5. Cấu trúc luận văn
2.2.3. Nhân vật bi kịch
Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Lê Lựu hiện lên khá phong phú và đa dạng. Nhìn chung những nhân vật của ông, nhân vật nào cũng mang trên mình những “bi kịch tình yêu, bi kịch gia đình”. Thế giới nhân vật đó có thể thấy qua Giang Minh Sài, Tuyết, Hương, bà Hiêu Đất, Núi, Tâm… Cuộc sống luôn chứa đựng những điều bất ngờ, xoay quanh những số phận nhân vật, Lê Lựu đã đưa ra một loạt vấn đề về tình yêu, hôn nhân gia đình để mọi người cùng suy xét và đánh giá, đồng thời cũng từ đó nhìn lại bản thân mình. Đôi khi những vấn đề nảy sinh từ cuộc sống là do hoàn cảnh tạo ra, nhưng trong đó có một phần do chính chúng ta, nên những bi kịch cuộc sống chúng ta phải gánh chịu, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho hoàn cảnh. Với tư tưởng đó, nhà văn Lê Lựu muốn chuyển tải đến chúng ta qua một loạt tác phẩm như Thời xa vắng, Chuyện làng Cuội, Sóng ở đáy sông, Hai nhà… Vấn đề tình yêu, hôn nhân gia đình luôn là vấn đề nóng được dư luận và xã hội quan tâm.
Trong Thời xa vắng, ta thấy một Giang Minh Sài nửa đời trước thì yêu cái người khác yêu, còn nửa đời sau thì lại đi yêu thứ không thuộc về mình, bản thân anh ta khi có thể lựa chọn tình yêu cho mình thì lại không được tự quyết định, khi dược quyết định rồi thì quyết định đó lại cũng không thể mang đến hạnh phúc cho anh ta. Tuyết một người phụ nữ nông thôn chân chất, được gả chồng theo sự sắp đặt của cha mẹ, cả cuộc đời chưa từng được làm một người vợ đúng nghĩa, cũng không có cách nào để chống lại số phận. Hương một cô gái tân thời, dám yêu, dám vượt qua lễ giáo nhưng cuối cùng thì cô cũng không thể đến được với tình yêu của mình. Tất cả họ đều không thể vượt qua được số phận đã định để đến với tình yêu thực sự của mình. Bà Hiêu Đất trong
Chuyện làng Cuội, một phụ nữ khá xinh đẹp nhưng cuộc đời bà cũng khá gian truân, lúc trẻ chỉ một lòng lo cho chồng cho con, khi về già thì lại bị con cái hắt hủi, một người mẹ như bà lẽ ra phải được con cái kính trọng, nhưng cuộc đời bà cũng thật bi kịch, người chồng thứ nhất hy sinh trong lúc chiến đấu, người chồng thứ hai thì phải chịu nỗi oan ức của công cuộc cải cách ruộng đất, cuộc đời bà là cả một tấn bi kịch kéo dài. Trong Sóng ở đáy sông, nhân vật Núi sinh ra trong một gia đình có sự phân biệt đối xử, mẹ anh là vợ hai nhưng lại xuất thân từ tầng lớp lao động, nên ông Đại cha anh luôn phân biệt hắt hủi mẹ con anh. Chính sự phân biệt đối xử của người cha đã gieo vào lòng Núi những ấm ức, sự dồn nén cộng với những sợ hãi về người cha ruột của mình. Những biến cố trong cuộc đời Núi liên tiếp xảy ra, từ sự buông thả đầu tiên trong tình yêu với Hiền cộng với sự ra đi của người mẹ đã nhanh chóng đẩy Núi vào con đường tội lỗi. Cũng như những nhân vật khác của Lê Lựu, Núi luôn muốn tìm và xây dựng cho mình một bến bờ hạnh phúc nhưng vô tình hoàn cảnh và số phận đã khoác lên anh tấn bi kịch tình yêu và hôn nhân, anh càng cố thoát ra thì nó càng thắt chặt lấy. Tâm một người trí thức tốt bụng lại thật thà chân thật, nhưng lòng tốt của anh chỉ để người ta lợi dụng, ngay cả vợ anh cũng chỉ lợi dụng lòng tốt của anh mà thôi. Suốt cuộc đời anh sống nín nhịn “dĩ hòa vi quý” để cuộc sống gia đình được êm đẹp nhưng kết quả thì sao? Vợ anh cũng không phải là vợ của anh, con cũng không phải là con của anh, vậy còn bi kịch nào lớn hơn nữa.
Nhà văn Lê Lựu đã thật tinh tế khi tạo ra một thế giới nhân vật đa dạng, đa màu sắc. Ở từng tác phẩm, từng hoàn cảnh cụ thể mỗi nhân vật đều được ông giao phó cho một nhiệm vụ nhất định. Thông qua thế giới nhân vật đó nhà văn muốn chuyển tải đến người đọc những vấn đề về tình yêu, hôn nhân và gia đình, những vấn đề luôn được xã hội quan tâm. Nhân cách lối sống của con người cũng là một vấn đề quan trọng,
cuộc sống hiện đại với sự du nhập của văn hóa phương tây một số ít trong chúng ta đang tự đánh mất mình, văn hóa đạo đức của con người Việt Nam đang dần bị mai một đi. Vì thế mỗi chúng ta hãy luôn tự hoàn thiện bản thân, một lần nữa khẳng định bản chất của con người Việt Nam.