1 Châm: răn, khuyên, điều răn.
2.2.1. Vua Gia Long (Nguyễn Phúc Ánh, 1802 1819)
Hoạt động lập pháp nhằm duy trì trật tự xã hội và kỷ cương phép nước được xem là công việc hệ trọng nhất của các bậc vua chúa. Đi đôi với việc củng cố bộ máy nhà nước, Gia Long rất coi trọng hình luật, từ đó ông chỉ thị biên soạn bộ luật của triều Nguyễn gọi là Hoàng triều luật lệ. Đây là bộ luật thành văn thứ hai của nhà nước phong kiến trung ương tập quyền Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong việc việc xây dựng và thực thi thể chế pháp luật. Vua Gia Long chủ trương dùng pháp luật để cai trị đất nước và quản lý xã hội. Ngay sau khi lên ngôi hoàng đế, vua Gia Long đã chủ trương
xây dựng một bộ luật mới của triều đại trên tinh thần kế thừa, phát triển và hoàn thiện bộ Luật Hồng Đức cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đất nước lúc bấy giờ. Cũng thông qua bộ Hoàng triều luật lệ, tư tưởng độc tôn Nho giáo của Gia Long được thể hiện một cách rõ nét.
Gia Long nói: “Trẫm nghĩ bậc thánh nhân trị vì thiên hạ, hình phạt cùng với đức hoá chưa hề bỏ lệch bên nào. Bởi vì nhân sinh nhiều ham muốn, việc đời không bờ bến, phải dùng hình phạt để ngăn ngừa, không thể nào dựa vào giáo hoá mà làm cho dân biết được. Cho nên nói rằng hình phạt là công cụ giúp cho bình trị, há có phải là rỗng suông đâu. Luật lệnh là điều lệ để phán đoán hình phạt…”[13; tr.318]. “Vậy ra lệnh cho đình thần, chuẩn theo lệnh điển các triều, tham khảo luật Hồng Đức và Đại Thanh, lấy bỏ cân nhắc, cốt sao cho chính đáng, biên tập thành sách. Trẫm thân tự sửa chữa, ban hành ra thiên hạ, khiến cho biết phép lớn phòng cấm sáng rõ như mặt trời mặt trăng, không giấu giếm. Lời răn bảo, điều nghiêm cấm mạnh như sấm sét, không ai được phạm đến…”[13; tr.319]. Như vậy là đã rõ, Hoàng triều luật lệ
không chỉ kế thừa những nội dung đức trị của Nho giáo kết hợp với pháp trị, thần quyền, mà còn tiếp thu những nội dung đẳng cấp của Thanh Nho để bảo vệ quyền thống trị của vương triều.
Việc làm luật tuy dựa trên tinh thần đức trị kết hợp với pháp trị, không lệch bên nào, song như chỉ dụ nêu trên rõ ràng là thiên về mặt pháp trị nhiều hơn, bởi vì: “điều nghiêm cấm mạnh như sấm sét”. Chính vì vậy, Luật
Gia Long so với Luật Hồng Đức, mang tính chuyên chế cao và thoáng qua có
vẻ như hà khắc hơn, bao gồm 398 điều. Nội dung chủ yếu đề cao vị thế của vua quan liêu, người gia trưởng, nhằm đưa xã hội vừa trải qua mấy thế kỷ loạn lạc dần đi vào ổn định, có tôn ti trật tự, xã hội đẳng cấp và theo các chuẩn mực đạo đức của Nho giáo.
Điều đó là đương nhiên, bởi khi đất nước vừa mới trải qua mấy thế kỷ loạn lạc, chiến tranh liên miên, việc soạn thảo bộ luật mới có bổ sung để nâng cao uy quyền của thiên tử là cần thiết đối với nhà nước phong kiến. Trên
cương vị người làm vua của một nước, trước hết để bảo vệ lợi ích của hoàng gia, sau đó là nhằm mục đích đưa đất nước từng bước đi vào ổn định, cần phải có một bộ luật hoàn chỉnh để quản lý xã hội. Do đó, bộ Luật Gia Long
(Hoàng triều luật lệ) ra đời nhằm đáp ứng trị vì đất nước của triều Nguyễn thời bấy giờ. Nếu như bộ Luật Hồng Đức (Quốc triều hình luật ) phản ánh nội dung tư tưởng về đường lối trị nước dựa trên sự kết hợp đức trị với pháp trị , trong đó Nho giáo đóng vai trò chủ đạo, thì trên cơ sở hệ thống của nó, sự ra đời của Luật Gia Long có điểm gì mới trong quan điểm của ông vua nhà Nguyễn đầu tiên này? Chúng tôi cho rằng, việc tìm hiểu nội dung của hai bộ luật trên cơ sở so sánh để làm rõ vai trò của Nho giáo trong lĩnh vực trị nước là hết sức cần thiết.
Chính vua Gia Long đã đích thân viết lời tựa cho Hoàng triều luật lệ
và trong lời tựa đã nhấn mạnh tính cách Việt Nam của bộ luật này. Lời tựa vạch ra rằng:
“Ta nhờ oai linh liệt thánh, trấn áp hỗn loạn, đem lại thanh bình, chỉnh đốn trật tự cõi bờ theo luật pháp, lấy giáo hoá làm việc hàng đầu; tuy vậy cũng vẫn quan tâm đặc biệt đến việc xử phạt.
Giở xem hình luật của các triều đại trước của nước Việt ta, mỗi triều đại thành lập từ Lý, Trần, Lê đều có pháp chế riêng cho mỗi triều đại, mà đầy đủ hơn cả là bộ Luật Hồng Đức.
