Thế kỷ XIX đánh dấu những biến động trên thế giới và cả trong nước. Năm 1802, sau khi đánh bại triều Tây Sơn, làm chủ toàn bộ lãnh thổ Đàng Trong và Đàng Ngoài cũ, Nguyễn Ánh đặt niên hiệu là Gia Long, lập ra nhà Nguyễn. Các vua nhà Nguyễn từ Gia Long (1802 - 1819), Minh Mạng (1820 - 1840) đến Thiệu Trị (1841 - 1847), Tự Đức (1848 - 1883) kế tiếp nhau xây dựng và củng cố nền thống trị, bảo vệ chế độ phong kiến đang trên đà khủng hoảng, suy vong. “Do mặc cảm với vị trí của mình, năm 1803, Gia Long đã cử sứ bộ do Lê Quang Định đứng đầu sang nhà Thanh xin quốc hiệu, và đầu năm 1804 chính thức công bố tên nước là Việt Nam. Do phản ứng của nhân dân, năm 1811, Gia Long cho trở lại tên Đại Việt. Năm 1838, Minh Mạng bất bình đã khẳng định lại quốc hiệu là Đại Nam và cấm nhân dân “không được nói lại hai chữ Đại Việt”. Kinh đô đóng ở Phú Xuân (Huế)”[64; tr.437].
Tuy nhiên, trong hơn nửa thế kỷ tồn tại dưới triều Nguyễn, xã hội Việt Nam hầu như không phát triển lên được theo chiều hướng tiến bộ của thời đại, mâu thuẫn xã hội ngày một sâu sắc đã làm bùng lên hàng loạt cuộc khởi nghĩa lớn của nông dân, của các dân tộc ít người và cuối cùng trở thành đối tượng xâm lược của chủ nghĩa thực dân phương Tây. Ngoài những nguyên nhân sâu xa từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII mà chúng tôi trình bày ở trên, còn có những nguyên nhân nội tại từ hiện thực xã hội của đất nước thời kỳ nửa đầu thế kỷ XIX liên quan đến sự độc tôn Nho giáo dưới triều Nguyễn.
a. Về chính trị
Nước Đại Nam về danh nghĩa là lệ thuộc chính trị vào “Thiên triều” nhà Thanh, nhưng trên thực tế hoàn toàn là một nước độc lập. Nhà Nguyễn ra đời và tồn tại không những trong bối cảnh đặc biệt của đất nước, mà trong cả tình hình thế giới có nhiều biến chuyển lớn. Thắng lợi của chủ nghĩa tư bản ở Tây Âu đã kéo theo sự phát triển của chủ nghĩa thực dân và của sự giao lưu buôn bán quốc tế. Hàng loạt các nước châu Á lần lượt rơi vào ách đô hộ thực dân, và Việt Nam cũng không tránh khỏi mối đe dọa đó.
Ngay từ những ngày đầu thiết lập vương triều, Nguyễn Ánh đã đặt quan, phong tước cho những người phò tá. Sau khi lấy được toàn bộ Bắc Hà, Nguyễn Ánh xưng vương, kiểm lại hệ thống các đơn vị hành chính cũ, đặt quan chức cai quản. Đương thời Gia Long giữ nguyên cách tổ chức cũ. Ở Đàng Ngoài vẫn là trấn, phủ, huyện, xã, ở Đàng Trong thì trấn, dinh, huyện, xã. Sau đó ít lâu, nhà Nguyễn nâng tổng thành một cấp hành chính trung gian giữa huyện và xã. Ngoài ra, 11 trấn Bắc thành được hợp thành một tổng trấn, 5 trấn cực Nam hợp thành 1 tổng trấn gọi là Gia Định thành. Để nhất thể hoá các đơn vị hành chính trong nước, năm 1831 - 1832, Minh Mạng bỏ hai tổng trấn, chia cả nước thành 30 tỉnh và phủ Thừa Thiên (trực thuộc trung ương). Cách chia đơn vị hành chính này được giữ nguyên cho đến cuối thời Nguyễn.
