Danh từ chỉ người

Một phần của tài liệu Khảo sát các định nghĩa của từ loại danh từ, vị từ trong từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê - 2000 (Trang 34)

5. Cấu trúc của luận văn

2.2.1.1. Danh từ chỉ người

Nhóm 1: Danh từ chỉ quan hệ thân tộc.

Chúng tôi phân tích các nét nghĩa trong các danh từ chỉ quan hệ thân tộc: “Ông, bà, bố, mẹ, anh, chị, cháu” như sau:

- Ông: Người// đàn ông// thuộc thế hệ sinh ra cha hoặc mẹ. - Bà: Người// đàn bà// thuộc thế hệ sinh ra cha hoặc mẹ. - Bố: Cha

- Mẹ: Người// đàn bà// có con// trong quan hệ với con.

- Anh: Người// con trai// cùng một thế hệ trong gia đình, trong họ/// nhưng thuộc hàng trên.

- Chị: Người// phụ nữ// cùng một thế hệ trong gia đình, trong họ/// nhưng thuộc hàng trên.

- Cháu: Người// thuộc một thế hệ sau/// nhưng không phải là con, trong quan hệ với người thuộc thế hệ trước.

Trong nhóm danh từ chỉ quan hệ thân tộc: Từ bố được định nghĩa theo kiểu dùng từ đồng nghĩa theo cách dùng bản thân từ đồng nghĩa để định nghĩa. Cách định nghĩa này ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ.

Trong các từ còn lại, từ nhiều nhất có 4 nét nghĩa: mẹ. “người” là nét nghĩa chung cho tất cả các từ. Các từ ông, bà, mẹ, anh, chị phân biệt nhau ở nét nghĩa “giới tính” ([+nam], [- nam])

- Ông [đàn ông]; anh [con trai] được quy về [+nam]

- Bà [đàn bà]; mẹ [đàn bà]; chị [phụ nữ] được quy về [-nam]

Riêng từ cháu, nét nghĩa về giới tính không được đánh dấu là nam hay nữ. Nếu lấy tôi là trung tâm thì nét nghĩa “thế hệ” được phân định như sau:

- Ông , là thế hệ trước [thuộc thế hệ sinh ra cha hoặc mẹ].

- Cháu là thế hệ sau [thuộc thế hệ sau]

- Anh, chị là cùng thế hệ nhưng khác nhau về nét nghĩa “thứ bậc” (anh, chị [thuộc hàng trên])

Từ anh, chị, cháu ngoài nét nghĩa cụ thể bậc 1, còn có nét nghĩa cụ thể bậc 2. Ta có thể khái quát thành mô hình như sau:

A: x1 - x2

x3 Trong đó: x1: nét nghĩa khái quát

x2: Nét nghĩa cụ thể 1 (bậc 1) x3: Nét nghĩa cụ thể 2 (bậc 2)

Riêng từ mẹ có thêm một nét nghĩa đặc biệt [có con]. Nét nghĩa này là nét nghĩa đặc trưng của từ mẹ. Nó nêu lên chức năng chính của mẹ trong mối quan hệ “trực sinh – trực hệ” với con.

So sánh nghĩa của hai cặp từ: ông – bà; anh – chị ta thấy rằng: hai cặp từ này có số lượng nét nghĩa như nhau, trật tự giữa các nét nghĩa giống nhau, quan hệ giá trị giữa các nét nghĩa giống nhau. Chúng được gọi là hiện tượng đẳng cấu ngữ nghĩa.

Tóm lại, trong nhóm danh từ chỉ quan hệ thân tộc: Nét nghĩa khái quát là [người] để phân biệt với [- người] = [động vật] [thực vật] [sự vật] [hiện tượng]…; bên cạnh đó còn có các nét nghĩa cụ thể về giới tính, thế hệ, thứ bậc và những nét nghĩa đặc trưng của riêng từng từ.

Nhóm 2: Danh từ chỉ nghề nghiệp

Nhóm danh từ chỉ nghề nghiệp: “công nhân, giáo viên, y sĩ, bác sĩ, họa sĩ, thợ, nhà văn, nhà thơ, bộ đội, kiến trúc sư” lần lượt có các nét nghĩa sau:

- Công nhân: Người// lao động chân tay// làm việc ăn lương.

