Vị từ chỉ hành động di chuyển có đối tượng

Một phần của tài liệu Khảo sát các định nghĩa của từ loại danh từ, vị từ trong từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê - 2000 (Trang 93)

5. Cấu trúc của luận văn

3.2.7.Vị từ chỉ hành động di chuyển có đối tượng

Nhóm 1: Vị từ chỉ hành động di chuyển có đối tượng – đối tượng rời chỗ xa khỏi chủ thể:

- Quăng: Ném ngang và mạnh ra xa. - Quẳng: Thẳng tay quăng đi, ném đi.

- Ném: Bằng sức của cánh tay// làm cho vật cầm tay rời đột ngột và di chuyển nhanh trong không gian đến một đích nhất định.

- Phóng: Làm cho rời ra khỏi mình và di chuyển thẳng theo một hướng nào đó với tốc độ lớn.

- Lao: Phóng mạnh một vật dài.

- Lia: Ném hoặc đưa ngang thật nhanh.

- Văng: Thình lình lìa khỏi chỗ và di chuyển nhanh một đoạn trong khoảng không để rơi xuống một chỗ khác nào đó// do bị tác động đột ngột của một lực mạnh.

- Buông: Để cho rời ra khỏi tay, không cầm giữ nữa. - Thả: Để cho rơi xuống// nhằm mục đích nhất định.

- Rắc: Làm cho vật có dạng hạt nhỏ rơi xuống đều khắp trên một bề mặt. - Trút: Làm cho thoát ra ngoài vật đựng và chảy xuống, rơi xuống nhiều// bằng cách nghiêng vật đựng.

- Đổ: Làm cho vật bị chứa đựng ra khỏi ngoài vật đựng. - Giội: Đổ từ trên cao xuống nhiều và mạnh.

- Đẩy: Làm cho chuyển động theo một hướng nào đó// bằng tác dụng của một lực ép thẳng tới.

- Xô: Đẩy mạnh cho ngã, đổ.

- Hất: Chuyển mạnh đi chỗ khác// bằng động tác hất. - Ẩy: Đẩy nhanh một cái, ẩn.

Quan sát nhóm vị từ trên, ta thấy, số lượng nét nghĩa nhiều nhất là 2. Tất cả các vị từ đều mang nét nghĩa chung, khái quát là “làm cho vật rời chỗ xa khỏi chủ thể”. Tuy nhiên, nét nghĩa này biểu hiện trong từng từ lại khác nhau trong cách mô tả và tốc độ, hướng của lực… Ví dụ: Ném - làm cho vật cầm tay rời đột ngột và di chuyển nhanh trong không gian đến một đích nhất định.

Bên cạnh đó, nét nghĩa cụ thể bổ sung thêm nét đặc trưng của từng hành động. Nét nghĩa [Bằng sức của cánh tay] của từ ném, nét nghĩa [do bị tác động đột ngột của một lực mạnh] của từ văng, nét nghĩa [bằng cách nghiêng vật đựng] của từ trút, nét nghĩa [bằng tác dụng của một lực ép thẳng tới] của từ đẩy, nét nghĩa [bằng động tác hất] của từ hất có thể quy về nét nghĩa ‘cách thức”.

Nét nghĩa [nhằm mục đích nhất định] của từ thả, nét nghĩa [nhằm làm cho xa ra hoặc bị tổn thương] của từ đá có thể quy về nét nghĩa “mục đích”.

Mô hình định nghĩa của nhóm vị từ chỉ hành động di chuyển có đối tượng – đối tượng rời chỗ xa khỏi chủ thể:

Làm cho vật rời chỗ xa khỏi chủ thể - cách thức – mục đích.

Trong nhóm vị từ trên, từ ẩy được định nghĩa theo kiểu dùng từ đồng nghĩa. Định nghĩa từ ẩy gồm có 2 vế: vế đầu tiên là vế phân tích [đẩy nhanh một cái] , vế sau là từ đồng nghĩa [ẩn]. Cách định nghĩa trên giúp cho những liên tưởng của người đọc càng trở nên phong phú hơn. Cách định nghĩa này giúp phân biệt sự khác nhau giữa các từ trong nhóm từ đồng nghĩa.