Về chính quyền trung ương, Gia Long, Minh Mạng giữ nguyên hệ thống cơ quan cũ của các triều đại trước. Vua nắm mọi quyền hành một cách độc đoán. Bên cạnh sự nhất thể hoá về mặt tổ chức chính quyền trung ương, thì chính quyền địa phương có sự tồn tại của hai khu vực gần như độc lập ở Bắc và Nam. Để đảm bảo sự lãnh đạo thống nhất và đảm bảo quyền lực nhà vua, Gia Long cho sửa đắp hệ thống đường giao thông chính từ các địa phương về trung ương và đặt một hệ thống trạm dịch nhằm chuyển đệ văn thư.
Năm 1831 - 1832, Minh Mạng đã tiến hành một cuộc cải cách hành chính địa phương, xoá bỏ các tổng trấn, đổi các dinh trấn thành tỉnh. Bấy giờ cả nước có 30 tỉnh và một phủ Thừa Thiên. Năm 1831, đổi các trấn phía Bắc thành 18 tỉnh. Năm 1832, đổi các dinh trấn phía Nam thành 12 tỉnh.
Ban đầu, quan lại chủ yếu bao gồm những người có công theo Nguyễn Ánh chống Tây Sơn (bao gồm cả một số những người Pháp), một số cựu thần nhà Lê hoặc từng đỗ đạt dưới thời Lê. Về sau, thông qua thi cử, nhà Nguyễn mới bổ dụng thêm người. Tuy nhiên, năm 1807 mới có khoa thi Hương đầu tiên, năm 1822 mới mở khoa thi Hội đầu tiên. Do lượng người đi thi ít nên số đỗ đạt không đủ để bổ nhiệm vào các chức vụ cần thiết.
Bộ máy quan lại thời Nguyễn nói chung không cồng kềnh, cũng không đông về số lượng, song không vì thế mà bớt tệ tham nhũng. Ngoài ra, nhà Nguyễn đã thực hiện “tứ bất”: không đặt tể tướng, không lập hoàng hậu, không lấy trạng nguyên, không phong tước vương cho người ngoài họ vua. Mặc dù không ghi thành văn bản, song điều này chứng tỏ nhà Nguyễn đã đề phòng sự phản nghịch có thể xảy ra từ bên ngoài hoàng tộc và cả trong nội bộ hoàng gia.
Về quân đội, ngay từ sớm, trong cuộc chiến tranh chống Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã cố gắng xây dựng một lực lượng quân sự mạnh. Tinh thần đó được phát huy trong nửa đầu thế kỷ XIX, đặc biệt trong những năm đấu tranh dữ dội của nhân dân.
b. Về kinh tế
Đến thế kỷ XIX, Việt Nam vẫn là một nước nông nghiệp. Chính vì thấy được vai trò, vị trí của nền sản xuất nông nghiệp và cụ thể là những chính sách của nhà Nguyễn thi hành trong vấn đề nông nghiệp thế kỷ XIX với những đặc điểm chính: Thứ nhất, hầu hết nhân dân là nông dân, sống bằng nghề cày cấy. Chính sách của triều đình là “trọng nông”. Có thể nói, triều đình lúc bấy giờ chỉ quan tâm đến sự phát triển nông nghiệp, vì nguồn lợi chủ yếu của nhà nước là thu thuế điền, thuế đinh. Thứ hai, ruộng đất được chia làm hai loại chính, đó là ruộng công và ruộng tư. Phần ruộng công rất lớn, gồm tịch điền, quan điền, đồn điền và công điền công thổ của làng xã. Trong đó, đồn điền là quan trọng nhất, được chú ý phát triển mà phần lớn ở các vùng biên cương, nhất là biên cương phía Nam. Thứ ba, phần ruộng tư càng ngày càng lớn so với phần ruộng công do ảnh hưởng của sự phân hoá giai cấp, phân chia đẳng cấp dẫn đến việc chiếm hữu ruộng đất ở làng xã. Thứ tư, nghề nông thời nhà Nguyễn phát triển theo xu hướng tăng, giảm bất thường do nạn lưu tán xảy ra. Hiện tượng nhân dân lưu tán dưới triều Nguyễn không phải là hiện tượng nhất thời, nó xảy ra thường xuyên, phổ biến khắp ba kỳ và càng
ngày càng trầm trọng. Đó cũng là nguyên nhân cơ bản đưa nhà Nguyễn đến chỗ khủng hoảng xã hội ngày càng sâu sắc .
