Không gian bối cảnh nông thôn

Một phần của tài liệu Tư duy nghệ thuật trong tiểu thuyết Lê Lựu (Trang 76)

5. Cấu trúc luận văn

3.1.2.Không gian bối cảnh nông thôn

Trong bất cứ một tác phẩm văn học nào, việc tạo dựng cho tác phẩm một không gian bối cảnh xã hội là điều vô cùng quan trọng. Muốn chuyển tải một nội dung nào đó đến với công chúng bạn đọc không phải là điều đơn giản, bên cạnh những vấn đề như cốt truyện, nhân vật thì việc chọn cho nó một không gian diễn biến là vô cùng quan trọng, nội dung tác phẩm có hay đến đâu đi chăng nữa nhưng lại đặt trong một không gian bối cảnh không phù hợp thì nội dung đó cũng thật khó biểu hiện. Vì thế mà có thể khẳng định nhà văn Lê Lựu là một cây bút tài ba, trong tất cả những tác phẩm của ông hết thẩy mọi thứ đều rất hợp logic.

Không gian trong tiểu thuyết Lê Lựu không phải được mô tả ở diện rộng quy mô lớn của xã hội, mà nó chỉ ở mức vi mô với hình ảnh một làng quê, một khu phố hay một khu tập thể. Song chính ở cái không gian đó, nhà văn Lê Lựu đã đưa người đọc đến với những vấn đề lớn lao của đời sống xã hội. Không gian bối cảnh xã hội mà nhà văn tập trung miêu tả nhiều nhất đó là không gian nông thôn, không gian của làng quê. Nơi được ông miêu tả đậm chất phong tục, tập quán. Chỉ trong không gian làng quê nhỏ hẹp ấy thôi nhưng có biết bao vấn đề được đưa ra để mọi người cùng suy ngẫm. Không gian thành thị được nhắc đến cũng không hề rộng lớn, chỉ tồn tại ở một khu phố, một căn nhà hay một khu tập thể thôi, nhưng nó dường như mở ra cho độc giả tất cả những vấn đề của cuộc sống đô thị xô bồ đầy bon chen

Không gian bối cảnh trong tiểu thuyết Lê Lựu chủ yếu là không gian của cuộc sống sinh hoạt đời thường, nó bao gồm nhiều thời kì, có không gian xã hội của thời kì cải cách ruộng đất, có không gian gia đình, có không gian của chiến tranh và của cuộc sống hòa bình. Nhà văn đã xây dựng một không gian dàn trải nhưng không vì thế mà nó bị bó hẹp chật chội ở một khía cạnh nhất định, ta thấy trong hầu hết các tác phẩm của ông có không gian xưa lồng ghép trong không gian nay.

Với không gian bối cảnh của nhiều thời kì khác nhau đã mang lại cho tiểu thuyết Lê Lựu một màu sắc đa dạng. Có không gian sinh hoạt nông thôn, có không gian của chiến trường khói lửa, có không gian của thời kì đổi mới và có không gian của những thành thị mới xây dựng nên, tất cả tạo nên một bức tranh đa màu sắc, tất cả những vấn đề của xã hội cũng được đặt vào trong đó tạo nên một không gian đầy ắp. Nó là một bức tranh thực sự, trong đó nhà văn tập hợp các yếu tố lại với nhau nhằm cung cấp trí tưởng tượng cho độc giả, đồng thời để tái hiện lại cảnh vật trong chính trí óc của nhà văn. Vì thế mà nhiều khía cạnh của cuộc sống được tái hiện trong tác phẩm văn học hết sức chân thật.

Phần lớn không gian trong tiểu thuyết Lê Lựu được lấy bối cảnh từ không gian nông thôn. Đọc những trang văn đầu tiên của Thời xa vắng,

hình ảnh không gian đầu tiên mà chúng ta nhìn thấy đó là làng Hạ Vị

“làng bập bềnh như trôi trong đêm sương muối. Những cây cau thẳng đuột cao vóng như chỉ chực lao thẳng đến tận trời chìm ngập giữa âm thanh giá lạnh” [29; 5]. Không gian nông thôn là một không gian rộng lớn, càng rộng lớn bao nhiêu thì càng nghèo nàn và tăm tối bấy nhiêu. Ở đây bối cảnh của câu chuyện là làng Hạ Vị - một làng quê nghèo khó. Những người nông dân ở đây chỉ quen với lối sống bảo thủ, quen với cuộc sống đi làm thuê, trông chờ vào bát cơm làm thuê kiếm được từ thiên hạ. Họ không yêu tha thiết đồng ruộng nhưng cũng không đủ bản lĩnh để vứt bỏ chúng. Có thể nói hình ảnh làng Hạ Vị là hình ảnh thu

nhỏ của nông thôn Việt Nam một giai đoạn trước thời kì đổi mới. Lúc được nhà nước giao đất cho người nông dân được tự mình thâm canh, tự mình làm chủ thì họ lại trở nên bối rối. “Họ có thể bỏ ruộng chứ không bỏ nghề làm thuê. Họ chỉ quen với việc làm tôi tớ, ăn xin, ăn nhặt, ngửa tay xin việc kiếm miếng ăn. Còn lúc tự mình làm chủ lấy việc, làm chủ lấy ruộng, làm chủ lấy đời mình thì lại phá ngang” [29; 34]. Nhà văn Lê Lựu đã chỉ rõ tâm lý bạc nhược, sẵn sàng chấp nhận kiếp nô lệ, làm thuê và từ chối tự do mà dân tộc Việt Nam chúng ta đã phải hi sinh đánh đổi bằng máu và nước mắt mới giành lấy được.

