Vua Tự Đức (Nguyễn Dục Tông 184 7 1883)

Một phần của tài liệu Sự độc tôn Nho giáo dưới triều Nguyễn nguyên nhân và ảnh hưởng đương thời của nó (Trang 73)

1 Châm: răn, khuyên, điều răn.

2.2.3. Vua Tự Đức (Nguyễn Dục Tông 184 7 1883)

Tư tưởng độc tôn Nho giáo của Tự Đức, được thể hiện chủ yếu trong “Tự Đức ngự chế văn tập” với những chủ đề như: Lời dụ răn thần công trong và ngoài; Bài dụ mật đảo, gió mưa liền tạnh, làm lễ tạ; Bài tựa nói về mẫu mực đối sách; Bài dụ tự trách mình cầu người giúp; Bài luận về chữ “nhân”; Bài luận về chữ “tâm”; Luận về câu “hiểu rõ cái chết”; Biện thuyết về đạo (bài đầu và bài cuối); Câu chuyện về một bác nông lạ và một bác nông quen; Bài ký thuyền ngũ lợi; Bài phú duyệt tập các trận ở cửa Thuận An.

Tự Đức xứng đáng được coi là người đầu tiên trong lịch sử nước ta sáng tạo ra hình thức mà ngày nay chúng ta gọi là “sinh hoạt học thuật”. Các cuộc “sinh hoạt học thuật” dưới thời Tự Đức, ngoài các ý nghĩa khác, đã thể hiện khuynh hướng và khả năng của tư duy Việt Nam đương thời trong việc xác định dấu ấn của mình khi nghiên cứu kinh điển Nho giáo và vận dụng chúng vào thực tiễn đất nước.

Vừa là vua, vừa là học giả, Tự Đức muốn làm chủ tể cả tư tưởng và học thuật. Tự Đức tự tay thảo ra chế sách và tự tay phê điểm các bài đối sách. Đó là những vấn đề được đặt ra xung quanh về lý luận kinh điển Nho giáo. Có những lần Tự Đức còn tuyên triệu những người đã trúng tuyển khoa bảng vào nhà Duyệt thí để khảo sát học lực và kiến thức của họ một lần nữa bằng những bài đối sách đặc biệt. Tự Đức lại thường trước tác những luận văn thuộc các vấn đề lý luận kinh điển, như “chữ nhân”, “trung thứ”, “thuần thần”, v.v., và chỉ định những nho thần ở tại viện hay ở ngoài làm luận văn về những vấn đề ấy. Những tư tưởng chủ yếu bàn về tam cương, ngũ thường

dưới ảnh hưởng của Tống Nho, đó là: Vũ trụ luận, Tâm tính luận và Thực tế

luận.

Mặc dù, tư tưởng của Tự Đức không được hệ thống một cách đầy đủ như các học giả khác đương thời, mà chủ yếu bàn đến vấn đề thực tiễn, đặc biệt là thực tiễn chính trị như Quân đạo, Trị đạo. Tự Đức nêu lên nhiều vấn

đề, yêu cầu các học giả thảo luận và tự mình tham gia vào các cuộc thảo luận về các vấn đề đó.

Trong “Lời dụ răn thần công trong và ngoài”, Tự Đức đã thể hiện một tinh thần của người làm vua mẫu mực, luôn hối thúc đình thần, quan lại hãy vì dân chúng mà siêng năng công việc, chăn dân, lo cho dân: “Lũ các ngươi nên nghĩ sao giữ lấy chí sinh bình, theo đúng quan châm, đại thần giữ phép, tiểu thần giữ liêm, bỏ hẳn cái tệ chứa chất lâu ngày, thức sớm, ngủ khuya, hết lòng siêng năng cẩn thận. Trên thì giúp đỡ chính hoá, để bổ chính những điều trẫm còn thiếu sót, dưới thì mở rộng tài năng, làm cho trăm họ yên vui. Đó là điều mà trẫm rất mong muốn và cũng là hạnh phúc của thiên hạ”[11; tr.3].

Vấn đề cơ bản của Nho giáo là phạm trù “Nhân” với nội dung bao hàm cả thế giới quan, nhân sinh quan và luân lý quan. Tự Đức phải là một học giả rất có lòng tự tin mới dám viết chữ “Nhân” làm vấn đề thảo luận cho tự mình và cho các học giả khác. Tự Đức đã đem lại cho chữ “Nhân” một định nghĩa rõ ràng và dứt khoát, có giá trị tổng hợp. Ông viết: “Tất cả mọi việc hợp với lẽ trời và lòng người, đều là Nhân”[11; tr.16]. Giữa bài lấy hai chữ “Chí nhân” làm việc trong chức phận của nhân quân. Cuối bài kết thúc bằng mệnh đề “Phu tử dư điểm”.

