Đảm bảo sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn

Một phần của tài liệu Quan điểm Hồ Chí Minh về phương pháp giáo dục với việc đổi mới phương pháp giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay (Trang 71)

7. Kết cấu của luận văn

3.1.1. Đảm bảo sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh: Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, mỗi người cách mạng cần phải quán triệt và vận dụng nguyên lý này trong mọi lĩnh vực. Trong hệ thống quan điểm Hồ Chí Minh về phương pháp giáo dục, thống nhất lý luận với thực tiễn là một nguyên tắc có tính chất phương pháp luận. Nó có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc khắc phục bệnh kinh viện, giáo điều, sách vở và thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện. Để đạt được mục tiêu giáo dục, cần phải có phương thức giáo dục đúng đắn. Phương thức giáo dục trong nhà trường của chế độ cũ không thể đào tạo ra những con người toàn diện cả về trí tuệ và năng lực hoạt động thực tiễn vì đặc trưng của nền giáo dục cũ là tách rời lao động trí óc và lao động chân tay, tách rời lý luận và thực tiễn. Giáo dục đại học Việt Nam hiện nay cần được tiến hành theo phương thức giáo dục mới: Học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn. Đó cũng là một nguyên lý cơ bản đã được xác định trong Luật Giáo dục Việt Nam: “Hoạt

động giáo dục phải được thực hiện theo nguyên lý học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lý luận gắn liền với thực tiễn” [77, tr.1].

Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một phương hướng cơ bản để đổi mới phương pháp giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay. Trước hết, phương hướng này được đặt ra xuất phát từ những cơ sở sau:

+ Mục tiêu giáo dục: “Mục tiêu giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khoẻ, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” [77, tr. 1]. Giáo dục đại học phải đào tạo ra những người vừa có tri thức, vừa có năng lực hoạt động thực tiễn. Sinh viên không chỉ nắm được những lý thuyết có sẵn trong sách vở mà còn phải được trang bị những kỹ năng làm việc trên thực tế. Sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ là lực lượng lao động có trình độ cao của xã hội. Nếu chỉ nắm được những kiến thức trong sách vở thì sinh viên tốt nghiệp cũng chỉ là những tri thức “một nửa”, muốn thành người “tri thức hoàn toàn” thì phải đem tri thức đó áp dụng vào thực tế. Khả năng vận dụng tri thức được trang bị của sinh viên trong thực tiễn là một tiêu chí quan trọng để đánh giá hiệu quả của công tác giáo dục đại học cũng như chất lượng nguồn lao động được đào tạo.

+ Sự vận động xã hội ngày càng phong phú, đa dạng với nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra cần được giải quyết, đòi hỏi sinh viên phải nắm vững các tri thức khoa học và có năng lực giải quyết các vấn đề thực tế, đặc biệt là các kỹ năng sáng tạo, tích cực trong lao động. Chỉ thông qua lao động, họ mới có khả năng nhận thức đúng đắn hơn, bổ sung và nâng cao tri thức của mình, đồng thời tiếp thu và làm giàu vốn kinh nghiệm hoạt động thực tiễn.

+ Những yêu cầu về chất lượng lao động qua đào tạo đang là vấn đề bức thiết đặt ra đối với công tác giáo dục - đào tạo ở Việt Nam. Nhìn chung, đội ngũ lao động ở Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của sự

phát triển xã hội, chưa có khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động quốc tế. Lao động Việt Nam thiếu kỹ năng thực tế, năng lực vận dụng tri thức vào thực tiễn còn hạn chế. Trong khi đó, sự phát triển kinh tế, xã hội đang đặt ra yêu cầu ngày càng cao về lực lượng lao động có tri thức và khả năng ứng dụng tốt. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đặt ra tiêu chí tuyển dụng lao động căn cứ vào các kỹ năng, kinh nghiệm làm việc thực tế. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường lao động trong và ngoài nước, giáo dục Việt Nam cần có sự điều chỉnh hợp lý, phải đồng thời chú ý đào tạo cả kiến thức lý thuyết và bồi dưỡng năng lực làm việc thực tế cho sinh viên.

Như vậy, thống nhất lý luận và thực tiễn cũng là một biện pháp cơ bản để đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và tăng cường khả năng hội nhập vào thị trường lao động thế giới.