Trong dòng văn học hiện thực phê phán 1930 – 1945, không gian nông thôn là những vùng quê lam lũ đói nghèo, xã hội ngột ngạt, tù túng đầy rẫy những mâu thuẫn, xung đột, những thành kiến. Bước sang nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa, không gian nông thôn là một bức tranh đang thay da, đổi thịt hằng ngày, một gương mặt nông thôn đang hăng say lao động và sản xuất thì tiểu thuyết Việt Nam thời kì này lại tập trung khắc họa một không gian nông thôn đầy biến động, chứa đựng biết bao vấn đề nhức nhối của xã hội. Sự tồn tại của những hủ tục phong kiến lạc hậu được nói tới trong Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường), Bến không chồng (Dương Hướng)… Lê Lựu bằng tiếng nói riêng của mình cũng đem đến một bức tranh đầy sống động về nông thôn với bao ấu trĩ, lạc hậu.

Giang Minh Sài là một trong những nạn nhân của tập tục tảo hôn ở làng Hạ Vị. Cuộc hôn nhân ép buộc này đã đẩy cuộc đời Sài vào những bi kịch không lối thoát. Nỗi lo về dư luận luôn ám ảnh, đè nặng trong tâm trí Sài khiến Sài không dám làm bất cứ điều gì để thoát ra khỏi sự ràng buộc của gia đình. “Ở đời này người ta chỉ sẵn sàng chết đói, chết rét, chết bom, chết đạn để che chở, nuôi nấng cho con mình tai qua nạn khỏi, con mình được sung sướng, được vinh hoa chứ không ai chịu tai tiếng, chịu xỉ nhục để con mình được tự do theo ý nó” [29; 78]. Thế mới

biết dư luận xã hội có ảnh hưởng rất lớn không phải chỉ ở thời kì của Giang Minh Sài mà ngay cả ngày nay trong cuộc sống hiện đại này cũng vậy, nó vẫn còn có sức ảnh hưởng rất lớn. Nhưng không giống như Sài, Phạm Quang Núi trong Sóng ở đáy sông đã phải trải qua nỗi đau đớn, thậm chí là nhục nhã ê chề, tủi hổ, chua xót vì đã trót yêu và có con với người cô họ cách nhau bẩy đời. Dù xét về mặt pháp luật nhà nước quy định cách nhau năm đời được phép lấy nhau, nhưng ở cái làng quê của Hiền “phép vua thua lệ làng”. Chính quan niệm ấu trĩ lạc hậu này đã đẩy hai con người đến tận cùng của bất hạnh, Hiền thì phải tha hương để sinh con, trốn chạy nỗi nhơ nhuốc cho gia đình, dòng họ. Núi thì lang bạt tha hóa trở thành tội phạm trộm cắp vào tù ra tội. Tái hiện lại không gian nông thôn một thời, Lê Lựu đã khơi sâu vào bi kịch của con người là nạn nhân của những tập quán lạc hậu cần được xóa bỏ từ rất lâu rồi.

Dựng cảnh đám tang ông Đồ Khang, một lần nữa nhà văn lại mô tả lại khung cảnh của thôn quê. “Chao ôi, cơ man nào là người. Quả là đám tang của cụ Đồ Khang là hiện tượng có một không hai của vùng này. Ngày xưa đám tang bố tổng Lơi mổ hàng trăm con lợn, trâu bò, giã giò, ăn uống rậm rịch cả hàng mười ngày giời cũng không đông được như đám này” [29; 198]. Không những thế nhà văn còn miêu tả “Họ đi đám chỉ vì không đi sẽ không tiện thành ra không phải họ đi đưa đám cụ Đồ mà là đưa đám ông Hà đã về làm bí thư huyện ủy được nửa năm nay và đưa đám anh Tính ủy viên trực phụ trách nội chính của ủy ban hành chính huyện” [29; 198]. Tác giả phê phán gay gắt lối sống trục lợi, lợi dụng đám tang để cầu cạnh cá nhân. Họ không đến đám tang vì tình nghĩa mà họ đến chỉ vì họ đang có việc cần nhờ vã, con người sống quá thực dụng đang dần đánh mất đi cái tình ở cuộc sống.

