Ngôn ngữ trong thơ Viễn Phương đậm chất đời thường

Một phần của tài liệu Thơ Viễn Phương nhìn từ góc độ tư duy nghệ thuật (Trang 82)

6. Kết cấu của luận văn

3.2.2.Ngôn ngữ trong thơ Viễn Phương đậm chất đời thường

Trong tiến trình văn học dân tộc, ngôn ngữ văn học nói chung, ngôn ngữ thơ ca nói riêng ngày càng có sự đổi mới. Sự phát triển của ngôn ngữ thơ phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại. Thơ trung đại, ngôn ngữ mang tính quy phạm, bị gò bó trong khuôn mẫu của thi pháp truyền thống: niêm, luật, vần, đối, thủ pháp ước lệ tượng trưng và những hạn chế của thể loại thơ Đường.

Sau năm 1975, đặc biệt từ năm 1986 thơ có nhiều bứt phá, tìm tòi, sáng tạo, thực sự mang tính cách tân rõ rệt. Vì thế mà ngôn ngữ thơ có nhiều kiểu dạng: Có những loại trong sáng giản dị đậm chất dân gian, cũng có những loại ngôn ngữ đời thường trần trụi thô tháp…Hiện tượng ngôn ngữ nhiều kiểu làm cho thơ đa dạng phong phú hơn. Ở thời kỳ này, ngôn ngữ văn xuôi tràn vào thơ, nhiều cây bút có sự cách tân về ngôn ngữ rõ rệt như Chế Lan Viên, Phạm Tiến Duật, Bằng Việt, Xuân Quỳnh…Thơ Viễn Phương cũng nằm trong nguồn mạch chung của thơ ca thời đại. Thơ ông mang tính giản dị, dễ hiểu, đậm chất đời thường. Với quan niệm “làm thơ phải cực kì đơn giản”, Viễn Phương bộc bạch rằng ông không bao giờ tự gọt giũa cho ngôn ngữ thơ mình mà đó hoàn toàn là ngôn ngữ tự nhiên, ngôn ngữ tối giản. Ngôn ngữ thơ Viễn Phương vừa như tình cờ, vừa như vô ý nhưng lại luôn vươn tới tầm triết luận khẳng định sự tích lũy của vốn sống, tài năng của nhà thơ. Thơ Viễn Phương vì thế mang màu sắc hiện đại thể hiện trong việc lựa chọn thể thơ, việc cấu trúc câu thơ cũng như vốn từ ngữ của tác giả thể hiện cá tính sáng tạo Viễn Phương mà không giống với bất kì tác giả nào.

Nhà thơ Nguyễn Duy từng nói rằng: “Làm thơ mộng mơ là kiểu làm thơ của thời xa xưa, thời mà người ta thiếu thốn quá, nên nghĩ tới một chén rượu ngon, một miếng ăn ngon; ở cõi trần tục này gian khổ quá, người ta nghĩ đến một thế giới huyền ảo. Thơ bây giờ tồn tại trong hiện thực, cũng như thơ ngày càng gần với ngôn ngữ đời thường, ngôn ngữ văn xuôi chứ không tách ra giữa ngôn ngữ đời thường với ngôn ngữ thơ làm hai thế giới khác. Chuyện đó là của thời qua rồi”. Sau năm 1975, đất nước hòa bình, cuộc sống mới đặt ra nhiều vấn đề thiết thực. Để nói, để viết cho hết, cho đúng cái thực tại ấy, các nhà thơ cần đến tiếng nói của đời thường. Đó cũng là lí do để các tác giả có ý thức đưa ngôn ngữ đời thường vào thơ:

Rằng ngày sinh nhựt Cha già

Vườn tim con trổ đóa hoa mừng Người

(Chúc thọ trong tù)

Về thể thơ, Viễn Phương sử dụng rộng rãi các thể thơ truyền thống, từ thơ 5 chữ, 6 chữ, 8 chữ…tạo cho những vần thơ của ông được người cảm nhận một cách đơn giản. Những bài thơ 8 chữ, mỗi khổ 4 câu được nhà thơ sử dụng nhiều, tạo cảm giác ngưng đọng khi cảm nhận nó:

Em gái thương yêu từ miền đô thị Về thăm anh trên xứ sở hoa hồng

Tưởng thấy được những nỏ thần ngựa sắt Ẩn đâu đây trên đất thép thành đồng

(Về đất thành đồng)

Nhìn chung, thơ Viễn Phương ngắn ngọn, súc tích. Nhà thơ viết nhiều bài 4 chữ, nhiều bài thơ tự do đôi khỉ mỗi câu chỉ có 1 đến 2 chữ:

Mặt nước chân mây Có còn gặp mặt Hay trong bao la Phù du gió cát.

