Vua Minh Mạng (Nguyễn Phúc Đảm, 182 0 1840)

Một phần của tài liệu Sự độc tôn Nho giáo dưới triều Nguyễn nguyên nhân và ảnh hưởng đương thời của nó (Trang 63)

1 Châm: răn, khuyên, điều răn.

2.2.2. Vua Minh Mạng (Nguyễn Phúc Đảm, 182 0 1840)

Minh Mạng đã có ý thức xây dựng hệ tư tưởng chính thống của vương triều Nguyễn, đó là một hệ tư tưởng hoàn chỉnh, được sáng tạo để đáp ứng các yêu cầu thực tiễn của đất nước và vương triều, đồng thời tham khảo đến một mức nào đó các kinh nghiệm lịch sử dân tộc và Bắc sử. Minh Mạng được coi là người đặt cơ sở tư tưởng và thể chế của triều Nguyễn. Và điều đó được thể hiện qua tác phẩm “Minh Mệnh chính yếu” với một số nội dung cơ bản sau đây:

Trước hết, về đạo làm vua:

Theo Minh Mạng, vua là gốc của phong hoá, phải làm gương cho thiên hạ: “Ta là vua của cả một nước, vẫn nghĩ sâu sắc rằng mình là gốc của phong hoá, phải làm gương cho thiên hạ”[57; tr.11]. Những điều tốt đẹp đến với người làm vua không phải ở chỗ được người ta đem dâng những vật quý hiếm, phúc của người làm vua không ở chỗ thu gom được nhiều châu báu, mà ở chỗ không có thiên tai, nhân dân được mùa, quan tốt, tướng giỏi, đất nước

bình yên. Minh Mạng cũng như các vị hoàng đế khác chịu ảnh hưởng từ tư tưởng “Thiên nhân tương cảm” (Trời và người cảm ứng lẫn nhau) của Đổng Trọng Thư đời Hán, tin rằng giữa trời và vua có mối quan hệ gắn bó. Ông coi quan hệ ấy cũng tương tự như quan hệ giữa vua với bầy tôi. Theo ông, vua phải kính trời. Lòng kính ấy thể hiện ở chỗ vua biết sửa chữa lỗi lầm khi trời giáng hoạ để răn đe. Khi vua đã sửa lỗi thì trời ban cho điều tốt. Như vậy, trời đối với vua vừa nghiêm khắc vừa nhân từ, có lỗi thì phạt, sửa lỗi thì ban thưởng. Do vậy, mối quan hệ giữa vua và bầy tôi cũng dựa trên nguyên tắc, đó là vừa nghiêm khắc vừa nhân từ: “Vua phải kính trời. Bởi lẽ, trời cũng như vua đối với bầy tôi. Vua có điều xấu, trời sẽ giáng tai hoạ để răn dạy, nếu vua biết sợ hãi biết sửa mình thì ban cho điều tốt. Bầy tôi có lỗi, vua phải giáng phạt để trừng trị, nếu bầy tôi biết hổ thẹn, cố gắng đổi lỗi, thì lại liệu cất nhắc hơn lên. Việc dẫu có khác lẽ cũng là một”[58; tr.70].

Quan điểm duy tâm của Minh Mạng thể hiện ở chỗ ông tin rằng, tồn tại một ông Trời có nhân cách. Tuy nhiên, đằng sau niềm tin đó cũng có những yếu tố tích cực được ông rút ra về mặt đạo đức và chính trị mà nhà vua và quan lại phải thực hiện. Cứ mỗi lần có thiên tai, vua tự trách mình xem có phạm lỗi gì không và sau đó ban bố một ân huệ nào đó cho thần dân. Chẳng hạn, năm Minh Mạng thứ sáu, tại kinh kỳ hạn hán, vua đã ra chỉ dụ: “Hai ba năm trở lại đây, hạn hán cùng nổi. Trẫm nghĩ vì đâu mà đến thế, nhưng chưa tìm ra nguyên nhân; hoặc là trong thâm cung, cung nữ nhiều nên âm khí uất tắc mà nên vậy ư? Nay bớt đi, cho ra một trăm người, ngõ hầu có thể giải trừ thiên tai vậy”[61; tr.37]. Minh Mạng cũng cho thi hành những việc khác như giảm án, xử nhanh các án khê đọng, thẩm xét những nỗi oan khuất của nhân dân.

