5. Cấu trúc luận văn
2.3.2. Nghệ thuật biểu hiện nội tâm
Lê Lựu là một nhà văn tài tình trong việc xây dựng quá trình phát triển của tâm lý nhân vật một cách hợp lý, chính xác và phù hợp với quy luật chung, đồng thời lại mang nét tính cách riêng không pha trộn của nhân vật trong tiểu thuyết. Lep Tônxtôi đã từng nói: “Mục đích chính của nghệ thuật là nói lên sự thật về tâm hồn con người, nói lên được những điều bí ẩn không thể diễn tả bằng ngôn ngữ thông thường được”
[14; 126]. Việc xây dựng diễn biến tâm lý nhân vật không phải là điều đơn giản, nhưng ở đây nhà văn Lê Lựu đã làm được điều đó. Từ Sài cho đến Hương, Lưu Minh Hiếu, Núi, Tâm … tất cả các nhân vật đều dần bộc lộ mình từ ngoại hình, tính cách, hành động đến nội tâm bên trong một cách tự nhiên như đúng hiện thực cuộc sống đang diễn ra.
Khi miêu tả về Giang Minh Sài, từ khi còn được gọi là “anh cu Sài” cho đến khi trở thành dũng sỹ, thành cán bộ giảng dạy, Sài có sự phát triển tâm lý nhất quán. Diễn biến tâm lý của Sài được nhà văn khắc họa rất thật, rất chính xác và hoàn toàn phù hợp với con người Sài. Sài luôn rất sợ, sợ đương đầu với dư luận, với những tập tục cổ hủ đã xâm phạm hết sức thô bạo, dã man đến quyền làm người của anh. Trong con người anh luôn tồn tại hai thế lực: phản đối và khuất phục. Hai thế lực ấy ngày càng phát triển mâu thuẫn và đẩy bi kịch trong anh lên mức độ ngày càng cao. Hàng loạt những hành động sau này của Sài mà ta thấy, đều chứng tỏ sự phản kháng yếu ớt, bất lực của một kẻ đầu hàng hoàn cảnh. Anh lên đường nhập ngũ, thực chất là để chạy trốn vợ mình, thậm chí cả nơi chiến trường nguy hiểm anh hăm hở học tập và xông pha như một hành động dũng cảm mà thực chất cũng là sự chạy trốn hoàn cảnh bất hạnh của mình. Khi đã là một người lính dày dạn kinh nghiệm, lập được nhiều thành tích, Sài cũng không dám đề đạt nguyện vọng của mình. Phải đến khi nhờ có chính ủy Đỗ Mạnh bàn với chú Hà tìm cách giải phóng cho Sài, anh mới thoát khỏi số phận một cách thụ động. Anh
đã không đủ can đảm dám giải quyết số phận của mình mà cứ để mặc cho ai đó muốn định đoạt sao thì định đoạt. Sau này khi có thời gian nhìn lại, Sài đã ân hận về sự yếu đuối của mình “không dám làm, không dám mất một cái gì, chỉ bằng sự im lặng và né tránh, sự né tránh gần như trốn chạy, vừa chiều ý mọi người, vừa toại nguyện cho mình, rút cục không thể tránh né được số phận” [29; 68]. Nhà văn hiểu nhân vật của mình đến từng chân tơ kẽ tóc, từng ngọn ngành sâu thẳm nhất của tình cảm cũng được nhà văn miêu tả một cách hết sức chân thực. Dưới ngòi bút đầy sắc sảo của nhà văn Lê Lựu, Giang Minh Sài hiện lên có lúc vô cùng đáng thương, những cũng có lúc không khỏi làm người ta tức giận. Sự yếu đuối nhu nhược của Sài ta gặp khá nhiều trong cuộc sống, có lẽ vậy mà nhà văn dễ dàng đưa nó vào trong nhân vật của mình. Tâm lý của một chàng trai mới lớn đầy hoài bão nhưng lại bị kìm hãm bởi gia đình và dư luận, một tâm lý bất lực đến cùng cực, những trang văn viết về suy nghĩ của Sài cũng như về sự áp đặt tàn ác của những người xung quanh đối với Sài, là những trang văn thuộc loại hay nhất của tác phẩm. Nó không những góp phần khắc họa rõ nét tâm lý của nhân vật mà còn giúp người đọc hiểu hơn về tư duy của con người trong một giai đoạn, một thời kì lịch sử.
