5. Cấu trúc luận văn
2.2. Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Lê Lựu
2.2.1. Nhân vật người đàn ông
Nhân vật chính là đứa con tinh thần của nhà văn, là sản phẩm vốn sống trực tiếp của nhà văn. Là một nhà văn cả cuộc đời say mê lao động nghệ thuật không biết mệt mỏi, Lê Lựu đã đóng góp cho đời những tác phẩm nghệ thuật mang đầy giá trị về cuộc sống. Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết của ông đa dạng và phong phú, bằng tài năng thiên bẩm của mình, Lê Lựu đã xây dựng lên một loạt các hình tượng nhân vật phù hợp với từng hoàn cảnh trong tác phẩm mà ông đề cập đến.
Nhân vật trong tiểu thuyết Lê Lựu khá phong phú và đa dạng, ông đã phân tích khá sắc sảo tính cách các nhân vật. Rất nhiều nhân vật trong tiểu thuyết Lê Lựu là những người đàn ông hèn nhát, nhu nhược. Dù thông minh giỏi giang như Sài (Thời xa vắng), dù nhiệt tình hăng hái như Tâm, hiểu đời, sâu sắc như Địa (Hai nhà), hay khôn ngoan, lọc lõi như Hiếu (Chuyện làng Cuội) tất cả họ đều thiếu sự “đàng hoàng,
dứt khoát, một sự quyết đoán đầy bản lĩnh” của một người đàn ông. Họ dễ dàng bị lừa dối bị phản bội trong tình cảm. Mặc dù những con người đó có thể là những người có địa vị, được tôn trọng trong xã hội nhưng trong vai trò của một người chủ gia đình thì họ lại chịu sự sai khiến, coi thường của vợ, bị vợ ngang nhiên “cắm sừng”. Có thể thấy thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Lê Lựu khá ấn tượng với hai đối cực một bên là những người vợ trẻ đẹp đầy quyền uy, khát khao yêu đương mãnh liệt, một bên là những anh chồng cục mịch, cúc cung tận tụy. Nếu như trong tiểu thuyết của nhà văn Ma Văn Kháng, những nhân vật trí thức như Tự
(Đám cưới không có giấy giá thú), Khiêm (Ngược dòng nước lũ),
Luận (Mùa lá rụng trong vườn) luôn tinh tế, sâu sắc trong cảm nhận đời sống, quan sát và phân tích cuộc sống kỹ lưỡng, thì ở nhân vật của Lê Lựu hoàn toàn ngược lại, thường là những người đàn ông thô kệch và giản đơn trong lối sống hàng ngày, cả tin, thậm chí mù quáng trong tình cảm. Bên cạnh đó Lê Lựu cũng có những trang viết về đòi hỏi được yêu chiều, khát khao được thỏa mãn về thể xác lẫn tinh thần của người đàn bà thành phố như Châu (Thời xa vắng), như Linh Anh (Hai nhà),
những nhân vật gợi đến hình ảnh bà Bôvary trong văn học Pháp. Sự đa dạng về các loại hình nhân vật đã làm nên thành công cho tác phẩm của nhà văn.
Trước hết phải kể đến nhân vật người lính trong tiểu thuyết Lê Lựu, trên chiến trường họ là những người lính dũng cảm luôn dành thế chủ động, nhưng trở về với cuộc sống thường nhật họ lại hoàn toàn thất bại. Nhân vật Sài trong Thời xa vắng “nửa đời người phải yêu cái người khác yêu, nửa đời còn lại đi yêu cái mình không có” [29]. Thời trẻ, Sài sống theo ý muốn của gia đình, đoàn thể “cố phồng mình lên để cái phần sống ở nơi tập thể đông người, chỗ ban ngày được khen ngợi trầm trồ còn ban đêm với riêng mình, nó tự giết đi những xao xuyến thèm khát một hạnh phúc thực sự”, đến khi được tự do lựa chọn hạnh
phúc thì lại phải sống “không phải là mình, không còn là mình, cái mình có thì thừa ra, cái không có thì phải ứng xử hàng ngày, cố mãi từng ngày vẫn thấy thiếu hụt…”. Mười bốn tuổi Sài “đã phải sống hai cuộc đời thật và giả”, đến “bốn mươi tuổi đầu không biết mình là thế nào để tự định đoạt lấy cuộc sống của mình”. Ở đây nhà văn miêu tả Giang Minh Sài là một thanh niên, một người lính đứng trước nhiệm vụ được giao dù khó đến đâu anh cũng hoàn thành tốt, nhưng trong cuộc sống đời thường anh hoàn toàn không có cách giải quyết. Vì cha là người còn mang nặng hủ tục phong kiến nên Sài không được tự lựa chọn hạnh phúc cho mình, càng muốn vùng vẫy thoát ra thì lại càng bị thắt chặt hơn trong những lợi ích gia đình dòng họ. Cuộc sống không được quyền lựa chọn và quyết định hạnh phúc riêng của mình, đến khi được quyền tự định đoạt thì lại hoàn toàn thất bại không như mình vẫn tưởng. Bi kịch của Giang Minh Sài là trường hợp khá phổ biến trong cái “Thời xa vắng” ấy, thời mà ai cũng sợ, nhưng không biết “sợ ai, sợ cái gì”, và bi kịch của nhân vật không chỉ do nó là nạn nhân của thời đại mà còn bắt nguồn từ chính những mâu thuẫn nội tại trong bản thân nó. Nói như vậy để hiểu rằng bi kịch của cuộc đời Sài, một phần do hoàn cảnh nhưng một phần cũng do chính từ bản thân anh.
