Bối cảnh phát triển của giáo dục đại học Việt Nam hiện nay

Một phần của tài liệu Quan điểm Hồ Chí Minh về phương pháp giáo dục với việc đổi mới phương pháp giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay (Trang 54)

7. Kết cấu của luận văn

2.1.2. Bối cảnh phát triển của giáo dục đại học Việt Nam hiện nay

Giáo dục là đòn bẩy của sự phát triển nền kinh tế quốc gia. Trong đó, giáo dục đại học luôn đóng một vai trò quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phẩm chất đạo đức tốt, giỏi về chuyên môn, nhạy

bén, giàu óc sáng tạo, có đủ năng lực bắt kịp với tốc độ hội nhập và phát triển của thế giới. Vai trò của giáo dục đại học càng trở nên vô cùng quan trọng trong thời đại kinh tế tri thức, trong đó tri thức là lực lượng sản xuất trực tiếp, và bản thân tri thức đã trở thành một hàng hóa đặc biệt. Bước sang thế kỷ XXI, giáo dục đại học Việt Nam nằm trong bối cảnh và xu thế phát triển mới.

Đất nước ta sau hơn 25 năm đổi mới đang bước vào thời kỳ phát triển

mạnh với vị thế và diện mạo mới. “Kinh tế tăng trưởng nhanh, đạt tốc độ bình quân 7,26%/năm… Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội đạt nhiều thành tựu quan trọng trên nhiều mặt, nhất là xóa đói, giảm nghèo. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt; dân chủ trong xã hội tiếp tục được mở rộng. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững. Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được triển khai sâu rộng và có hiệu quả, góp phần tạo nên môi trường hòa bình, ổn định và tăng thêm nguồn lực cho phát triển đất nước” [22, tr. 92]. Với những thành tựu trên, thế và lực của nước ta vững mạnh thêm nhiều, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên, tạo tiền đề quan trọng để đẩy nhanh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Mặc dù có những bước tăng trưởng đáng kể, nền kinh tế nước ta vẫn là nền kinh tế có mức thu nhập thấp, kinh tế phát triển chưa bền vững. Năng suất lao động còn thấp, sản xuất chủ yếu vẫn dựa trên những công nghệ lạc hậu, sản phẩm ở dạng thô, chi phí cao, giá trị gia tăng thấp. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội còn một số mặt yếu kém chậm được khắc phục, nhất là về giáo dục, đào tạo và y tế [22, tr. 93]. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn trong quá trình hoàn thiện, chưa đồng bộ. Hiệu lực quản lý nhà nước đối với nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội còn thấp.

Trong khi đó, bối cảnh quốc tế cũng ảnh hưởng tới giáo dục đại học: Thứ nhất: Cuộc cách mạng khoa học, công nghệ tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Khoa học, công nghệ trở thành động lực cơ bản của sự phát triển kinh tế - xã hội. Sự phát triển của khoa học - công nghệ đã làm thay đổi mạnh mẽ nội dung, phương pháp giáo dục trong các nhà trường, đồng thời đòi hỏi giáo dục đại học phải cung cấp được nguồn nhân lực có trình độ cao để theo kịp những tiến bộ của thời đại về khoa học và công nghệ.

Thứ hai: Toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế là xu thế chủ đạo đối với sự phát triển của các quốc gia trên thế giới. Đây cũng là quy luật tất yếu đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. Trong sân chơi chung của thế giới, thời đại cũng đang chứng kiến vị thế nổi bật của giáo dục đại học. Hầu hết các trường đại học trên thế giới đang tiến hành những cải cách toàn diện để trở thành những trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, sản xuất, chuyển giao công nghệ và xuất khẩu tri thức.

Thứ ba: Công nghệ thông tin và truyền thông được ứng dụng trên quy mô rộng lớn ở mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt trong giáo dục. Với việc kết nối mạng, các vấn đề về nhu cầu và khả năng tiếp cận tri thức của con người được giải quyết, tạo điều kiện để phát triển một nền giáo dục mở, phi khoảng cách, thích ứng với nhu cầu của người học. Đây là hình thức giáo dục mọi lúc, mọi nơi và cho mọi người, trở thành giải pháp hiệu quả nhất để đáp ứng các yêu cầu ngày càng tăng về giáo dục, góp phần xây dựng xã hội học tập.

