Không gian phố phường đô thị

Một phần của tài liệu Tư duy nghệ thuật trong tiểu thuyết Lê Lựu (Trang 81)

5. Cấu trúc luận văn

3.1.3. Không gian phố phường đô thị

Bên cạnh không gian nông thôn, thì thành thị cũng là một hình ảnh tiêu biểu trong tiểu thuyết Lê Lựu, qua tiểu thuyết của ông ta thấy thành thị hiện lên là một không gian chật hẹp đầy rẫy những vấn đề của xã hội được đặt vào trong nó như hôn nhân gia đình, lối sống đạo đức, kinh tế thị trường…Hàng loạt những vấn đề nổi cộm lên ở giai đoạn này cần được giải quyết.

Tuy nhà văn Lê Lựu là một người nông dân chính gốc, nhưng cũng đã có khoảng thời gian dài sống ở thành phố, việc xây dựng và khắc họa về con người, cuộc sống, không gian thành thị đối với ông không đến nổi quá khó mà ngược lại ông còn tỏ ra am hiểu một cách tường tận về không gian sống và sinh hoạt của những con người nơi đây.

Trong cả ba tác phẩm Thời xa vắng, Sóng ở đáy sông, Hai nhà, nhà văn đã tập trung khắc họa lối sống của những con người thành thị khác xa với nông thôn, ông mô tả loại người sinh ra ở thành phố: “Dù thành phố bằng cái bàn tay và nghèo kiết xác thì cũng biết khinh người”. Có kiểu người sinh ra từ nhà quê như Sài và Tâm “Thằng nhà quê mới ra tỉnh cứ nơm nớp lo sợ người ta bảo mình khinh người nên gặp kẻ quen, người lạ, bất kì ai đến nhà cũng cười toe toét, chào mời rối rít và hai tay chộp lấy tay ngưới ta lắc lắc thì mới là thắm thiết”. Ngay từ đầu, khi xây dựng không gian phố phường, nhà văn đã vạch ranh giới giữa những người thành thị chính gốc và những người xuất thân từ nông thôn ra thành thị. Đó là cảnh của những cặp vợ chồng trí thức như Sài – Châu, Tâm – Linh Anh. Nếu Sài và Tâm là những người nông thôn sống có tình có nghĩa thì ngược lại hai bà vợ của họ là những người thành thị đầy thực dụng, họ không bao giờ biết yêu ai ngoài bản thân họ.

Giang Minh Sài trong Thời xa vắng sinh ra vốn con người nông thôn chính gốc, sau này khi bước vào cuộc sống đô thị anh cũng không bỏ được thói quen của con người nhà quê, điều đó đã làm Châu vợ anh khó chịu, cũng chỉ từ những cái vụn vặt đó mà vết nứt giữa hai vợ chồng ngày càng lớn không thể hàn gắn nổi và việc họ chia tay là điều tất yếu. Châu là một cô gái Hà Thành quá sành sỏi và lọc lõi. Cô luôn cáu gắt, ngoa ngoắt, cay nghiệt khi nói chuyện với chồng, luôn chê anh là “thằng nhà quê thô kệch dốt đủ mọi thứ”. Những lời nói của Châu đã xúc phạm đến lòng tự trọng của Sài. Không gian gia đình luôn căng thẳng, bức bối, ngột ngạt. Sài dần đánh mất mình, anh như chơi vơi

trong cái thứ mà anh tưởng là hạnh phúc thực sự của cuộc đời mình, như lời anh đã ghi trong đơn li hôn gửi ông chánh án: “tôi bơi trong cái hạnh phúc giống như bơi trong cánh đồng nước lụt của làng tôi, nó mênh mông không biết đâu là bờ, không biết đến đâu là kiệt sức và mình sẽ chết đuối vào lúc nào” [29; 312]. Khi đứa con ra đời vết rạn nứt tình cảm giữa hai vợ chồng càng lớn. Bắt đầu là sự chật chội của căn phòng, chiếc giường đôi bừa bộn tã lót, lọ để “hứng chim” khi đái, không còn chỗ để mà cựa mình. Không gian căn phòng vốn đã chật lại càng trở nên chật hẹp bức bối hơn khi không có chỗ để mà len chân, không gian bức bối, thói quen sinh hoạt của chồng khiến Châu càng trở nên bức bối hơn. Có lẽ đây chính là ngụ ý của nhà văn, đặt đôi vợ chồng vốn đã không hợp nhau vào một không gian chật hẹp, điều này càng đẩy mâu thuẫn giữa họ lên cao, tạo ra một hố sâu giữa hai người mà không bao giờ có thể lại gần được.

