Bên cạnh những điểm chung với các hoạt động kinh tế thì CTTC còn mang những đặc thù riêng bởi vậy hoạt động CTTC chịu sự tác động của nhiều nhân tố như môi trường pháp lý, môi trường kinh tế, cơ chế hoạt động của bên cho thuê tài chính, cơ chế hoạt động của bên đi thuê tài chính và một số nhân tố khác.
1.1.7.1. Môi trường pháp lý
Để hoạt động CTTC ra đời, tồn tại và phát triển thì môi trường pháp lý đóng vai trò vô cùng quan trọng. Môi trường pháp lý cho hoạt động CTTC bao gồm:
+ Hệ thống các văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động CTTC như các Nghị định, Thông tư, Quyết định quy định tổ chức hoạt động của các công ty CTTC, hướng dẫn thi hành nghiệp vụ CTTC…
+ Hệ thống thuế và các chuẩn mực kế toán có liên quan đến hoạt động CTTC như luật các tổ chức tín dụng, luật doanh nghiệp, các luật về thuế…
Do đặc thù của hoạt động CTTC nên hoạt động này chịu sự điều chỉnh của rất nhiều các văn bản pháp luật có liên quan, chính bởi vậy rất cần thiết phải có sự đồng bộ giữa các văn bản đó. Với một nền kinh tế mở cửa như hiện nay thì các văn bản pháp luật không chỉ đòi hỏi phải phù hợp với thực trạng trong nước mà còn phải phù hợp với các thông lệ quốc tế. Luật pháp cần có sự đảm bảo an toàn đối với quyền sở hữu của người cho thuê, lợi ích của người đi thuê và đảm bảo hợp đồng CTTC cùng tài sản cho thuê tuân thủ theo pháp luật. Hơn nữa, hành lang pháp lý cũng cần có
những chính sách ưu đãi về thuế, về vốn để khuyến khích, thu hút các nguồn đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy chuyển giao công nghệ thông qua hoạt động CTTC. Chính tất cả điều này đòi hỏi các nhà làm luật cần có sự quan tâm hơn nữa để tạo ra một môi trường pháp lý đồng bộ cho hoạt động CTTC phát triển.
1.1.7.2. Môi trường kinh tế
Bất kỳ một hoạt động kinh doanh nào cũng không tránh khỏi tác động của môi trường kinh tế. Một nền kinh tế ổn định và phát triển sẽ thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh trong đó, ngược lại một nền kinh tế bất ổn sẽ tạo ra những rủi ro cho hoạt động sản xuất kinh doanh, kìm chế sự phát triển của các hoạt động đó. Môi trường kinh tế bao gồm các yếu tố: lãi suất, tỷ giá, cơ sở hạ tầng, các chính sách kinh tế, sự tiến bộ của khoa học và công nghệ… Môi trường kinh tế có tác động đáng kể đến sự hình thành và phát triển của các công cụ tài chính, các định chế tài chính, trong đó không loại trừ hoạt động CTTC. Trong giai đoạn hiện nay khi yếu tố khoa học công nghệ không ngừng biến đổi thì nhu cầu đổi mới trang thiết bị máy móc của các doanh nghiệp là điều dễ hiểu. Các doanh nghiệp cần cải tiến trang thiết bị công nghệ để có thể nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Điều này đã tạo ra cơ hội cho hoạt động CTTC được phát triển nhưng đây cũng đồng thời là thử thách với các công ty CTTC bởi làm sao để đáp ứng được yêu cầu của khách hàng là điều không hề dễ.
1.1.7.3. Cơ chế hoạt động của bên cho thuê tài chính
Các yếu tố liên quan đến hoạt động CTTC xét từ khía cạnh hoạt động của công ty CTTC bao gồm: năng lực tài chính, đội ngũ nhân viên, cơ sở vật chất kỹ thuât, mô hình kiểm soát và quản trị công ty, quan điểm của nhà lãnh đạo và chính sách Marketing.
- Năng lực tài chính: khi nhu cầu CTTC ngày càng gia tăng, các công ty CTTC sẽ không thể hoạt động hiệu quả và đáp ứng nhu cầu của khách
hàng nếu như bị hạn chế về quy mô vốn.
