7. Phương pháp nghiên cứu
1.2.3. Khái niệm gia đình
Gia đình có vị trí đặc biệt quan trọng và là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học. Những chủ đề nghiên cứu về gia đình luôn thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học ở Việt Nam và trên thế giới. Tuỳ thuộc vào quan điểm và các phương pháp tiếp cận, người ta có thể đưa ra những khái niệm khác nhau về gia đình.
Từ điển Triết học định nghĩa: “Gia đình là đơn vị xã hội, hình thức tổ chức quan trọng nhất của sinh hoạt cá nhân dựa trên hôn nhân và quan hệ
huyết thống, tức là quan hệ giữa vợ-chồng, cha mẹ và con cái, giữa anh chị em và những người thân thuộc khác cùng chung sống và có kinh tế chung. Đặc trưng của sinh hoạt gia đình là các quá trình vật chất (sinh vật, kinh tế), và tinh thần (đạo đức, pháp lý, tâm lý). [24,tr715+716].
Triết học nghiên cứu gia đình trong mối quan hệ biện chứng với xã hội. Gia đình là một tế bào của xã hội, là một thành viên cấu thành nên xã hội. Trong đó, các thành viên trong gia đình như cha mẹ, con cái gắn bó, ràng buộc với nhau cả về mặt vật chất và tinh thần và tạo thành một chỉnh thể gia đình. Các thành viên trong gia đình cùng chung sống và có kinh tế chung.
Kinh tế học nghiên cứu gia đình với tư cách là đơn vị kinh tế, đơn vị tiêu dùng.
Luật HN&GĐ Việt Nam định nghĩa: “Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng con người, là môi trường quan trọng hình thành và giáo dục nhân cách, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt”. [18].
Pháp luật học cũng xem xét gia đình trong mối quan hệ với xã hội, là một thành phần cấu tạo nên xã hội, trong đó chức năng của gia đình là nuôi dưỡng và giáo dục con người… Vai trò của gia đình là làm cho xã hội phát triển ngày càng tốt đẹp. Để làm được điều đó, gia đình phải làm tốt vai trò của mình là chăm sóc, giáo dục, mang lại sự phát triển hài hoà, tốt đẹp cho mỗi thành viên trong gia đình.
Nhân chủng học nghiên cứu gia đình theo sự biến đổi đa dạng của các loại hình gia đình giữa các nền văn hoá.
Sử học nghiên cứu các mô hình gia đình đã qua trong các thời kỳ lịch sử và các nền văn hoá.
Dân tộc học nghiên cứu các đặc trưng gia đình ở các dân tộc khác nhau. Từ điển Tâm lý học do Nguyễn Khắc Viện chủ biên nhấn mạnh rằng: “Gia đình (family) gồm bố mẹ, con cái và có hay không một số người khác ở chung một nhà”.[28,tr121]
“Gia đình được hiểu là một nhóm nhỏ xã hội, các thành viên trong nhóm có quan hệ gắn bó về hôn nhân hoặc huyết thống, tâm – sinh lý, cùng chung các giá trị vật chất và tinh thần ổn định trong các thời điểm lịch sử nhất định. Trong một số trường hợp, gia đình chỉ có mối quan hệ hôn nhân hay huyết thống”. [11,tr8]
Dưới góc độ Tâm lý học, gia đình được xem xét ở khía cạnh mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Không chỉ là mối quan hệ về vật chất, mà mối quan hệ tình cảm làm nên đặc trưng gia đình. Nhờ mối quan hệ tâm – sinh lý ổn định mà các thành viên có được sự phát triển hài hoà, tốt nhất về nhân cách và các đặc điểm tâm lý khác. Điều này làm cho gia đình trở thành một nhóm đặc biệt, khác với các nhóm xã hội khác.
Xã hội học nghiên cứu những vấn đề xã hội của gia đình, gia đình được xem là một hiện tượng xã hội xét trên 2 bình diện:
- Các mối quan hệ bên trong gia đình (quan hệ giữa các thành viên bên trong gia đình và quan hệ giới tính).