Nhóm 2: Vị từ chỉ hành động di chuyển có đối tượng – đối tượng rời

chỗ gần lại hoặc theo chủ thể:

- Kéo: Làm cho di chuyển về phía mình, theo sau mình hoặc cùng với mình, hoặc làm cho căng thẳng ra// bằng tác động của một lực truyền qua một điểm nối.

- Hút: Làm cho chất lỏng, chất khí dời chỗ về phía nào đó// bằng cách tạo ra ở đó một khoảng chân không.

- Lôi: Nắm lấy và kéo mạnh bắt phải di chuyển cùng với mình hoặc về phía mình.

- Giật: Lấy về mình// bằng động tác đột ngột, mạnh, nhanh, gọn.

Nhóm vị từ trên miêu tả những tác động của chủ thể làm cho đối tượng rời chỗ, gần lại hoặc theo chủ thể. Với ý nghĩa này nhưng mỗi từ lại có những nét đặc trưng riêng về đặc điểm hành động, cách thức hành động. Nét nghĩa khái quát của nhóm vị từ này là “làm cho di chuyển về phía mình”. Bên cạnh nét nghĩa khái quát, ta còn bắt gặp nét nghĩa cụ thể sau:

Nét nghĩa [bằng tác động của một lực truyền qua một điểm nối] của từ

kéo, nét nghĩa [bằng cách tạo ra ở đó một khoảng chân không] của từ hút, nét nghĩa [bằng động tác đột ngột, mạnh, nhanh, gọn] của từ giật có thể quy về nét nghĩa “cách thức’.

Mỗi hành động đều có những cách thức riêng tùy thuộc vào đối tượng mà chủ thể cần. Mô hình định nghĩa của nhóm vị từ chỉ hành động di chuyển có đối tượng – đối tượng rời chỗ gần lại hoặc theo chủ thể:

Làm cho di chuyển về phía mình – cách thức. 3.2.8. Vị từ chỉ hành động vận chuyển

- Mang: Giữ cho lúc nào cũng cùng theo với mình mà di chuyển.

- Vác: Mang, chuyển (thường là vật nặng hoặc cồng kềnh)// bằng cách đặt lên hai vai.

- Cõng: Mang// trên lưng// thường đỡ bằng tay, quặt ra sau, lưng còng xuống. - Đeo: Mang// đồ vật nào đó (ngoài đồ mặc ra) kiểu dễ tháo cởi.

- Bưng: Cầm// bằng tay// đưa ngang tầm ngực hoặc bụng (thường là bằng cả hai tay).

- Bế: Mang// người, động vật// bằng cách dùng tay đỡ và giữ cho sát vào người.

- Gánh: Mang chuyển// (thường là vật nặng) bằng cách mắc vào hai đầu một cái đòn đặt trên vai.

- Quẩy: Mang đi// bằng quang gánh.

- Khiêng: Nâng và chuyển// vật nặng hoặc cồng kềnh// bằng sức của hai hay nhiều người hợp lại.

- Khuân: Khiêng vác// đồ vật nặng.

Nhóm vị từ chỉ hành động vận chuyển có hai loại nét nghĩa: nét nghĩa khái quát “vận chuyển” và những nét nghĩa cụ thể sau:

Nét nghĩa [trên lưng] của từ cõng gùi, nét nghĩa [bằng tay] của từ

bưng, nét nghĩa [bằng một tay] của từ xách, nét nghĩa [bằng quang gánh] của từ quẩy có thể quy về nét nghĩa “công cụ”

Nét nghĩa [Giữ cho lúc nào cũng cùng theo với mình mà di chuyển] của từ mang, nét nghĩa [bằng cách đặt lên hai vai] của từ vác, nét nghĩa [thường đỡ bằng tay, quặt ra sau, lưng còng xuống] của từ cõng, nét nghĩa [đưa ngang tầm ngực hoặc bụng] của từ bưng, nét nghĩa [để buông thẳng xuống] của từ

xách, nét nghĩa [bằng cách dùng tay đỡ và giữ cho sát vào người] của từ bế, nét nghĩa [bằng cách mắc vào hai đầu một cái đòn đặt trên vai] của từ gánh, nét nghĩa [bằng sức của hai hay nhiều người hợp lại] của từ khiêng có thể quy về nét nghĩa “cách thức”.