(Bài thơ tình cuối cùng)

Bên cạnh đó, Viễn Phương còn kết hợp nhiều thể loại trong cùng một bài thơ. Ở nhiều bài thơ sử dụng thể thơ 8 chữ nhưng Viễn Phương kết hợp một vài câu có 7 chữ hoặc 9 chữ tạo nên một sức liên tưởng mạnh trong ý thơ:

Bỗng ào ạt sóng xô…con tàu máu Bóng quân thù đen hơn cả đêm đen Em là gió những cũng là vũ bão

Là nước Cổ Chiên, cũng là sóng Bạch Đằng

Trong nhiều tác phẩm thơ, việc sử dụng phong phú, đa dạng ngôn ngữ đã tạo nên sự gợi cảm, gợi lên sự liên tưởng rất cao của ngôn ngữ thơ thời kì này. Chính điều đó tạo nên sức rung động mạnh mẽ đến tình cảm và nhận thức mỗi người. Có thể nói, Viễn Phương ở những mức độ khác nhau đều có sự cố gắng lựa chọn, sử dụng một cách sáng tạo ngôn ngữ thơ để góp phần tăng thêm hiệu quả nghệ thuật, tạo cho thơ mình có được vẻ đẹp riêng và sức hấp dẫn sâu bền đối với người đọc:

Trên xứ anh đào nở Biển reo xanh bãi bờ Có một cô gái nhỏ Tên là Xi-xa-cô

(Cánh sếu)

Nhà thơ là người giữ gìn và phát huy vốn tài sản quý của Tiếng Việt. Vấn đề ngôn ngữ trong thơ ca của từng tác giả phụ thuộc vào phong cách sáng tạo của từng nhà thơ và thời đại mà thơ ra đời. Trước hết là cách nói dân gian được nhiều nhà thơ sử dụng khiến cho thơ vừa dễ nhập vào người đọc, vừa có khả năng tạo nên tiếng cười trong thơ. Với Viễn Phương sử dụng hình thức thơ lục bát phần nào đã phát huy được nét truyền thống vốn có của thơ ca dân tộc:

Ngủ đi con, ngủ cho ngoan Mẹ đi đánh giặc luôn phần con thơ

Giờ này sống lại thành đô Mẹ đi, ráng pháo, sao cờ cùng đi

(Tiếng hát dưới gầm cầu)

Ở cấp độ câu thơ, chính bởi thể thơ tự do mà câu thơ của Viễn Phương mang hơi thở đời sống thật thà, chất phác, không hoa mỹ điểm tô. Sự lựa chọn thể thơ tự do đã đem lại cho Viễn Phương sự tự do trong sự lựa chọn ngôn

ngữ thơ cho riêng mình, ngôn ngữ chắt lọc từ đời sống phong phú và vô tận của con người đã mang lại cho nhà thơ thứ vũ khí để chống lại sự sáo mòn của ngôn ngữ thơ ca. Với Viễn Phương thơ có vần hay không có vần không phải là điều quan trọng mà quan trọng là một tài năng sử dụng ngôn từ một cách chính xác, đó là phẩm chất không thể thiếu của thi nhân, quan điểm này giúp Viễn Phương vượt qua được sự khuôn sáo trong sử dụng từ ngữ. Vì vậy mà ngôn ngữ trong thơ Viễn Phương luôn có sức sống ở sự gần gũi, mang hơi thở đời sống:

Tiếc nương dâu xanh Thương từng hột cát

Thương từng giọt nước Cửu Long Mùa đục mùa trong…

(Cửu Long giang)

Viễn Phương đến với thơ tự do với những câu thơ đầy mãnh liệt của nhịp sống chiến tranh, sự ồn ã của đời sống hiện tại như một sự gặp gỡ giữa phong cách Viễn Phương và nghệ thuật hiện đại:

Buổi sáng mùa xuân Tư bề súng nổ

Em ngã xuống ven thành lửa đỏ Đóa hoa hồng…Em ơi! Tặng ai? (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

(Nhớ cánh lan hồng)

Nếu ngôn ngữ và hình ảnh là những yếu tố song hành thì âm điệu cũng là yếu tố đồng hành với tính nhạc. Nói một cách hình ảnh, nếu ngôn ngữ là sợi dây đàn thì nhạc tính và âm điệu là những cung bậc thanh âm ngân lên từ sợi dây đàn ấy. Việc kiến tạo âm điệu trong thơ cũng chính là kiến tạo nhạc tính. Và âm điệu cũng là chiếc cầu nối thơ với người đọc, dẫn dụ người đọc đi

vào thế giới màu nhiệm của thơ ca. Các câu thơ sau sở dĩ “đầy nhạc” chính vì sự tập trung dày đặc các nguyên âm mở và phụ âm vang tạo âm điệu cho thơ:

Mênh mông cồn cát

Bãi trắng hoa lau chiều bát ngát

(Cửu Long giang)

“Nhạc điệu là một yếu tính của thi ca. Thiếu nhạc tính thơ trở thành văn xuôi” (Bằng Giang). Bởi nhạc tính như một nét duyên thầm làm nên vẻ đẹp của thơ, cũng là một yếu tố tạo mỹ cảm cho người đọc. “Ly khai với nhạc tính, thơ chỉ còn là một nhan sắc trơ trẽn thiếu duyên” (Tam Ích). Và “Thơ là sự phối hợp của âm thanh”. Thơ bao giờ cũng là sự kết hợp hài hòa giữa ý và nhạc. Nếu “rơi vào cái vực ý thì thơ sẽ sâu nhưng rất dễ khô khan. Rơi vào cái vực nhạc thì thơ dễ làm say lòng người nhưng dễ nông cạn” (theo Chế Lan Viên). Rõ ràng, nhạc tính là tiếng nói linh diệu của thi ca, gợi thức trí tưởng tượng của người đọc, nói như La Fontaine “Chẳng có thơ nào không có nhạc”. Hơn bất cứ ngôn ngữ ở thể loại nào khác, ngôn ngữ thơ với tính cách là một thứ ngôn ngữ giàu nhịp điệu, phong phú về cách hòa âm, tiết tấu, giàu từ láy âm, tượng hình, chính là thứ ngôn ngữ giàu tính nhạc. Nhạc tính trong thơ được tạo nên từ nhiều yếu tố như nhịp điệu, cách gieo vần, phối thanh…

Con cò bay lả bay la

Chiều chiều nhớ mẹ bay qua Tháp Mười Mênh mông mặt nước chân trời

Nửa đêm bão tố, rã rời cò sa

(Con cò thơ)

Vần là sự lặp lại những âm thanh tương tự để tạo chỗ dựa cho nhạc tính. Thơ có vần chính và vần thông. Vần chính là vần cùng một khuôn âm, vần thông là theo một khuôn âm tương tự. Xét về vị trí vần, còn chia ra vần chân và vần lưng. Thơ tự do ngày nay không bó buộc về hiệp vần, nhưng các

nhà thơ vẫn sử dụng vần như một yếu tố biểu cảm làm tăng vẻ đẹp của thơ và trong thơ Viễn Phương cũng vậy:

Lâu rồi! lâu lắm rừng ơi

Chim xanh chẳng ở về chơi với rừng

(Rừng ơi)

Trong thơ Viễn Phương ta bắt gặp một hệ thống từ chỉ tên người, tên đất mang tính xác định. Những từ ngữ chỉ địa danh không phải là những con số khô cứng mà nó gắn liền với những kỉ niệm, những tâm sự mà nhà thơ từng sống, từng trải qua. Đó là những dòng sông trở nặng phù sa: Sông Tiền, sông Hậu, sông Cửu Long, sông Hồng…đó là những vùng đất thân yêu: Củ Chi, Long Xuyên, Châu Đốc, Tân Châu…đó là những anh hùng của dân tộc, một Bác Hồ vĩ đại, một Lê Văn Tám dũng cảm…

Nhớ làm sao! Nhớ làm sao

Long Xuyên, Châu Đốc, Tân Châu quê nhà

(Nhớ quê)

Ngôn ngữ thơ cần có sự giản dị và mỹ lệ. Sự giản dị và mỹ lệ ấy xuất phát từ đòi hỏi của cuộc sống và từ yêu cầu của nghệ thuật. Nhà thơ lấy cảm hứng từ cuộc sống, nếu thiếu cuộc sống thì thơ sẽ không thành, nhưng thiếu thơ thì cuộc sống sẽ mất đi thi vị. Còn nghệ thuật thì không chấp nhận những điều tầm thường, giả dối nên ngôn ngữ thơ phải đạt đến mức trong sáng, đồng thời còn phải có khả năng gợi cảm, gợi tả, gợi lên cho người nghe, người đọc những liên tưởng và để lại trong lòng người đọc dấu ấn đậm đà. Mặt khác, nói đến tính mỹ lệ là nói đến mức độ cao nhất của sự sáng tạo nghệ thuật trong thơ.

Một phần của tài liệu Thơ Viễn Phương nhìn từ góc độ tư duy nghệ thuật (Trang 82)