6. Kết quả luận văn
1.7.2 Nội bộ doanh nghiệp
Các nhân tố bên trong là các nhân tố phát sinh từ trong lòng doanh nghiệp:
a. Các nhân tố về tài chính doanh nghiệp
Đây là nguồn lực quan trọng nhất và quyết định đến mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong nền kinh tế thị trường sản xuất kinh doanh hàng hóa, doanh nghiệp phải có vốn bằng tiền hay bằng nguồn lực tài chính để thực hiện được hoạt động sản xuất kinh doanh. Với nguồn lực tài chính này, doanh nghiệp sẽ chi cho các hoạt động như đầu tư mới, mua nguyên vật liệu và trả lương cho công nhân.
Với nguồn lực tài chính mạnh, doanh nghiệp sẽ có được lợi thế lớn trong cạnh tranh. Trong lĩnh vực xây dựng, nếu doanh nghiệp có năng lực tài chính dồi dào có thể tham gia đấu thầu nhiều công trình trong một năm, có nhiều cơ hội để đầu tư tăng cường năng lực của máy móc thiết bị nhằm đáp ứng nhu cầu thi công và quy trình công nghệ hiện đại, đồng thời luôn giữ được uy tín đối với các nhà cung cấp vật tư và các tổ chức tín dụng.
Thực tế cho thấy, trong các lần đấu thầu quốc tế hay đấu thầu trong nước có doanh nghiệp nước ngoài tham gia thì các nhà thầu Việt Nam thường mất ưu thế so với nhà thầu nước ngoài, do đó muốn thắng thầu thì các nhà thầu trong nước thường phải liên danh với các nhà thầu nước ngoài.
b. Các nhân tố về máy móc, thiết bị của DN
Đối với doanh nghiệp xây dựng, máy móc, thiết bị được xem là bộ phận chủ yếu và quan trọng nhất trong tài sản cố định của doanh nghiệp. Nó là thước đo trình
độ kỹ thuật, là thể hiện năng lực hiện có, đồng thời là nhân tố quan trọng góp phần tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong đấu thầu.
Trong quá trình chấm thầu, năng lực về máy móc thiết bị được chủ đầu tư xem xét rất kỹ, bởi vì nó có tác động rất lớn đến chất lượng và tiến độ thi công. Khi đánh giá năng lực về máy móc thiết bị và công nghệ, chủ đầu tư thường đánh giá các mặt sau:
- Tính hiện đại của thiết bị, công nghệ, biểu hiện ở các thông số như tên nhà sản xuất, nước sản xuất, năm sản xuất, model, công suất…
- Tình trạng đồng bộ của thiết bị, công nghệ, vì nếu thiết bị đồng bộ sẽ đảm bảo sự phù hợp giữa thiết bị, công nghệ với phương pháp sản xuất; giữa chất lượng độ phức tạp của sản phẩm do công nghệ đó sản xuất ra.
- Tính hiệu quả: Thể hiện qua việc sử dụng máy móc thiết bị sẽ tác động như thế nào đến hiệu quả sản xuất kinh doanh và khả năng huy động, phát huy tối đa nguồn lực về máy móc thiết bị sẵn có phục vụ cho mục đích cạnh tranh của nhà thầu.
- Tính đổi mới: Là khả năng đáp ứng mọi yêu cầu của hoạt động sản xuất kinh doanh và đồng thời cũng là yếu tố nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Trong đấu thầu xây lắp, năng lực máy móc thiết bị là một trong những tiêu chuẩn đánh giá của chủ đầu tư; vì vậy nếu năng lực máy móc thiết bị của nhà thầu càng mạnh sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh, tăng cơ hội trúng thầu.
c. Các nhân tố về nguồn lực của Doanh nghiệp
Ngày nay, tất cả chúng ta đều biết rằng nguồn lực là yếu tố cơ bản, then chốt, có vai trò đặc biệt quan trọng trong mọi quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Khi đánh giá nguồn nhân lực thì chủ đầu tư thường chú trọng đến các vấn đề sau:
- Cán bộ quản trị cấp cao (Ban Giám đốc) là những người có vai trò quan trọng trong việc xây dựng chiến lược, điều hành và quản lý mọi hoạt động của doanh nghiệp. Sự thành công hay thất bại của doanh nghiệp phụ thuộc vào các quyết định của họ.
- Cán bộ quản trị cấp trung gian là những người đứng dưới quản trị viên cao cấp và đứng trên quản trị viên cấp cơ sở. Ở vị trí này họ vừa quản trị các quản trị viên cấp cơ sở thuộc quyền, vừa điều khiển các nhân viên khác. Chức năng của họ là thực hiện các kế hoạch và chính sách của doanh nghiệp bằng cách phối hợp thực hiện các công việc nhằm dẫn đến hoàn thành các mục tiêu chung.
- Các chuyên viên, đây là một trong những khác biệt so với các ngành khác, họ là những người không làm quản lý mà chỉ làm nhiệm vụ chuyên môn đơn thuần. Đó là những kỹ sư, cử nhân trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh như lập dự toán, giám sát thi công và vai trò của họ cũng rất quan trọng. Chẳng hạn như cá nhân người giám sát thi công có quyền quyết định mọi vấn đề trong quá trình thi công một hạng mục mà họ được phân công, quyết định của họ có ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình.