Nét nghĩa [đồ vật nào đó kiểu dễ tháo cởi] của từ đeo, nét nghĩa [người, động vật] của từ bế, nét nghĩa [vật nặng hoặc cồng kềnh] của từ khiêng, nét nghĩa [đồ vật nặng] của từ khuân có thể quy về nét nghĩa “đối tượng vận chuyển”.

Như vậy, trong nhóm vị từ chỉ hành động vận chuyển, số lượng nét nghĩa nhiều nhất là 3, ít nhất là 1. Trong đó, nét nghĩa khái quát là “vận chuyển”, nét nghĩa cụ thể lần lượt là: Đối tượng vận chuyển, công cụ, cách thức. Trong nhóm vị từ này, nét nghĩa “đối tượng vận chuyển” là nét nghĩa

đặc biệt. Nét nghĩa này cùng với nét nghĩa “cách thức” tạo nên những hành động đặc trưng này.

Mô hình định nghĩa của nhóm vị từ chỉ hành động vận chuyển:

Vận chuyển – đối tượng vận chuyển – công cụ - cách thức.

Tiểu kết:

Qua việc phân tích, miêu tả định nghĩa của một số nhóm vị từ chỉ hành động trong cuốn Từ Điển Tiếng Việt của Hoàng Phê ta thấy:

Về số lượng nét nghĩa: Vị từ có nhiều nhất là 4 nét nghĩa và ít nhất là 1 nét nghĩa. Như vậy, so với danh từ thì số lượng nét nghĩa không nhiều.

Về đặc điểm của các nét nghĩa của vị từ: Các nét nghĩa của vị từ chỉ hành động cũng thường bao gồm hai nét nghĩa chính: nét nghĩa khái quát và nét nghĩa cụ thể. Trong nét nghĩa cụ thể có thể phân loại thành nhiều nét nghĩa cụ thể khác.

Trong nhóm vị từ chỉ hành động rời chỗ: ngoài nét nghĩa khái quát “đi chuyển là nét nghĩa cụ thể “công cụ”, “chức năng” và đặc biệt là nét nghĩa “đích” trong nhóm hành động rời chỗ có đích.

Nhóm vị từ chỉ hành động thay đổi tư thế: bên cạnh nét nghĩa khái quát “tư thế” cũng có những nét nghĩa về “công cụ”, “chức năng”.

Nhóm vị từ chỉ hành động phát ra âm thanh: bên cạnh nét nghĩa khái quát “phát ra âm thanh” là nét nghĩa cụ thể “đặc điểm âm thanh” bao gồm: trường độ âm thanh, cao độ âm thanh, ý nghĩa âm thanh.

Nhóm vị từ chỉ hành động tạo tác được chia thành hai nhóm nhỏ hơn, trong đó: Nhóm vị từ chỉ hành động tạo tác – sinh vật học quan tâm đến “cách thức”, “công cụ”, “điều kiện”, “mục đích”, tuy nhiên, các nét nghĩa này không phải xuất hiện đầy đủ trong tất cả các từ. Đối với nhóm vị từ chỉ hành động tạo tác – sản phẩm vật chất, tinh thần, nét nghĩa “sản phẩm” rất quan trọng bởi nó là kết quả của quá trình tạo tác. Ngoài ra, còn có các nét nghĩa cụ thể về “cách thức”, “công cụ”.

Nhóm vị từ chỉ hành động phá hủy: nét nghĩa cụ thể “cách thức” được nhấn mạnh. Số lượng nét nghĩa của từng từ trong nhóm ít, tuy nhiên đủ để người đọc hiểu được nội dung, ý nghĩa của từ.

