết định: Bình đẳng trong sở hữu tài sản chung, sử dụng các nguồn thu nhập chung và quyết định các nguồn lực trong gia đình.
- Lĩnh vực tái sinh sản: Bình đẳng trong sử dụng các biện pháp kế hoạch hoá gia đình, sử dụng thời gian nghỉ chăm sóc con ốm.
- Lĩnh vực giáo dục con cái: Con trai con gái được chăm sóc, giáo dục và tạo điều kiện như nhau.
- Lĩnh vực sản xuất: Bình đẳng trong phân công lao động. [17].
Theo Uỷ ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ, thì có 4 công cụ (4
khía cạnh) để đánh giá BĐG hay bất BĐG trong gia đình: Sự phân công công việc theo giới; Tiếp cận và kiểm soát các nguồn lực, mô hình ra quyết định trong gia đình và các nhu cầu giới thực tế.
a. Phân công lao động theo giới: Bao gồm các loại hoạt động công việc khác nhau.
- Công việc gia đình (việc nhà): bao gồm việc chăm lo và duy trì các nhu cầu con người cơ bản của hộ gia đình và các thành viên trong gia đình (các nhu cầu thực tế như thức ăn, chỗ ở, giáo dục, sức khoẻ). Việc nhà là việc cực kỳ quan trọng cho sự tồn tại của con người nhưng hiếm khi được coi là công việc thực sự. Đó là công việc lao động có cường độ mạnh và tốn thời gian và phần nhiều do phụ nữ thực hiện.
- Công việc sản xuất là công việc tạo thu nhập. Tuy nhiên, công việc sản xuất của người phụ nữ thường ít được nhìn nhận, ít giá trị hơn và có vị trí thấp hơn công việc của nam giới. Bởi vì phụ nữ thường phải tham gia hết vào các công việc nội trợ và công việc sản xuất, trong khi nam giới thường không tham gia vào việc nhà. Người ta nói phụ nữ có “ngày làm việc gấp đôi” là vì vậy.
- Công việc cộng đồng: là các hoạt động thực hiện cho lợi ích tập thể của cộng đồng đa phần do phụ nữ đảm nhận. Bên cạnh công việc nội trợ của họ, để đảm bảo cho việc cung cấp và duy trì các nguồn khan hiếm cho tiêu dùng tập thể như nước, chăm sóc sức khoẻ và giáo dục. Công việc này là tự nguyện.
- Vai trò chính trị: là việc tham gia vào các hoạt động ra quyết định và các hoạt động chính trị các cấp tổ chức ở cấp chính trị chính thức hoặc ở cơ chế ra quyết định truyền thống, ví dụ như Hội đồng nhân dân, Đảng uỷ, Hội phụ nữ…
b. Tiếp cận và kiểm soát nguồn lực.
Mọi loại công việc đều đòi hỏi phải sử dụng các nguồn và mang lại các lợi ích cho người thực hiện, hoặc cho những người khác. Nam giới và phụ nữ thường có các cấp độ khác nhau về: Tiếp cận là nói đến khả năng sử dụng các nguồn; Kiểm soát là nói đến quyền được quyết định và quản lý việc sử dụng các nguồn.
Các nguồn đó có thể là đất đai, máy móc/công nghệ, lao động, vốn, giáo dục/đào tạo, trợ giúp kỹ thuật, các cơ hội ra quyết định, thông tin, lợi ích,
thu nhập… Ví dụ như một phụ nữ có thể tiếp cận nguồn vốn, nhưng ông chồng của chị ta có thể quản lý và quyết định sử dụng số tiền vay như thế nào.
c. Mô hình ra quyết định
Đó là việc ra quyết định cho tất cả các quyết định lớn nhỏ (có liên quan đến hộ gia đình, công việc, chính trị) trong gia đình do người chồng hay người vợ quyết định, quyết định ở mức độ nào (tư vấn, quyết định ban đầu và quyết định cuối cùng). Ai sẽ chịu tác động của những quyết định này…
d. Các nhu cầu giới
- Các nhu cầu giới thực tế: Những nhu cầu này là một chức năng của sự phân công lao động theo giới và mô hình ra quyết định, và có thể được đáp ứng bởi các hoạt động hỗ trợ phụ nữ/nam giới thực hiện các vai trò giới hiện tại một cách dễ dàng hơn. Trên cơ sở sự phân công lao động theo giới, nhu cầu giới thực tế không làm thay đổi những bất bình đẳng và các mối quan hệ giới. Các nhu cầu giới thực tế ví dụ như: cải thiện điều kiện vật chất, chức năng của phân công lao động theo giới và quá trình ra quyết định, chẳng hạn như cải thiện cái bếp nấu hay tập huấn về kỹ năng làm thư ký thể hiện nhu cầu giới thực tế cho phụ nữ…
- Các nhu cầu giới chiến lược: Thể hiện những mục tiêu dài hạn của phụ nữ nhằm cải thiện vị trí kinh tế xã hội của họ, ví dụ như giúp phụ nữ có khả năng tham gia vào các cấp lãnh đạo cao hơn hoặc tham gia vào các lĩnh vực làm việc “phi truyền thống” như công nghệ hoặc quản lý. [6].