- Quan hệ và tác động qua lại giữa gia đình và xã hội (quan hệ gia đình và họ hàng, làng xã, các tổ chức sản xuất, chính trị, văn hoá…. [27,tr18-24]
Như vậy có thể thấy dưới mỗi góc độ khoa học lại có một định nghĩa khác nhau về gia đình. Tuy nhiên, nhìn chung các định nghĩa đều nhấn mạnh đến sự gắn bó giữa các thành viên với nhau bởi mối quan hệ hôn nhân và quan hệ huyết thống. Chính vì mối quan hệ mật thiết đó mà các thành viên của gia đình cùng chung sống và có trách nhiệm, đạo đức, pháp lý với nhau thông qua các mối quan hệ qua lại đó là các mối quan hệ vợ – chồng, quan hệ cha mẹ - con cái, quan hệ anh- chị- em, quan hệ ông bà - cháu…
Cũng cần phân biệt khái niệm gia đình và khái niệm hộ: Một hộ có thể chỉ gồm một hay vài thành viên nhưng không nhất thiết có quan hệ huyết thống với nhau. Nó cũng có thể bao gồm một hay vài gia đình hạt nhân hoặc một gia đình mở rộng. Như vậy, một hộ có thể bao gồm nhiều gia đình
nhưng cũng có thể chẳng bao gồm gia đình nào cả (các cá nhân cùng sống chung nhưng không có họ hàng với nhau). Trong khi đó, một gia đình lại có thể trải rộng trong nhiều hộ và cũng có thể bao gồm một hộ. Khi gia đình và hộ trùng lên nhau tạo nên các hộ – gia đình. Trong nghiên cứu này, chúng tôi nghiên cứu các mối quan hệ trong gia đình.
Trên cơ sở phân tích về các khái niệm gia đình nêu trên, trong nghiên cứu của mình, chúng tôi đã xây dựng khái niệm gia đình dưới góc độ TLH như sau: Gia đình là một nhóm xã hội đặc biệt, trong đó các thành viên gắn bó với nhau dựa trên các mối quan hệ cơ bản là các mối quan hệ bên trong gia đình (như quan hệ huyết thống và quan hệ giới tính), quan hệ và tác động qua lại giữa gia đình và xã hội (quan hệ gia đình và họ hàng, làng xã, các tổ chức sản xuất, chính trị, văn hoá…). Gia đình có chức năng tái sản xuất ra con người và là môi trường đầu tiên, trực tiếp diễn ra quá trình xã hội hóa con người, hình thành và phát triển nhân cách của mỗi cá nhân.
Như vậy, gia đình có những đặc trưng cơ bản sau:
- Gia đình là một nhóm xã hội đặc biệt không giống bất cứ nhóm xã hội nào của xã hội, và nhất thiết phải có từ 2 người trở lên. Gia đình vừa là nhóm chính thức (được pháp luật thừa nhận) vừa là nhóm không chính thức (trong quan hệ tình cảm đặc biệt - đó là sự tương hợp tâm lý cao và có sự phối hợp hành động chặt chẽ).
- Trong gia đình thường có các giới tính (nam, nữ), có một hoặc hai hoặc cả quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng. Ở đây có các giới tính khác nhau qua quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng.
- Trong gia đình, các thành viên thường gắn bó với nhau về đặc điểm tâm sinh lý. Bố mẹ sẽ truyền lại cho con cái những đặc điểm thể chất qua gen di truyền sinh học. Và thông qua nếp sống sinh hoạt, truyền thống, phong tục tập quán, con cái mang những dấu ấn tâm lý của cha mẹ ông bà trong đời sống tinh thần của mình. Các thành viên trong gia đình yêu thương, sẵn sàng giúp đỡ nhau có tránh nhiệm với nhau.
- Có quan hệ kinh tế chung, giữa các thành viên trong gia đình sống và hoạt động bằng một ngân sách chung, do chính các thành viên trong gia đình đem lại.
- Các thành viên trong gia đình sống trong một nhà.
Tiếp cận khái niệm gia đình từ góc độ chức năng cho thấy gia đình có các chức năng cơ bản sau:
Chức năng tái sản xuất ra con người (sinh đẻ bảo tồn nòi giống). Tất cả các nhóm xã hội, các thiết chế xã hội không có chức năng này, trừ gia đình. Như các đặc trưng gia đình đã phân tích ở trên, nhất thiết trong quan hệ gia đình phải có giới tính nam nữ, chồng – vợ là quan hệ ra đời rất sớm bắt nguồn từ những nhu cầu cơ bản có tính chất sinh học. Việc thực hiện chức năng này không chỉ nhằm thoả mãn những nhu cầu mong ước của người vợ, người chồng mà còn là vấn đề xã hội, vấn đề duy trì tính liên tục sinh học của xã hội.