Nhóm vị từ chỉ hành động di chuyển có đối tượng: Là một nhóm phức tạp, được chia thành nhiều nhóm nhỏ. Sự tác động của chủ thể lên đối tượng có thể theo nhiều hướng, với nhiều cách khác nhau, bởi vậy, nét nghĩa “cách thức”, “công cụ” là những nét nghĩa cụ thể không thể thiếu được của loại hành động này.

Nhóm vị từ chỉ hành động thay đổi trạng thái vật lý, tiêu biểu là nhóm vị từ “nấu” quan tâm đến nét nghĩa “cách thức”.

Nhóm vị từ chỉ hành động vận chuyển: bao gồm các nét nghĩa cụ thể sau: “đối tượng vận chuyển”, “công cụ”, “cách thức”. Đây là các nét nghĩa cụ thể cùng bậc, chúng cũng có mối quan hệ bổ sung, gắn bó, chi phối lẫn nhau.

Bên cạnh đó, ta còn bắt gặp kiểu định nghĩa dùng từ đồng nghĩa. Trong định nghĩa kiểu này, thường có thêm bộ phận tiền giả định để thu hẹp phạm vi sử dụng của từ. Ngoài ra, còn có thêm kiểu định nghĩa phức: một vế là định nghĩa phân tích, một vế là từ đồng nghĩa. Cách định nghĩa trên rất hữu ích trong việc so sánh, nghiên cứu về các nhóm đồng nghĩa.

Nhìn chung, các định nghĩa của một số nhóm vị từ “động” đã đáp ứng được những yêu cầu của một định nghĩa. Việc xây dựng được mô hình định nghĩa của các nhóm từ này cũng thể hiện sự làm việc tỉ mỉ, nghiêm túc của những người làm từ điển.

KẾT LUẬN

Từ điển là một loại sách tra cứu đặc biệt và quan trọng đối với con người. Từ điển cung cấp những thông tin cần yếu nhất để con người tri nhận và tìm hiểu về thế giới. Ngày nay, khi cuộc sống càng phát triển, nhu cầu tìm hiểu về thế giới của con người càng lớn. Từ điển cũng phải cập nhật những thông tin mới cho phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Trong công tác biên soạn từ điển, đặc biệt là từ điển giải thích như Từ Điển Tiếng Việt, việc định nghĩa được coi là yếu tố quan trọng nhất, cốt lõi nhất. Vì thế, khảo sát các cách nêu định nghĩa là nhằm tìm ra những mô hình định nghĩa đặc trưng của các loại từ, bổ sung thêm những yêu cầu cho việc định nghĩa. Qua khảo sát các định nghĩa danh từ và vị từ (vị từ “động”) ta thấy:

- Các định nghĩa danh từ, vị từ đều bao gồm những nét nghĩa chung và riêng, khái quát và cụ thể. Các nét nghĩa này đều sắp xếp theo những trình tự nhất định, chúng là một tổ chức có hệ thống, tôn ti, tầng bậc. Các từ thuộc từ loại danh từ được từ điển định nghĩa khác các từ thuộc từ loại động từ. Khi so sánh các từ thuộc cùng từ loại danh từ hoặc động từ với nhau ta thấy có những nét nghĩa chung cho một nhóm từ và những nét nghĩa đặc trưng riêng cho từng từ. Số lượng các nét nghĩa có thể nhiều hay ít, điều này phụ thuộc vào từng từ. Đặc biệt, trong nét nghĩa cụ thể, có những nét nghĩa cùng bậc tuy nhiên ta cũng có thể tìm được những từ có nét nghĩa khác bậc như: từ anh, chị, cháu trong nhóm quan hệ thân tộc.

Cách định nghĩa danh từ và vị từ “động” đều giống nhau ở một điểm: các định nghĩa đều đi từ ngoài vào trong, từ hình thức đến nội dung, từ hiện tượng đến bản chất. Cách miêu tả này giúp người đọc hiểu sâu sắc vấn đề, nắm bắt sự vật một cách rõ ràng nhất.

