Miêu tả nghĩa trong từ điển

Một phần của tài liệu Khảo sát các định nghĩa của từ loại danh từ, vị từ trong từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê - 2000 (Trang 29)

5. Cấu trúc của luận văn

1.4.3. Miêu tả nghĩa trong từ điển

Miêu tả nghĩa là lời định nghĩa ngắn gọn, đơn giản nhất nhưng đủ để người đọc nhận ra đối tượng miêu tả thông qua những nét đặc trưng nhất, cơ bản nhất. Lời miêu tả nghĩa thực chất là miêu tả tập hợp của các nghĩa tố (nét nghĩa) có quan hệ chi phối lẫn nhau theo một trật tự nhất định. Đó là mối quan hệ logic. Nét nghĩa đứng trước là tiền đề cho nét nghĩa đứng sau, nét nghĩa đứng sau thuyết minh cho nét nghĩa đứng trước. Những nét nghĩa này có thể là quan hệ cùng bậc hoặc khác bậc nhưng đều thực hiện nhiệm vụ bổ sung cho nhau để làm sáng tỏ ý nghĩa của từ.

Ví dụ 1:

Xét tập hợp các nét nghĩa của nhóm danh từ: ngựa, thỏ, công, quạ.

Ngựa d. Thú //có guốc // chân chỉ có một ngón // chạy nhanh // nuôi để cưỡi, để kéo xe.

Thỏ d. Thú // gặm nhấm // tai to và dài, đuôi ngắn, lông dày mượt // nuôi để lấy thịt và lông.

Công d. Chim// cùng họ với gà// có bộ lông màu lục, đuôi dài// xòe múa rất đẹp// thịt được coi là món ăn quý.

Quạ d. Chim //lông đen, cánh dài, mỏ dài// hay bắt gà con.

Nét nghĩa [Động vật] là nét nghĩa khái quát của nhóm danh từ trên. Nhìn vào nghĩa của từng từ ta thấy có thể phân chia thành hai nhóm: Ngựa, thỏgà, vịt. Vì ngựa, thỏ đều chứa nét nghĩa [thú], còn gà, vịt đều chứa nét nghĩa [chim].

Nhóm 1: ngựa, thỏ: phân biệt nhau ở nét nghĩa cụ thể hơn. - Nét nghĩa [loại]: Ngựa [có guốc]; thỏ [gặm nhấm].

- Nét nghĩa [đặc điểm hình dáng]: Ngựa [chân chỉ có một ngón]; thỏ [tai to và dài, đuôi ngắn, lông dày mượt].

- Nét nghĩa [công dụng]: Ngựa [nuôi để cưỡi, để kéo xe]; thỏ [nuôi để lấy thịt và lông].

- Nét nghĩa [khả năng] chỉ xuất hiện trong từ ngựa [chạy nhanh]

Từ Ngựa có 5 nét nghĩa, từ thỏ có 4 nét nghĩa. Trong đó hai từ này chung nhau nét nghĩa [thú] và khác nhau ở các nét nghĩa đặc trưng [loại], [đặc điểm hình dáng], [công dụng] và ở từ ngựa có thêm nét nghĩa [khả năng]

Nhóm 2: công, quạ: phân biệt nhau ở nét nghĩa cụ thể hơn. - Nét nghĩa [loại] chỉ xuất hiện ở từ công [cùng họ với gà].

- Nét nghĩa [đặc điểm hình dáng]: Công [có bộ lông màu lục, đuôi dài]; quạ [lông đen, cánh dài, mỏ dài].

- Nét nghĩa [khả năng] chỉ xuất hiện ở từ công [xòe múa rất đẹp]. - Nét nghĩa [tập quán kiếm ăn] chỉ xuất hiện ở từ quạ [hay bắt gà con]. - Nét nghĩa [công dụng] chỉ xuất hiện ở từ công [thịt được coi là món ăn quý].

Từ công có 5 nghĩa, từ quạ chỉ có 3 nghĩa. Hai từ này chung nhau ở nét nghĩa [chim] và khác nhau ở nét nghĩa [đặc điểm hình dạng], nét nghĩa [loại] và [khả năng] chỉ có ở từ công và nét nghĩa [tập quán kiếm ăn] chỉ có ở từ quạ.