Nho giáo cho rằng, chính trị và luân lý là một. Trong sách Đại học có nêu: Chính tâm, thành ý, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Đó cũng là mệnh đề cơ bản của thuyết Nhân trị hay Đức trị. Về vấn đề này, Tự Đức đã nêu lên nguyên lý cho rằng, mấu chốt của chính trị là ở chỗ tâm thuật của vua và quan là chính hay không chính, tín hay không tín, hoà hay không hoà. Có ba điều cần phải ghi nhớ: Trước hết, kẻ chấp chính phải chính mình trước, không chính thì chính người sao được. Thứ hai, phải nắm vững chữ tín, nếu thất tín thì dân không đứng được. Thứ ba, là phải có hoà khí, nếu không nhân tâm sẽ ly tán.

Tuy nhiên, Tự Đức đã không vượt được những hạn chế của Nho giáo khi phê phán các học thuyết hoặc tôn giáo khác, đó là phương pháp vạch ra

mâu thuẫn trong lời nói và việc làm của đối phương, hoặc dựa vào các nguyên lý của Nho giáo để bác bỏ các nguyên lý, giáo lý của đối tượng phê phán. Do đó, sự phê phán của ông chỉ tập trung vào việc các học thuyết và tôn giáo đó không quan tâm đến luân thường, lễ nghĩa. Nghĩa là, các tôn giáo đó không quan tâm đến đạo làm người một cách chính đáng và đầy đủ như Nho giáo.

Vấn đề về đạo Thiên Chúa cũng được Tự Đức bàn tới trong bài “Biện thuyết về Đạo” (Đạo biện). Ở đây, Tự Đức đã so sánh quan điểm về “đạo” của Nho giáo (tức đạo Thánh nhân) với “đạo” của Thiên Chúa giáo. Chẳng hạn khi luận bàn về “Lý - khí”, ông viết: “Trời chỉ là cái khí khinh thanh mà thôi. Thế mà người và muôn loài đều phải đội và thờ. Sinh sinh hoá hoá là lý tất nhiên, không thể coi là mông mênh không bờ bến, cho nên phải qui cho cái lý ấy là Trời. Vậy thì trời cũng chẳng qua là „Khí‟, là „Lý‟ mà thôi. Nói về „Khí‟ làm thể trạng, thì gọi là trời, nói về „Lý‟ làm chủ tể thì gọi là đế. Nhưng cũng chỉ là một mà thôi và đều là danh hiệu rất tôn không gì ví được. Ví như một nước tự có ngôi đế của một nước, thay trời trị dân, cũng chỉ tôn gọi là „Thiên tử‟ mà thôi, chứ không có danh hiệu nào khác hơn nữa. Danh hiệu đặc biệt ấy, cũng là vì sự đòi hỏi phải đặt như thế.

Giáo Gia Tô đã biết thuyết của họ là vô lý, bèn gượng dẫn lời của sách Nho ta để gán ghép vào làm chứng. Họ bảo “Thiên chúa” tức là „Thượng đế”, thượng đế là chúa tể của trời, tức là chúa tể sáng tạo ra trời đất vạn vật. Như thế là trời khác, đế khác, còn cần gì phải đem chữ trời mà ghép vào với chữ chúa nữa?”[11; tr.43]. Mặt khác, ông còn đề cập đến thế nào là “đạo” và “giáo” theo Nho giáo, rằng cái trời phú cho con người gọi là “Tính”, noi theo “Tính” gọi là “Đạo”, tu đạo gọi là “Giáo” (Đại học).