Do xuất phát từ yêu cầu khôi phục lại đất nước và phát triển đất nước sau chiến tranh, nhà Nguyễn đã thi hành một số chính sách khuyến khích nông nghiệp như “trọng nông”, mở rộng việc khai hoang, lập điền. Cơ cấu ruộng đất vẫn bao gồm 2 bộ phận: ruộng đất thuộc sở hữu nhà nước và ruộng đất thuộc sở hữu tư nhân.
Năm 1804, Gia Long ban hành phép quân điền, theo đó tất cả mọi người đều được chia ruộng công ở xã, trừ các quý tộc vương tôn được cấp 18 phần, quan lại nhất phẩm được cấp 15 phần, cứ tuần tự hạ mức cho đến dân nghèo được 3 phần. Ngoài ra, triều Nguyễn còn khuyến khích nhân dân tự động tổ chức khai hoang theo nhiều hình thức khác nhau. Nhờ đó mà kinh tế nông nghiệp thời Nguyễn khá đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, các hiện tượng thiên tai, mất mùa, dịch bệnh xảy ra liên miên thời bấy giờ đã ảnh hưởng to lớn đến cuộc sống của nhân dân.
Về công, thương nghiệp cũng có những bước phát triển cao hơn so với các thế kỷ trước. Công nghiệp hầu hết là các nghề thủ công với quy mô nhỏ lẻ. Năm 1803, Gia Long cho lập xưởng đúc tiền ở Thăng Long gọi là “Bắc Thành tiền cục”. Từ 1812, nhà Nguyễn cho đúc thêm tiền kẽm, giao cho thương nhân Trung Quốc quản lĩnh theo quy ước nhà nước, cứ 130 quan tiền mới đúc thì đổi lấy 100 quan tiền đồng trong kho.
Đầu thế kỷ XIX, đất nước được thống nhất, yên bình cũng là điều kiện rất thuận lợi cho việc buôn bán trao đổi. Đường cái quan nối liền Nam Bắc và các tỉnh được sửa đắp, nhiều kênh sông được khai đào, thuận lợi cho việc giao lưu, buôn bán giữa các vùng miền. Ngoài việc buôn bán nhỏ ở các làng, huyện thông qua các chợ, việc buôn bán lớn bằng thuyền ngày càng phát triển. Tuy nhiên, chính sách “ức thương” của nhà nước đã hạn chế sự phát triển của thương nghiệp. Chính sách thuế khoá và thể lệ kiểm soát ngày càng nghiêm ngặt và phức tạp. Nhà nước đặt lệ trưng dụng thuyền buôn tư nhân,
theo quy định năm 1807 “phàm thuyền vận tải, cứ một năm chở của công thì một năm đi buôn”. Năm 1816, quy định lại: “thuyền đi buôn phải chịu thuế, chở cho nhà nước thì được miễn”[64; tr.453]. Có những năm 1834, do sợ phong trào nông dân lan rộng, Minh Mạng ra lệnh cấm nhân dân họp chợ.
Việc trao đổi buôn bán với thương nhân nước ngoài suy giảm. Triều Nguyễn chủ trương “bế quan toả cảng”, không buôn bán với các nước phương Tây. Vì vậy, các đô thị lớn như Đà Nẵng, Bến Nghé, Thăng Long - Hà Nội hoạt động bình thường, nhưng không thay đổi nhiều, ngoài ra, các đô thị cũ như Hội An, Thanh Hà, Phố Hiến không có điều kiện phục hồi.