Cả triều đình phương Bắc, các vua dựng lên những là Hán, Đường, Tống, Minh…Mỗi triều đại các sách về luật lệ đều có sửa đổi mà đầy đủ nhất là luật triều đại nhà Thanh. Thế cho nên, ta ra lệnh cho triều thần lấy luật lệ của các triều đại nước ta làm căn bản, tham chiếu luật Hồng Đức và luật Thanh triều; rút lấy, thêm bớt, cân nhắc, biên tập thành bộ loại tiện dụng. Đích thân trẫm tu chỉnh lại sau cùng, rồi ban hành để mọi người biết mà tránh bớt lỗi lầm, khiến bộ luật chiếu rọi như ánh sáng mặt trời, mặt trăng không còn chỗ nào bị che khuất nữa. Những điều nghiêm trị trong bộ luật sáng như tia chớp, vang động như sấm sét không thể sai phạm được. Các quan viên giữ
chức vụ phải vâng chiếu theo luật này, coi nó như khuôn mẫu đầy ánh sáng về luật pháp. Từ đó, kẻ ngoan cố dễ tránh được những hành vi sai phạm để họ tự cải hoá mà xa rời sự trừng phạt, hầu tránh khỏi pháp luật xử lý. Theo vậy kẻ sai trái có thể đi vào con đường tự giáo hoá, tự tránh được sai phạm để quan chức hữu ti khỏi can thiệp vào. Được như thế thì mọi việc sẽ an thịnh mà không cần đến luật pháp xử trị. Việc đó há chẳng phải là chỗ dựa tốt sao?
Thế nên Trẫm ra lịnh chép những lời này làm tựa”[65; tr.17].
Vào mùa thu tháng 7 năm Ất Hợi (1815), bộ Hoàng triều luật lệ mới được khắc in để ban bố trên toàn quốc. Nhân sự việc này, vua Gia Long một lần nữa khẳng định vai trò của pháp luật đối với việc trị quốc: “Việc hình là để ngăn cấm giữ dân, có sáng rõ thì kẻ ngu ngoan mới biết đường đi lối tránh, Pháp luật là của chung của thiên hạ, có nhất định thì quan lại mới biết có chỗ nắm theo”[65; tr.256].
Về thái độ của triều đại nhà Nguyễn đối với Phật giáo và Thiên Chúa giáo nói chung, của Gia Long nói riêng, là một ông vua đầu tiên trị vì vương triều Nguyễn, Gia Long đã tỏ rõ thái độ rất rõ ràng đối với Phật giáo và Thiên Chúa giáo. Điều đó được thể hiện qua sự hoài nghi tuyệt đối với Phật giáo và nghiêm khắc với tăng chúng.
Theo Đại Nam thực lục chính biên (đệ nhất kỷ) thời Nguyễn Ánh mới làm chủ được đất Nam Kỳ, có nhà sư tên là Cao phạm tội, Nguyễn Ánh muốn giết ngay. Có kẻ nói sư là bậc chân tu. Nguyễn Ánh nói: “Có chân tu đi nữa thì ích gì cho nước? Bầy tôi nhiều người bàn ra nói vào, Nguyễn Ánh lưỡng lự. Lễ bộ thượng thư là Ngô Tông Chu nói với Đông cung Cảnh rằng: Chúa thượng bài trừ đạo Phật là việc rất hay, bầy tôi không biết tán thành lại còn rườm lời…Tôi không ghét riêng gì nhà sư. Nhưng mối hại của Phật, Lão còn quá hơn Dương, Mặc, không thể không nói được. Đông cung Cảnh nói: Phải đấy. Ngô Tông Chu bèn dâng sớ kết tội nhà sư. Nguyễn Ánh bèn quyết ý cho thi hành án”[67; tr.20]. Cũng thời Gia Long, trước khi chết, trưởng công chúa là Ngọc Tú khóc xin cho được cạo trọc đầu và được khâm liệm bằng áo cà sa.
Khi công chúa mất, vua đem lời chúa nói với Kiến An công là Đài. Công tâu rằng: “Thân thể tóc da là của cha mẹ cho, lúc sống phải giữ toàn, chết cũng phải để toàn, thế là lễ vậy. Bệ hạ trị thiên hạ, nếu theo chính đạo, bỏ dị đoan, điều chúa muốn không nên theo. Vua cho là phải…”[50; tr.234].
Đối với Thiên Chúa giáo, Gia Long dẫu sao vẫn giữ mối ân tình, công lao của các giáo sĩ Pháp đã giúp ông đánh bại triều Tây Sơn. Ông đã sử dụng hàng chục cố vấn người Pháp mà chủ yếu là giáo sĩ thuộc Hội truyền giáo nước ngoài của Paris làm nhiệm vụ dịch sách, tài liệu cho triều đình, dạy học cho các hoàng tử, công chúa…Gia Long tỏ ra có khoan dung đối với Thiên Chúa giáo và chưa thực hiện chính sách cấm đạo này truyền bá ở Việt Nam. Trước lúc qua đời, Gia Long đã căn dặn Minh Mạng: “Cả ba tôn giáo đó (Nho, Phật, Thiên Chúa giáo) đều tốt như nhau và việc khủng bố tín ngưỡng bao giờ cũng tạo cơ hội cho những cuộc biến động và gây thù trong dân gian, lại thường khi làm sụp đổ ngôi vua”[64; tr.444].