Tin tưởng có trời, Minh Mạng cũng tin có mệnh. Nhưng theo phương châm sống của ông, người làm vua không được đổ lỗi cho số mệnh về các tai hoạ mà nhân dân và đất nước phải gánh chịu. Bản thân người làm vua phải thường xuyên tự sửa lỗi và luôn phải tự tu dưỡng. Ông nói: “Trẫm từ khi lên

ngôi đến giờ, tai hoạ thường xảy ra, dân chúng ít thoả, phàm trăm điều lo ấy trẫm vẫn để bụng không quên, há chẳng phải số mệnh khiến cho như thế sao. Song đã là vua thì không nên nói đến số mệnh, cũng bởi việc người có lầm lỗi thế nào đó thôi”[57; tr.85].

Điều này cho thấy, mâu thuẫn trong tư tưởng cũng như hành động của Minh Mạng là quá rõ, bởi vì ông thừa nhận và tin vào số mệnh, song lại phủ nhận số mệnh và đòi hỏi con người phải chịu trách nhiệm về các tai hoạ mà trời giáng xuống. Trong tư tưởng của Minh Mạng cũng có những yếu tố đảm bảo cho việc giải quyết mâu thuẫn ấy, đó là đòi hỏi đối với người làm vua phải thường xuyên tu dưỡng và phải có tinh thần trách nhiệm cao nhất. Trong sách Đại học, Khổng Tử nói : “Từ thiên tử cho đến thường dân, ai cũng phải lấy tu thân làm gốc”. Điều này đã trở thành phương châm của mọi triều đại theo tinh thần Nho giáo.

Việc thường xuyên tự tu dưỡng và có một tinh thần trách nhiệm cao nhất đối với người làm vua là mặt tích cực. Nhờ đó mà Minh Mạng được coi là một ông vua - sáng của triều Nguyễn, đồng thời làm cho giai đoạn trị vì của ông thịnh trị nhất trong lịch sử vương triều Nguyễn.

Trong tất cả các điều đề cập đến đạo của người đứng đầu đất nước, Minh Mạng thường nhấn mạnh đến “cần”. Ông thường nói: “Đức của người làm vua là ở chỗ không nhàn rỗi”[56; tr.291]. Chuyên cần, theo ông, không chỉ là đạo đức của cá nhân người làm vua, mà còn là đạo đức trị dân. Theo đó, chẳng những riêng đối với cá nhân nhà vua phải chuyên cần, mà còn phải làm cho đức tính ấy trở thành phổ biến trong nhân dân. Điều này, được Minh Mạng tiếp thu từ Kinh Thi, rằng: “Vua cùng thị thần bàn đạo trị dân, dụ rằng: Trước siêng sau lười là thói thường người ta, thịnh suy cũng bởi đó. Kinh Thi

có câu rằng: Chẳng ai không có đầu tốt mà có cuối tốt. Trẫm thường soi gương ấy để giữ tốt ở sau”[56; tr.291].

Minh Mạng từng nói, người làm vua không nên cầu an nhàn, dù tinh thần mệt mỏi cũng phải cố gắng. Ông nhắc nhở quần thần: “Sau này ta dù mệt

mỏi, không y được ngày lẻ ra chầu, cũng phải hai ba ngày một lần gặp các khanh để bàn bạc, để cho tinh thần tụ họp, trên dưới tinh thông, quyết không để xa cách nhau lâu được” [57; tr.129]. Thực hiện lời nói của mình, Minh Mạng đã chăm chỉ suốt đời, thức khuya dậy sớm, tự thân xem xét mọi công việc triều chính, từ việc nhỏ cho đến việc lớn, từ việc quốc gia đến công việc các tỉnh, huyện và các cá nhân quan lại, mọi chiếu, dụ đều tự tay viết lấy.