Không gian căn phòng chật hẹp tiếp tục trở lại trong tiểu thuyết

Hai nhà, một căn hộ 14 mét vuông chật chội, dột nát của vợ chồng Tâm

“chui rúc khắp xó cũng không tránh được bụi, được nước mưa đổ xuống mặt” [32; 86]. Không gian nhỏ hẹp của căn phòng càng làm gia tăng những mâu thuẫn, những xung đột giữa hai vợ chồng. Không giống như Giang Minh Sài, Tâm là kẻ nhu nhược, hiền lành, nhẫn nhục, luôn nép mình chịu sự sai bảo của vợ. Trong khi đó vợ anh, một cô gái quá sắc sảo, cô lên mặt với chồng đủ điều, lúc không vừa lòng cô lạnh như kem, mặt nặng đến hàng tạ. Tâm luôn là người vun đắp cho hạnh phúc gia đình, anh càng cố gắng bao nhiêu thì vợ anh Linh Anh lại càng phá vỡ nó bấy nhiêu, cô là ngọn nguồn của sự đổ vỡ trong gia đình, một người đàn bà không biết thỏa mãn những gì mình đang có.

Tuy là một căn hộ chật chội nhưng nó lại nằm trong một khu tập thể, nhà văn đã để gia đình Tâm tồn tại trong mối quan hệ láng giềng với gia đình bác Địa – bà Nhân Di – đen. Tâm – Địa trở thành “hai nhà

trí thức kiểu mẫu”, họ sống mẫu mực nhường nhịn nhau, song đó lại là một trong những nguyên cớ tạo nên bi kịch cho họ sau này. Có thể nói trong những lần nảy sinh mẫu thuẫn của vợ chồng Tâm đều có sự khuyên can giúp đỡ của gia đình bác Địa, có thể nói giữa cuộc sống bon chen nơi phố phường đông đúc này vẫn có những lòng tốt như gia đình bác Địa quả là hiếm hoi, nhưng tất cả chỉ là trước mắt còn sau này thì không ai có thể ngờ. Đó là sự toan tính, phản bội của ông Địa, người mà Tâm luôn kính trọng, ông đã làm một chuyện không ai có thể ngờ với chính Linh Anh vợ Tâm. Nỗi đau của Tâm không chỉ là sự phụ bạc của vợ mà còn là sự phản bội của một người tri kỉ, một người tiền bối, một người anh vô cùng kính trọng. Có lẽ cũng từ đây Tâm hoàn toàn đánh mất đi lòng tin ở người khác, sự băng hoại về đạo đức ngày càng lớn, con người sống với nhau luôn bằng những tính toán mục đích cá nhân, làm mất đi những giá trị đạo đức tốt đẹp vốn có của con người Việt Nam.

Không gian sinh hoạt tập thể - bể nước công cộng, là một trong những không gian tiêu biểu cho cảnh sinh hoạt nơi phố phường. Vào những năm 70, 80 sau chiến tranh, vấn đề điện nước của các đô thị trở nên bức xúc bởi các khu phố đông dân cư hoặc các khu tập thể, vẫn còn cảnh xếp hàng lấy nước, thậm chí “có khi đánh vỡ đầu, gẫy tay, cả đời không dám nhìn mặt nhau vì tranh cướp, giành giật nhau từng hạt nước”. Bể nước đã trở thành không gian sống rất sinh động của khu tập thể sáu gian. Việc lấy nước đã khiến hai nhà Tâm – Địa càng trở nên thân thiết hơn.

Đặt những mối quan hệ vốn đã tồn tại những mâu thuẫn vào trong một không gian chật hẹp càng làm cho những mâu thuẫn đó được đẩy lên đến đỉnh điểm. Dường như không gian phố phường càng chật hẹp bao nhiêu thì những con người trong đó càng cố vùng vẫy, quẫy đạp để phá tung nó ra.