- Cán bộ quản trị cấp cơ sở, công nhân là đội ngũ các nhà quản trị ở cấp cuối cùng trong hệ thống cấp bậc của các nhà quản trị một doanh nghiệp. Thông thường họ là những đốc công, tổ trưởng, trực ca. Nhiệm vụ của họ là hướng dẫn, đôn đốc, điều khiển công nhân hoàn thành các công việc hàng ngày theo tiến độ kế hoạch để đưa đến hoàn thành mục tiêu chung của cả doanh nghiệp. Đây là đội ngũ quản trị viên lãnh đạo lực lượng lao động trực tiếp, tạo lên sức mạnh tổng hợp của doanh nghiệp qua khía cạnh như chất lượng, tiến độ thi công. Và cuối cùng là đội ngũ lao động với tay nghề cao, có khả năng sáng tạo trong công việc, họ chính là những người thực hiện những ý tưởng, chiến lược của những quản trị cấp cao, tạo nên năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
- Một vấn đề mà nhà thầu cần quan tâm đó là khả năng huy động lực lượng công nhân kịp thời về số lượng và chất lượng để phục vụ cho quá trình thi công công trình. Đây là việc rất khó, vì khác với các ngành sản xuất khác trong ngành xây dựng, nhu cầu sử dụng công nhân tùy thuộc vào tiến độ thi công, số lượng không ổn định, có khi chỉ cần vài chục công nhân nhưng có khi phải huy động hàng trăm, thậm chí hàng ngàn công nhân vào phục vụ dự án.
d. Các nhân tố về tổ chức, quản lý của Doanh nghiệp
Công tác tổ chức quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không phải cứ có công nghệ, nguồn nguyên liệu đầu vào là đủ, mà nó phải được qua một hệ thống có tổ chức quản lý và điều hành hợp lý. Nếu bộ máy tổ chức hoạt động của doanh nghiệp được bố trí phù hợp thì sự phối hợp giữa các phòng, ban, bộ phận sẽ nhịp nhàng hơn, năng động hơn, hiệu quả tạo ra sẽ cao hơn và tính cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ tăng lên. Trong các doanh nghiệp xây dựng, ngoài việc xem xét, đánh giá bộ máy quản lý của doanh nghiệp thì chủ đầu tư còn xem xét, đánh giá sơ đồ tổ chức tại hiện trường thi công, đây cũng là một khác biệt so với các ngành khác và cũng là một trong những yêu cầu bắt buộc trong hồ sơ mời thầu.
e. Trình độ tổ chức lập hồ sơ dự thầu
Khả năng cạnh tranh trong đấu thầu phụ thuộc trực tiếp vào trình độ lập hồ sơ dự thầu. Một nhà thầu có thể bị loại ngay từ vòng đầu do hồ sơ dự thầu không đảm bảo các yêu cầu của tổ chức mời thầu.
- Tổ chức lập hồ sơ dự thầu đòi hỏi phải qua các bước nghiên cứu hồ sơ mời thầu (công việc này đòi hỏi phải tỷ mỷ, nghiêm túc, hiểu rõ đầy đủ nội dung và yêu cầu của hồ sơ mời thầu); điều tra môi trường đấu thầu; điều tra dự án đấu thầu; khảo sát hiện trường xây dựng công trình; lập phương án thi công; xây dựng giá dự thầu…
- Điều tra môi trường đấu thầu, đó là việc điều tra các điều kiện thi công, tự nhiên, kinh tế và xã hội của dự án, những điều kiện này ảnh hưởng trực tiếp tới phương án thi công và cuối cùng là giá thành công trình. Điều tra đặc điểm vị trí của hiện trường thi công như vị trí địa lý, điều kiện địa hình, địa chất, giao thông vận tải, thông tin liên lạc; điều kiện cung ứng vật tư nguyên nhiên vật liệu, giá cả, khả năng khai thác nguyên vật liệu tại chỗ; điều kiện cung cấp thầu phụ chuyên nghiệp và lao động phổ thông; khả năng cung cấp lương thực, thực phẩm. Hàng loạt số liệu, thông
tin cần điều tra xác định trong một thời gian ngắn nói lên kết quả tiêu thụ phụ thuộc vào tổ chức, trình độ chuyên môn, phương tiện của đội ngũ cán bộ lập hồ sơ dự thầu.
- Điều tra dự án đấu thầu đòi hỏi phải nắm được tính chất, quy mô, phạm vi đấu thầu; mức độ phức tạp về kỹ thuật của công trình; yêu cầu tiến độ, thời hạn hoàn thành hạng mục và hoàn thành tổng thể công trình; nguồn vốn; phương thức thanh toán; uy tín, năng lực công tác của tổ chức giám sát.
- Lập phương án thi công công trình là khâu có ảnh hưởng quyết định đến giá dự thầu.
- Công tác xác định giá dự thầu là một khâu có nội dung phức tạp với những yêu cầu nghiêm ngặt phải tuân thủ, đây là một trong những yếu tố quyết định việc trúng thầu. Công việc này đòi hỏi phải do một bộ phận chuyên nghiệp thực hiện với sự phối hợp chặt chẽ nhịp nhàng và kịp thời của các bộ phận chuyên môn khác.
Tổ chức lập hồ sơ dự thầu là công việc hết sức phức tạp và yêu cầu thực hiện trong khoảng thời gian thường rất hạn chế. Chất lượng hồ sơ dự thầu là một trong những tiêu chí cơ bản quyết định việc nhà thầu cú trúng thầu hay không.
f. Các nhân tố khác
Bên cạnh các nhân tố trên ảnh hưởng tới khả năng đấu thầu của các DNXD còn có các nhân tố khác như: vị trí, sở trường của doanh nghiệp, chiến lược marketing, uy tín, khả năng liên doanh liên kết của doanh nghiệp, nguồn vật tư của doanh nghiệp... cũng ảnh hưởng tới khả năng đấu thầu mà doanh nghiệp quan tâm.