Tiếp đến là tâm lý Sài khi thoát ra khỏi cuộc hôn nhân gượng ép. Nó giống như tâm trạng của một con chim sổ lồng, là tâm trạng bị giam hãm giờ được thoát củi sổ lồng. Thoát ra khỏi sự giam hãm, anh như lạc lối trong thiên đường hạnh phúc, nhưng thực tế không như những gì anh mong đợi, những tưởng hạnh phúc mình đã nắm trong tầm tay, thì thứ mang lại cho anh chỉ là sự đau khổ mà thôi, anh như con ngựa non háu đá. Về sống nơi thành thị nhưng vẫn mang bản chất của một anh nhà quê, lý tưởng sống thì đơn giản nếu không muốn nói là tầm thường nên anh nhanh chóng thất bại trong cuộc sống hôn nhân lần thứ hai. Cả cuộc đời luôn đi tìm hạnh phúc cho mình, nhưng kết quả anh nhận được chỉ là
bi kịch mà thôi. Lê Lựu đã rất yêu thương Sài, dành cho Sài những gì thông cảm nhất, xây dựng diễn biến tâm lý Sài ta không hề thấy nhà văn trách mắng nhân vật mà chỉ có sự yêu thương đồng cảm.
Với Hương, cùng sống trong hoàn cảnh giống như Sài, gặp những khó khăn trắc trở khi yêu một người thanh niên đã có vợ nhưng Hương đã xử sự rất bản lĩnh, rất dũng cảm để bảo vệ tình yêu chân chính của mình. Tâm lý Hương được nhà văn khắc họa một cách sống động và tinh tế. Ta thấy ở Hương có một tình yêu trong sáng, một tâm hồn nhân hậu vị tha và một bản lĩnh kiên cường. Thứ cuối cùng cô nhận được chỉ là sự đầu hàng của Sài, cô cho rằng Sài phản bội mình, cô chán nản buông trôi cuộc đời mình theo hướng tiêu cực, sau này khi gặp lại Sài cô vẫn giữ được cách cư xử đúng mực. Tâm lý Hương diễn ra theo đúng trật tự logic đồng thời cũng hợp với tính cách của cô, ở Hương nhà văn đã dành tất cả những gì yêu thương trân trọng nhất cho cô, những đức tính tốt đẹp nhất ở người phụ nữ đều hội tụ nơi cô, đủ thấy nhà văn đã xem trọng nhân vật biết dường nào.
Ngược lại với Hương, Châu một cô gái thành thị chính gốc. Cô tinh tế trong từng lối sinh hoạt hàng ngày và yêu cầu những người quanh mình cũng vậy, chính vậy mà cô khó chấp nhận Sài, mặc dù biết Sài rất yêu mình. Cô có thể chịu đựng một người chồng đánh mình mắng mình như một kẻ vũ phu, nhưng lại muốn chồng mình phải là một kẻ lịch lãm, biết yêu chiều cô theo kiểu thành thị, biết mang hoa cẩm chướng vào tặng cô lúc cô sinh nở chứ không phải là xôi gà, giò chả, biết yêu cháy bỏng đến mức có thể làm nô lệ cho cô, và cũng có lúc phải tỏ ra lạnh lùng trước cô chứ không phải lúc nào cũng cung phụng cô như bà hoàng. Tất cả những biểu hiện tâm lý của Châu đều được nhà văn Lê Lựu lột tả từng góc cạnh. Chính vậy mà đọc Thời xa vắng chúng ta thấy rất hấp dẫn, không chỉ bởi nội dung hay mà từng nhân vật đều hiện lên như những con người cụ thể trước mắt người đọc. Trong Chân dung và
đối thoại, (Trần Đăng Khoa) cho ta thấy rõ hơn tài năng của Lê Lựu, một cây bút nhà nghề trong việc xây dựng và miêu tả tâm lý nhân vật:
“Em rất thích gã thợ điện, đấy là nhân vật hay nhất trong tiểu thuyết
Thời xa vắng, hắn lưu manh, nhưng phải nói là rất tuyệt diệu. Đàn ông thế mới là đàn ông chứ! Em đọc và giật mình. Hình như em đã gặp hắn ở đâu đó trong cuộc sinh nhật cô bạn. Hắn ngồi lơ đãng hút thuốc, cái điệu vẩy tàn thuốc lá của hắn thì không thể không mê được. Hắn đểu giả nhưng có sức cuốn hút khủng khiếp. Vợ Sài “chết” vì những cái vặt vãnh như cái việc hắn vẩy tàn thuốc ấy. Em mà thấy hắn thì em cũng “chết” hắn thôi. Gặp loại người ấy, phụ nữ sẽ mất hết lí trí, sẽ trở thành những con thiêu thân điên rồ … Em đọc và sợ ông Lê Lựu quá. Ông ấy rất am hiểu đàn bà, rất lọc lõi đàn bà”.