Chức năng xã hội hoá của gia đình với con cái. Những nghiên cứu của các nhà TLH, gia đình học cho rằng, trong những năm đầu của cuộc đời, hệ thần kinh của trẻ mềm mại hơn cả và thường trong quãng thời gian đó rất dễ hình thành những nét cơ bản của cá tính và những thói quen nhất định. Sau đó, những phẩm chất tâm lý, nhân cách của con người dần dần được định hình. Giáo dục gia đình có ý nghĩa to lớn để giúp trẻ thành người. Ngôn ngữ mẹ đẻ, thói quen sinh hoạt gia đình, cách ăn mặc, giao tiếp, quan sát, các nhu cầu và phương thức thoả mãn nhu cầu đều được gia đình hướng dẫn trẻ theo một nếp sống, truyền thống ổn định. Không có sự ổn định đó sẽ rất khó xây dựng cho trẻ nhân cách sau này.
Chức năng văn hoá: Nhiều gia đình xưa đã chú ý đến gia phong (phong cách sống của gia đình), gia đạo (đạo lý cơ bản trong quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, trong đó bao gồm cả nội dung tín ngưỡng, tôn giáo, niềm tin…). Gia cảnh (hoàn cảnh sống của gia đình thăng trầm theo sự thăng trầm của sự phát triển xã hội); gia quyến (muốn nhấn mạnh tình cảm ruột thịt, huyết thống). Như vậy là gia đình thực hiện chức năng xã hội hoá của mình thông
qua mối quan hệ liên nhân cách giữa vợ – chồng, cha mẹ – con cái, anh-chị- em… Gia đình là nơi hướng dẫn đứa trẻ làm quen với nền văn hoá, truyền thống, tôn giáo, truyền thống dân tộc, những giá trị đạo đức mà một đứa trẻ có được chủ yếu qua gia đình.
Chức năng kinh tế đảm bảo sự tồn tại và phát triển của gia đình: Chức năng kinh tế gia đình biểu hiện trên cả hai phương diện: sản xuất và tiêu dùng. Phổ biến hiện nay (đặc biệt là ở nông thôn), gia đình vẫn là đơn vị kinh tế cơ sở tự tổ chức sản xuất, kinh doanh nông, lâm, ngư nghiệp… Tuy nhiên, ngày càng có nhiều gia đình có người đi làm thuê cho nhà nước, Cty, cửa hàng tư nhân… Vì vậy, chức năng làm kinh tế của gia đình được giảm nhẹ về khâu tổ chức sản xuất, nhưng với tư cách là đơn vị tiêu dùng thì tính toán thu chi hàng tháng, hàng năm vẫn là nỗi lo của các chủ gia đình.[42,tr3]
Chức năng thoả mãn các nhu cầu tâm lý của các thành viên trong gia đình. Đây là chức năng có ý nghĩa quan trọng trong việc chia sẻ trách nhiệm, tình yêu thương gắn bó giữa các thành viên trong gia đình, đặc biệt là tình yêu hạnh phúc lứa đôi. Tình yêu thương mặn nồng của vợ chồng chính là ngọn nguồn của mọi tình cảm tốt đẹp lan toả trong các thành viên gia đình. Gia đình là một cộng đồng đặc biệt, không có cộng đồng nào, tổ chức nào có thể mang lại tình cảm ấm áp, sâu sắc và thiêng liêng như tổ ấm gia đình. Gia đình vừa là nơi nuôi dưỡng cho con người trưởng thành, đồng thời cũng là nơi bao dung, an ủi cho mỗi cá nhân trước những rủi ro, sóng gió cuộc đời.
Chức năng chăm sóc sức khoẻ, nhất là đối với người ốm, người già. Mặc dù hiện nay các dịch vụ y tế công cộng đã phát triển khá tốt, nhưng việc gia đình có trách nhiệm chăm sóc sức khoẻ các thành viên vẫn hết sức quan trọng, nhất là đối với người ốm, người già. Ở đây, chăm sóc sức khoẻ người ốm, người già không phải chỉ có việc chữa bệnh mà còn là việc chăm sóc, an ủi kịp thời về mặt tình cảm.
