7. Kết cấu của luận văn
1.2.4. Thực tiễn chỉ đạo hoạt động giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Với tư chất thông minh, tinh thần độc lập, Hồ Chí Minh đã tìm tòi phương pháp giáo dục mới và áp dụng trong thực tế. Khi dạy học tại trường Dục Thanh (9/1910 – 2/1911), Nguyễn Tất Thành đã có những phương pháp giáo dục rất mới, rất tiến bộ vào thời đó. Thầy Thành được phân công dạy Hán văn và Quốc ngữ. Không chỉ dạy kiến thức trên lớp, thầy Thành còn áp dụng nhiều phương pháp dạy lý thú và bổ ích. Vào những ngày nghỉ, thầy Thành thường hướng dẫn học sinh tham quan thắng cảnh hoặc di tích lịch sử trong vùng, nhân đó kể các câu chuyện hay đọc các bài ca yêu nước trong phong trào Đông du hay trong các cuộc vận động Duy tân cho học sinh nghe, qua đó, giáo dục tư tưởng, tình cảm đoàn kết, yêu nước cho học sinh. Thầy Thành luôn động viên, nhắc nhở học sinh đọc sách để mở rộng kiến thức, đặc biệt là các loại sách giáo dục đạo đức con người, lòng yêu nước, thương dân, trách nhiệm với dân với nước.
Tại các lớp huấn luyện chính trị tại Quảng Châu, Người đã vận dụng nhuần nhuyễn phương pháp lý luận gắn liền với thực tiễn. Người thường lấy những ví dụ cụ thể, thiết thực để chứng minh và làm sáng tỏ những vấn đề lý luận phức tạp. Phối hợp chặt chẽ với các buổi lên lớp còn có các buổi thảo luận tổ, diễn đàn của học viên có thầy dự để qua đó nắm được tình hình học tập trên lớp của học viên mà có kế hoạch phụ đạo sát hợp. Không chỉ dừng lại ở dạy lý thuyết, việc dạy kỹ năng thực hành cũng rất được chú trọng. Mỗi học viên phải đóng vai người tuyên truyền, những người khác ngồi nghe và chất vấn, sau đó, cùng nhau góp ý cho bài diễn thuyết và các câu hỏi. Như vậy, phương pháp giáo dục tích cực, tiến bộ của Người đã được vận dụng có hiệu quả vào sự nghiệp đào tạo thế hệ cách mạng đầu tiên.
Một điều hết sức quan trọng là ý chí tự lực, quyết tâm vươn lên không ngừng tự học để trang bị và nâng cao kiến thức của Hồ Chí Minh. Quá trình tự học của Hồ Chí Minh gắn liền với quá trình lao động của Người. Thời gian Người sống và hoạt động ở nước ngoài là những ngày tháng học tập và đấu
tranh bền bỉ, kiên trì, đầy nguy hiểm và cũng là lao động để kiếm sống; kiếm sống để tự học, tự học để làm cách mạng. Tự học không những là một phương pháp giáo dục mà còn là triết lý sống của Hồ Chí Minh. Nhờ tự học, Người đã trau dồi được vốn tri thức uyên bác. Có thể nói, suốt cuộc đời, Hồ Chí Minh nêu cao tấm gương tự học để phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Sau này, Người kể lại: “Lúc tuổi thanh niên, Bác hoạt động ở Pháp, cũng vừa lao động, vừa học tập, nhưng lúc đó là lao động nô lệ cho đế quốc. Bác phải làm thế để tự kiếm sống, nhưng vẫn giành thì giờ để học tập, ngày lao động, đêm học tập, chứ Bác không được đến trường học đâu” [50, tr. 437].
Từ năm 1945, với cương vị là người đứng đầu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chăm lo đến mọi mặt đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của nhân dân. Người đặc biệt coi trọng việc phát triển nền giáo dục của chế độ mới. Trong thực tiễn chỉ đạo xây dựng và phát triển nền giáo dục Việt Nam, Người đã có những chỉ dẫn sát sao, khoa học cả về nội dung, phương pháp giáo dục.
Tóm lại: Quan điểm Hồ Chí Minh về phương pháp giáo dục là sự kế thừa
và chắt lọc những yếu tố hợp lý về mặt phương pháp trong truyền thống giáo dục dân tộc, tinh hoa giáo dục nhân loại, nâng chúng lên tầm cao mới dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác – Lênin về giáo dục, trên cơ sở những phẩm chất chủ quan sáng ngời và thực tiễn chỉ đạo hoạt động giáo dục sâu sát của Người.