Những toan tính của Lưu Minh Hiếu trong Chuyện làng Cuội đều được nhà văn khắc họa một cách chi tiết, tỉ mỉ. Sự tính toán, âm mưu, thủ đoạn của nhân vật từng chi tiết được sắp đặt theo logic khách quan. Những thủ đoạn của Lưu Minh Hiếu ngày càng được đẩy lên cao, vừa thỏa mãn bản thân, vừa trả thù được những kẻ đã làm hại cuộc đời mình. Từ một cậu bé nghèo, ngoan ngoãn, thương mẹ, thương em, một anh đội trưởng thiếu nhi thông minh, có lập trường, nhưng cuộc đời và hoàn cảnh đã biến Hiếu thành một kẻ lưu manh tha hóa mà không ai có thể ngờ được. Kể từ khi bắt gặp vợ mình ngủ với tên đội Lăng mà không thể lên tiếng, Hiếu đã tự rút ra cho mình bài học và nhanh chóng trở thành một kẻ đểu cáng, đầy âm mưu ti tiện. Suốt cả sự thay đổi của con người Hiếu, Lê Lựu đã diễn tả một cách hợp lý theo đúng quy luật phát triển của cuộc sống, có vay có trả, có nợ thì phải đòi, nhưng sự đòi nợ của Hiếu lại gây đau khổ cho chính người mẹ ruột của mình, một người mẹ đã suốt cuộc đời hi sinh vì con cái – đó chính là bà Đất.
Từ những nét suy nghĩ, tính cách của bà Đất, người đọc có thể khái quát được hình ảnh, tâm hồn những người phụ nữ Việt Nam qua các
thời kì lịch sử. Trong suốt tác phẩm Chuyện làng Cuội nhân vật bà Đất là người mở màn và cũng là người kết thúc tác phẩm. Bà vừa là nhân chứng, vừa là người bị kẻ khác lôi vào những chuyện rắc rối tồi tệ. Lúc trẻ bà là một cô gái ngây thơ xinh đẹp, nhưng cuộc đời bà lại gặp toàn những chuyện đau khổ bất hạnh cho đến tận lúc chết. Tâm lý nổi trội ở bà là tâm lý của một người mẹ hết lòng vì con, luôn là lá chắn che chở cho con, nghe theo con, làm theo sự sai bảo của con mặc cho đấy là điều sai trái. Làm tất cả vì con, nhưng đến cuối đời thứ mà bà nhận được là gì, đó là con bà xem bà như người thừa. “Đêm tối ở làng Cuội cũng vắng lặng âm thầm như mọi làng quê nhưng với bà lão Đất thì nó vừa là người cha yêu dấu tội lỗi, vừa là vị quan tòa nghiệt ngã, vừa là người bạn đường tin cậy, vừa là ma quỷ ẩn nấp sau từ bi. Với bà, được run rẩy yêu thương hay bị cào xé thảm hại, được ngẩng mặt tươi cười nhìn chúng bạn hay cứ mãi mãi cắn hai hàm răng lại nuốt nước mắt vào trong lòng, cho đến lúc này đều vô nghĩa. Khi bà cần sự cưu mang cứu vớt thì chả thấy ai, bà lầm lũi một mình chịu đựng, lúc hàng trăm người ồn ào nâng bà lên trên tiếng khóc xót xa và thương tiếc thì bà cứ dửng dưng lạnh lùng cùng bóng đêm mang đi mọi bí mật của chính cuộc đời bà và những kẻ lặn lội vật vã quanh cái xác đã rũa ra của bà” [31; 30]. Cái chết của bà cũng là dấu chấm hết cho những chuỗi ngày đau khổ của cuộc đời bà. Nhà văn Lê Lựu đã đẩy những diễn biến tâm lý của bà Đất lên đến tột cùng, cuộc đời của bà chưa từng có những tháng ngày hạnh phúc, mà chỉ toàn những cay đắng tủi nhục nối tiếp nhau theo cấp độ tăng dần và cuối cùng khi bà chết đi cũng không ai có thể hiểu và biết được những cay đắng mà bà đã phải gánh chịu. Càng đi sâu vào tác phẩm, ta càng nhận ra ngòi bút của nhà văn như rút ra từ sâu thẳm tâm hồn con người, dường như tất cả được hiện ra từ cuộc sống hiện thực. Bằng tài năng phân tích tâm lý nhân vật, nhà văn Lê Lựu đã giúp chúng ta hiểu hơn nhiều điều về cuộc sống, về con người.