Lê Lựu đã xây dựng nhân vật Giang Minh Sài không chỉ ở khía cạnh là một người lính, mà ông còn đề cập đến nhiều khía cạnh khác xoay quanh nhân vật. Nhìn nhận nhân vật từ hoàn cảnh xuất thân đến tính cách nhân vật, chúng ta sẽ phần nào hiểu hơn những bi kịch mà nhân vật phải đối diện, nhà văn đã khai thác triệt để từng góc cạnh của vấn đề, đặt nhân vật vào trung tâm của cốt truyện tạo nên một câu chuyện liền mạch với logic vô cùng chặt chẽ. Tiểu thuyết Lê Lựu có rất nhiều loại hình nhân vật và nhân vật người lính là một trong những loại hình nhân vật tiêu biểu được nhà văn chú ý xây dựng. Nhân vật Giang Minh Sài trong Thời xa vắng của ông tồn tại mà không hề có mục đích
cho hiện tại và định hướng cho tương lai. Cả cuộc đời của Sài chưa bao giờ được sống cho chính mình mà đều lựa theo, chiều theo người khác ngay cả trong hạnh phúc gia đình. Với Giang Minh Sài, bi kịch không phải là sự nghèo khổ, thiếu thốn, cũng không phải những năm tháng lăn lộn trong chiến tranh với tư cách là người chiến sĩ mà ở anh bi kịch khởi nguồn từ những ám ảnh khôn nguôi về mối tình đầu đầy hối hận và tiếc nuối với Hương, những dằn vặt về sự tan vỡ trong cuộc sống hôn nhân đầu tiên hoàn toàn do sự sắp đặt với Tuyết. Và chắc chắn phải kể đến là cuộc sống vợ chồng đầy bất hạnh với Châu như lời nhân vật chính của Thời xa vắng đã ghi trong hồ sơ ly hôn: “Những ngày sống bên chị ta tôi bơi trong cái hạnh phúc giống như bơi trong cánh đồng nước lụt của làng tôi, nó mênh mông không biết đâu là bờ, không biết đến đâu là kiệt sức và mình sẽ chết đuối vào lúc nào”. Dưới góc độ của cuộc sống hôn nhân- gia đình, vấn đề tình yêu và hạnh phúc gia đình luôn là nỗi trăn trở, day dứt khôn nguôi. Và đó cũng chính là những nỗi trăn trở, băn khoăn của nhà văn trong suốt cả cuộc đời sống và lao động nghệ thuật không biết mệt mỏi của nhà văn Lê Lựu.