Tuy nhiên, danh từ và vị từ (vị từ “động”) có các cách định nghĩa khác nhau bởi đối tượng của chúng trong thế giới khách quan là khác nhau:

- Các nhóm danh từ: miêu tả những đặc điểm về giới tính, hình dáng của người; những đặc điểm về hình dáng, nơi sống, công dụng của động vật; những đặc điểm về cấu tạo, nơi sống, công dụng của thực vật; những đặc điểm về cấu tạo, chức năng, cách thức của sự vật; những đặc điểm về biểu hiện, nguyên nhân, hệ quả của hiện tượng… còn nhóm các vị từ chỉ hành động thường quan tâm đến cách thức tạo nên hành động, công cụ thực hiện hành động. Đây là một nét khác biệt lớn trong cách định nghĩa hai từ loại này. Sự khác biệt này xuất phát từ những đặc trưng riêng về mặt từ loại của danh từ và vị từ.

- Số lượng các nét nghĩa được nêu trong định nghĩa danh từ nhiều hơn vị từ chỉ hành động. Đa số các danh từ có số lượng nét nghĩa là 3 hoặc 4, nhiều nhất là 5. Còn định nghĩa của các vị từ “động” nhiều nhất là 4, đa số là 2 hoặc 3 nét nghĩa.

- Kiểu định nghĩa phân tích, miêu tả là kiểu định nghĩa được dùng phổ biến trong từ điển. Bên cạnh đó, trong các ví dụ mà chúng tôi khảo sát còn có kiểu định nghĩa dùng từ đồng nghĩa. Trong đó, khái niệm dùng để định nghĩa (B) thực tế đã được định nghĩa bằng phân tích từ trước và người biên soạn từ điển mặc định là cái người đọc đã biết. Như vậy, thực chất trong kiểu loại định nghĩa này, việc định nghĩa A thông qua từ đồng nghĩa B cũng là một cách định nghĩa gián tiếp. So với kiểu định nghĩa bằng phân tích, miêu tả thì kiểu định nghĩa bằng từ đồng nghĩa ít hơn.

Bằng cách khảo sát từng nét nghĩa cụ thể của từng từ trong từ điển, chúng tôi đã phân tích và xây dựng lại mô hình định nghĩa danh từ, vị từ chỉ hành động trong Từ Điển Tiếng Việt. Việc xây dựng mô hình chứng minh rằng: Mặc dù vốn từ vựng là đa dạng, không thể khuôn vào một số mô hình cố định nhưng cũng không hoàn toàn tùy tiện, ta vẫn có thể xây dựng được những mô hình ứng với các nhóm từ đáng kể khác nhau. Mỗi nhóm từ khác nhau ấy thực ra là một trường từ vựng nào đó, chính xác hơn là một trường

biểu vật nào đó. Còn mỗi trường biểu vật thực chất là một mảng của thế giới hiện thực do cộng đồng bản ngữ chia cắt ra theo nhận thức của họ. Trên cơ sở nghiên cứu, phân tích nhóm từ thì người phân tích nghĩa làm từ điển có thể xây dựng được mô hình cấu trúc nghĩa, xây dựng mô hình định nghĩa để từ đó xây dựng lời giải nghĩa cho thích hợp. Trong phạm vi các nhóm danh từ, vị từ mà chúng tôi đã khảo sát, từ điển tiếng Việt đã làm được việc đó. Việc xây dựng những mô hình định nghĩa là rất hữu ích, nó là sự tổng kết, rút kinh nghiệm về mặt thực tế, phương pháp cho công tác xây dựng và biên soạn từ điển. Trong dạy học tiếng Việt với tư cách dạy ngoại ngữ, thậm chí là bản ngữ, ta có thể áp dụng biện pháp này vào miêu tả, phân tích nghĩa từ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đỗ Hữu Châu (1999), Từ vựng ngữ nghĩa tiếng Việt, Nxb Giáo dục. 2. Đỗ Hữu Châu (2001), Các bình diện của từ và từ tiếng Việt, Nxb Đại học

Một phần của tài liệu Khảo sát các định nghĩa của từ loại danh từ, vị từ trong từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê - 2000 (Trang 93)