Triệu chứng lâm sàng

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đáp ứng miễn dịch in vitro với kháng nguyên đặc hiệu vi khuẩn lao ESAT-6, CFP-10, TB7.7 ở bệnh nhân lao phổi và người nhà tiếp xúc tại tỉnh Bình Định (Trang 74)

Triệu chứng lâm sàng lao phổi được phân tích trong nghiên cứu này bao gồm các triệu chứng cơ bản: triệu chứng toàn thân, triệu chứng cơ năng, triệu chứng thực thể. Theo một số công trình nghiên cứu trước đây và y văn thấy rằng chẩn đoán lao phổi chỉ dựa vào triệu chứng lâm sàng không có tính thuyết phục, nhưng lại có giá trị định hướng ban đầu, gợi ý cho chẩn đoán, giúp phát hiện sớm, giảm lây truyền bệnh trong cộng đồng [3], [10]. Triệu chứng toàn thân hay gặp trong lao phổi: sốt nhẹ về chiều, chán ăn, mệt mỏi, gầy sút cân, ra mồ hôi đêm, các triệu chứng này diễn biến kéo dài trước khi bệnh nhân nhập viện.

Qua bảng 3.10 và 3.20 cho thấy ở BNLP đều có tỷ lệ triệu chứng lâm sàng trên 80%, cụ thể ho khạc chiếm 97,5%; mệt mõi 92,5%; ra mồ hôi đêm (87,5%), gầy sút cân (82,5%). Triệu chứng sốt chiếm tỷ lệ thấp hơn (77,5%) và triệu chứng cơ năng khó thở chiếm 5%. So với nhóm người nhà BNLP triệu chứng lâm sàng thấp hơn nhiều, ho khạc chiếm 6,3% còn lại các triệu chứng khác diễn biến từ 1,9% (mệt mỏi) đến 3,1% (gầy sút cân, ra mồ hôi đêm)

Kết quả nghiên cứu Hoàng Thị Phượng (2009) cho thấy các triệu chứng toàn thân thường gặp ở bệnh nhân lao phổi kết hợp hoặc không có ĐTĐ như mệt mỏi kém ăn (98,5% và 92,3%), sốt (84,6% và 92,3%) nhưng triệu chứng gầy sút cân ở nhóm lao phổi có ĐTĐ chiếm tỷ lệ cao hơn rõ rệt so với không có ĐTĐ (74,6% và 53,1%) [28].

Nguyễn Thị Bích Ngọc (2010) triệu chứng sốt gặp ở hầu hết bệnh nhân 92,22% có thể là sốt cao rét run hoặc sốt nhẹ. Hầu hết đều sốt về chiều. Tỷ lệ sốt cao rét run chiếm khoảng ½ số ca bệnh, tương tự 52,22% số trường hợp khởi phát bệnh cấp tính. Mệt mỏi, ăn kém gặp với tần suất 80%, ra mồ hôi trộm 47,78%, sút cân 44%. Các triệu chứng cơ năng biểu hiện tổn thương tại chỗ gặp tỷ lệ cao. Kết quả đau ngực chiếm tỷ lệ cao nhất 82,22% sau đó là ho 80%, tức ngực 78,89%, khó thở 75,56%. Ho khạc đờm chiếm tỷ lệ 32,2%, ho ra máu chiếm 4,4%[27]. Sự khác biệt về triệu chứng lâm sàng nhẹ (nghiên cứu chúng tôi) và nặng là các tác giả [27],[28] có thể giải thích rằng phần lớn BNLP của chúng tôi được phát hiện gần đây là giai đoạn cấp tính, ngược lại triệu chứng lâm sàng với tỷ lệ cao do lao phổi mạn tính có thời gian mắc bệnh lâu ngày, thời gian điều trị kéo dài nên mức độ các triệu chứng nặng nề hơn với hình ảnh dễ nhận biết của người bệnh: Gầy gò, ốm yếu, ho thường xuyên, đau tức ngực và khó thở ngày càng nặng dần. Đây là hệ quả của một quá trình bệnh lí mạn tính, dai dẳng, làm suy kiệt cơ thể.

Tóm lại: các triệu chứng hay gặp nhất của lao phổi là ho khạc đờm, sốt nhẹ về chiều, đau ngực và gây sút cân. Trong nghiên cứu của chúng tôi các triệu chứng ho khạc, mệt mỏi, gầy sút cân còn gặp nhiều. Vì vậy công tác tuyên truyền giáo dục kiến thức bệnh lao luôn luôn cần thiết và cần phổ biến những triệu chứng thông thường hay gặp như trên cho cộng đồng nhất là đối tượng nông dân là rất cần thiết để có thể phát hiện bệnh sớm.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đáp ứng miễn dịch in vitro với kháng nguyên đặc hiệu vi khuẩn lao ESAT-6, CFP-10, TB7.7 ở bệnh nhân lao phổi và người nhà tiếp xúc tại tỉnh Bình Định (Trang 74)