- Giáo viên: Người// dạy học// ở bậc phổ thông, hoặc tương đương. - Y sĩ: Người // thầy thuốc// tốt nghiệp trung học y khoa.

- Bác sĩ: Người// thầy thuốc// tốt nghiệp đại học y khoa. - Họa sĩ: Người// chuyên vẽ tranh nghệ thuật.

- Thợ: Người// lao động chân tay// làm một nghề nào đó để lấy tiền công. - Nhà văn: Người// chuyên sáng tác văn xuôi// và đã có tác phẩm giá trị được công nhận.

- Nhà thơ: Người// chuyên sáng tác thơ// và đã có tác phẩm giá trị được công nhận.

- Bộ đội: Người// trong quân đội.

- Kiến trúc sư: Người// tốt nghiệp đại học ngành kiến trúc.

Trong nhóm danh từ chỉ nghề nghiệp, nét nghĩa khái quát [người] xuất hiện trong tất cả các từ. Nét nghĩa này nhằm đối lập với phạm trù [vật]. Sự phân biệt giữa các từ trong nhóm thể hiện ở nét nghĩa cụ thể về đặc trưng nghề nghiệp. Mỗi nghề có một cách thức làm việc, nơi làm việc khác nhau giúp chúng ta hình dung chính xác về công việc của người đó.

Nhóm danh từ có 3 nét nghĩa: công nhân, giáo viên, y sĩ, bác sĩ, thợ, nhà văn, nhà thơ. Nhóm danh từ có 2 nét nghĩa: họa sĩ, bộ đội, kiến trúc sư.

Nét nghĩa [lao động chân tay], [dạy học], [thầy thuốc], [chuyên vẽ tranh nghệ thuật], [chuyên sáng tác thơ], [chuyên sáng tác văn xuôi] có thể quy về

nét nghĩa “đặc trưng nghề nghiệp”; nét nghĩa [làm việc ăn lương], [làm một nghề nào đó để lấy tiền công] quy về nét nghĩa “mục đích”; nét nghĩa [ở bậc phổ thông, hoặc tương đương], [tốt nghiệp trung học y khoa], [tốt nghiệp đại học y khoa], [đã có tác phẩm giá trị được công nhận], [tốt nghiệp đại học ngành kiến trúc] có thể quy về nét nghĩa “điều kiện”.

Như vậy, trong nhóm danh từ chỉ nghề nghiệp: khi định nghĩa người ta thường dựa vào các tiêu chí sau: Nét nghĩa khái quát “người”, nét nghĩa cụ thể về “đặc trưng nghề nghiệp”, “mục đích” hoặc “điều kiện”.

Mô hình định nghĩa của nhóm danh từ chỉ nghề nghiệp:

Người – đặc trưng nghề nghiệp – mục đích – điều kiện. Nhóm 3: Danh từ chỉ tổ chức

Nhóm danh từ: “lớp, ban chấp hành, ban bí thư, câu lạc bộ, hội đồng, giám hiệu, hội chữ thập đỏ, hội đồng quản trị” được chia thành các nét nghĩa:

- Lớp: Tập hợp người// cùng một lứa tuổi hay cùng có chung những đặc trưng xã hội nào đó.

- Ban chấp hành: Tập thể những người// được đại hội của một tổ chức chính đảng, đoàn thể bầu ra// để thực hiện nghị quyết của đại hội và lãnh đạo công tác giữa hai kì đại hội.

- Ban bí thư: Tổ chức// gồm một số bí thư// thay mặt ban chấp hành lãnh đạo công tác hằng ngày// trong một số chính đảng hay đoàn thể.

- Câu lạc bộ: Tổ chức// lập ra cho nhiều người tham gia sinh hoạt văn hóa, giải trí// trong những lĩnh vực nhất định.

- Hội đồng: Tập thể những người// được chỉ định hoặc được bầu ra// để họp bàn và quyết định// những công việc nhất định nào đó.