Vẫn trên tinh thần đề cao Nho giáo, ông viết tiếp: “Ở phương Tây các nước Kỷ niên đều lấy năm Gia Tô giáng sinh làm năm đầu - Gia Tô quả là Thiên chúa ư? Nếu thật thì còn ai biết được cái năm Gia Tô giáng sinh mà ghi? Họ tự nghĩ xem, họ còn nói dối ai được? Thế mà họ lại muốn người ta không được lễ tổ tiên, cha mẹ, thánh hiền, thần kỳ (thần là thần trời, kỳ là

thần đất), bảo rằng Thiên chúa là gốc của muôn vật, thần thánh thì phải chuyên kính lễ Thiên chúa. Như thế họ lại càng sai lầm quá lắm, ví phỏng chúa trời là đấng kiệt như nhà Nho ta gọi là thiên đế chân chính thì trời vốn là tổ vạn vật, mà không chuyên giữ việc gì, nhất thiết giao phó cho thánh nhân mở mang muôn vật, dựng nên mọi việc, sáng tỏ đạo người lập nền lễ nghĩa, khiến cho loài người biết có cha mẹ, vua tôi, thánh hiền, thần kỳ. Biết kính cha mẹ, thì biết kính trời. Như vậy, đối với người đã sinh ra thân ta, với bậc thánh nhân đã dựng ra đạo lý cho ta, với bậc thượng thánh đã làm rộng cái đạo của thánh nhân ta, với bậc thần nhân đã có công đức với ta, không thể nào không tế lễ được. Nếu không tế lễ thì rất là quên gốc. Đâu lại có lẽ đi tìm cái không có gốc, mà nhãng bỏ cái có gốc, và cho rằng như thế mới thật là gốc”[11; tr.46]. Như vậy, Tự Đức đã đứng trên nền tảng tư tưởng Nho giáo để biện luận , lý giải khái niệm “Thiên chúa” của Kitô giáo và “Trời” của Nho giáo. Mục đích của ông nhằm làm rõ quan niệm “một nước không thể có hai đạo” của Minh Mạng, đồng thời bảo vệ đạo thánh hiền về phép trị nước và nguyên tắc ứng xử của con người trong xã hội .

Từ trước tới nay, các nhà nghiên cứu đã quy cho Tự Đức đã thi hành những chính sách cấm đạo nghiệt ngã, song, thực tế cho thấy, ông đã có những chính sách về đạo đã mềm mỏng hơn nhiều so với Minh Mạng và Thiệu Trị. Chính ông đã cho thi hành chính sách yên dân để đoàn kết dân tộc. Như năm Tự Đức thứ 16, nhà vua đã dụ rằng: “Dân theo đạo cũng là con đỏ của triều đình, nếu ghét bỏ quá lắm, giết sạch hết cả, chỉ tổ gây hiềm khích, hại đến hoà khí, không phải là cách yên dân. Các địa phương nên khéo thể theo mà làm, không buông lỏng, không bó buộc, khiến cho biết kính, biết yêu, để giữ cho toàn sự sống”[41; tr.29].

Đến năm Tự Đức thứ 27, tinh thần trên càng được khẳng định hơn và được thể hiện một cách ôn hoà, thấm đượm sâu hơn tư tưởng yêu thương dân, đoàn kết dân tộc. Nhà vua đã dụ rằng: “Vua đối với dân cũng như trời đất đối với vạn vật, cha mẹ đối với các con, che chở nuôi nấng như nhau, trong đó có

phân biệt người này, người khác đâu. Nhà nước ta lấy lễ nghĩa đãi sĩ phu, lấy nhân hậu nuôi dân, ơn phúc thấm nhuần đã lâu, mưu tính về lòng người, phong tục rất hậu. Phàm là dân ta, không cứ lương, giáo, cố nhiên phải trông nhau làm việc thiện, không theo kẻ trái phép, không phóng túng vô độ, đều giữ phép của mình, thừa hưởng phúc trời, mới không phụ chủ ý nuôi dạy của triều đình”[59; tr.187].

Đóng góp của Tự Đức về những giá trị kiến thức của cuộc sống và tư tưởng biện luận về tôn giáo là đáng kể. Song, trong việc chỉ đạo biên soạn quốc sử - Lịch sử Việt Nam, Tự Đức chỉ dựa vào ý kiến chủ quan của mình để đánh giá các anh hùng dân tộc như: “Ngô Quyền không tài cán gì, sở dĩ thắng trận Bạch Đằng vì Nam Hán nhỏ thôi, vì Hoằng Thao là một thằng hèn, chớ nếu gặp phải tay Trần Bá Tiên mà bảo rằng Ngô Quyền không phải theo gót Lý Nam Đế, Triệu Việt Vương thì ít có lắm; 25 vạn quân Thanh bị đánh tan tành tại Đống Đa, Thăng Long không phải tại Nguyễn Huệ tài cao, quân sĩ ta giỏi, mà tại vận hạn nhà Lê đã hết”[13; tr.199]. Quan điểm như vậy là tư biện và đồng thời là sự biện hộ cho vai trò cũng như vận mệnh của triều Nguyễn.

