Vai trò của việc đổi mới phương pháp giáo dục đại học và những

Một phần của tài liệu Quan điểm Hồ Chí Minh về phương pháp giáo dục với việc đổi mới phương pháp giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay (Trang 60)

7. Kết cấu của luận văn

2.1.3.Vai trò của việc đổi mới phương pháp giáo dục đại học và những

những yếu tố tác động

- Vai trò của việc đổi mới phương pháp giáo dục đại học

Phương pháp có vai trò quan trọng đối với hoạt động của con người, có ý nghĩa như sợi chỉ dẫn đường. Do đó, việc lựa chọn một phương pháp đúng đắn, khoa học sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với hiệu quả hoạt động của con người.

Trong giáo dục, để thực hiện được mục tiêu giáo dục đề ra thì nhất thiết phải xác định phương pháp giáo dục phù hợp. Nếu phương pháp giáo dục khoa học, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, đối tượng giáo dục thì sẽ đem lại hiệu quả giáo dục cao. Ngược lại, nếu phương pháp giáo dục không khoa học, không phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, đối tượng giáo dục thì hoạt động giáo dục sẽ không hoặc ít có hiệu quả. Do đó, phương pháp giáo dục có vai trò quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu giáo dục đề ra. Mục tiêu giáo dục được thực hiện đến đâu, thành công nhiều hay ít đều phụ thuộc vào tính khoa học của phương pháp giáo dục. Hay nói cách khác, phương pháp giáo dục là một trong những yếu tố quyết định chất lượng giáo dục. Vì vậy, để đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục thì phải xác định được phương pháp giáo dục đúng đắn, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, đối tượng giáo dục.

Giáo dục là một trong những lĩnh vực hoạt động của con người, mang tính lịch sử - xã hội. Giáo dục không phải là hoạt động bất biến mà có sự thay đổi phù hợp với yêu cầu xã hội trong từng giai đoạn lịch sử. Xã hội không ngừng phát triển với những điều kiện mới, yêu cầu mới đặt ra. Do đó, giáo dục cũng cần có sự cải cách, thay đổi cho phù hợp với điều kiện, yêu cầu xã hội và đối tượng giáo dục. Việc cải cách giáo dục cần được tiến hành một cách đồng bộ từ mục tiêu, nội dung chương trình đến phương pháp tiến hành, trong đó, đổi mới phương pháp giáo dục là một vấn đề cần được chú trọng và quan tâm, bởi nó là một trong những yếu tố quyết định hiệu quả giáo dục.

Giáo dục đại học là lĩnh vực hoạt động trực tiếp đào tạo đội ngũ lao động lành nghề, bao gồm các nhà khoa học, các kỹ sư, các chuyên gia, các cán bộ chuyên môn trong nhiều lĩnh vực ở các trình độ khác nhau. Nâng cao chất lượng giáo dục đại học là rất quan trọng, vì nó là yếu tố quyết định chất lượng nguồn lao động của đất nước. Chất lượng giáo dục đại học được quy định bởi nhiều yếu tố, trong đó có phương pháp giáo dục. Để phù hợp với những đòi hỏi mới của công tác đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, phương pháp giáo dục đại học cần có sự đổi mới. Đổi mới phương pháp giáo dục đại học sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học, qua đó thúc đẩy việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của đất nước.

- Những yếu tố tác động đến việc đổi mới phương pháp giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay.

Việc đổi mới phương pháp giáo dục đại học trước hết phụ thuộc vào những yếu tố cơ bản sau:

+ Nhà giáo dục: Để đảm bảo công tác giáo dục được tốt, nhà giáo dục

phải có phương pháp giảng dạy tốt. Trong giáo dục đại học, nhà giáo dục chính là đội ngũ giảng viên. Giảng viên là những người có trình độ chuyên môn cao, tích lũy được kinh nghiệm trong công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, am hiểu thực tiễn thuộc lĩnh vực giảng dạy của mình… Phương

pháp giảng dạy ở bậc đại học là phương pháp giảng dạy ở trình độ cao, là cách thức giảng giải, truyền đạt những nội dung cần thiết tới sinh viên. Phương pháp giảng dạy của giảng viên cần có sự đổi mới linh hoạt để nâng cao hiệu quả nhận thức của sinh viên. Đổi mới phương pháp giảng dạy của giảng viên là yếu tố cốt lõi trong việc đổi mới phương pháp giáo dục đại học.

