Vài nét về hiện trạng giáo dục đại học Việt Nam

Một phần của tài liệu Quan điểm Hồ Chí Minh về phương pháp giáo dục với việc đổi mới phương pháp giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay (Trang 50)

7. Kết cấu của luận văn

2.1.1. Vài nét về hiện trạng giáo dục đại học Việt Nam

- Thành tựu: Theo số liệu thống kê giáo dục Việt Nam từ 1987 đến 2011

của Tổng cục thống kê (2011), có thể hình dung hiện trạng giáo dục đại học ở nước nhà theo các lát cắt sau:

Về số lượng các trường đại học và cao đẳng: Năm 1987, cả nước có 101 trường (trong đó có 63 trường đại học, 38 trường cao đẳng). Đến tháng 01/2011 cả nước đã có 414 trường (trong đó có 188 trường Đại học, 226 trường cao đẳng).

Về loại hình trường: Năm 1987, có 101 trường công lập, không có trường ngoài công lập; đến tháng 01/2011 có 334 trường công và 80 trường ngoài công lập (50 ĐH và 30 CĐ) chiếm 19,3% trong tổng số trường.

Về thực hiện quy hoạch mạng lưới: Tính đến tháng 01/2011: 40/63 tỉnh, thành phố trong cả nước có trường đại học (đạt 63%); 60/63 tỉnh, thành có trường cao đẳng (đạt 95%); 62/63 tỉnh, thành có ít nhất 1 trường cao đẳng hoặc đại học (đạt 98%, trừ tỉnh Đăknông).

Số sinh viên trình độ đại học, cao đẳng tuyển mới: Năm 1987 có 34.110 sinh viên. Năm 2010 có 486.799 sinh viên (tăng 14,3 lần), trong đó 55,28% nữ, 36,78% từ nông thôn, 6.01% dân tộc thiểu số.

Số sinh viên tốt nghiệp: Năm 1987, có 19.900 sinh viên; Năm 2009, có 222.665 sinh viên (tăng 11 lần) [Nguồn: 29 - Tổng cục thống kê, 2011].

Qua một vài số liệu thống kê như trên, chúng ta có thể thấy những thành

tựu nổi bật của giáo dục đại học Việt Nam trong những năm qua:

+ Số lượng các trường đại học tăng nhanh (từ năm 1987 đến năm 2011, số lượng trường đã tăng 4 lần). Hệ thống cơ sở đào tạo đại học đã phủ gần kín cả nước (đạt 98%). Điều này phản ánh sự phát triển nhanh chóng của hệ thống

cơ sở đào tạo đại học trong cả nước. Qua đó cũng phản ánh sự quan tâm và đầu tư cho giáo dục đại học của Đảng và Nhà nước đã có sự gia tăng đáng kể. + Giáo dục đại học ở nước ta đã có sự đa dạng hóa về loại hình đào tạo, về mô hình và sở hữu. Do đó, giáo dục đại học có khả năng cung cấp nguồn nhân lực dồi dào đáp ứng yêu cầu ngày càng đa dạng, phong phú của xã hội.

+ Số lượng sinh viên tuyển mới và sinh viên tốt nghiệp đều có sự gia tăng nhanh chóng. Điều này cho thấy quy mô đào tạo đại học ngày càng được mở rộng. Hàng năm, một số lượng lớn sinh viên tốt nghiệp là lực lượng hùng hậu bổ sung đáng kể vào lực lượng lao động có trình độ cao của đất nước. Trình độ hiểu biết, năng lực tiếp cận tri thức mới của một bộ phận học sinh, sinh viên được nâng cao. Số đông sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng có hoài bão lập thân, lập nghiệp, có tinh thần tự lập và đại bộ phận đã có việc làm. Bên cạnh đó là một số lượng lớn sinh viên được tuyển mới - lực lượng lao động tri thức kế cận phục vụ sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

+ Xây dựng quy trình đào tạo theo học phần, bước đầu áp dụng học chế tín chỉ. Đây là một hình thức đào tạo tiên tiến đã được áp dụng ở nhiều nền giáo dục phát triển trên thế giới. Một mặt, hình thức giáo dục này khơi dậy tính tích cực, chủ động, tự giác của sinh viên Việt Nam trong quá trình đào tạo, tạo điều kiện để đánh giá năng lực thực tế của sinh viên một cách khách quan, thiết thực hơn. Mặt khác, việc áp dụng hình thức đào tạo theo học chế tín chỉ cũng thể hiện sự nắm bắt kịp thời xu thế chung của nền giáo dục thế giới, do đó giúp thu hẹp khoảng cách giữa các trường đại học Việt Nam với các trường đại học trên thế giới.

+ Phương pháp giáo dục ở các nhà trường đã bước đầu được đổi mới theo tinh thần phát huy tính năng động, chủ động và tích cực của người học, đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình dạy và học.

+ Nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục đại học tăng nhanh (năm 2011, cả nước có 80 trường đại học, cao đẳng ngoài công lập, chiếm 19,3% tổng số

trường). Điều đó cho thấy sự quan tâm của xã hội đối với hoạt động đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao phục vụ các lĩnh vực kinh tế, xã hội.

Nguyên nhân của những thành tựu trên là do:

+ Có sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ và chính quyền các cấp, sự quan tâm, tham gia đóng góp của các tổ chức kinh tế - xã hội và toàn dân đối với hoạt động giáo dục trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước.

+ Sự ổn định chính trị, những thành quả phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân của thời kỳ đổi mới đã tạo môi trường với các điều kiện thuận lợi cho phát triển giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng.

+ Sự nỗ lực, tận tâm của đội ngũ nhà giáo và quyết tâm đổi mới của ngành giáo dục đào tạo đã góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ giáo dục.

