5. Cấu trúc luận văn
2.3.3. Ngôn ngữ nhân vật
Bên cạnh những khía cạnh như ngoại hình, tính cách, tâm lý, hành động nhân vật thì ngôn ngữ nhân vật cũng là một yếu tố quan trọng góp phần xây dựng nên hình tượng nhân vật. Nhân vật trong tiểu thuyết Lê Lựu không thuộc dạng lắm lời, ta thấy nhân vật không hề nói nhiều nhưng cũng đủ cho chúng ta hiểu được tâm lý, cảm xúc, tính cách của từng nhân vật trong các tác phẩm của ông. Ta bắt gặp thứ ngôn ngữ trong tiểu thuyết Lê Lựu là thứ ngôn ngữ của đời thường, rất giản dị, gần gũi và dễ đi vào lòng người. Đồng thời ông cũng tạo cho mỗi nhân vật một thứ ngôn ngữ riêng. Trong Thời xa vắng, Sài với bản tính là một anh nông dân thật thà, sống cam chịu số phận, mọi lời nói đều nhẹ nhàng. Ở Châu thì lại khác, là ngôn ngữ của một cô gái lọc lõi đanh đá thị thành chính gốc. Cụ thể hơn chúng ta có thể thấy qua đoạn đối thoại sau đây giữa cô và Sài:
“- Anh định bàn với em một việc
- Không có việc gì phải bàn bây giờ cả
- Nếu em không muốn thì để anh nói một câu - Muốn nói gì thì nói, xê ra cho tôi ngủ, mai đi làm
- Cho anh nói đã, có lẽ chúng mình không ăn ở với nhau được nữa đâu
- Tưởng gì, thế thì dễ thôi, làm đơn đi - Đơn anh viết rồi em đọc rồi kí
- Việc quái gì phải đọc cho mệt xác. Đưa bút đây”
Hai con người với hai tính cách hoàn toàn khác nhau, nên hai thứ ngôn ngữ đối thoại với nhau cũng hoàn toàn khác, một người thì từ tốn cam chịu, còn một người thì đanh đá, bốp chát.
Bước sang Sóng ở đáy sông, ta thấy một Phạm Quang Núi lúc là một cậu bé ngoan ngoãn, ăn nói rất lễ phép. Nhưng theo thời gian lưu lạc trên giang hồ, trở thành kẻ trộm cắp ngôn ngữ cũng dần thay đổi bằng chứng là những cuộc cãi nhau với Mai:
“- Này, ngồi khép cái chân lại, đứng dạng tè he ra thế - Bụng to đ. khép được thì đã sao
- Nói gì thế?
- Nói gì thì mày làm gì? - “Bốp”
- Ối giời ơi, cái thằng mặt … nó đánh tôi”
Đúng là ngôn ngữ của những kẻ lăn lộn trên giang hồ, thiếu văn hóa, tuy là vợ chồng nhưng ăn nói với nhau như người ngoài đường. Nhưng phải nói rằng nhà văn đã để cho nhân vật của mình sử dụng thứ ngôn ngữ rất thật, không một chút gượng gạo nào. Cũng có đôi chỗ ngôn ngữ người kể chuyện hòa quyện vào ngôn ngữ nhân vật, tưởng như tác giả nhập thân vào nhân vật. Trong câu nói “sau này đi học, hắn có hiểu ra gốc gác những tên gọi rất vô lý của thành phố mình. Nhưng hắn vẫn chưa vỡ ra và chưa kịp hỏi ai rằng: tại sao sông Lấp vẫn có nước chảy? Hắn đã đi tù. Cuộc đời nhà tù và cuộc đời trộm cắp nhiều hơn cuộc đời đi học. Làm sao hắn hiểu được điều gì?”[30]. Đây vừa là lời của Núi nói về cuộc đời mình, cũng vừa là lời của chính tác giả. Lê
Lựu đã để cho nhân vật tự thể hiện mình qua ngôn ngữ bên trong nội tâm.