Ví dụ 2:

Xét tập hợp các nét nghĩa trong nhóm động từ: đi, chạy, ra, vào:

Đi đg. (Người, động vật) tự di chuyển// bằng những động tác liên tiếp của chân// lúc nào cũng vừa có chân tựa trên mặt đất, vừa có chân giơ lên đặt tới chỗ khác.

Chạy đg. (Người, động vật) di chuyển thân thể // bằng những bước nhanh.

Ra đg. Di chuyển // đến một vị trí ở phía ngoài, ở nơi rộng hơn, ở nơi có điều kiện đi xa, hoặc ở về phía Bắc trong phạm vi nước Việt Nam.

Vào đg. Di chuyển //đến một vị trí ở phía trong, ở nơi hẹp hơn, hoặc ở phía Nam trong phạm vi nước Việt Nam.

Nét nghĩa [di chuyển] là nét nghĩa chung của nhóm động từ này. Tuy nhiên, đi sâu vào nội bộ nghĩa của các từ này ta có thể chia chúng thành hai nhóm:

Nhóm 1: đi, chạy phân biệt nhau ở nét nghĩa cụ thể hơn.

- Nét nghĩa [công cụ]: Đi [bằng những động tác liên tiếp của chân]; chạy [bằng những bước nhanh]

Nhóm 2: ra, vào phân biệt nhau ở nét nghĩa cụ thể hơn.

- Nét nghĩa [Đích]: Ra [đến một vị trí ở phía ngoài, ở nơi rộng hơn, ở nơi có điều kiện đi xa, hoặc ở về phía Bắc trong phạm vi nước Việt Nam]; vào [đến một vị trí ở phía trong, ở nơi hẹp hơn, hoặc ở phía Nam trong phạm vi nước Việt Nam]

Qua ví dụ phân tích ở trên, ta thấy: Mỗi loại từ bao gồm nhiều tiểu loại. Mỗi tiểu loại có cách nêu định nghĩa, miêu tả định nghĩa khác nhau. Bởi vậy, bức tranh miêu tả nghĩa của các loại từ càng trở nên phong phú, đa dạng.

Tiểu kết:

Như vậy, muốn miêu tả nghĩa, phân tích nghĩa của từ, chúng ta cần phải hiểu khái niệm nghĩa của từ. Trong các thành phần nghĩa từ, luận văn quan tâm đến nghĩa sở thị của từ. Nghĩa sở thị của từ hay còn gọi là nghĩa của từ cũng có một cơ cấu tổ chức riêng. Bằng phương pháp phân tích nghĩa của từ mà phổ biến nhất là phương pháp phân tích ngữ cảnh, chúng ta có thể phân định được nghĩa của từ đặc biệt là các nghĩa của từ đa nghĩa. Trong từng nghĩa, chúng ta lại có thể phân tách thành các thành tố nhỏ hơn gọi là nghĩa tố (nét nghĩa). Sau khi phân tích nghĩa từ thành các nghĩa tố chúng ta mới có thể xây dựng được các mô hình định nghĩa và nhân xét về các mô hình này.

Vì thế, trong chương sau, chúng tôi lần lượt tiến hành khảo sát các định nghĩa của danh từ, vị từ (vị từ động) trong Từ Điển Tiếng Việt dựa trên một số nhóm mẫu lựa chọn. Sau đó, chúng tôi khái quát trên các mô hình định nghĩa; đánh giá các mô hình hiện có, đưa ra những nhận xét, bổ sung cách làm và yêu cầu của định nghĩa trong từ điển.

Chương 2

ĐỊNH NGHĨA DANH TỪ TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT

Trong chương này, chúng tôi tập trung khảo sát một số nhóm danh từ tiêu biểu theo một số chủ đề (tương ứng với cái gọi là các trường biểu vật). Sau đó, chúng tôi tiến hành phân tích nghĩa của từng từ trong nhóm và xây dựng mô hình định nghĩa cho từng nhóm. Trước hết, xin trình bày một số điểm về danh từ và các tiểu loại danh từ.

Một phần của tài liệu Khảo sát các định nghĩa của từ loại danh từ, vị từ trong từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê - 2000 (Trang 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)