Quan điểm viết sử trong lịch sử phong kiến Việt Nam, hay nói đúng hơn là lịch sử quan Nho giáo về: “Vận hội”, “Khí vận”; “Trước hơn sau, sau thua trước”; “Đạo trời” và “sự may rủi”, đã chi phối người viết sử nói chung, đặc biệt là đối với Tự Đức là người đứng đầu triều đại, đã trực tiếp chỉ đạo trong việc viết sử. Trong Cương Mục khi sử chép về việc Lê Hoàn được tôn làm vương thì Tự Đức phê rằng: “Bờ cõi Bắc, Nam có khác nhưng vận hội vẫn như nhau. Nhà Lê thì có chuyện khoác áo long cổn, nhà Lý thì sấm truyền ghi trên thân cây. Sao mà giống chuyện bên Tống đến thế?”[13; tr.189]. Rồi Tự Đức viết tiếp: “Hay là người làm sử thấy vậy bèn gò ép gán gẫm vào nhau để cho câu chuyện trở lên thần kỳ, chớ trời kia có ý làm ra như thế đâu!”[13; tr.190]. “Nếu cứ đổ cho vận hội mà chẳng nghĩ đến việc làm của người khác thì khác gì như bịt kín mắt mà biện luận trắng đen, có trúng chăng nữa cũng là hoạ may thôi!”[13; tr.190]. Lập luận của Tự Đức về các sự kiện nêu trên ít

nhiều cũng biểu hiện quan điểm phê phán dựa trên mối liên hệ giữa lôgíc và lịch sử cụ thể . Điều này phản ánh mâu thuẫn trong chính quan niệm về lịch sử của Tự Đức, từ chỗ đề cao vận hội đến phủ định nó, từ chỗ phủ định vai trò của các vĩ nhân trong lịch sử dân tộc đến việc đề cao nhân vi, v.v.

Tự Đức muốn lấy Hán Văn Đế làm mẫu mực, noi theo tư tưởng tôn Chu, phục lễ của Khổng Tử, thực hiện nguyên lý “Pháp tiên vương”, tức là làm theo những vua trước. Có lúc Tự Đức than rằng: “Đời sau người toàn tài có ít, người nay sao kịp người xưa”[13; tr.194]. Trong một bài dụ gửi Văn thân Nghệ, Tĩnh nhằm phê phán chủ trương kháng chiến của họ, Tự Đức nhận định rằng, “ngày nay kháng chiến không thể thành công vì ngày nay không còn đức thánh Tản Viên, mà Trần Hưng Đạo đã chết! Triều đình nhận thấy rằng, người đời xưa dùng dân nào để đánh bại quân Nguyên? Cũng là dân Bắc Hà đấy thôi, nhưng xưa tốt nay xấu, xưa hơn nay kém, cho nên xưa đánh được giặc Nguyên mà nay không đánh được giặc Pháp”[13; tr.194]. Chính tư tưởng này của Tự Đức một mặt, xuất phát từ thực trạng quân sự của triều Nguyễn quá yếu kém và lạc hậu, đổ lỗi cho nhân dân ta kém ý chí hơn so với thời trước không thể chống chọi được với đội quân viễn chinh Pháp có trang bị hiện đại, mặt khác, để né tránh trách nhiệm của bản thân và chỉ lo bảo toàn tính mệnh cho hoàng gia.

Nói tóm lại , những quan điểm nêu trên của các nhà nho - quân vương về mọi lĩnh vực đời sống xã hội cho thấy , ở họ đều có sự thống nhất với nhau là tôn Nho giáo lên địa vị thống trị trên trường chính trị với nội dung Hán

Nho và Thanh Nho . Đặc biệt các quan điểm ấy được Gia Long , Minh Mạng và Tự Đức thể hiện một cách nhất quán trên các lĩnh vực quản lý đất nước, giáo dục và khoa cử. Sự độc tôn Nho giáo dưới triều Nguyễn đã có ảnh hưởng rất lớn đến các nhà tư tưởng Việt Nam đương thời do tính qui định của hệ tư tưởng triều đại này cũng như đến các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội . Nó đã để lại dấu ấn đậm nét mà từ đó chúng ta có thể phân định được những mặt tích cực cũng như tiêu cực của Nho giáo triều Nguyễn.

Một phần của tài liệu Sự độc tôn Nho giáo dưới triều Nguyễn nguyên nhân và ảnh hưởng đương thời của nó (Trang 73)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(117 trang)