Đối với quân thần, Minh Mạng coi “vua tôi như thân thể”, vua phải thương yêu, chăm sóc bầy tôi. Do vậy, ông đã quy định trong hàng đình thần, nếu ai bị đau ốm phải báo ngay cho vua biết, để cho vời ngự y điều trị, lại phải báo ngay cho ông biết thường xuyên tình hình điều trị, chữa chạy để nhà vua được yên lòng.

Trong hoàn cảnh đất nước vừa trải qua loạn lạc triền miên và đang xảy ra nhiều cuộc bạo động chống lại triều đình, Minh Mạng luôn quan tâm đến đạo làm người. Ngoài các yếu tố khách quan ấy, những việc làm của Minh Mạng còn cho thấy rằng, ông là người nhận thức rõ vị trí và vai trò quan trọng của đạo đức trong việc giáo dục đào tạo con người, đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp xây dựng triều Nguyễn. Minh Mạng đã nêu rõ những nội dung đạo đức căn bản của Nho giáo, soạn thành các điều cụ thể và ban bố khắp nước. Đó là 10 huấn điều được ban bố năm Minh Mạng thứ 14 (1833), nội dung bao gồm:

“1- Đôn nhân luân: Trọng tam cương ngũ thường;

2- Chính tâm thuật (Giữ lòng ngay thẳng): Làm việc gì cũng cốt phải

giữ bụng dạ cho chính đính trong sạch;

3- Giữ bản nghiệp: Giữ bổn phận, chăm nghề nghiệp của mình;

4- Thượng tiết kiệm: Chuộng đường tiết kiệm;

5- Hậu phong tục: Giữ phong tục cho thuần hậu;

6- Huấn tử đệ: Phải dạy bảo con em;

7- Sùng chính đạo: Chuộng học đạo chính;

9- Thận pháp thủ: Cẩn thận mà giữ pháp luật;

10- Quảng thiện hạnh: Rộng việc làm lành”[63; tr.242].

Cùng với 10 huấn điều kể trên, có lần nhà vua đã phát biểu một câu có ý nghĩa tổng quát về đạo làm người: “Người ta lo xa đã đành là nên, nhưng quá lo cũng lại là không được. Chỉ nên vui đạo trời, yên số mệnh, đến lúc làm việc thì nên giữ gìn như lội trên nước sâu, đi trên ván mỏng mới được”[55; tr.28]. Minh Mạng cũng rất quan tâm đến việc rèn luyện đạo đức cho quan lại, nhà vua đã có lần dụ các nha môn trong Kinh và các quan lại các tỉnh: “Ai nấy nên một mực giữ lòng công bình, trung chính, bỏ hết tình diện nể nang…Một khi đã dâng lễ tương kiến để làm tôi, thì vì nước quên mình, vì công quên tư. Dẫu đến vợ con thân mình và nhà mình, khi gập việc nghĩa phải làm, người xưa phần nhiều không nghĩ đến tình riêng” [57; tr.104].

Các khái niệm được Minh Mạng sử dụng, đều chịu ảnh hưởng của Nho giáo, nhưng trong nội dung các khái niệm ấy cũng có các yếu tố tích cực của Nho giáo nguyên thuỷ. Như trong điều huấn thứ nhất về mối quan hệ giữa vua tôi, đã nhấn mạnh đến nghĩa và đặt nó trong mối quan hệ tương hỗ hai chiều. Ngay cả trong quan hệ giữa người giàu và người nghèo, người khoẻ với người yếu, điều huấn thứ năm cũng đã nhấn mạnh đến trách nhiệm của người giàu, người sang và người khoẻ không được khinh khi, lấn lướt những người nghèo hèn và yếu ớt.