- Hội chữ thập đỏ: Tổ chức// quốc tế// giúp nạn nhân các thiên tai và nạn nhân chiến tranh.

- Hội đồng quản trị: Hội đồng// được bầu ra// quản lý, điều hành công việc// của một tổ chức kinh doanh.

Tổ chức là tập hợp người hoạt động vì những quyền lợi chung, nhằm một mục đích chung, phân biệt với cá nhân.” Vì thế, các danh từ chỉ tổ chức cũng mang những đặc điểm này.

Những nét nghĩa [tập hợp người] của từ lớp; [tập thể những người] của từ ban chấp hành, hội đồng; [tổ chức] của từ ban bí thư, câu lạc bộ… được quy về nét nghĩa chung của nhóm từ là “tổ chức”. Bên cạnh nét nghĩa khái quát là nét nghĩa cụ thể của các từ.

- Nét nghĩa [được đại hội của một tổ chức chính đảng, đoàn thể bầu ra] của từ ban chấp hành; [được chỉ định hoặc được bầu ra] của từ hội đồng có thể quy về nét nghĩa “nguồn gốc”.

- Nét nghĩa [để thực hiện nghị quyết của đại hội và lãnh đạo công tác giữa hai kì đại hội] của từ ban chấp hành; nét nghĩa [thay mặt ban chấp hành lãnh đạo công tác hằng ngày] của từ ban bí thư; nét nghĩa [lập ra cho nhiều người tham gia sinh hoạt văn hóa, giải trí] của từ câu lạc bộ; nét nghĩa [để họp bàn và quyết định những công việc nhất định nào đó] của từ hội đồng; nét nghĩa [giúp nạn nhân các thiên tai và nạn nhân chiến tranh] của từ hội chữ thập đỏ; nét nghĩa [quản lý, điều hành công việc] có thể quy về nét nghĩa “nhiệm vụ”.

- Nét nghĩa [trong một số chính đảng hay đoàn thể] của từ ban bí thư; nét nghĩa [trong những lĩnh vực nhất định] của từ câu lạc bộ; nét nghĩa [quốc tế] của từ hội chữ thập đỏ; nét nghĩa [những công việc nhất định nào đó] của từ hội đồng; nét nghĩa [của một tổ chức kinh doanh] của từ hội đồng quản trị

có thể quy về nét nghĩa “phạm vi”

- [cùng một lứa tuổi hay cùng có chung những đặc trưng xã hội nào đó] là nét nghĩa riêng của từ lớp.

Tóm lại, trong nhóm danh từ chỉ tổ chức của người, số lượng nét nghĩa nhiều nhất là 4, ít nhất là 2. Ngoài nét nghĩa khái quát “tổ chức” còn có các nét nghĩa cụ thể khác: nguồn gốc, nhiệm vụ, phạm vi. Tuy nhiên những nét nghĩa này không phải lúc nào cũng xuất hiện đầy đủ trong tất cả các từ.

Mô hình định nghĩa nhóm danh từ chỉ tổ chức:

Tổ chức – nguồn gốc – phạm vi – nhiệm vụ. Nhóm 4: Danh từ chỉ nhân vật siêu nhiên

Các nét nghĩa của các danh từ chỉ nhân vật siêu nhiên được thể hiện như sau:

- Tiên: Nhân vật// trong truyện thần thoại// đẹp khác thường, có những phép mầu nhiệm và cuộc sống rất yên vui.

- Thần: Lực lượng siêu tự nhiên // được tôn thờ, coi là linh thiêng// có thể gây họa hoặc làm phúc cho người đời// theo quan niệm duy tâm hoặc theo quan niệm của tôn giáo.

- Phật: Người tu hành // đã giác ngộ, có đức từ bi// quên mình để cứu độ chúng sinh// theo giáo lý đạo phật.

- Bồ tát: Người tu hành đắc đạo// trong đạo Phật// có hiểu biết rộng, có đức độ cao.

- Thánh mẫu: Tên gọi tôn một số nữ thần// theo tín ngưỡng dân gian. - Ngọc hoàng: Vị thiên thần //có địa vị cao nhất, chức vụ quyền hành lớn nhất// theo Đạo giáo.