Thứ tư: Sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế tri thức đang đặt ra những đòi hỏi lớn đối với việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ tri thức cao. Cùng với khoa học, công nghệ, tri thức đóng vai trò là lực lượng sản xuất trực tiếp của xã hội. Một trong những tiêu chí đánh giá sự phát triển của mỗi quốc gia là hàm lượng tri thức kết tinh trong từng sản phẩm, từng ngành kinh tế. Hàm lượng tri thức trong các ngành kinh tế cao phản ánh sự phát triển và trình độ văn minh của các quốc gia. Đồng thời, nó cũng là cơ sở để đảm bảo sự phát

triển bền vững của mỗi nền kinh tế. Chính vì vậy, đào tạo nguồn lao động có trình độ tri thức cao là vấn đề bức thiết đặt ra đối với tất cả các quốc gia muốn thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng và bền vững.

Thứ năm: Hòa bình, hợp tác và phát triển tiếp tục là xu thế lớn của thế giới. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục phát triển năng động và đang hình thành nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng hơn. Nằm trong xu thế đó, Việt Nam cần chủ động, tích cực tăng cường các mối liên kết với các quốc gia trong khu vực và thế giới về mọi mặt, trong đó có giáo dục.

Trong bối cảnh mới, giáo dục đại học Việt Nam có nhiều cơ hội để nâng cao chất lượng, thu hẹp khoảng cách so với giáo dục đại học của các nước trên thế giới.

+ Sau hơn 25 năm đổi mới, những thành tựu đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, sự ổn định chính trị làm cho thế và lực nước ta lớn mạnh lên nhiều so với trước. Đầu tư cho giáo dục, trong đó có giáo dục đại học của Nhà nước và nhân dân ngày càng được tăng cường. Đây là một trong những nhân tố cơ bản để xây dựng và phát triển nền giáo dục Việt Nam, đặc biệt là giáo dục đại học nhằm xây dựng lực lượng lao động có trình độ cao để tiếp tục giữ vững và làm khởi sắc hơn nữa những thành tựu kinh tế, xã hội của đất nước.

+ Yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước tiếp tục được đặt ra đòi hỏi sự phát triển đồng bộ của các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục… Do đó, cần một số lượng lớn người lao động có trình độ tri thức cao. Yêu cầu đó cũng đặt ra cho giáo dục đại học Việt Nam những cơ hội mới để không ngừng mở rộng về quy mô, lĩnh vực đào tạo nhằm đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao về nguồn nhân lực cho các ngành, các lĩnh vực đời sống.

+ Quá trình hội nhập với các trào lưu đổi mới mạnh mẽ trong giáo dục đang diễn ra ở quy mô toàn cầu tạo cơ hội thuận lợi cho nước ta có thể nhanh chóng tiếp cận với các xu thế mới, tri thức mới, những mô hình giáo dục hiện đại, thu hẹp khoảng cách phát triển và trình độ văn minh giữa nước ta với các nước khác.

+ Hợp tác quốc tế được mở rộng tạo điều kiện tăng đầu tư của các nước, các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam. Do đó, chúng ta có thể tận dụng nguồn đầu tư này để phát triển đất nước, trong đó có phát triển giáo dục. Mặt khác, quá trình hợp tác quốc tế được tăng cường cũng làm tăng nhu cầu tuyển dụng lao động, đặc biệt là nguồn lao động đã qua đào tạo. Việc mở rộng quan hệ hợp tác về lao động với các quốc gia đã và đang tạo ra cơ hội lớn cho sự phát triển giáo dục đại học Việt Nam với vai trò trực tiếp đào tạo nguồn lao động trình độ cao của đất nước.

+ Sự ứng dụng ngày càng sâu rộng của khoa học, công nghệ thông tin vào các lĩnh vực đời sống, trong đó có giáo dục, tạo điều kiện để phát triển nền giáo dục đại học Việt Nam theo hướng đa dạng hóa về loại hình, phương thức đào tạo. Sự tham gia của công nghệ thông tin vào giáo dục giúp thu hẹp khoảng cách giữa các quốc gia về năng lực tiếp cận các tri thức văn hóa. Hay nói cách khác, công nghệ thông tin đã và đang góp phần tích cực vào việc xã hội hóa tri thức khoa học. Qua đó, giáo dục đại học Việt Nam cũng có thêm cơ hội để tiếp cận và học hỏi những tiến bộ của giáo dục thế giới.

+ Sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế tri thức đang tạo ra nhu cầu ngày càng lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao. Do đó, giáo dục đại học Việt Nam có thêm cơ hội để mở rộng quy mô, đa dạng hóa loại hình đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của nền kinh tế tri thức.

Đó là những thuận lợi cơ bản do bối cảnh trong nước và quốc tế mang lại cho nền giáo dục đại học Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, đi liền với thuận lợi bao giờ cũng là những khó khăn. Giáo dục đại học Việt Nam đang đối mặt với những thách thức mới, đó là:

+ Ở trong nước, sự phân hóa trong xã hội có chiều hướng gia tăng. Khoảng cách giàu nghèo giữa các nhóm dân cư, khoảng cách phát triển giữa

các vùng miền ngày càng rõ rệt. Điều này có thể làm tăng tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục giữa các vùng miền, các đối tượng người học.

+ Yêu cầu phát triển kinh tế trong thập niên tới không chỉ đòi hỏi đủ số lượng nhân lực mà còn đòi hỏi nguồn nhân lực đó phải có chất lượng cao. Để tiếp tục tăng trưởng vượt qua ngưỡng các nước có thu nhập thấp, Việt Nam phải cấu trúc lại nền kinh tế, phát triển các loại sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao. Quá trình này đòi hỏi đất nước phải có đủ nhân lực có trình độ. Nhu cầu nhân lực qua đào tạo ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng đang tạo sức ép rất lớn đối với giáo dục đại học.

+ Sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học, công nghệ trên thế giới có thể làm cho khoảng cách kinh tế, tri thức giữa Việt Nam và các nước ngày càng lớn hơn. Nước ta có nguy cơ bị tụt hậu xa hơn về kinh tế, tri thức so với các nước trên thế giới nếu không biết nắm bắt những cơ hội do cuộc cách mạng khoa học, công nghệ mang lại.

+ Hội nhập quốc tế cũng đặt ra những thách thức lớn đối với giáo dục đại học. Sự tăng cường mối liên kết giữa các quốc gia tạo ra nhu cầu lớn về nguồn nhân lực đã qua đào tạo, mở rộng thị trường xuất khẩu tri thức. Song, nhiều thị trường lao động khó tính đòi hỏi cao về trình độ, năng lực thực tế của người lao động. Vì vậy, việc đổi mới để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đang là vấn đề nhức nhối đặt ra với giáo dục đại học Việt Nam.

+ Toàn cầu hóa chứa đựng nguy cơ chảy máu chất xám ở các nước đang phát triển bởi nguồn nhân lực ưu tú có nhiều khả năng bị thu hút sang các nước giàu có. Đây cũng là vấn đề đang được đặt ra đối với nước ta. Nguồn nhân lực trình độ cao tìm kiếm cơ hội phát triển ở nước ngoài không ít, đặc biệt, khi nền kinh tế cũng như cơ chế, chính sách của chúng ta không đủ khả năng để thu hút lực lượng này. Đó là một sự thất thoát rất lớn.

+ Sự bùng nổ của công nghệ thông tin cũng đi liền với sự bùng nổ của các luồng thông tin trái chiều, đặc biệt là nguy cơ xâm nhập của văn hóa, lối

sống xa lạ làm xói mòn bản sắc văn hóa dân tộc. Do đó, vấn đề đặt ra đối với giáo dục đại học Việt Nam là trong quá trình phát triển phải biết chọn lọc, tiếp thu những yếu tố tích cực trên cơ sở giữ vững những giá trị văn hóa dân tộc.

+ Kinh tế tri thức phát triển nhanh chóng thúc đẩy sự phát triển của giáo dục đại học Việt Nam cả về quy mô và loại hình đào tạo. Song, nó cũng làm gia tăng mâu thuẫn giữa bài toán số lượng và chất lượng của giáo dục đại học. Nếu chúng ta chỉ chú trọng phát triển giáo dục đại học theo chiều rộng, đào tạo dàn trải mà không có sự đầu tư phát triển theo chiều sâu thì sẽ dẫn đến tình trạng thừa thầy, thiếu thợ.

Một phần của tài liệu Quan điểm Hồ Chí Minh về phương pháp giáo dục với việc đổi mới phương pháp giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay (Trang 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)