Theo TS. Lê Ngọc Văn (Viện Gia đình và Giới), tổng hợp các kết quả nghiên cứu về các khía cạnh bất BĐG trong gia đình từ năm 1995 đến nay, ông phân chia thành 5 nhóm chủ yếu: 1. Phân công lao động theo giới trong gia đình, 2. Tiếp cận và kiểm soát các nguồn lực, 3. Quyền quyết định trong gia đình, 4. Bạo lực giới trong gia đình và 5. Xã hội hoá các giá trị giới trong gia đình. [40,tr12]
TS. Trần Thị Kim Xuyến phân chia 8 lĩnh vực hoạt động sống cơ bản của gia đình: Lĩnh vực sinh sản; lĩnh vực giáo dục; lĩnh vực sinh hoạt; lĩnh vực kinh tế- vật chất; lĩnh vực giao tiếp; lĩnh vực nghỉ ngơi giải trí; lĩnh vực quản lý; lĩnh vực tình dục. [29]
Trên cơ sở nghiên cứu, phân tích các cấu trúc lý thuyết khi nghiên cứu về mối quan hệ giới trong gia đình của các chuyên gia, các tổ chức… như trên, trong nghiên cứu này, chúng tôi tập trung nghiên cứu mối quan hệ giới trong gia đình thông qua các chức năng và các lĩnh vực sinh hoạt của đời sống gia đình. Đó là các mối quan hệ như giữa vợ với chồng, giữa cha mẹ và con cái… để làm rõ thực trạng mối quan hệ giới trong gia đình và nhận thức của người phụ nữ về BĐG trong gia đình
Trước hết, đó là việc phân công lao động trong gia đình: Bao gồm việc thực hiện công việc nhà và công việc tạo thu nhập, lĩnh vực sinh hoạt và nghỉ ngơi giải trí.
Thứ hai, đó là quyền quyết định trước các vấn đề của gia đình. Cụ thể đó là các vấn đề cần được quyết định trong gia đình như quản lý chi tiêu, ai là người “giữ tay hòm chìa khoá”, ai nắm giữ quyền quyết định mua sắm vật dụng hay đầu tư làm kinh tế, chia tài sản cho con cái khi con cái ra ở riêng; quyết định việc học hành của con cái…
Thứ ba, thông qua lĩnh vực giao tiếp trong gia đình: Bao gồm toàn bộ các dạng giao tiếp trong gia đình và những giao tiếp của các thành viên
trong gia đình với những người ngoài gia đình. Ở đây tập trung vào mối quan hệ giao tiếp giữa vợ – chồng, cha mẹ với con trai, cha mẹ với con gái...
Thứ tư, thông qua lĩnh vực tái sinh sản: Bao gồm việc sinh con, sử dụng biện pháp tránh thai, vấn đề tình dục vợ – chồng; chăm sóc, nuôi dưỡng dạy dỗ con cái…).
Thứ năm, thông qua vấn đề bạo lực trong gia đình.
1.3. Các chuẩn mực về BĐG đã đƣợc luật hoá
Từ hàng thế kỷ nay, cuộc đấu tranh chống phân biệt đối xử và bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ đã diễn ra trên thế giới. Đáng kể nhất là sự ra đời của một số văn kiện pháp lý khẳng định các quyền bình đẳng cho chị em phụ nữ. Có thể kể đến một số văn bản đó là:
1.3.1. Công ước về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW)
Ngày 18/12/1979, Đại hội đồng Liên Hợp quốc phê chuẩn Công ước về Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) [4]. Sự ra đời của Công ước CEDAW là kết quả hơn 30 năm đấu tranh của Uỷ ban về địa vị phụ nữ Liên hợp quốc (CSW). Uỷ ban được thành lập năm 1946 nhằm giám sát địa vị và nâng cao quyền lợi của phụ nữ. Hoạt động của Uỷ ban đã góp phần thúc đẩy BĐG ở những nơi mà phụ nữ chưa được bình quyền như nam giới. Kết quả của những nỗ lực vì sự tiến bộ của phụ nữ là sự ra đời một số tuyên bố và điều ước quốc tế, trong đó CEDAW là văn kiện quan trọng và toàn diện nhất về quyền bình đẳng của phụ nữ.
Công ước này cấm mọi sự phân biệt, loại trừ hay cấm đoán về giới làm tổn hại hay vô hiệu hoá nhân quyền và sự tự do cơ bản của người phụ nữ. Nó đem lại cho phụ nữ những quyền bình đẳng với nam giới trong việc tham gia chính trị (Điều 7, 8), giáo dục (Điều 10), làm việc (Điều 11), sức khoẻ (Điều 12), tiếp cận các nguồn tín dụng (Điều 13) và hôn nhân, quyết định sinh con và ly hôn (Điều 16).
1. Các nước tham gia Công ước phải quan tâm đến các vấn đề đặc biệt