- Chúa: Đấng //tạo ra trời đất, làm chủ muôn loài// theo Công giáo. - Diêm Vương: vua// âm phủ// theo đạo Phật.

- Long vương: vua hoặc thần// ở dưới nước// trong truyện thần thoại. - Bà mụ: Nữ thần// nặn ra hình đứa trẻ và chăm nom, che chở cho trẻ// theo tín ngưỡng dân gian.

“Nhân vật siêu nhiên là lực lượng có tính chất, khả năng vượt ra khỏi phạm vi tự nhiên, không thể giải thích bằng các quy luật tự nhiên”.

Quan sát các danh từ chỉ nhân vật siêu nhiên, ta thấy: Số lượng nét nghĩa nhiều nhất là 4 ( tiên, thần, phật) và ít nhất là 2 (thánh mẫu). Yếu tố “người” và yếu tố “siêu nhiên” đan xen nhau.

Nét nghĩa [nhân vật], [lực lượng siêu nhiên], [người tu hành], [người tu hành đắc đạo], [tên gọi tôn một số nữ thần], [vị thiên thần], [đấng], [vua], [vua hoặc thần] có thể quy về nét nghĩa khái quát “nhân vật siêu nhiên”.

Bên cạnh nét nghĩa khái quát là những nét nghĩa cụ thể:

- Nét nghĩa [đẹp khác thường, có những phép mầu nhiệm và cuộc sống rất yên vui] của từ tiên, nét nghĩa [được tôn thờ, coi là linh thiêng] của từ

thần, nét nghĩa [đã giác ngộ, có đức từ bi] của từ phật, nét nghĩa [có hiểu biết rộng, có đức độ cao] của từ bồ tát, nét nghĩa [có địa vị cao nhất, chức vụ quyền hành lớn nhất] của từ Ngọc hoàng có thể quy về nét nghĩa “đặc điểm”.

- Nét nghĩa [có thể gây họa hoặc làm phúc cho người đời] của từ thần, nét nghĩa [quên mình để cứu độ chúng sinh] của từ phật, nét nghĩa [tạo ra trời đất, làm chủ muôn loài] của từ chúa, nét nghĩa [nặn ra hình đứa trẻ và chăm nom, che chở cho trẻ] của từ bà mụ có thể quy về nét nghĩa “chức năng”.

- Nét nghĩa [âm phủ] của từ Diêm vương, nét nghĩa [ở dưới nước] của từ Long vương có thể quy về nét nghĩa “nơi sống”.

- Nét nghĩa [theo quan niệm duy tâm hoặc theo quan niệm của tôn giáo] của từ thần, nét nghĩa [theo giáo lý đạo phật] của từ phật, nét nghĩa [trong đạo Phật] của từ Bồ tát, nét nghĩa [theo tín ngưỡng dân gian] của từ thánh mẫu, nét nghĩa [theo Đạo giáo] của từ Ngọc hoàng, nét nghĩa [theo Công giáo] của từ Chúa, nét nghĩa [theo đạo Phật] của từ Diêm vương, nét nghĩa [trong truyện thần thoại] của từ Long vương, nét nghĩa [theo tín ngưỡng dân gian] của từ mụ được xếp chung vào nét nghĩa “nguồn gốc”.

Tóm lại, trong định nghĩa danh từ chỉ nhân vật siêu nhiên, ngoài nét nghĩa chung “nhân vật siêu nhiên”, còn có các nét nghĩa cụ thể “đặc điểm”, “chức năng”, “nguồn gốc”, “nơi sống”. Trong các nét nghĩa cụ thể, nét nghĩa về “nguồn gốc” xuất hiện ở tất cả các từ, nó giải thích xuất xứ của các nhân vật này là theo quan niệm nào nhằm giúp người đọc hiểu rõ về nhân vật.

Mô hình định nghĩa của nhóm danh từ chỉ nhân vật siêu nhiên:

Nhân vật siêu nhiên – nơi sống – đặc điểm – chức năng – nguồn gốc.

Một phần của tài liệu Khảo sát các định nghĩa của từ loại danh từ, vị từ trong từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê - 2000 (Trang 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)