Sự hạn chế của công thương nghiệp ở nửa đầu thế kỷ XIX, đã không tạo nên được những điều kiện cần thiết cho sự biến chuyển xã hội.
c. Về xã hội
Ở Việt Nam từ thời Lê cho đến thời Nguyễn, trong bối cảnh Nho giáo độc tôn ảnh hưởng đến sự phân biệt đẳng cấp mà dân bị chia làm bốn hạng, gọi là “tứ dân”, (tức là: sĩ, nông, công, thương). Đó là cách chia có tính chất nghề nghiệp, nhưng cũng là sự sắp xếp địa vị xã hội theo nghề nghiệp. Tuy nhiên, cũng như ở các triều đại trước, xã hội Việt Nam dưới thời Nguyễn được chia thành hai giai cấp lớn: thống trị và bị trị.
Giai cấp thống trị bao gồm vua, quan, thư lại trong hệ thống chính quyền và giai cấp địa chủ. Các quan chức xuất thân từ nhiều tầng lớp xã hội khác nhau nhưng do vị thế của mình, trở thành lớp người đối lập với nhân dân, hạch sách, bóc lột nhân dân. Giai cấp địa chủ giờ đây đã trở thành một lực lượng đông đảo, vừa có thế trong quan trường, vừa có nhiều uy quyền ở làng xã. Xu thế phát triển của chế độ sở hữu ruộng đất Việt Nam không tạo ra những địa chủ lớn có ruộng đất tập trung ở Bắc cũng như ở Nam. Do đó, giai cấp địa chủ vừa là cơ sở xã hội của nhà nước Nguyễn, vừa phải dựa vào lực lượng hào lý ở làng xã và quyền lực chính trị của nhà nước để tồn tại.
Giai cấp bị trị bao gồm toàn bộ nông dân, thợ thủ công, thương nhân, một số dân nghèo thành thị. Lớp người bị lưu đày, nô tì cùng gia quyến sống ở các đồn điền cũng tăng lên đáng kể.
Về đời sống nhân dân, tuyệt đại đa số cư dân là nông nghiệp. Họ có ít nhiều ruộng đất tư để cày cấy, sinh sống. Họ là lớp người gánh chịu mọi tai hoạ của tự nhiên, mọi thiệt thòi, bất công của xã hội, cùng với chế độ binh dịch, công tượng, sưu cao, thuế nặng của triều đình phong kiến, đã khiến họ ngày càng cùng cực, và cuối cùng dẫn đến những cuộc nổi dậy ngày càng nhiều, quy mô ngày càng lớn của phong trào nông dân những thập kỷ sau của thế kỷ XIX.
d. Về tư tưởng
Trước hết, thực thể chính trị bị Nguyễn Ánh đánh bại để lập nên triều Nguyễn không phải là phong trào Tây Sơn dưới sự lãnh đạo thiên tài của Nguyễn Huệ, mà là một vương triều Tây Sơn đã thoái hoá nhanh chóng sau khi hoàng đế Quang Trung băng hà. Ở đất nước Đại Việt thời bấy giờ đã xảy ra tình trạng tái cát cứ, nhân dân đang có nguy cơ phải hứng chịu sự tranh giành quyền lực của các thế lực phong kiến, cũng như loạn lạc, ly tán, đói khổ…Và, từ một triều đại được nhân dân nô nức tin theo, chấm dứt sự khủng hoảng cát cứ suốt 3 thế kỷ, vương triều Tây Sơn đã trở thành một vương triều bị nhân dân oán ghét.