+ Người được giáo dục: Người được giáo dục ở bậc đại học là sinh viên – những người vừa tốt nghiệp phổ thông trung học, còn ít hiểu biết về thực tiễn cũng như chưa có sự hiểu biết nhiều về khoa học, họ đang có nhu cầu hiểu biết nhưng chưa có phương pháp học tập thích hợp ở bậc đại học. Họ quen với cách thức học ở trường phổ thông, chưa quen với sự chủ động, tích cực ở môi trường đại học. Đổi mới phương pháp học tập của sinh viên cũng là một trong những yếu tố cơ bản của đổi mới phương pháp giáo dục đại học.

+ Mục tiêu giáo dục: “Mục tiêu của giáo dục đại học là đào tạo người

học có phẩm chất chính trị, đạo đức, có ý thức phục vụ nhân dân, có kiến thức và năng lực thực hành nghề nghiệp tương xứng với trình độ đào tạo, có sức khoẻ, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc… giúp sinh viên nắm vững kiến thức chuyên môn và có kỹ năng thực hành thành thạo, có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và giải quyết những vấn đề thuộc chuyên ngành được đào tạo.” [77, tr.12]. Mục tiêu giáo dục đó quy định phương pháp giáo dục đại học cần linh hoạt để góp phần thực hiện các mục tiêu giáo dục đề ra.

+ Nội dung giáo dục đại học phải có tính hiện đại và phát triển. “Đào tạo trình độ đại học phải bảo đảm cho sinh viên có những kiến thức khoa học cơ bản và kiến thức chuyên môn tương đối hoàn chỉnh; có phương pháp làm việc khoa học; có năng lực vận dụng lý thuyết vào công tác chuyên môn” [77, tr. 13]. Nội dung giáo dục này cũng quy định việc lựa chọn các phương pháp giáo dục phù hợp. Trong bối cảnh mới, nội dung giáo dục có sự thay đổi thì đòi hỏi phương pháp giáo dục đại học cũng cần phải được đổi mới.

+ Chính sách quản lý giáo dục của Nhà nước: Nội dung quản lý giáo dục được thể hiện ở việc: Xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển giáo dục; quy định mục tiêu, chương trình, nội dung giáo dục; tiêu chuẩn cơ sở vật chất và thiết bị trường học; tổ chức, quản lý việc bảo đảm chất lượng giáo dục và kiểm định chất lượng giáo dục;… [77, tr. 33 – 34]. Như vậy, việc quản lý giáo dục của Nhà nước sẽ đảm bảo các yếu tố cần thiết cho hoạt động giáo dục được tiến hành. Những yếu tố đó đều có tác động ở những mức độ khác nhau tới việc đổi mới phương pháp giáo dục.

+ Chính sách đầu tư cho giáo dục: Đảng và Nhà nước ta xác định: Giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển. Trong những năm qua, nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục đã có sự gia tăng đáng kể. Trong đó, giáo dục đại học cũng được chú trọng đầu tư. Nhờ đó, giáo dục đại học được trang bị và hoàn thiện cơ sở vật chất, kỹ thuật, thiết bị trường học, đảm bảo hơn đời sống cán bộ, giảng viên. Đó là động lực quan trọng, thúc đẩy quá trình đổi mới phương pháp giáo dục đại học.

+ Hợp tác quốc tế về giáo dục: Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, nền giáo dục Việt Nam đã và đang mở rộng các mối quan hệ giao lưu, hợp tác về giảng dạy, đào tạo, nghiên cứu khoa học với các quốc gia trên thế giới. Quá trình đó mở ra cơ hội lớn cho giáo dục đại học Việt Nam tiếp cận và vận dụng sáng tạo những phương pháp tích cực của các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới vào việc đổi mới phương pháp giáo dục đại học.

Một phần của tài liệu Quan điểm Hồ Chí Minh về phương pháp giáo dục với việc đổi mới phương pháp giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay (Trang 60)