Cách nhìn nhận của Minh Mạng về mối quan hệ đạo đức cũng như các mối quan hệ khác không chỉ bó hẹp trong ngũ luân và ngũ thường, và điều này cho chúng ta thấy rõ quan điểm của ông về mối quan hệ giữa con người với pháp luật. Một xã hội, cùng với những quan hệ đạo đức như vậy chẳng những là nhu cầu cho sự bền vững của vương triều Nguyễn, mà còn là nhu cầu cho dân tộc và xã hội lúc đương thời. Quan điểm của Minh Mạng phần nào đã nói lên rằng, chính triều đại mà ông trị vì là giai đoạn thịnh trị nhất triều Nguyễn, đã đánh dấu cho sự phát triển mọi mặt của đất nước trong lịch sử phong kiến nói chung và giai đoạn Minh Mạng nói riêng. Chính vì vậy mà

mọi sự chỉ trích, lên án việc Minh Mạng ban bố Thập huấn điều là không phù hợp với quan điểm lịch sử - cụ thể về mặt phương pháp luận.

Thứ hai, về giáo dục và sử dụng người hiền tài:

Tư tưởng đề cao Nho giáo và Nho học của Minh Mạng có liên quan đến những vấn đề rất cơ bản, đó là: vị trí của người hiền; những biện pháp chính trong việc cầu hiền và những nguyên tắc cần phải tuân theo trong việc dùng người.

Là người đứng đầu đất nước, Minh Mạng rất coi trọng và đề cao vị trí của người hiền tài đối với sự thịnh suy, an nguy của quốc gia. Năm 1837, nhân khi ra xem thợ xây dựng điện Phụng Tiên, nhà vua đã chỉ vào cái rường điện mà bảo thị thần rằng: “Rường điện tất phải có cái trụ gỗ đội lên, cũng như trong nước có người tài giúp sức mới thường giữ được yên lành. Người xưa nói: người hiền tài là rường cột của quốc gia là thế đó”[61; tr.183]. Vì vậy, ông coi người hiền tài là quý báu nhất không gì sánh được: “Quốc gia chỉ quý người hiền tài, dù có hạt châu minh nguyệt, hòn ngọc chiêu thặng cũng không đáng quý”[61; tr.174]. Khát vọng cầu người hiền tài càng được thể hiện rõ trong quan điểm cũng như việc làm của Minh Mạng. Có lần, Tư vụ Binh tào Bắc thành là Phạm Đăng Huấn khẩn thiết xin dâng lên vua một mảnh đai đính ngọc trắng do tổ tiên để lại, Phó tổng trấn là Phan Văn Thuý đã đề đạt thay. Vua dụ bộ Lễ rằng: “Trẫm quý báu chỉ người hiền. Phỏng có ngọc bích soi sáng trước sau mười hai cỗ xe cũng chẳng phải là cái ta chuộng”[54; tr.49]. Vì sao Minh Mạng lại coi trọng người hiền như vậy, đó là vì ông muốn có được một đất nước thịnh trị, việc trước hết cần phải có nhân tài.

Trong suốt 21 năm trị vì, Minh Mạng đã nhiều lần hạ chiếu cầu hiền, qua đó, đồng thời ông nêu lên tư tưởng chỉ đạo việc dùng người. Theo Minh Mạng, dụng nhân như dụng mộc, phải biết tận dụng chỗ mạnh của mỗi người. Không nên vì những khuyết điểm nhỏ mà không dùng những người có tài đức lớn. Ông nói: “Triều đình dùng người như thợ giỏi dùng gỗ, không nên mục

