6. Kết cấu của luận văn
2.2.1. Khái niệm về cái tôi, cái tôi trữ tình trong thơ
Cái tôi thực chất là một khái niệm triết học. Các nhà triết học duy tâm R.Đề-các, G.w.F.Hêghen, H.Becxông…là những người đầu tiên chú ý đến cái tôi khi đề cao ý thức, chủ quan - khách quan, cá nhân – xã hội. R.Đề-các (1569 – 1650) đã đưa ra một định nghĩa nổi tiếng: “Tôi tư duy vậy tôi tồn tại”. Theo ông, cái tôi thuộc về thực thể biết tư duy, như căn nguyên của nhận thức duy lý. Nhà triết học H.Becxông thì lại cho rằng con người có hai cái tôi. Cái tôi bề mặt là các quan hệ của con người đối với xã hội. Còn cái tôi bề sâu là phần sâu thẳm của ý thức. Ý thức mới chính là đối tượng của nghệ thuật.
Trên cơ sở những nghiên cứu thành tựu về con người, đặc biệt là thành tựu về triết học, tâm lý học, C.Mác đã đưa ra định nghĩa hoàn chỉnh và đầy đủ về cái tôi như sau: “Cái tôi là trung tâm tinh thần của con người, của cá tính người, có quan hệ tích cực đối với thế giới và đối với chính bản thân mình. Chỉ có con người độc lập kiểm soát những hành vi của mình và có khả năng thể hiện tính chủ động toàn diện mới có cái tôi của mình. Cái tôi có thể xem là cấu trúc phần tự giác”.
Như vậy, cái tôi vừa mang bản chất xã hội, có quan hệ gắn bó khăng khít với hoàn cảnh, vừa mang bản chất cá nhân độc đáo. Nói về cái tôi là nói về bản chất của chủ thể trong nhận thức và sáng tạo. Vì thế nó ảnh hưởng lớn đến nghệ thuật nói chung và thơ ca trữ tình nói riêng.
“Thơ trữ tình là thuật ngữ chỉ chung các thể thơ thuộc loại trữ tình. Trong đó, cảm xúc và suy tư của nhà thơ hoặc của nhân vật trữ tình trước các hiện tượng đời sống được thực hiện một cách gián tiếp. Tính chất cá thể hóa của cảm nghĩ và tính chất chủ quan hóa của sự thể hiện là dấu hiệu tiêu biểu của thơ trữ tình. Là tiếng hát của tâm hồn, thơ trữ tình có khả năng thể hiện
những biểu hiện phức tạp của thế giới nội tâm từ các cung bậc tình cảm cho tới những chính kiến, những tư tưởng triết học” [9, tr. 317].
Thơ trữ tình luôn gắn bó với cái tôi trữ tình. Khái niệm về cái tôi trữ tình tuy có nhiều ý kiến, quan niệm nhưng cơ bản vẫn gặp nhau ở nội hàm: Tính trữ tình và tính chủ thể.
Như vậy, cái tôi là điểm khởi đầu và cũng là điểm kết thúc của quá trình sáng tạo nghệ thuật. Nó là linh hồn của chủ thể trữ tình. Thơ trữ tình nào cũng dựa trên sự rung động của cái tôi cá nhân, mang số phận cá tính riêng tư của các tình huống trữ tình. Sự khác biệt của các thời đại thi ca, suy cho cùng chính là sự khác biệt của cái tôi trữ tình và các dạng thức biểu hiện của nó. Thế giới của cái tôi trữ tình là không cùng. Vì thế ý thức về cái tôi, phát triển cái tôi là vấn đề cần thiết cho sự phát triển của thơ ca.
Các dạng biểu hiện của cái tôi trữ tình
Trong cuốn Tư duy thơ và tư duy thơ hiện đại Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Bá Thành cho rằng: “Thơ trữ tình là “bản tốc ký nội tâm” [31, tr. 166]. Vì vậy, về bản chất mọi nhân vật trữ tình trong thơ chỉ là những biểu hiện đa dạng dưới cái tôi trữ tình. Cũng theo PGS.TS Nguyễn Bá Thành thì “cái tôi trữ tình trong thơ được biểu hiện dưới hai dạng thức chủ yếu là cái tôi trữ tình trực tiếp và cái tôi trữ tình gián tiếp. Thơ trữ tình coi trọng sự biểu hiện của chủ thể đến mức như là nhân vật số một trong mọi bài thơ” [31]. Tuy nhiên, do sự chi phối của quan niệm thơ mỗi thời đại mà vị trí của cái tôi trữ tình có những vận động và thay đổi nhất định.
