Dịch thuật nói chung và dịch thuật ngữ nói riêng là một lĩnh vực vô cùng phức tạp. Trước hết bởi tính khoa học nghiêm túc, đòi hỏi chính xác cao của việc chuyển dịch thuật ngữ. Hơn nữa, khi chuyển dịch thuật ngữ còn phải tính đến yếu tố khả dụng của thuật ngữ; tức là chuyển dịch sao cho giới chuyên môn, học thuật chấp nhận và sử dụng.
Dịch thuật là lĩnh vực bị chi phối bởi nhiều yếu tố (văn hóa, ngôn ngữ, thói quen sử dụng, tình huống giao tiếp, đặc thù của từng chuyên ngành cụ thể ..v..v) nên biết thông thạo hai ngôn ngữ chưa đủ để đảm bảo cho sự thành công của bản dịch. Người dịch không những phải nắm vững hai ngôn ngữ mà còn phải biết các cách chuyển dịch ngôn ngữ này
sang ngôn ngữ khác, đồng thời phải nhận thấy rõ tính lô-gíc nhất quán và trình tự của các bước chuyển dịch đó trong hoạt động dịch. Người dịch cũng cần phải lường trước được những khó khăn có thể xảy ra trong khi dịch
Ngôn ngữ học có bộ môn nghiên cứu đối chiếu ngôn ngữ là một chuyên ngành nghiên cứu đặc biệt có ý nghĩa cho việc chuyển dịch ngôn ngữ. Nghiên cứu đối chiếu ngôn ngữ để nắm được các quy luật của các cặp ngôn ngữ, các nét tương đồng và dị biệt giữa hai ngôn ngữ, tìm hiểu và xác định những mối quan hệ tương quan ở các cấp độ khác nhau như từ vựng, cấu trúc ngữ pháp, các đặc trưng về phong cách của hai ngôn ngữ được so sánh, đối chiếu là điều hết sức cần thiết cho người dịch trước khi tiến hành công tác chuyển dịch ngôn ngữ.
Tuy những nghiên cứu đối chiếu chưa hẳn đã đảm bảo tất cả các yêu cầu của dịch thuật bởi vì trên thực tế phần lớn các thông tin cụ thể cần chuyển dịch khác xa những mối tương quan đã được thiết lập sẵn, nhưng những tri thức về ngôn ngữ học đặc biệt là ngôn ngữ học đối chiếu thực sự giúp đỡ cho người dịch trong việc tạo được bản dịch thành công nhất.
Một công cụ trợ giúp hữu hiệu khác trong công tác chuyển dịch ngôn ngữ là từ điển (bao gồm từ điển song ngữ thông dụng và từ điển song ngữ chuyên ngành); song những ai đã từng tiến hành dịch chắc chắn đều vấp phải một vấn đề: đó là sự bối rối, khó xử khi lựa chọn nghĩa cho các từ đa nghĩa được bày ra trong từ điển. Thông thường để giải quyết vấn đề này người dịch phải dựa vào kinh nghiệm, kiến thức nền và văn cảnh cụ thể. Tình trạng không tương đương giữa hai ngôn ngữ xảy ra thường xuyên là do sự khác nhau giữa các hệ thống ngôn ngữ, người dịch cần phải biết bản chất của nó để giải quyết những vấn đề cụ thể trong dịch thuật. Sự khác biệt trên có thể chia làm hai nhóm:
- Tính đa nghĩa và sự không trùng khớp do tính đa nghĩa trong các ngôn ngữ.
a) Sự khác nhau về hệ thống khái niệm trong các ngôn ngữ khác nhau
“Khái niệm là một đối tượng trong suy nghĩ trừu tượng, một ý tưởng, một ý nghĩa của một tên gọi chung trong phạm trù lôgic, hoặc một sự diễn xuất – bằng suy nghĩ - về các đối tượng và hiện tượng trong tâm lý học. Khái niệm là hình thức cơ bản của tư duy, phản ánh những thuộc tính chung, bản chất của sự vật, quá trình, hiện tượng.”