- Đội ngũ nhân viên: nhân tố con người bao giờ cũng là nhân tố chủ thể của các hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong lĩnh vực CTTC, bên cạnh các cán bộ chuyên ngành tư vấn về CTTC còn cần đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật…
- Cơ sở vật chất kỹ thuật: với một hệ thống chi nhánh rộng khắp cùng các trang thiết bị hiện đại, các công ty CTTC dễ dàng nắm bắt được yêu cầu thực tế của khách hàng.
- Mô hình kiểm soát và quản trị của công ty CTTC: một mô hình kiểm soát phù hợp sẽ thúc đẩy công ty hoạt động hiệu quả, từ đó nâng cao uy tín của công ty, doanh số và lợi nhuận cũng gia tăng.
- Quan điểm của nhà lãnh đạo: nhà lãnh đạo là người sẽ dẫn dắt hoạt động của công ty. Nếu nhà lãnh đạo là người đi đúng với thực tế thị trường, luôn tìm tòi, đổi mới thì họ sẽ giúp công ty mở rộng quy mô hoạt động, chiếm lĩnh thị trường và gia tăng lợi nhuận. Bởi vậy, việc lựa chọn lãnh đạo cho công ty không phải là vấn đề đơn giản.
- Chính sách Marketing: việc áp dụng nhiều hình thức tuyên truyền, quảng bá về hoạt động CTTC đến các khách hàng là vô cùng cần thiết bới nó sẽ giúp khách hàng hiểu hơn và tiếp cận nhiều hơn đến dịch vụ CTTC. Chính bởi vậy các công ty CTTC cần phát triển hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, đào tạo đội ngũ nhân viên Marketing có năng lực để hướng dẫn cho khách hàng về các lợi ích, thủ tục khi sử dụng dịch vụ CTTC. Các yếu tố này giúp hoạt động CTTC đáp ứng được nhu cầu của khách hàng thuê và cũng đồng thời là nhân tố giúp thị trường CTTC sôi động.
- Ngoài ra, các công ty CTTC cần thiết lập một mạng lưới các nhà cung cấp thiết bị uy tín nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty.
1.1.7.4. Cơ chế hoạt động của bên đi thuê tài chính
Cách thức sử dụng vốn, cách thức huy động vốn, nhu cầu đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp tác động đến hiệu quả hoạt động của bất kỳ một doanh nghiệp nào. Với cùng một khoản vốn, nếu doanh nghiệp biết
cách sử dụng hiệu quả thì hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng được mở rộng, kéo theo nhu cầu đổi mới trang thiết bị máy móc cũng tăng lên nhanh chóng. Do đó nhu cầu vốn trung và dài hạn để đổi mới trang thiết bị máy móc của doanh nghiệp cũng tăng lên. Đây là một điều kiện quan trọng thúc đẩy sự phát triển của CTTC.
1.1.7.5. Các yếu tố khác
Một số các yếu tố khác cũng tác động đến hoạt động CTTC như: cơ chế hoạt động của người cung ứng tài sản, cơ chế hoạt động của người cho vay…
Về cơ chế hoạt động của người cung ứng tài sản: khi bên cung ứng tài sản hoạt động kinh doanh tốt với nhiều chủng loại máy móc, thiết bị và công nghệ đáp ứng được yêu cầu của khách hàng sẽ thúc đẩy bên đi thuê cải tiến kỹ thuật công nghệ. Sự chuyên nghiệp trong hoạt động, dịch vụ sẽ làm cho khách hàng tin tưởng vào công ty và ký kết nhiều hợp đồng mua bán hơn nữa.
Về cơ chế hoạt động của bên cho vay: nếu bên cho vay có được nguồn vốn dồi dào, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người đi vay sẽ thúc đẩy bên cho thuê trong việc ký kết các hợp đồng CTTC vượt quá khả năng nguồn vốn của mình. Điều này đem lại lợi nhuận cho cả bên cho thuê và bên cho vay, đồng thời thúc đẩy hoạt động CTTC phát triển.