+ Truyền thống hiếu học của dân tộc được phát huy mạnh mẽ, thể hiện trong từng gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư. Nhân dân đã không tiếc công sức, tiền của đầu tư và khuyến khích động viên con em vượt khó, chăm chỉ học tập, hỗ trợ và tạo điều kiện dạy tốt, học tốt cho các nhà trường.

Những hạn chế chủ yếu của giáo dục đại học Việt Nam:

Yếu kém lớn nhất, gây nhiều lo lắng trong xã hội và làm trở ngại tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế là sự bất cập

về khả năng đáp ứng của hệ thống giáo dục đại học đối với yêu cầu đào tạo nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và nhu cầu học tập của nhân dân. Biểu hiện cụ thể như:

+ Cơ cấu hệ thống giáo dục đại học chưa đồng bộ, thiếu tính liên thông giữa các trình độ đào tạo. Mạng lưới trường và viện tách biệt, giảm hiệu quả đầu tư và chất lượng đào tạo nghiên cứu. Tình trạng mất cân đối giữa cơ cấu ngành nghề đào tạo chậm được khắc phục, chưa đáp ứng được yêu cầu nhân lực của xã hội.

+ Chất lượng giáo dục đại học còn thấp so với yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội

của đất nước và còn thấp so với trình độ của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Trong giáo dục đại học, chưa giải quyết được mâu thuẫn giữa phát triển số lượng với nâng cao chất lượng. Trong những năm gần đây, quy mô giáo dục đại học phát triển, số lượng các trường cao đẳng, đại học tăng mạnh trong khi các điều kiện về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất - kỹ thuật chưa phát triển đủ để đảm bảo được chất lượng đào tạo của các cơ sở này.

+ Nội dung, phương pháp giáo dục đã được cải tiến nhưng còn bộc lộ nhiều hạn chế; chương trình giáo dục đại học chậm đổi mới. Còn có những nội dung trong chương trình chưa thiết thực, nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành, chưa gắn với yêu cầu xã hội, chưa phù hợp với nhu cầu và khả năng học tập của mọi đối tượng. Phương pháp dạy học về cơ bản vẫn theo lối truyền thụ một chiều, đòi hỏi người học phải ghi nhớ máy móc, không phát huy được tư duy phê phán, tư duy sáng tạo và tinh thần tự học ở người học.

+ Đội ngũ nhà giáo còn thiếu quy hoạch tổng thể dẫn đến tình trạng vừa thừa, vừa thiếu, vừa không đồng bộ về cơ cấu. Nghiên cứu khoa học của giáo viên chưa được chú ý đúng mức; chưa gắn kết giảng dạy, nghiên cứu và phục vụ đời sống. Công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên còn thiếu hiệu quả. Các chế độ chính sách đối với nhà giáo chưa thỏa đáng, chưa tạo được động lực phấn đấu vươn lên của người thầy.

+ Cơ sở vật chất - kỹ thuật nhà trường còn thiếu thốn và lạc hậu. Nguồn lực hạn hẹp, chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách nhà nước, học phí nhỏ bé.

+ Quản lý vĩ mô hệ thống đại học còn bao biện, ôm đồm, quan liêu, hành chính bao cấp. Chưa có phân tầng các trường về chức năng, nhiệm vụ; quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các trường không cao. Cơ chế chính sách chưa tạo ra tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường về nhân sự, về hạch toán thu chi và chất lượng sản phẩm đào tạo.

+ Đổi mới giáo dục đại học không theo kịp đổi mới về kinh tế và yêu cầu hội nhập quốc tế, hạn chế khả năng tiếp cận của giáo dục đại học Việt Nam với những tiến bộ của thế giới về giáo dục.

Với những biểu hiện trên, nếu không có giải pháp kiên quyết, có tính đột phá, chất lượng giáo dục đại học sẽ ngày càng tụt hậu trước đòi hỏi của phát triển đất nước.

Nguyên nhân của hạn chế

+ Quan điểm giáo dục là quốc sách hàng đầu chưa thực sự được quán triệt đúng mức ở các cấp quản lý và chỉ đạo giáo dục. Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của giáo dục đại học nên chưa dành ưu tiên thỏa đáng tạo điều kiện phát triển giáo dục đại học.

+ Tư duy giáo dục chậm đổi mới, chưa thích ứng với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong quá trình hội nhập quốc tế. Ở đại học, các nhà trường thường chỉ dạy những cái mình có mà chưa quan tâm đến nhu cầu của xã hội.

+ Hệ thống luật pháp, các chính sách về giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng chưa hoàn chỉnh. Năng lực của các cơ quan quản lý giáo dục đại học chưa đáp ứng được nhiệm vụ trong tình hình mới. Đầu tư của nhà nước cho giáo dục đại học còn thiếu hiệu quả.

+ Trong xã hội, chủ nghĩa hình thức, hám danh vọng còn nặng nề; tâm lý khoa cử, bằng cấp vẫn chi phối mạnh việc dạy, học và thi cử. Tư tưởng trọng bằng cấp dẫn đến những thành tích giả tạo trong giáo dục.

+ Mặt trái của kinh tế thị trường đã có nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến giáo dục. Nhu cầu học tập của nhân dân ngày càng cao trong khi khả năng đáp ứng của ngành giáo dục và trình độ phát triển kinh tế của đất nước còn hạn chế. Sức đón nhận của thị trường lao động còn hạn hẹp, chưa đáp ứng nhu cầu việc làm của người lao động đã qua đào tạo…

Một phần của tài liệu Quan điểm Hồ Chí Minh về phương pháp giáo dục với việc đổi mới phương pháp giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay (Trang 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)