Tài năng phân tích tâm lý nhân vật của nhà văn càng thể hiện rõ hơn qua tác phẩm Sóng ở đáy sông. Nhân vật Núi được đặt trong một hoàn cảnh gia đình không bình thường. Sau này những biến cố xảy ra trong cuộc đời Núi đều có mối quan hệ với xuất phát điểm này. Sự đối xử phân biệt của người cha đã gieo vào lòng Núi nhiều sự ấm ức của một đứa trẻ mới lớn, sự sợ hãi được dồn nén trong lòng Núi về một người cha nghiêm khắc quá mức đã bắt đầu từ những ngày thơ ấu. Chỉ đến khi không còn duy trì cuộc sống đẳng cấp được nữa, ông Đại cha Núi mới ban phát một chút ít tình cảm cho anh em Núi như một nghĩa vụ bắt buộc phải làm chứ không phải là sự tự nguyện.
Với một đứa trẻ mới lớn lại thiếu sự quản lý của gia đình, sự chỉ bảo đúng đắn, thì việc Núi sa vào con đường tội lỗi có thể lý giải được nguyên nhân. Sống nương nhờ nhà cậu, được bà con hàng xóm yêu thương, quan tâm, chăm sóc, nhưng cho dù bà con hàng xóm có tốt đến đâu cũng không ai có thể làm thay trách nhiệm của người làm cha làm mẹ như ông Đại. Núi đã tự mình bước vào đời một cách mò mẫm mà không có sự chỉ dẫn của người cha, những thứ ông dành cho Núi chỉ là những mệnh lệnh bắt buộc. Suốt cả quá trình phát triển tâm lý của Núi, điều khiến Núi trượt dốc nhất chính là sự thất vọng trong tình yêu. Nhà văn đã dẫn dắt người đọc đến với những nguyên nhân phạm tội của Núi bằng cái chết của người mẹ. Mẹ chết ghánh nặng trách nhiệm đối với các em đặt cả lên vai Núi, Núi có thể đã không xa ngã, không đi vào con đường tội lỗi nếu được sự đón nhận của người cha. Sự cạn tình của ông Đại đã đẩy Núi đi giữa đêm mưa gió, cái đêm mà Lê Lựu viết “hắn lao đi trong mưa sấm chớp lúc mười hai giờ đêm. Một đêm mà chắc chắn cả ông và hắn cần ghi nhớ suốt cả cuộc đời của mỗi người” [30; 122]. Có lẽ nếu hắn thực sự bình tĩnh suy nghĩ thì cuộc đời hắn đã không rẽ sang một hướng khác. Ở đây ta thấy nhà văn Lê Lựu đã lý giải con đường tội lỗi của hắn “ngựa quen đường cũ”. Hắn quá liều lĩnh, lại quá nhu nhược
để rồi đánh mất đi tất cả, mất đi hạnh phúc, mất đi cơ hội làm lại cuộc đời.
Với ngòi bút điêu luyện, là một người từng trải Lê Lựu đã rất cảm thông khi xây dựng diễn biến tâm lý của Núi. Núi là một kẻ trộm cắp mà nguyên nhân có thể tha thứ được, Núi đi ăn cắp chỉ vì “đói”. Người đọc có thể cảm thông, chua xót với cuộc đời của hắn, bởi hắn vẫn ý thức được những việc làm của mình là sai trái, hắn cũng rất sợ những người thân của hắn biết được những việc mà hắn đang làm. Nhà văn tỏ ra rất thông thạo thế giới nội tâm của con người, đặc biệt là tâm lý tội phạm. Tuy đối với tất cả những việc mà Núi đã làm, điều luôn khiến độc giả cảm động ở Núi, đó là tình yêu thương với đứa con. Cũng vì con Núi phải lặn lội đi tìm người đàn bà bạc ác, nhưng thị lại không nhận. Núi lại phải gà trống nuôi con, lại phải đi ăn cắp và lại vào tù. Cuộc sống trong tù lần này đã giúp hắn suy nghĩ lại mình, hắn thực sự sống những ngày có ý nghĩa. Cho dù đây là cuộc sống trong tù nhưng nó lại bình yên, ở đây hắn đã được rèn luyện bản thân mình. Những người mà Núi gặp trong tù đã mang lại ánh sáng cho cuộc đời hắn. Anh Đông đã dạy cho Núi cái nghề, anh còn chỉ cho hắn thấy phải tự quyết định lấy cuộc đời mình. Chị Minh Vũ – người giáo dục con hắn nhưng cũng giáo dục hắn cách xử sự cho ra một con người. Chị đã chỉ cho Núi thấy phải sống như thế nào thì con người ăn ở với nhau mới đỡ đen tối, đỡ âm mưu và những thủ đoạn hơn. Nhà văn Lê Lựu đã chỉ ra những diễn biến tâm lý nơi Núi thay đổi là nhờ có tình yêu thương và tấm lòng sống vị tha của