một tấc mà bỏ mất cây gỗ to vừa người ôm”[51; tr.205]. Theo nhà vua, phải hết sức thận trọng trong việc dùng người, trước khi dùng phải xem xét cho kỹ, cân nhắc ai thì phải xem xét cả lời nói lẫn việc làm của người ấy, phải thử thách người ấy qua những công việc cụ thể. Đạo làm vua ở chỗ biết người, nhưng nhân tài có cao có thấp, lớn nhỏ khác nhau, nếu xem xét dần dần cho kỹ, thì ít khi dùng lầm người. Xuyên suốt tư tưởng đó, ngay sau khi mới lên ngôi, năm Canh Thìn (1820), Minh Mạng đã xuống Chiếu cầu hiền: “Kẻ hiền tài là đồ dùng của quốc gia, khi chưa gặp thời, náu hình ẩn dấu tông tích, thì vua chúa mà làm sao biết được, cho nên ngoài việc khoa cử ra còn cần có người đề cử, trẫm từ khi mới lên ngôi, gắng sức mưu đồ cho nước thịnh trị, rất muốn trong triều có nhiều kẻ sĩ đức hạnh tốt mà không bỏ sót người hiền tài nào ở nơi thôn dã, để tô điểm sự nghiệp nhà vua dùng tiếng âm nhạc mà hoá dân trị quốc. Nay hạ lệnh ở kinh đô, thì quan văn từ Tham tri, võ từ Phó đô thống chế trở lên, không kể nhà nghèo, nhà thế gia, cần được người có thực tài để lượng xét sao lục ra dùng…”[61; tr.167]. Điều này làm chúng ta liên tưởng đến các ông vua đầu thời Lê Sơ luôn thể hiện tinh thần thượng hiền, kêu gọi mọi người đề cử người hiền tài cho triều đình.

Để chiêu mộ người hiền tài, Minh Mạng đồng thời sử dụng cả hai biện pháp tiến cử và khoa cử. Theo ông, trong việc tiến cử cũng như trọng dụng người hiền tài phải công khai, chí công vô tư. Minh Mạng nhiều lần nhắc nhở những viên quan có chức trách tiến cử, cân nhắc người hiền tài rằng: “Triều đình chọn người làm quan hoặc lấy người có tư cách, hoặc lấy người có công lao, đều đem ra chỗ công bàn định cả chớ có phải riêng tư mà dẫn dắt nhau được đâu”[61; tr.185]. Năm Đinh Tuất (1827), Minh Mạng xuống chiếu cho các quan địa phương xét cử những người có tài năng, phẩm giá đang ẩn dật ở chốn sơn lâm để triều đình bổ dụng. Thượng thư bộ hình là Hoàng Kim Xán đi kinh lược Nam Định, khi chuẩn bị lên đường, vua xuống dụ rằng: “Ngươi nên tận tâm dò hỏi nhân tài ở Bắc thành, dù người nào có một nghề hay một tài mọn cũng phải đem tâu lên, không nên để sót ai”[61; tr.174]. Sau

lời dụ này, triều đình đã thu nạp được một số hiền tài người Bắc thành như Lương Huy Bích, Phan Hoành Hải, Vũ Văn Tài, v.v. Theo Minh Mạng, “Cân nhắc người có tài cần ở chỗ rất công bằng. Nếu bảo là người không quen biết mà không tiến cử thì người điềm đạm không cầu cạnh phải chìm đắm, mà kẻ xu nịnh lại được hãnh diện; như thế có phải là đạo công bằng trong việc dùng người chăng?”[61; tr.86]. Ở đây cho thấy, tinh thần chí công, vô tư trong việc cân nhắc, tiến cử và dùng người hiền tài luôn được Minh Mạng chú ý, nhắc nhở và coi đó là nguyên tắc cần phải tuân theo trong việc dùng người. Tuy nhiên, trong những năm đầu trị vì, cùng với việc ban bố khắp thiên hạ chiếu, chỉ dụ của nhà vua, kết quả không thu được là mấy. Đến năm Tân Tỵ (1821), vua lại xuống một tờ chiếu khác: “Trong ấp có mười nhà, tất có một người đức trung tín, sao cả một nước rộng, mà lại không kẻ sĩ nào có tài đức, hoặc là

Một phần của tài liệu Sự độc tôn Nho giáo dưới triều Nguyễn nguyên nhân và ảnh hưởng đương thời của nó (Trang 63)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(117 trang)