Khái quát nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục

Một phần của tài liệu Quan điểm Hồ Chí Minh về phương pháp giáo dục với việc đổi mới phương pháp giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay (Trang 27)

7. Kết cấu của luận văn

1.3.1.Khái quát nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục

Sinh thời, Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề con người. Trong “Di

chúc”, Người căn dặn: “Đầu tiên là công việc đối với con người” [52, tr. 616].

Sự nghiệp “trồng người” luôn quán xuyến tư tưởng của Người từ khi còn là một nhà yêu nước cho đến khi kết thúc sự trăn trở của cuộc đời người cộng sản: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” [48, tr. 582].

Để thực hiện chiến lược “trồng người”, theo Hồ Chí Minh, giáo dục là biện pháp quan trọng hàng đầu, là bước đầu tiên trong sự sống còn của một quốc gia. Giáo dục có vai trò nâng cao dân trí cho nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vấn đề phát triển giáo dục, nâng cao dân trí vừa là vấn đề thời sự, vừa là chiến lược lâu dài của tiến trình xây dựng xã hội và con người Việt Nam mới. Giáo dục còn có vai trò đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Người chỉ rõ: “Nước nhà phải kiến thiết, kiến thiết cần phải có nhân tài” [42, tr. 504] và nhấn mạnh: “Bây giờ xây dựng kinh tế. Không có cán bộ không làm được. Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế, văn hoá. Trong việc đào tạo cán bộ, giáo dục là bước đầu” [47, tr. 345].

Theo Hồ Chí Minh, mục tiêu giáo dục là đào tạo những người công dân có ích cho nước Việt Nam, những cán bộ tốt cho dân tộc. Đào tạo những công dân tốt, những cán bộ tốt, những người chủ tương lai tốt của nước nhà cũng tức là đào tạo những thế hệ con người mới, những con người lao động làm chủ tập thể, yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội và có tinh thần quốc tế vô sản.

Để xây dựng những con người xã hội chủ nghĩa vừa “hồng”, vừa “chuyên”, Người nhắc nhở: “phải chú trọng đủ các mặt: đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hoá, kĩ thuật, lao động và sản xuất” [49, tr. 647]; giáo dục phải toàn diện, chú ý cả đức dục, trí dục và thể dục. Đó chính là nội dung giáo dục mà cho đến ngày nay Đảng ta vẫn kế thừa để xây dựng nội dung giáo dục toàn diện trong chính sách giáo dục Việt Nam.

Theo Hồ Chí Minh, muốn làm tốt công tác giáo dục cần phải xây dựng thật tốt đội ngũ những người thầy giáo. Nghề thầy giáo rất quan trọng, rất vẻ vang, nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục. Người luôn đánh giá cao vai trò của các thầy, cô giáo: Người gọi đó là nghề rất vẻ vang: “Có gì vẻ vang hơn là đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Người thầy giáo tốt – thầy giáo xứng

đáng là thầy giáo – là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang, nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được? Vì vậy nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang” [51, tr. 402 – 403].

Bên cạnh đó, Người yêu cầu các cấp uỷ, chính quyền, các ngành, các giới, các đoàn thể quần chúng và toàn xã hội phải thật sự quan tâm đến công tác giáo dục, giúp đỡ nhà trường về mọi mặt, phát huy cao chế độ dân chủ trong nhà trường để tạo sự đoàn kết nhất trí giữa thầy và trò nhằm mục đích làm cho công tác giáo dục đạt hiệu quả cao nhất.

Để công tác giáo dục đạt được hiệu quả cao, theo Hồ Chí Minh, cần phải có phương pháp giáo dục đúng đắn, khoa học. Sinh thời, Hồ Chí Minh không trực tiếp nói về phương pháp giáo dục, nhưng qua những bài nói, bài viết, những huấn thị của Người đối với ngành giáo dục, chúng ta thấy toát lên những quan điểm có tính hệ thống về phương pháp giáo dục. Vấn đề này tác giả xin được trình bày cụ thể ở tiết sau.

Như vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục là hệ thống các quan điểm, tư tưởng của Người, từ việc xác định vị trí, vai trò của giáo dục, mục tiêu giáo dục, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục đến đội ngũ cán bộ làm công tác giáo dục… Tư tưởng của Người vẫn giữ nguyên tính thời sự, là cơ sở định hướng cho sự phát triển nền giáo dục Việt Nam trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Một phần của tài liệu Quan điểm Hồ Chí Minh về phương pháp giáo dục với việc đổi mới phương pháp giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay (Trang 27)