Nhân vật người trí thức trong tiểu thuyết Lê Lựu là những con người có tri thức có học vấn, là những người gánh vác sự phát triển của xã hội. Nhưng cũng thật bi kịch vì trong cuộc sống gia đình họ trở nên bế tắc, đây là vấn đề chính được nói đến trong tác phẩm Hai nhà của nhà văn Lê Lựu. Những người trí thức như Tâm, Hoàng Địa là những người có địa vị và được xã hội công nhận và tôn trọng, nhưng trong gia đình họ là những ông chồng hèn nhát nhu nhược trước những bà vợ đanh đá, ngoại tình một cách táo tợn. Mở đầu, nhân vật Hoàng Địa hiện lên như một nhà trí thức kiểu mẫu và tỏ ra là người hiểu biết sự đời, biết nhịn nhục tất cả kể cả vợ và những đứa con biết thừa là không phải của mình. Ông cũng giảng giải cho Tâm, khuyên răn Tâm nín nhịn “Là thằng đàn ông phải biết nhẫn nhục biết nuốt vào bụng mình hết sự nhơ
nhuốc đểu giả của con vợ ma quái như con yêu tinh. Thằng đàn ông cãi cọ, quát mắng được vợ là thằng đàn ông nông nổi. Chịu nhẫn nhục một cách hèn hạ, vui vẻ chấp nhận sự bỉ ổi, vô học, thậm chí cả sự phản bội của vợ mình mới là thằng đàn ông sâu sắc, am hiểu sự đời”. Chính vì ông là con người như vậy mà vợ ông ngang nhiên đi ngủ với trai, tha hồ vùng vẫy theo ý thích, là người mà cả khu nhà tập thể gọi là Nhân Di đen một từ gọi chệch đi của từ đĩ đen, trước những lời đồn về vợ mình ông vẫn làm lơ nhưng không hề nghe thấy. Ngược lại trước những lời nhận xét của hàng xóm vợ ông lại càng tỏ vẻ như tự hào, tích tình nhân như người ta tích cá khô cho mùa lũ. Từ anh nuôi, chú nuôi đến những cậu trai trẻ miệng luôn xoen xoét gọi bà là u u con con khi bà ấy thích lên đều ngả ra cân tất. Điều này Hoàng Địa là người biết rõ hơn ai hết bởi chính vợ ông là người công khai việc ngoại tình như là lời thách thức mời gọi tất cả lũ đàn ông từ già đến trẻ. Thậm chí ông còn nhu nhược đến mức tự tay gài cửa cho vợ và tình nhân tiếp tục cuộc “mây mưa” khi vội quá họ không kịp gài cửa. Xoay quanh Hoàng Địa, nhà văn đã cho chúng ta thấy những người trí thức đứng trước một giai đoạn đã không tự khẳng định được con người đàn ông của mình và dẫn đến cuộc sống hôn nhân đi vào bi kịch không lối thoát.
Với Tâm thì khác, sự nhu nhược ban đầu chỉ là sự phản ứng của những lúc to tiếng cãi vã với vợ. Nhưng tất cả sự nín nhịn của anh là để cho khỏi ảnh hưởng đến con cái, sự nín nhịn đó của anh lại không được vợ tôn trọng mà ngược lại còn tỏ ra xem thường và ngang nhiên ngoại tình. Sự nín nhịn của Tâm tất cả là vì con vì cái nhưng cuối cùng thì sao, cả hai đứa con mà anh hết mực thương yêu lại chẳng có đứa nào là con ruột của mình. So với Hoàng Địa, anh cũng không hơn được gì, cả hai người đàn ông trí thức có học vấn được xã hội công nhận và đều có cuộc sống gia đình bất hạnh như nhau. Nhà văn Lê Lựu thật tinh tế và sâu sắc khi xây dựng hình ảnh những người trí thức như Hoàng Địa và Tâm
trong Hai nhà. Hoàng Địa từng nói với Tâm “Chú cũng giống tôi, một già một trẻ nhưng sự bất lực trước các bà ấy là bằng nhau. Hai thằng nhu nhược cộng lại là bốn thằng hèn chứ không thành một người dũng cảm đâu”. Chính sự nhu nhược của những anh chồng đã tiếp tay cho sự suy đồi về đạo đức của những người vợ và càng kéo nhanh hơn cái bi kịch hạnh phúc gia đình về phía mình.
Những người trí thức là chủ nhân của tương lai, họ nắm trong tay vận mệnh phát triển của xã hội, đất nước, nhưng đứng trước cuộc sống họ lại không thể nắm được vận mệnh của chính mình. Hoàng Địa và Tâm là “hai nhà trí thức kiểu mẫu” nhưng cũng là nạn nhân của hai bà vợ hư hỏng, lăng loàn. Bi kịch cuộc đời Tâm là một người đàn ông bị lợi dụng lòng tốt, một kẻ bị lầm đường. Anh đã lầm lẫn khi đến với hôn nhân và không ý thức được tầm quan trọng của hôn nhân. Ngay cả Hoàng Địa một người tiền bối luôn được anh quý trọng cũng lợi dụng lòng tốt của anh. Quá trình xây dựng vun đắp cuộc sống hạnh phúc gia đình phải đến từ cả hai phía vợ và chồng, có lẽ đây chính là nội dung mà nhà văn muốn chuyển tải đến người đọc. Cuộc sống hôn nhân phải được trân trọng từ cả hai phía, nó không phải là tấm lá che chắn cho những việc làm sai trái của mỗi người để cuối cùng bi kịch nối tiếp bi kịch.