Đúng là Nguyễn Ánh đã dựa vào giáo sĩ Bá Đa Lộc để cầu viện nước Pháp, sử dụng một số sĩ quan đánh thuê và vũ khí của Pháp. Nhưng sau khi lên ngôi, Gia Long đã tự mình tìm cách giũ bỏ sự có mặt của các sĩ quan và giáo sĩ nước ngoài tại triều đình và trong nước. Năm 1816, vua Gia Long đã lập người con trai thứ tư là hoàng tử Đảm làm hoàng thái tử, chứ không thực hiện chế độ “đích tôn thừa trọng”, bởi ông cần một người kế tục mình vừa đủ chín chắn vừa có bản lĩnh để gánh vác việc lớn. Nhưng điều quan trọng hơn, Gia Long không muốn chọn một người kế vị có xu hướng thân phương Tây như hoàng tôn Đán, một hoàng thái tử sau khi từ Pháp trở về không chịu quì
lạy trước bàn thờ tổ tiên và đi theo niềm tin Thiên Chúa giáo. Do vậy, việc ông ta truyền ngôi cho Minh Mạng là nằm trong ý đồ chọn người có khả năng nhất trong việc thực hiện ý đồ kể trên.
Trong lịch sử nước ta, Nho giáo từng chiếm địa vị độc tôn từ thời Lê Sơ. Đến thế kỷ XVIII, các vương triều Lê - Trịnh - Nguyễn đều vẫn đề cao Nho giáo và vẫn không đưa giáo lý Phật giáo vào chương trình giáo dục và thi cử. Tuy nhiên, khuynh hướng “Tam giáo đồng nguyên” ở thế kỷ này đã có những bước phát triển về chất, điều đó được phản ánh trong các tác phẩm của những trí thức tiêu biểu và đa số họ là những nhà Nho. Tiến sĩ Nho học, nhà chính trị lỗi lạc Ngô Thì Nhậm viết tác phẩm “Trúc lâm tông chỉ nguyên thanh”, cho rằng, có thể đưa học thuyết của nhà Phật vào nội dung của Nho giáo (khu Thích dĩ nhập Nho). Lại có những thiền sư nổi tiếng có những quan niệm tiến bộ độc đáo, như thiền sư Toàn Nhật. Một sự trỗi dậy như vậy của Phật giáo tưởng chừng làm cho Nho giáo mất địa vị độc tôn trong tư tưởng của triều đình và giới trí thức đương thời, song điều đó đã không xảy ra. Tuy nhiên, cần lưu ý hai điều rất quan trọng có ảnh hưởng đến thái độ của nhà Nguyễn đối với Phật giáo: Một là, những người nổi tiếng nhất, có vai trò hàng đầu trong việc phục hưng, với tư cách là học thuyết của Phật giáo, như Ngô Thì Nhậm và Toàn Nhật, đều là những người phục vụ triều Tây Sơn. Hai là,
Phật giáo thế kỷ XVIII phát triển mạnh theo hướng phù thuỷ, bùa chú, mê tín, dị đoan; một số sư tăng không phải là những người có đạo đức, chùa chiền thường là nơi tụ hội, ẩn náu của những người phiến loạn hoặc lười biếng. Nhà Nguyễn tất phải tính đến hai đặc điểm đó của Phật giáo mà thế kỷ XVIII bàn giao cho thế kỷ XIX, tất yếu dẫn đến phải nghi ngờ, đề phòng và hạn chế Phật giáo để đảm bảo an ninh cho vương triều và để có thể huy động đến mức tối đa sức người, sức của vào nhu cầu kinh tế, xã hội và quân sự.
Các vua Nguyễn, từ Gia Long đến Tự Đức, đều biểu thị thái độ hoài nghi Phật giáo và nghiêm khắc với tăng chúng. Tuy mức độ có khác nhau, như thời Gia Long đối với Phật giáo, thì thái độ nghiêm khắc và hoài nghi
tuyệt đối. Đến thời Minh Mạng, Tự Đức thái độ đối với Phật giáo khoan dung hơn. Minh Mạng (năm thứ 16) nói với quan hầu rằng: “Nhà Phật dùng thần đạo để dạy đời; đạo Khổng Tử chỉ dạy luân thường là món dùng hàng ngày;