Để đảm bảo sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn trong giáo dục đại học, trước hết, chúng ta cần xây dựng chương trình và nội dung đào tạo khoa học, phù hợp. Chương trình đào tạo phải đảm bảo sự cân đối giữa các môn khoa học cơ bản và khoa học thực nghiệm. Đối với các trường kỹ thuật, cần coi trọng các môn học thực hành, thực nghiệm để sinh viên có thể kiểm nghiệm trên thực tế các kiến thức khoa học. Đối với các trường kinh tế cần coi trọng các môn học có khả năng rèn luyện các kỹ năng phân tích, giải quyết các bài toán do thực tiễn nền kinh tế trong và ngoài nước đang đặt ra nhằm hình thành tư duy nhạy bén, linh hoạt, năng lực thực tiễn cho sinh viên. Đối với các trường khoa học xã hội và nhân văn, bên cạnh việc trang bị tri thức lý luận cho sinh viên, cần xây dựng các môn học có sự liên hệ với sự vận động của thực tiễn xã hội, thông qua đó giúp sinh viên kiểm nghiệm tính chân thực của tri thức, bổ sung, hoàn thiện tri thức lý luận, đồng thời rèn luyện khả năng vận dụng các tri thức lý luận vào giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra.

Nội dung các môn học cũng cần có phần liên hệ, ứng dụng thực tế để đảm bảo sự gắn kết giữa lý luận và thực tiễn trong từng môn học.

Một trong những biểu hiện quan trọng của nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn trong giáo dục là: Giáo dục kết hợp với lao động sản xuất. Do đó, chương trình giáo dục đại học cũng cần chú ý đến việc xây dựng các môn học trang bị và rèn luyện các kỹ năng lao động cơ bản và lao động sáng tạo cho sinh viên. Trên cơ sở mục tiêu đào tạo của mình, các trường có thể tổ chức những đợt thực tế, thực tập, tiếp xúc với cơ sở sản xuất kinh doanh để tạo điều kiện cho sinh viên thâm nhập và nắm bắt thực tế, liên hệ và vận dụng các kiến thức tiếp thu được trong sách vở vào hoạt động lao động sản xuất của xã hội. Hiện nay, giáo dục đại học cần đào tạo theo nhu cầu của thị trường, gắn trường học với đời sống xã hội, cơ sở sản xuất bên ngoài để sinh viên ra trường đáp ứng ngay được yêu cầu thực tiễn. Trường học đào tạo theo nhu cầu của các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp sẽ tạo điều kiện cho sinh viên làm quen với những vấn đề thực tiễn ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, khắc phục tình trạng sinh viên ra trường không am hiểu thực tiễn. Ngoài ra, chúng ta cần không ngừng nghiên cứu sự vận động của tình hình kinh tế, xã hội trong nước và thế giới với những xu thế phát triển mới để điều chỉnh chương trình, nội dung giáo dục đại học cho phù hợp nhằm tạo ra những sản phẩm giáo dục có tri thức cao, năng lực công tác tốt, nhanh chóng bắt kịp với yêu cầu của thị trường lao động thế giới trong bối cảnh mới.

Trong hoạt động giảng dạy, các giảng viên cũng cần đảm bảo sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn thông qua việc không ngừng làm giàu vốn tri thức, kinh nghiệm thực tế của mình; khi giảng dạy cần kết hợp lý thuyết với thực hành, gợi mở các vấn đề cụ thể trong đời sống hàng ngày để sinh viên liên hệ với những tri thức đã học. Đối với sinh viên, cần thực hiện tốt phương châm “học đi đôi với hành” bằng việc nỗ lực học tập để nắm vững kiến thức,

đồng thời phải biết liên hệ những kiến thức đó với thực tiễn, trau dồi và rèn luyện năng lực vận dụng kiến thức trong việc giải quyết các vấn đề thực tiễn.

Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là phương hướng, nguyên lý cơ bản trong giáo dục nói chung, giáo dục đại học nói riêng. Đó là cơ sở để xây dựng các biện pháp giáo dục cụ thể nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện.

Một phần của tài liệu Quan điểm Hồ Chí Minh về phương pháp giáo dục với việc đổi mới phương pháp giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay (Trang 71)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)