Phân biệt biểu tượng, ẩn dụ, tượng trưng, hình tượng

Một phần của tài liệu Thơ Viễn Phương nhìn từ góc độ tư duy nghệ thuật (Trang 56)

6. Kết cấu của luận văn

3.1.2.Phân biệt biểu tượng, ẩn dụ, tượng trưng, hình tượng

Biểu tượng và ẩn dụ

Biểu tượng có quan hệ gần gũi với ẩn dụ nhưng lại khác với ẩn dụ. Chúng là hai khái niệm rất dễ nhầm lẫn bởi chúng đều là những phương thức chuyển nghĩa của lời nói dựa trên cơ sở đối chiếu so sánh các sự vật, hiện tượng. VI.Ermina đã chỉ ra sự khác biệt này: “Ẩn dụ trong thơ ca dân gian được sinh ra tức thời và mất đi khá nhanh. Biểu tượng được hình thành trong thời gian dài và sống hàng trăm năm. Ẩn dụ là yếu tố biến đổi còn biểu tượng không đổi mà bền vững. Ẩn dụ là phạm trù thẩm mỹ và phần lớn tự do, tách khỏi hệ thống thi ca xác định” (Dẫn Phạm Thu Yến – Vấn đề nghiên cứu biểu tượng thơ ca dân gian) [36].

Qua ý kiến trên, ta thấy sự khác nhau giữa ẩn dụ và biểu tượng là ở tính bền vững, tính tự do và tính ước lệ. Ẩn dụ là một phương thức chuyển nghĩa, lấy sự vật, hiện tượng này để gọi tên sự vật, hiện tượng khác, trong đó luôn có một vế ẩn đi và một vế lộ diện. Còn biểu tượng thì có phạm vi rộng hơn.

Biểu tượng khác với biểu hiện, vật liệu, phóng dụ, ẩn dụ, loại suy, triệu chứng, dụ ngôn, ngụ ngôn lí luận. Tất cả những loại trên đều có thể xem là những dấu hiện không vượt quá mức độ của sự biểu nghĩa; còn biểu tượng luôn rộng lớn hơn các ý nghĩa được gán cho nó một cách nhân tạo, nó có một sức vang cốt yếu và tự sinh.

Hơn nữa, mối quan hệ giữa cái biểu đạt và được biểu đạt trong ẩn dụ là mối quan hệ tương đồng, còn trong biểu tượng là mối quan hệ nội tại. Vì vậy, người ta không thể đồng nhất biểu tượng và ẩn dụ, sự đồng nhất sẽ biến biểu tượng thành một dạng tu từ thông thường.

Biểu tượng và tượng trưng

Trong tiếng Anh, thuật ngữ “Biểu tượng” (symbol) được dùng với cả hai nghĩa đó là: Biểu tượng và hình ảnh tượng trưng. Nhưng ở đây, chúng tôi phân biệt hai khái niệm này vì ở một góc độ nhất định chúng hoàn toàn không đồng nhất với nhau.

Tượng trưng khác biểu tượng ở điểm cơ bản đó là: nghĩa của tượng trưng thường được cố định và ổn định hóa. Một hình ảnh tượng trưng cũng chỉ là một nét nghĩa của biểu tượng đã được ước lệ hóa mà thôi. Trong khi đó, nghĩa của biểu tượng lại rất “năng động”, sự biến đổi nghĩa của nó tùy thuộc vào ngữ cảnh ngôn ngữ, ngữ cảnh văn hóa, quan hệ với nhân tố chủ thể và môi trường văn hóa. Chẳng hạn như, từ một mẫu gốc nước trong nền văn hóa nhân loại sẽ sản sinh ra nhiều biến thể khác nhau như biển, ao, sông, hồ, sương…nhưng khi các biến thể này đi vào trong thơ văn, nó lại mang những nét biểu tượng khác nhau. Trong thơ Hồ Xuân Hương đó là biểu tượng cái giếng: “Giếng ấy thanh tân ai chẳng biết/ Đố ai dám thả nạ đòng đòng” (Giếng nước), còn đối với Nguyễn Khuyến thì nó là một cái ao nhỏ: “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo/ Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo” (Thu điếu).

Như vậy, chúng ta không thể đồng nhất biểu tượng và tượng trưng, như thế sẽ làm mất đi nhiều nét nghĩa của biểu tượng.

Biểu tượng và hình tượng

Theo Từ điển thuật ngữ văn học, khái niệm về hình tượng nghệ thuật được coi là “sản phẩm của phương thức chiếm lĩnh thể hiện và tái tạo hiện thực theo quy luật của tưởng tượng, hư cấu nghệ thuật” [9]. Hình tượng nghệ thuật chính là khách thể đời sống được nghệ sĩ tái tạo một cách sáng tạo trong tác phẩm nghệ thuật. Nó làm cho thế giới hiện thực hiện lên sống động trong tác phẩm, giúp người đọc có thể thưởng thức hiện tượng, sự vật như cuộc sống đang diễn ra trước mắt.

Đặc điểm nổi bật của hình tượng văn học là sự thống nhất giữa chủ thể và khách thể sáng tạo hình tượng, giữa hiện thực và lý tưởng, giữa khái quát và cụ thể. Do đó, hình tượng văn học mang tính biểu tượng cao. Hình tượng văn học là đứa con tinh thần của nhà văn, là tiếng nói tư tưởng quan điểm của nhà văn.

Nếu yếu tố khác biệt giữa hình tượng và biểu tượng là tính ký hiệu, tính bền vững thì biểu tượng nổi rõ còn hình tượng mờ hơn. Điều đó có nghĩa biểu tượng xuất hiện trong tác phẩm là tín hiệu nghệ thuật để người đọc phát hiện ra các tầng nghĩa đi vào mạch ngầm sáng tạo của nghệ sĩ vừa là biểu tượng vừa là hình tượng (con đường trong thơ Tố Hữu, vầng trăng trong Truyện Kiều của Nguyễn Du…). Tuy vậy, biểu tượng là những hình tượng văn học, nhưng không phải hình tượng văn học nào cũng là biểu tượng. Như vậy, hình tượng và biểu tượng trong tác phẩm văn học thống nhất nhưng không đồng nhất.

Một phần của tài liệu Thơ Viễn Phương nhìn từ góc độ tư duy nghệ thuật (Trang 56)