Trong Sóng ở đáy sông, nhà văn Lê Lựu cũng xây dựng một không gian phố phường nhưng theo kiểu rộng lớn gắn liền với những biến cố của cuộc đời Phạm Quang Núi. Từ Hải Phòng, Hà Nội, đến Bắc Giang, Lạng Sơn. Vùng miền rộng lớn nhưng không gian thì nhỏ hẹp, ngôi nhà hai tầng nơi Núi sinh ra, đường phố, bến cảng Hải Phòng, chợ Sắt, chợ Cố Đạo, chợ Lạc Viên, bến Bính, cầu Rào, bến xe Long Biên, nhà tù … những địa danh trên vừa là nơi sống, hoạt động trộm cắp nhưng cũng là nơi thức tỉnh lương tri của con người Núi.

Căn nhà hai tầng là không gian sống tuổi thơ của Núi, có thể nói là một gia đình giàu có ở thành thị. “Một căn nhà hai tầng cửa chớp xanh, khung cửa kính màu vàng, gạch nghiêng màu đỏ viền quanh, không hề bám bụi bẩn và xây xát. Cha và các anh con mẹ cả trên tầng hai, mỗi người riêng một phòng. Người chơi ghi ta, người tập Piano, người vẽ tranh, người đánh ten – nít … Anh nào cũng nói tiếng tây xì xèo như rán mỡ và nhanh như gió. Mấy mẹ con hắn ở tầng dưới nhưng vẫn có một nửa ở phía ngoài là nơi tiếp khách. Ở cùng một nhà nhưng tầng trên, tầng dưới như hai nước khác nhau” [30; 6-7]. Trong một gia đình mà lại có sự phân chia rõ rệt một bên thì no đủ, một bên thì thiếu thốn, mẹ con Núi bị phân biệt đối xử. Là con “hạng hai” nên Núi bị khinh rẻ, hắt hủi, sống trong hoàn cảnh có cha mà cũng như không, lúc mẹ còn sống mẹ còn che chở, đến khi mẹ qua đời, anh em Núi trở thành kẻ bơ vơ phải tự lo liệu lấy cuộc sống. Nếu không gian gia đình Núi như địa ngục thì không gian khu phố của tổ nước sôi nơi bố con Núi được cưu mang là nơi có nhiều người tốt bụng, giàu lòng nhân ái. Từ bà tổ trưởng đến anh công an đều thông cảm, tha thứ, nâng đỡ Núi vượt qua những bi kịch trong cuộc đời. “Bà đã biết hắn đi ăn cắp, không nỡ phê phán và cũng không muốn gặp mặt. Cũng giống như những người bán hàng ở chợ Sắt, chợ ga, đều làm ngơ mỗi khi hắn bế con đến. Anh công an chợ

Sắt cũng ngoảnh mặt đi “không trông thấy hắn” như trọng tài trong trận bóng “không trông thấy” cầu thủ phạm lỗi phạt đền” [30; 240].

Không gian nhà tù đã trở nên quen thuộc đối với Núi. Không gian gia đình với người cha đã không cứu vớt được con người hắn mà chính cái không gian nhà tù đã thức tỉnh con người hắn, là nơi hoàn lương cho hắn, cuộc sống trong tù, chính đứa con đã cứu sống hắn. Những người thân như cha hắn chẳng giúp được gì cho hắn mà chính những người xa lạ không thân thích với hắn đã giúp hắn trở lại làm người. Vào tù, Núi đã nhận được hạnh phúc bất ngờ đó là hắn được gặp lại đứa con trai của mình với Hiền. Đứa con không hề trách cha mà còn truyền cho cha sức mạnh, niềm tin vào cuộc sống, đồng thời cũng được đón nhận sự tha thứ của Hiền. Hơn nửa đời người sống cuộc đời phiêu bạt, cuối cùng Núi đã tìm được hạnh phúc thực sự của cuộc đời mình.

Đặt những mối quan hệ gia đình, những xung đột, những vấn đề của xã hội trong một không gian phố phường có phần chật hẹp chính là dụng ý của nhà văn Lê Lựu, trong đó những xung đột, mâu thuẫn, những biến cố xảy ra vừa nhằm thử thách nhân vật, để họ tự bộc lộ tính cách, số phận vừa để nhà văn bày tỏ quan điểm của mình về cuộc sống.

Một phần của tài liệu Tư duy nghệ thuật trong tiểu thuyết Lê Lựu (Trang 81)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)