Tiếp nối của không gian nông thôn, đến với Chuyện làng Cuội, vẫn là không gian của một vùng quê luôn phải hứng chịu những cơn bão lũ. Một vùng quê nước ngập trắng xóa, không gian sinh tồn của cả làng

tụ trên sông nước mênh mông. Tiếng khóc lóc, cãi cọ, đánh chửi, quát mắng… không những thế cả làng còn chứng kiến nỗi tang thương của gia đình anh Thó, thằng cu Bốn mới bảy tuổi, đã chết vì đói và cảm lạnh vì ngâm nước lâu. Khi Lê Lựu miêu tả cảnh lũ lụt, người đọc dễ dàng nhận ra miền đất quen thuộc của nhà văn, một vùng đất chiêm trũng. Ông đã viết về nông thôn với bao yêu thương xót xa. Dường như nhà văn viết về khung cảnh nông thôn bằng sự trải nghiệm của bản thân và sự lo âu đã ăn sâu bám rễ trong tâm trí nhà văn.

Trong Chuyện làng Cuội vấn đề cải cách ruộng đất nổi lên như một vấn đề cấp thiết cần giải quyết. Đội cải cách ruộng đất đã về làng như qua lời giới thiệu và tiếng hát rộn rã của thiếu nhi. Với chính sách “ba cùng”: cùng ăn, cùng ở, cùng làm của Đội cải cách những tưởng đem đến no ấm, hạnh phúc cho nhân dân nhưng ngược lại biết bao bi kịch trong cuộc đời đã diễn ra. Đằng sau cái gọi là “cắm rễ”, “xâu chuỗi”, thực chất là những trò dâm đãng, đểu cáng, dối trá. Chính sách cải cách ruộng đất chẳng những không mang lại những điều tốt lành, trái lại còn làm cho cuộc sống của người dân trở nên đảo lộn. Đặc biệt là việc gây ra bi kịch cho gia đình bà Đất, chồng bà vốn là cán bộ cách mạng nay lại bị quy kết là địa chủ độc ác, không những lấy đi tính mạng của ông mà vợ con cũng phải chịu cảnh đi ra đường không dám hay nói đúng hơn là không được phép ngửng mặt nhìn ai. Một sự đổi trắng thành đen không ai có thể ngờ được. “Người ta lấy một việc có thật ai cũng biết để làm cái bao rồi nhét bao nhiêu cái ruột giả vào trong mà không ai cần tìm ra sự giả dối, vu oan” [31; 239]. Qua không gian của làng Cuội, người đọc có thể thấy một bức tranh sinh động và đầy màu sắc. Ở đó có chuyện tình yêu, có ái ân, có ghen tuông và thù hận, có sai lầm và cũng có sửa sai, có cái thật và sự dối trá.

Chuyện làng Cuội khi mới ra đời bị quy kết là “phản động”, “bôi nhọ”, “nói xấu” là “đứa con bất hiếu của ông bố nhân từ”… Tuy nhiên

cần nhìn nhận nó một cách công bằng, cuộc sống không phải chỉ toàn màu hồng, cuộc sống là sự đa diện, đa sắc, có tươi sáng thì cũng có những tối tăm, điều quan trong là mỗi chúng ta phải có bản lĩnh để nhìn thẳng vào sự thật cho dù sự thật đó có phũ phàng, cay đắng đến đâu đi chăng nữa. Qua Chuyện làng Cuội ta đã thấy được bản lĩnh của nhà văn Lê Lựu, ông dám nhìn thẳng và phơi bày sự thật trên những trang văn của mình không một chút e dè, sợ sệt. Lê Lựu đã có lần tâm sự: “Tôi vốn gốc nông dân rặt, làng tôi có thể nói là nghèo nhất thế giới, người dân khổ và cơ cực không gì diễn tả nổi, vậy mà tôi chưa viết được gì về làng quê và những thân yêu đó… Tôi nghĩ mình ở trong gan ruột của nông thôn ra, có máu nhà quê chính cống … Thế là tôi quyết tâm, quyết chí viết, viết một mạch như là máu thịt tuôn ra trên ngòi bút” [62; 256].

Nhà văn Lê Lựu vốn xuất thân từ nông dân chính gốc, nên việc tạo dựng lại không gian nông thôn trong tác phẩm của ông không phải là một điều quá khó khăn, bằng vốn kiến thức có sẵn, ông đã xây dựng nên những khung cảnh nông thôn hết sức gần gủi, đồng thời cũng thông qua nó ông đã nêu lên được những vấn đề hủ tục, những tập quán phong kiến đã ăn sâu vào tâm trí những người nông dân từ bao đời nay cần phải được thay đổi, bởi nó có sức ảnh hưởng quá lớn, nó làm cho con người rơi vào những bi kịch không lối thoát, tình yêu tan vỡ, con người sa ngã vì bất lực không làm chủ được số phận của mình.

Một phần của tài liệu Tư duy nghệ thuật trong tiểu thuyết Lê Lựu (Trang 76)