Từ ghép đẳng lập:

Một phần của tài liệu Khảo sát thuật ngữ kinh tế trong Văn kiện Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam và sự chuyển dịch tương ứng sang tiếng Anh (từ văn kiện Đại Hội IX - X (Trang 26)

Từ ghép đẳng lập có những đặc trưng chung là:

- Quan hệ ngữ pháp giữa các thành tố trong từ là quan hệ bình đẳng, - Xét về mặt quan hệ ý nghĩa giữa các thành tố có thể thấy:

Hoặc các thành tố đồng nghĩa nhau, trong đó :

 Có thể có một yếu tố thuần Việt và một yếu tố Hán Việt. Ví dụ : bạn hữu, bụng dạ, máu huyết,…

 Có thể cả hai yếu tố đều là Hán Việt. Ví dụ : tư duy, thổ địa, tiện lợi, cốt nhục,…

 Có thể cả hai yếu tố đều là thuần Việt. Ví dụ : đợi chờ, máu mủ, xinh đẹp,…

 Có thể có một yếu tố toàn dân và một yếu tố vốn là từ địa phương. Ví dụ: Chân cẳng, bát đọi, chợ búa,…

Hoặc các thành tố gần nghĩa nhau. Ví dụ: thương nhớ, nhà cửa, áo quần, ăn uống, đi đứng, …

Hoặc các thành tố trái nghĩa nhau. Ví dụ: đầu đuôi, sống chết, già trẻ, gần xa, trong ngoài,…

Xét về mặt nội dung, nói chung, từ ghép đẳng lập thường gợi lên những phạm vi sự vật mang ý nghĩa phi cá thể hay tổng hợp (tức biểu thị sự vật, tính chất hay hành động chung, mang tính chất khái quát).

Tuy có quan hệ bình đẳng về mặt ngữ pháp, nhưng không đưa đến hệ quả là ý nghĩa từ vựng của các thành tố trong từ đều có giá trị ngang nhau trong mọi trường hợp. Như ta sẽ thấy, những trường hợp một trong hai thành tố phai mờ nghĩa xảy ra phổ biến trong từ ghép đẳng lập.

Căn cứ vào vai trò của các thành tố trong việc tạo nghĩa và phạm vi biểu đạt của từ ghép, có thể phân từ ghép đẳng lập thành ba loại nhỏ là từ ghép đẳng lập gộp nghĩa, từ ghép đẳng lập đơn nghĩa và từ ghép đẳng lập hợp nghĩa.

* Từ ghép đẳng lập gộp nghĩa: bao gồm những từ ghép thuộc mô hình ngữ nghĩa AB = A+B. Tức là loại mà nghĩa của từng thành tố cùng nhau gộp lại để biểu thị ý nghĩa khái quát chung của cả từ ghép, trong ý nghĩa chung đó có ý nghĩa riêng của từng thành tố. Chẳng hạn, từ quần áo chỉ đồ mặc nói chung, trong đó có cả quần lẫn áo.

Một số ví dụ về từ ghép gộp nghĩa: điện nước, xăng dầu, tàu xe, xưa nay, chạy nhảy, học tập, nghe nhìn, thu phát, ăn uống, tốt đẹp, may rủi, hèn mọn, thầy trò, vợ con,...

* Từ ghép đẳng lập đơn nghĩa: bao gồm từ ghép thuộc mô hình ngữ

nghĩa AB = A hoặc B. Tức là loại mà nghĩa khái quát chung của cả từ ghép tương ứng với ý nghĩa của một thành tố có mặt trong từ. Ví dụ: núi non, binh lính, thay đổi, tìm kiếm,...

Do nghĩa của cả từ ghép tương đương với nghĩa của một thành tố nên thành tố còn lại có xu hướng bị mờ nghĩa hoặc bị mất nghĩa. Yếu tố này sẽ làm chỗ dựa cho ý nghĩa của cả từ ghép. Có thể nói sự mờ nghĩa của núc (bếp núc), búa (chợ búa), pheo (tre pheo), chóc (chim chóc) ... chính là kết quả cực đoan của mô hình đơn nghĩa này.

Một số ví dụ về từ ghép đẳng lập đơn nghĩa: bếp núc, chợ búa, đường sá, áo xống, ăn mặc, ăn nói, viết lách,…

* Từ ghép đẳng lập hợp nghĩa: bao gồm những từ ghép nằm trong mô hình ngữ nghĩa AB > A+B . Tức là loại mà ở đó nghĩa của cả từ không phải chỉ là phép cộng đơn thuần nghĩa của các thành tố, mà nó là sự tổng hợp nghĩa của các thành tố kèm theo sự trừu tượng hóa dựa trên cơ sở liên tưởng ẩn dụ hay hoán dụ. Do đó nghĩa của cả từ mới hơn so với nghĩa của từng thành tố. Ví dụ, “đất nước” không phải chỉ “đất” và “nước” nói chung hay chỉ “đất” hoặc “nước”, mà hai yếu tố được hợp lại để chỉ lãnh thổ của một quốc gia trong đó có những nét tiêu biểu là đất và nước. Trường hợp non sông, sông núi, sơn hà cũng vậy.

Một phần của tài liệu Khảo sát thuật ngữ kinh tế trong Văn kiện Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam và sự chuyển dịch tương ứng sang tiếng Anh (từ văn kiện Đại Hội IX - X (Trang 26)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)