Cái tôi trữ tình trực tiếp
Trong một bài thơ bất kỳ, cái tôi trữ tình được coi là nhân vật số một, là linh hồn của tác phẩm. Nó chi phối đến toàn bộ tư tưởng, tình cảm của bài thơ đó. Nó mang một vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng. Nhưng ở mỗi thời đại, ở
mỗi hoàn cảnh và ở từng nhà thơ, mối quan hệ giữa chủ thể và khách thể trong tư duy thơ có sự khác nhau.
Khi thơ nhằm vào chủ thể, phản ánh tình cảm cá nhân - cái tôi, đó là tư duy thơ thiên về hướng nội, tiêu biểu là những sáng tác trong phong trào thơ Mới. Khi thơ hướng vào phản ảnh hiện thực khách quan – khách thể, đó là tư duy thơ thiên về hướng ngoại, thể hiện rõ nhất là các tác phẩm viết trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Hướng nội và hướng ngoại trong tư duy thơ không đối lập mà bao hàm. Có hướng nội trực tiếp và có hướng nội gián tiếp. Hướng ngoại cũng có hướng ngoại trực tiếp và hướng ngoại gián tiếp. Giữa chúng có mối quan hệ tương đồng, tuy nhiên nhận thức của thơ lúc thiên về chủ thể, khi lại thiên về khách thể.
Cái tôi trữ tình nghệ sĩ nội cảm hóa thế giới thực tại và biểu hiện mình qua hình tượng nghệ thuật. Khi cái tôi biểu hiện dưới dạng cảm xúc trực tiếp, ta có hình thức của cái tôi trực tiếp hay nhân vật trữ tình trực tiếp. Sự khác biệt về cái tôi trữ tình tạo nên sự khác biệt về phong cách.
Như vậy, nhân vật trữ tình trực tiếp chính là cái tôi được biểu hiện dưới dạng cảm xúc trực tiếp, có thể ở dạng trực tiếp của tình cảm riêng tư, gắn liền với cuộc đời riêng của tác giả, hoặc những cảm xúc, suy ngẫm mà nhà thơ có dịp chứng kiến, hoặc trải qua.
Cái tôi trữ tình gián tiếp
Cái tôi trữ tình mang bản chất của chủ thể, nó trở thành hệ quy chiếu thẩm mỹ đặc biệt mang tính chất chủ quan chuyển đổi hiện thực khách thể thành hiện thực chủ thể mang đạm dấu ấn cá nhân như một hiện tượng độc đáo duy nhất, không lặp lại.
Cái tôi trữ tình tự biểu hiện khai thác thế giới nội tâm của chủ thể. Cái tôi trữ tình khác về chất lượng với cái tôi nhà thơ, cái tôi trữ tình không chỉ là
cái tôi nhà thơ, nó là cái tôi thứ hai, hoặc cái tôi đã được nghệ thuật hóa trong tác phẩm, vì vậy, cái tôi trữ tình còn có thể có cái tôi trữ tình một vai hoặc nhiều vai.
Theo Giáo sư Hà Minh Đức, trường hợp thứ ba trong dạng biểu hiện cái tôi là những bài thơ trữ tình viết về một nhân vật nào đó, như bà mẹ Việt Bắc, bà má Hậu Giang, anh hùng Nguyễn Văn Trỗi hay chị Trần Thị Lý…Đó là những nhân vật có thật ngoài cuộc sống. Cái tôi trữ tình được tác giả nghệ thuật hóa, nhân vật trữ tình trong tác phẩm đứng cạnh cái tôi trữ tình nhà thơ. Cái tôi trữ tình được tác giả nghệ thuật hóa, đó là nhân vật trữ tình quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn trong thơ. Chính lúc đó, cái tôi trữ tình được hóa thân nhập vai vào các nhân vật trữ tình khác.
Tuy tình cảm, cảm xúc được biểu hiện thông qua con đường gián tiếp, cái tôi trữ tình gián tiếp, nhưng cái tôi của nhà thơ vẫn có mặt ở mọi nơi, vẫn xuất hiện ở từng tác phẩm. Sự hiện diện này, bộc lộ ở cách riêng trong sự cảm nhận của mỗi cá nhân.
Nói chung, dù hướng nội hay hướng ngoại, dù trực tiếp hay gián tiếp thì cái tôi trữ tình vẫn là sự tổng hòa của nhiều yếu tố, là sự hội tụ, sự thăng hoa cảm xúc. Cái tôi có vai trò quan trọng trong thơ với tư cách là trung tâm để bộc lộ tất cả những suy nghĩ, tình cảm bằng một giọng điệu riêng, nhờ vậy làm nên cái tôi độc đáo không lẫn giữa nhà thơ này với nhà thơ khác. Dù ở dạng nào, trực tiếp hay gián tiếp thì người đọc bao giờ cũng nhận ra cái tôi đang đối thoại hay độc thoại với cuộc đời, vẫn mang dấu ấn của chủ thể sáng tạo.