Ở Chuyện làng Cuội, các nhân vật dần hiện lên với những thứ ngôn ngữ riêng. Với Hiếu là ngôn ngữ của kẻ gian manh, xảo quyệt, giả dối, cơ hội, ăn nói thì ngọt đến nỗi con kiến trong lỗ cũng phải chui ra. Hiền – vợ sau của Hiếu thì là thứ ngôn ngữ của kẻ đạo đức giả, và còn như kẻ “vô học”. Huyền con gái Hiếu lại là sự thẳng thắn. Bà Đất là sự nhún nhường, cam chịu. Tất cả các nhân vật với thứ ngôn ngữ phù hợp với tính cách của họ, tạo nên một xã hội thu nhỏ.
Ngôn ngữ nhân vật trong Hai nhà, cũng là thứ ngôn ngữ sinh hoạt đời sống hàng ngày. Thông qua ngôn ngữ chúng ta có thể nhận ra được bản chất của từng nhân vật trong tác phẩm. Trong những cuộc đối thoại giữa Linh Anh và Tâm ta thấy bản chất của Linh Anh là một kẻ vô ơn, trơ tráo, là một phụ nữ trí thức mà cô ta ăn nói với chồng như kẻ ngoài chợ. Trong Hai nhà Lê Lựu đã khắc họa thành công ngôn ngữ của từng nhân vật, Linh Anh thì đanh đá, chua ngoa, Tâm thì là một anh nông dân luôn lép vế vợ, Hoàng Địa lại là giọng điệu triết lí mưu mô, đầy sự tính toán. Tất cả đều thể hiện bản chất của từng con người.
Như vậy thông qua bốn tác phẩm kể trên cho ta thấy, tiểu thuyết Lê Lựu luôn đầy ắp những ngôn ngữ đời thường, có tình cảm, có cãi vã, có chì chiết chua ngoa, đáo để cũng có cả sự khiêm nhường. Tất cả những thứ ngôn ngữ của đủ mọi loại người trong xã hội đều được nhà văn tập hợp lại, chọn lựa một cách kĩ lưỡng đưa vào trong tác phẩm của mình, nó phù hợp với từng nhân vật, đồng thời cũng hợp logic khách quan của cuộc sống.
Trong quá trình hình thành nên tác phẩm, thì việc tạo dựng cho tác phẩm một thế giới nhân vật là vô cùng quan trọng. Việc tìm hiểu thế giới nhân vật trong bốn cuốn tiểu thuyết của Lê Lựu nói trên đã mở
ra cho chúng ta một cái nhìn hoàn toàn mới về con người và cuộc sống. Qua đây cuộc sống hiện lên như một bức tranh muôn màu muôn sắc thật đa dạng và sinh động. Nhận diện về cuộc sống, trong xã hội có đủ mọi loại người và mỗi người có một số phận khác nhau không ai giống nhau, Lê Lựu đã thành công khi tạo dựng được cho mình một thế giới nhân vật vô cùng phong phú, biểu hiện sinh động tư duy nghệ thuật của nhà văn.
Chương 3
KHÔNG GIAN VÀ THỜI GIAN NGHỆ THUẬT TRONG TIỂU THUYẾT LÊ LỰU
Trong một tác phẩm văn học, hai yếu tố không gian và thời gian là hai yếu tố không thể thiếu. Đặc biệt là không gian và thời gian nghệ thuật, tiểu thuyết thời kì đổi mới đã sử dụng đặc biệt hiệu quả hai yếu tố này. Nhà văn Lê Lựu đã thật khéo léo khi xây dựng cho những tiểu thuyết của mình những bối cảnh không gian, thời gian hợp với logic diễn biến của cốt truyện, nó đã khắc họa bức tranh sinh động của đời sống, qua đó bộc lộ tính cách, số phận của mỗi nhân vật. Không gian, thời gian nghệ thuật trong sáng tác của ông được tạo dựng hết sức rành mạch, không có sự chồng chéo gấp khúc khiến đọc giả bị “rối” khi đọc tác phẩm.