http://vi.wikipedia.org/wiki/Th%E1%BA%A3o_lu%E1%BA%ADn:Kh %C3%A1i_ni%E1%BB%87m
Bởi khái niệm là hình thức cơ bản của tư duy, trong khi đó giữa các cộng đồng ngôn ngữ khác nhau thì nhận thức và tư duy lại khác nhau. Điều này được quy định do sự khác nhau của điều kiện sống, môi trường, vị trí địa lí dẫn đến đặc trưng văn hóa và tư duy khác nhau. Ví dụ, người Etskimo, có tới 25 khái niệm khác nhau về tuyết. Trong tiếng Việt khi nói tới cây lúa chúng ta có rất nhiều khái niệm để chỉ các quá trình phát triển của cây lúa: Cây mạ, cây lúa, hạt thóc, hạt gạo, hạt cơm; trong khi trong tiếng Anh chỉ có một khái niệm là rice. Khi tiếng Anh có rất nhiều danh từ chỉ tiền tệ: money, rent, pension, salary, wage, fees, expense, tuition, bonus, tip, fake, loan, fare thì tiếng Việt lại có nhiều từ chỉ về vải (lụa): tơ, lụa, lượt, là, gấm, vóc, đũi, thao, nhiễu, the, đoan, nái, sồi, vân…
Trong tiếng Anh chuyên ngành kinh tế các từ corporation, company đều gọi chung là công ty hay các từ engineering, work, project
khi chuyển dịch sang tiếng Việt đều được gọi là công trình. Ngược lại một từ tiếng Anh có thể dịch ra nhiều nghĩa trong tiếng Việt, ví dụ từ
plan- kế hoạch, mặt bằng, chương trình, giáo án (lesson plan), dàn ý (trong bài viết của học sinh); hay từ capital- tư bản, vốn, thủ đô, thủ phủ, chữ viết hoa. Sự khác nhau về hệ thống khái niệm trong các ngôn ngữ bắt nguồn từ sự khác nhau về hệ thống tư duy của mỗi dân tộc. Bởi vậy,
hầu như không bao giờ có sự trùng khít trong cả khái niệm và văn cảnh trong dịch thuật, điều này đôi khi buộc người dịch phải tiến hành chuyển dịch một dung lượng lớn thông tin trong một số lượng từ, ngữ nhất định, đôi khi người dịch phải thêm, bớt, thay đổi diện mạo từ, thay đôi cấu trúc câu, văn cảnh... Điều này đòi hỏi người dịch thuật khi chuyển dịch ngôn ngữ phải nắm vững không những hai ngôn ngữ, mà còn phải thấu hiểu văn hóa, lịch sử của cả hai dân tộc.
b) Tính đa nghĩa và sự không trùng khớp do tính đa nghĩa trong các ngôn ngữ.
Tính đa nghĩa là hiện tượng có trong tất cả các ngôn ngữ, trong tất cả phạm vi, loại hình của ngôn ngữ dù là ngôn ngữ phổ thông hay ngôn ngữ khoa học chuyên biệt. Điều này đã gây rất nhiều khó khăn trong việc dịch thuật của các dich giả bởi một từ càng nhiều nét nghĩa thì càng phức tạp cho việc lựa chọn nghĩa chuyển dịch. Thường thì các mục từ trong từ điển hay đưa ra hàng loạt các từ có nghĩa tương đương, nhưng nếu khi ta kiểm tra lại tính đương đương của một mục từ theo cả hai chiều (ngôn ngữ nguồn- ngôn ngữ đích, ngôn ngữ đích- ngôn ngữ nguồn) thì chúng ta sẽ thấy hoàn toàn thất vọng. Sự thật là không bao giờ có sự trùng khít về nghĩa trong những trường hợp này. Ví dụ như ta có từ capital có các nghĩa là tư bản, vốn, thủ đô, thủ phủ, chữ viết hoa; nhưng khi ta tra ngược lại để kiểm tra xem từ thủ phủ có thực đúng là capital không thì ta sẽ cảm thấy rất bối rối vì cũng lại có rất nhiều nghĩa tương đương khác, đó là: capital city, capital, chief city, chief town, metropolis.